CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Việt Nam, ngày 04 tháng 6 năm 2020
KIẾN NGHỊ XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM CỦA HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO ĐỐI VỚI VỤ ÁN HỒ DUY HẢI
(Kiến nghị số 02 VAHDH)
Kính gửi:
– Chủ tịch Nước
– Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Đồng kính gửi:
– Ủy ban Tư pháp Quốc hội
– Ông Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao
– Ông Chánh án Toà án nhân dân tối cao
– Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Chúng tôi, những luật sư tham gia kiến nghị này đã theo dõi phiên toà giám đốc thẩm về vụ án Hồ Duy Hải của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao (từ ngày 6/5 đến ngày 8/5/2020) theo kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao – một vụ án được nhân dân và dư luân trong và ngoài nước rất quan tâm. Ngày 08/5/2020, ông Nguyễn Hoà Bình – Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Chủ tọa phiên toà giám đốc thẩm thay mặt Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ký ban hành Quyết định số 50/2020/HS-GĐT (“QĐGĐT” ) giải quyết vụ án Hồ Duy Hải. Ngày 15/5/2020, chúng tôi đã có Kiến nghị xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm này (Kiến nghị số 01 VAHDH).
Nay trên cơ sở nghiên cứu toàn văn QĐGĐT, chúng tôi bổ sung thêm những ý kiến làm rõ những căn cứ “vi phạm pháp luật nghiêm trọng” theo Điều 404 BLTTHS để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại QĐGĐT này. Chúng tôi nhận thấy QĐGĐT này, kết quả của phiên toà giám đốc thẩm, có những vi phạm nghiêm trọng pháp luật sau, thể hiện trong quá trình phiên tòa giám đốc thẩm và trong văn bản QĐGĐT:
1. Việc ông Chánh án TANDTC làm Chủ tọa phiên toà giám đốc thẩm là vi phạm nguyên tắc cơ bản “bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng” được quy định tại Điều 21 BLTTHS, vi phạm khoản 3 Điều 49 và khoản 1.c Điều 53 BLTTHS.
Chúng tôi đã phân tích vi phạm này tại điểm 1 của Kiến nghị số 01 VAHDH.
2. Ông Chủ tọa phiên toà khi điều hành phiên toà vi phạm khoản 2 Điều 386 BLTTHS và Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán.
Trong phần phân tích số 2 kèm theo Kiến nghị số 01 VAHDH, chúng tôi đã chứng minh ông Chủ tọa phiên toà vi phạm khoản 2 Điều 386 BLTTHS.
Trong phân tích số 1 kèm theo Kiến nghị số 01 này, chúng tôi cũng đưa ra những ví dụ ông Chánh án Nguyễn Hoà Bình không khách quan vô tư khi đưa ra ý kiến, kết luận “định hướng” các thành viên Hội đồng thẩm phán (là cấp dưới của ông) trước khi họ cho ý kiến, thảo luận và biểu quyết. Việc này vi phạm khoản 3 Điều 5 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán (được ban hành ngày 4/7/2018) “Thẩm phán không được có bất cứ phát biểu hay bình luận nào tại phiên tòa, phiên họp, trước công chúng hoặc truyền thông làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc một cách vô tư, khách quan.”
3. Nội dung QĐGĐT không đầy đủ theo khoản 1 Điều 381 và Điều 389 BLTTHS.
Phần cuối của QĐGĐT này ghi: “ Căn cứ khoản 5 Điều 382, khoản 1 Điều 388 và Điều 389 Bộ luật tố tụng hình sự; Không chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 15/QĐ-VKSTC-V7 ngày 22/11/2019 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao”.
Nội dung này còn thiếu theo khoản 1 Điều 388 và Điều 389 đoạn “và giữ nguyên các bản án đã có hiệu lực pháp luật đã bị kháng nghị”, tức giữ nguyên bản án phúc thẩm vụ án Hồ Duy Hải.
Nhưng để giữ nguyên bản án phúc thẩm này (cũng là giữ nguyên bản án sơ thẩm), theo Điều 389 BLTTHS, Hội đồng Thẩm phán phải xem xét các bản án này và chứng minh hai bản án đó có căn cứ và đúng pháp luật. Tuy nhiên việc không có đoạn này trong QĐGĐT không những cho thấy Hội đồng Thẩm phán vi phạm BLTTHS, mà còn thể hiện họ do dự về các bản án sơ thẩm, phúc thẩm, không dám khẳng định các bản án này là có căn cứ và đúng pháp luật!
4. Hội đồng thẩm phán sử dụng các chứng cứ không hợp pháp theo quy định của BLTTHS làm căn cứ cho quyết định giám đốc thẩm của mình, vi phạm các Điều 87 và Điều 108 BLTTHS.
Theo Điều 108 BLTTHS 2015 (tương ứng với Điều 66 BLTTHS 2003), mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án.
Như vậy Hội đồng thẩm phán lẽ ra phải kiểm tra đánh giá những chứng cứ đã thu thập trong vụ án có hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án hay không, nhất là những chứng cứ mà Hội đồng thẩm phán làm căn cứ cho QĐGĐT của mình. Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy, Hội đồng thẩm phán đã không làm việc đó đối với phần lớn các chứng cứ, tài liệu được nêu trong QĐGĐT. Đặc biệt chúng tôi thấy có nhiều chứng cứ, tài liệu được Hội đồng thẩm phán sử dụng làm căn cứ trong QĐGĐT để bác kháng nghị của VKSNDTC là không hợp pháp, không xác thực hoặc không liên quan đến vụ án, vi phạm nghiêm trọng các Điều 87 và Điều 108 BLTTHS. Chúng tôi xin nêu một số ví dụ sau (và được chứng minh cụ thể trong Phân tích số 9):
i. Lời khai của ông Đinh Vũ Thường (BL 250);
ii. Biên bản kiểm tra ngày 14/7/2008;
iii. Hai đống tro thu được từ việc mở rộng việc khám xét tối 21/3/2008;
iv. Lời khai của Nguyễn Thanh Hải ngày 20/11/2008 tại VKS;
v. Biên bản xác định đồ vật ngày 15/8/2008 (BL133);
vi. Hai biên bản nhận dạng vật không liên quan đến vụ án (BL134 và BL 144).
Riêng về những lời khai của Hồ Duy Hải, Hội đồng thẩm phán chưa đánh giá về tính hợp pháp, xác thực của các lời khai của Hồ Duy Hải, tại sao sử dụng lời khai này của bị cáo làm chứng cứ, lời khai kia lại không, khi Hồ Duy Hải lúc kêu oan, lúc nhận tội, nhưng có những lời khai nhận tội khác nhau, mâu thuẫn nhau. Đặc biệt luật sư Võ Thành Quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thông đồng các cơ quan tố tụng tỉnh Long An, không thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của người bào chữa để bảo vệ thân chủ nên ngay cả 3 lời khai của Hồ Duy Hải có mặt luật sư Quyết cần xem xét có hợp pháp, xác thực hay không. (Xem Phân tích số 10 kèm theo).
5. Nhiều nhận định của Quyết định giám đốc thẩm là suy diễn, áp đặt, sai lầm nghiêm trọng.
Chúng tôi xin nêu một số ví dụ:
i/ Tại trang 9 QĐGĐT, Hội đồng thẩm phán cho rằng thời gian Hồ Duy Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19h34’09’’.
ii/ Tại các trang 12 và 13 QĐGĐT, Hội đồng thẩm phán nhận định “Việc không trùng khớp dấu vân tay thu được tại hiện trường với dấu vân tay của Hồ Duy Hải không phải là tình tiết chứng minh yếu tố ngoại phạm của Hồ Duy Hải”.
iii/ Tại trang 18 QĐGĐT, Hội đồng thẩm phán có quan điểm: Việc CQĐT không giám định thời điểm chết của các nạn nhân là thiếu sót, nhưng thiếu sót này không làm thay đổi bản chất của vụ án.
iv/ Tại trang 20 QĐGĐT, Hội đồng thẩm phán thừa nhận có nhiều bút lục trong hồ sơ vụ án là những vi phạm, sai sót vì không tuân thủ quy định thủ tuc tố tụng, nhưng các bản án sơ thẩm, phúc thẩm đều không viện dẫn, trích các bút lục có vi phạm để làm chứng cứ kết tội bị cáo, do đó không phải là vi phạm nghiêm trọng và không làm thay đổi bản chất vụ án.
Chúng tôi chứng minh chi tiết trong Phân tích số 11 kèm theo.
6. Có đủ căn cứ xác định nhiều người tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đã gian dối, cẩu thả, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng được bao che bởi Quyết định giám đốc thẩm này. (xem Phân tích số 12 kèm theo).
7. Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án HDH đều không có căn cứ và không đúng pháp luật, lẽ ra phải bị huỷ. Có đủ các căn cứ theo Điều 371 BLTTHS để hủy các bản án để điều tra lại. Việc HĐTP không hủy các bản án là vi phạm nghiêm trọng pháp luật! (Xem Phân tích số 13 kèm theo).
Vì các lẽ trên, ngoài những nội dung trong Kiến nghị số 01 VAHDH, chúng tôi kiến nghị như sau:
Trường hợp có những yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại Quyết định của Hội đồng thẩm phán, ông Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình không làm Chủ tọa và không tham gia các phiên họp của Hội đồng thẩm phán cũng như chỉ đạo các công tác khác liên quan, mà cử một Phó Chánh án khác thực hiện nhiệm vụ của Chánh án.
1. Trước khi mở phiên họp để giải quyết các yêu cầu, kiến nghị, đề nghị, TAND tối cao cần có thông báo cho công chúng, đề nghị bất cứ ai biết được thông tin, tài liệu có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết vụ án cung cấp thông tin, tài liệu cho TAND tối cao và VKSND tối cao.
2. TAND tối cao nên trưng tập những chuyên gia về pháp luật hình sự và về kỹ thuật hình sự độc lập để thẩm tra và giúp Hội đồng thẩm phán tham khảo ý kiến ít nhất về hai vấn đề:
a/. Những chứng cứ nào được các bản án sơ thẩm, phúc thẩm làm căn cứ để xác định tình tiết vụ án, kết tội Hồ Duy Hải và những chứng cứ đó có hợp pháp (thu thập theo đúng trình tự, thủ tục của BLTTHS 2003), xác thực và liên quan đến vụ án ? Những chứng cứ nào xác định Hồ Duy Hải có thể không phạm tội nhưng đã bị các cấp sơ thẩm, phúc thẩm không xem xét, phân tích?
b/. Đối với dấu vân tay thu tại tay nắm vòi của lavabo trong phòng vệ sinh Bưu điện Cầu Voi khi khám nghiệm hiện trường ngày 14/01/2008, đã được xác định không phải là dấu vân tay của Hồ Duy Hải, đề nghị các chuyên gia hình sự thực nghiệm, phân tích, làm rõ: Tình tiết khách quan này có phù hợp lời khai của Hồ Duy Hải rằng Hải sau khi sát hại bị hại Ánh Hồng đã vào phòng vệ sinh rửa tay, rửa dao để làm sạch vết máu, và cũng làm như vậy sau khi sát hại bị hại Thu Vân (như vậy ít nhất 04 lần Hải sử dụng tay nắm vòi lavabo và phải xóa vết máu trên tay nắm bị rớt từ tay dính máu của Hải ).
3. Ngoài ra, chúng tôi đề nghị VKSNDTC yêu cầu Cục điều tra VKSNDTC thụ lý Đơn tố cáo đề ngày 08/6/2017 V/v: làm sai lệch hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải, người bị truy tố về tội giết người tại Bưu điện Cầu Voi tháng 1/2008 của bà Nguyễn Thị Loan (mẹ Hồ Duy Hải), được luật sư Trần Hồng Phong soạn thảo, gửi đến các cơ quan trong đó có VKSNDTC.
4. Chúng tôi cũng đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam xem xét trường hợp luật sư Võ Thành Quyết, dù ông đã mất, do có dấu hiệu các cơ quan tố tụng tỉnh Long An chỉ định ông Quyết làm luật sư cho Hồ Duy Hải không đúng pháp luật, bản thân ông Quyết có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không thực tâm bảo vệ thân chủ, chỉ phục vụ lợi ích các cơ quan tố tụng tỉnh này, hợp thức hóa nhiều sai phạm của họ. Theo chúng tôi, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có cuộc hội thảo chuyên sâu về vụ án này, đặc biệt về vai trò luật sư trong vụ án để có kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền và rút kinh nghiệm chung cho giới luật sư.
Trân trọng cảm ơn.
CÁC PHÂN TÍCH CỦA LUẬT SƯ KÈM THEO KIẾN NGHỊ VỤ ÁN HỒ DUY HẢI – LẦN 2 (TIẾP THEO CÁC PHÂN TÍCH CỦA LUẬT SƯ KÈM THEO KIẾN NGHỊ SỐ 01 VAHDH)
9. Phân tích số 09:
Hội đồng thẩm phán sử dụng các chứng cứ không hợp pháp theo quy định của BLTTHS làm căn cứ cho Quyết định giám đốc thẩm của mình, vi phạm các Điều 87(1) và Điều 108(2) BLTTHS 2015.
Chứng cứ phải là những gì có thật và phải được thu thập theo trình tự, thủ tục của BLTTHS được dùng để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Theo quy định của BLTTHS 2003 và BLTTHS 2015, mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Kể cả trong trường hợp chứng cứ là có thật, nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục BLTTHS quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án.
Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy, Hội đồng thẩm phán chưa kiểm tra đối với phần lớn các chứng cứ, tài liệu được nêu trong QĐGĐT. Đặc biệt chúng tôi thấy có nhiều chứng cứ, tài liệu được Hội đồng thẩm phán sử dụng làm căn cứ trong QĐGĐT để bác kháng nghị của VKSNDTC là không hợp pháp, không xác thực hoặc không liên quan đến vụ án, vi phạm nghiêm trọng BLTTHS 2003 và BLTTHS 2015, xin nêu 06 ví dụ:
i. Lời khai của anh Đinh Vũ Thường (BL 250)
Trong QĐGĐT đã đề cập nhiều lần về lời khai của nhân chứng Thường, trong đó tại trang 19 ghi “Khi vào bưu điện, anh dựng xe máy kế 01 chiếc xe loại dream màu nho bên trái, xe có kính chiếu hậu màu đen loại theo xe nhưng gọng kính bị cắt cụt hơn kính theo xe mô tô”. Trong QĐGĐT không nêu BL 250 được lập ngày nào, luật sư Trần Hồng Phong cho biết được lập vào ngày 31/3/2008, sau khi Hồ Duy Hải bị bắt và gần 80 ngày sau khi vụ án mạng xảy ra. Theo nhận thức thông thường của mọi người, không ai có thể sau từng đó ngày (thậm chí sau vài ngày) có thể để ý chi tiết đến tình trạng xe của một người không quen biết như vậy. Luật sư Trần Hồng Phong đã phân tích trong Đơn đề nghị giám đốc thẩm ngày 16/02/2012 (trang 8, cho biết anh Thường còn khai “không để ý xe có bửng và kính chiếu hậu phải hay không”, “không để ý trên xe có để đồ vật gì không”. Như vậy lời khai của anh Thường vừa không xác thực, vừa mâu thuẫn, có dấu hiệu được mớm cung nên không thể sử dụng làm chứng cứ hợp pháp để xác định tình tiết trên và các tình tiết khác của vụ án. Lẽ ra nếu anh Thường nhớ chi tiết như vậy sau vụ án mạng 80 ngày, anh Thường đã khai tại CQĐT khi bị triệu tập ngay sau vụ án mạng (nhưng thực tế CQĐT đã không lưu hồ sơ những lời khai này). Liên quan lời khai này của anh Thường còn có biên bản nhận dạng xe cùng ngày 31/3/2008, luật sư Trần Hồng Phong đã phân tích anh Thường khai không biết số xe nhưng điều tra viên đã điền thêm số xe vào trong biên bản, chứng minh có việc mớm cung hoặc cố ý viết sai nội dung khai của anh Thường. Trong phiên tòa giám đốc thẩm và QĐGĐT, không thấy Hội đồng thẩm phán kiểm tra, đánh giá tính hợp pháp của chứng cứ này theo như quy định của BLTTHS.
ii. Biên bản kiểm tra ngày 14/7/2008
Biên bản kiểm tra thời gian ngày 14/7/2008 của CQĐT về xác minh thời gian đi lại của Hồ Duy Hải từ nhà đến Bưu điện Cầu Voi không phải là chứng cứ hợp pháp vì không theo trình tự, thủ tục nào của BLTTHS 2003. Không có điều khoản nào trong BLTTHS (cả 2003 lẫn 2015) quy định về trình tự thủ tục kiểm tra thời gian, mà chỉ có quy định về thực nghiệm điều tra (Điều 153 BLTTHS 2003(3) tương ứng Điều 204 BLTTHS 2015), nên QĐGĐT tại các trang 8 và 9 sử dụng chứng cứ không hợp pháp này để kết tội Hồ Duy Hải là vi phạm nghiêm trọng BLTTHS.
iii. Hai đống tro thu được từ việc mở rộng khám xét tối 21/3/2008
Theo trang 14 QĐGĐT, CQĐT giải trình sau khi 01 điều tra viên lấy lời khai của Hồ Duy Hải, Hải khai về việc đốt quần áo mặc khi gây án, điều tra viên này đã thông báo cho điều tra viên đang chủ trì khám xét nhà Hải, nên việc khám xét được tiến hành mở rộng ngoài phạm vi lệnh khám xét (khám xét nhà Hải, mở rộng sang khám xét nhà bà Len, dì của Hải) và thu được 02 đống tro tại nhà bà Len. Việc khám xét mở rộng này chỉ hợp pháp nếu có lệnh khám xét riêng nhà bà Len hoặc lệnh khám xét bổ sung lệnh khám xét trước, kể cả ngoài phạm vi nơi ở của Hải mới đúng trình tự theo Điều 141 BLTTHS 2003(4) nên việc CQĐT thu giữ 02 đống tro tại nhà của bà Len cần xác định là thu thập không theo trình tự, thủ tục của BLTTHS, do đó chứng cứ này (hai đống tro) không được coi là hợp pháp theo Điều 87 BLTTHS 2015 (tương ứng Điều 64 BLTTHS 2003).
iv) Lời khai của Nguyễn Thanh Hải ngày 20/11/2008 tại VKS
Trong các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm và đặc biệt khi làm việc với bà Lê Thị Nga, Hồ Duy Hải, đều kêu oan và cho rằng việc khai chi tiết các phòng và đồ vật trong Bưu điện Cầu Voi là do nghe ông Nguyễn Thanh Hải – Công an viên xã Nhị Thành kể lại.
Để bác bỏ lời khai này của Hồ Duy Hải, Hội đồng thẩm phán sử dụng lời khai của ông Nguyễn Văn Hải tại VKS vào ngày 20/11/2008 (trang 17 QĐGĐT) sau khi đã có Cáo trạng ngày 01/10/2008 của VKSND tỉnh Long An và hồ sơ vụ án đã được chuyển sang Tòa án để xét xử. Thực tế lời khai này của ông Hải không được lưu trong hồ sơ vụ án, nên không thể coi là thu thập theo đúng trình tự thủ tục và việc sử dụng lời khai này trong QĐGĐT tại trang 17 là trái BLTTHS.
v. Biên bản xác định đồ vật ngày 15/8/2008 (BL133)
Hội đồng thẩm phán đã thừa nhận BL133 là chứng cứ được thu thập không hợp pháp (trang 20 QĐGĐT). Lẽ ra Hội đồng thẩm phán cần loại bỏ chứng cứ này trong phiên tòa giám đốc thẩm, nhưng việc Hội đồng thẩm phán sử dụng chứng cứ này làm căn cứ cho nhận định của mình đương nhiên là vi phạm BLTTHS.
vi. Hai biên bản nhận dạng vật không liên quan đến vụ án (BL134 và BL 144)
Hai Biên bản nhận dạng này được Hội đồng thẩm phán sử dụng làm chứng cứ để xác định Hồ Duy Hải dùng hung khí là con dao, thớt trong vụ án (trang 18 QĐGĐT). Tuy nhiên CQĐT đã cho Hồ Duy Hải nhận dạng đối với những vật được coi là tương tự chứ không phải vật chứng của vụ án mà theo CQĐT đã bị tiêu hủy (cái thớt dính máu bị tiêu hủy, con dao được phát hiện sau khi khám nghiệm hiện trường cũng bị tiêu hủy). Theo nguyên tắc, việc nhận dạng vật phải là vật có thật và liên quan đến vụ án, không cho phép nhận dạng vật không liên quan đến vụ án. Con dao, thớt được đem ra nhận dạng tuy là vật tương tự với các vật chứng, nhưng khi nhận dạng không có vật chứng (vì đã bị tiêu hủy) nên những vật được nhận dạng này không liên quan đến vụ án nên việc nhận dạng này là trái khoản 2 Điều 139 BLTTHS 2003(5) (Số người, vật hoặc ảnh đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và về bề ngoài phải tương tự giống nhau). Ngoài ra QĐGĐT đã thừa nhận BL144 có sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng, lẽ Hội đồng thẩm phán không được sử dụng chứng cứ không hợp pháp này làm căn cứ cho QĐGĐT.
10. Phân tích số 10:
Những lời khai của Hồ Duy Hải chưa được đánh giá về tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án theo Điều 108 BLTTHS 2015 (tương ứng Điều 66 BLTTHS 2003), nhiều mâu thuẫn và không phù hợp khách quan, nên không thể coi là chứng cứ hợp pháp để kết tội bị cáo.
Trang 21 QĐGĐT có liệt kê: “Hải có 25 lời khai, trong đó có 03 lời khai do Viện Kiểm sát nhân dân tiến hành ở giai đoạn truy tố, 03 lời khai có Kiểm sát viên và Luật sư bào chữa tham gia, Hải đều khai nhận giết chị Nguyễn Thị Ánh Hồng và chị Nguyễn Thị Thu Vân…” Nhưng Hội đồng thẩm phán không kiểm tra, xác định những lời khai nào của Hồ Duy Hải là chứng cứ hợp pháp để làm căn cứ kết tội bị cáo, mặc dù trong QĐGĐT ghi tại nhiều trang về lời khai của Hải, có điểm không ghi BL, có điểm ghi BL nhưng phần nhiều BL không ghi rõ được lập ngày nào. Theo liệt kê trên ngoài 03 lời khai có luật sư bào chữa tham gia, 22 lời khai còn lại không có luật sư bào chữa tham gia, trong khi theo quy định BLTTHS, trường hợp Hồ Duy Hải bị cáo buộc tội giết người bắt buộc phải có luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra. Như vậy 22 lời khai này không có luật sư bào chữa tham gia và cũng không được các cơ quan tố tụng đánh giá lý do của việc luật sư không tham gia có phù hợp trình tự, thủ tục của BLTTHS hay không, nên phải xác định 22 lời khai này không phải là chứng cứ hợp pháp, không được sử dụng để kết tội Hồ Duy Hải.
Trong 03 lời khai do KSV và luật sư tham gia, QĐGĐT có căn cứ 02 lời khai của Hồ Duy Hải (BL100-101 ngày 07/7/2008; BL116-121 ngày 11/7/2008) để đưa ra các nhận định của Hội đồng thẩm phán tại các trang 9, 10, 11, 16. Tại phân tích 8 của Kiến nghị 01 VAHDH, chúng tôi đã chỉ ra “Có dấu hiệu luật sư do các cơ quan tố tụng tỉnh Long An chỉ định bào chữa cho Hồ Duy Hải, vì lợi ích các cơ quan tố tụng tỉnh này, để hợp thức hóa các sai phạm của họ, cho dù luật sư này có dấu hiệu vi phạm quy định về luật sư, việc chỉ định của tòa án cấp sơ thẩm vi phạm BLTTHS”. Luật sư Trần Hồng Phong cũng đã đề cập “sự bất thường” của luật sư Võ Thành Quyết trong đơn đề nghị giám đốc thẩm đề ngày 16/02/2012. Lẽ ra Hội đồng thẩm phán cần đánh giá việc luật sư Quyết tham gia tố tụng trong gia đoạn điều tra lẫn xét xử sơ thẩm có đúng quy định của BLTTHS, và pháp luật về Luật sư hay không. Đặc biệt khi Hồ Duy Hải ngày 26/3/2008, lại có đơn từ chối luật sư do gia đình thuê và chỉ chấp nhận luật sư do CQĐT thuê, và ngay sau đó ngày 01/4/2008, CQĐT đã đề nghị Đoàn luật sư tỉnh Long An cử đích danh ông Quyết (trước đây là Thủ trưởng CQĐT Công an tỉnh Long An) làm luật sư chỉ định cho Hồ Duy Hải (Tài liệu 9). Theo chúng tôi với 02 tình tiết trên, đủ xác định ông Quyết là luật sư phục vụ cho lợi ích của CQĐT nên không thể bảo vệ tốt cho người được bào chữa là Hồ Duy Hải. Thực tế ông Quyết không tham gia làm luật sư chỉ định cho Hải cho đến ngày 07/7/2008 mà không có lý do chính đáng. Trong khi ngày 21/6/2008, ông Quyết đã ký Hợp đồng dịch vụ với gia đình Hồ Duy Hải, nhưng lại không đăng ký với các cơ quan tố tụng là luật sư do gia đình thuê. Việc chỉ định hay công nhận luật sư Quyết (được gia đình mời) tham gia bào chữa cho Hồ Duy Hải đều không theo trình tự, thủ tục của BLTTHS, do đó những buổi hỏi cung tại CQĐT có luật sư Quyết tham gia cũng không hợp pháp, dẫn đến những lời khai của Hồ Duy Hải trong các buổi hỏi cung (mà ông Quyết tham gia) cũng phải coi là thu thập không theo trình tự, thủ tục tố tụng và không hợp pháp, không thể làm căn cứ để kết tội bị cáo.
Đối với những lời khai tại các phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm đều thể hiện Hồ Duy Hải không nhận tội, Hồ Duy Hải chỉ thừa nhận có khai nhận tội nhưng khẳng định không có hành vi giết người. Nhận định của QĐGĐT tại trang 21 (rằng Hồ Duy Hải tại hai phiên tòa này có nhận tội) là không thỏa đáng và không đúng theo các biên bản phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm cũng như theo phản ánh của báo chí (Tài liệu 10).
Ngoài ra những lời khai của Hồ Duy Hải không phù hợp với những tình tiết, chứng cứ của vụ án, không phù hợp khách quan. Luật sư Trần Hồng Phong đã phân tích rất kỹ trong các đơn đã gửi trước đây và gần đây đến các cơ quan pháp luật, chúng tôi xin không nhắc lại trong Kiến nghị này.
Nhận định của Hội đồng thẩm phán tại trang 21 QĐGĐT rằng không có mớm cung, bức cung, ép cung, nhục hình đối với Hồ Duy Hải trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử theo chúng tôi là chưa thỏa đáng, chưa có căn cứ để khẳng định, trong khi luật sư Trần Hồng Phong và gia đình Hồ Duy Hải đã chứng minh có một loạt việc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án (Tài liệu 11). Ngay trong phiên tòa giám đốc thẩm, điều tra viên đã thừa nhận bản vẽ con dao là do điều tra viên vẽ, tức cũng thừa nhận chính điều tra viên đã mớm cung cho Hồ Duy Hải.
Vì những lý do trên, lẽ ra Hội đồng thẩm phán không được sử dụng lời khai thường xuyên mâu thuẫn, thay đổi của Hồ Duy Hải làm căn cứ cho QĐGĐT để bác kháng nghị của VKSNDTC.
11. Phân tích số 11:
Nhận định của HĐTP trong QĐGĐT là suy diễn, áp đặt, sai lầm nghiêm trọng.
Hầu hết các nhận định của Hội đồng thẩm phán theo chúng tôi là sai lầm nghiêm trọng, xin ví dụ 3 nhận định sau:
i/ Hội đồng thẩm phán nhận định tại QĐGĐT trang 12 và 13 “Việc không trùng khớp dấu vân tay thu được tại hiện trường với dấu vân tay của Hồ Duy Hải không phải là tình tiết chứng minh yếu tố ngoại phạm của Hồ Duy Hải”, nhưng không phân tích, chứng minh cho nhận định này.
Trong các dấu vân tay thu được tại hiện trường, có dấu vân tay thu được trên tay nắm mở vòi nước ở lavabo trong nhà vệ sinh. Như Phân tích 6 kèm theo Kiến nghị số 01 VAHDH, nếu hung thủ sau khi sát hại bị hại Ánh Hồng đã vào phòng vệ sinh rửa tay, rửa dao để làm sạch vết máu, và cũng làm như vậy sau khi sát hại bị hại Thu Vân theo như lời khai của Hồ Duy Hải (như vậy ít nhất 04 lần hung thủ sử dụng tay nắm vòi lavabo và phải xóa vết máu trên tay nắm bị rớt từ tay dính máu của hung thủ ), thì dấu vân tay của hung thủ (lẫn dấu vân tay của những người khác để lại trước đó) hoặc bị làm sạch và không thu được dấu vân tay này trên tay nắm vòi nước ở lavabo hoặc nếu thu được phải là của hung thủ (dấu vân tay cho lần nắm tay nắm vòi cuối cùng). Nhưng dấu vân tay này không phải là của Hồ Duy Hải nên Hồ Duy Hải không phải là hung thủ hoặc ít nhất lời khai nhận tội của Hồ Duy Hải về tình tiết là đã rửa tay, rửa dao sạch máu là không đúng, trong khi tình tiết này cũng được Hội đồng thẩm phán sử dụng làm căn cứ nhận định khác tại trang 12 QĐGĐT để giải thích việc cổng sau không có bất kỳ vết máu nào để lại. Vì vậy, nhận định trên của Hội đồng thẩm phán về tình tiết những dấu vân tay trên hiện trường không phải của Hồ Duy Hải là nhận định mang tính chủ quan và sai lầm nghiêm trọng.
ii/ Hội đồng thẩm phán nhân định về thời điểm chết của các nạn nhân tại QĐGĐT trang 18 và cho rẳng “CQĐT không giám định thời điểm chết của các nạn nhân là có thiếu sót… Thiếu sót nêu trên không thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết phải điều tra lại”. Chúng tôi cho rằng, nhận định trên đây của Hồi đồng thẩm phán là sai lầm nghiêm trọng vì:
Trong QĐGĐT cũng thừa nhận giám định viên “có thể giám định nạn nhân chết trong khoảng thời gian bao lâu kể từ thời điểm bữa ăn cuối”, có nghĩa xác định được một tình tiết rất quan trọng của vụ án, không phụ thuộc vào lời khai chủ quan của nghi can. Theo hồ sơ vụ án (cũng được trích trong trang 10, QĐGĐT), chị Lê Thị Thu Hiếu (cũng là nhân viên Bưu điện Cầu Voi) khai các nạn nhân và chị đã ăn cơm trưa, bát đũa và bếp đã được dọn dẹp sạch sẽ, chị Hiếu ra về lúc 17h, khi đó chưa có việc các nạn nhân ăn sau bữa ăn trưa. Có nghĩa nếu các nạn nhân có ăn sau bữa ăn trưa, là ăn sau 17h, nếu tính cả chuẩn bị bữa ăn, phải ăn sau khoảng 17h30’. CQĐT xác định các nạn nhân chết khoảng 20h30’, và giả thiết các giám định viên xác định được khoảng thời gian bữa ăn cuối trước khi chết là 04h (theo như phân tích của luật sư Trần Hồng Phong trong Đơn đề nghị giám đốc thẩm 2012 Phần III. Nghi vấn về thời gian chết của hai nạn nhân, dựa trên Giáo trình Pháp y học – ĐH Y Dược TP. HCM)), thì bữa ăn cuối trước khi chết phải là khoảng 16h30’, trái với lời khai trên của chị Hiếu (khai ngay sau khi vụ án mạng xảy ra, nên lời khai rất đáng tin cậy). Như vậy, việc CQĐT xác định các nạn nhân chết khoảng 20h30’ (ít nhất là nạn nhân Hồng), có thể không đúng với thực tế khách quan và khoa học, do đó toàn bộ lập luận dựa trên lời khai của Hồ Duy Hải để kết tội Hải giết các nạn nhân khoảng 20h30’ (và đến 21h) ngày 13/01/2008 là không chấp nhận được, tức lời khai của Hồ Duy Hải không xác thực và không thể làm căn cứ buộc tội bị cáo.
Với lập luận như trên, việc giám định thời gian chết của các nạn nhân căn cứ vào vết máu, và các dấu vết khác thu được từ hiện trường, thi thể nạn nhân cùng lời khai của những nhân chứng khách quan có thể thay đổi kết luận của các cơ quan tố tụng về những tình tiết quan trọng nhất của vụ án, thậm chí chứng minh được Hồ Duy Hải khai sai, “thay đổi bản chất vụ án”.
iii/ Hội đồng thẩm phán đã liệt kê các BL: 85, 97, 133, 144, 211, 213 – 222, 232, 238, 244, 250 trong QĐGĐT trang 20 có sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng của CQĐT và nhận định “Bản án hình sự sơ thẩm và Bản án hình sự phúc thẩm cũng không viện dẫn, trích các bút lục có vi phạm để làm chứng cứ kết tội bị cáo. Do đó, những vi phạm, sai sót trên không phải vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng và không làm thay đổi bản chất vụ án nên không cần thiết phải điều tra lại” đây là nhận định sai lầm nghiêm trọng của Hội đồng thẩm phán, bởi vì:
Chúng tôi xem toàn văn Bản án sơ thẩm (BAST), Bản án phúc thẩm (BAPT) nhận thấy hai bản án này không nêu, viện dẫn bất cứ bút lục nào có trong hồ sơ vụ án để làm căn cứ cho nhận định, quyết định của Hội đồng xét xử. Lẽ ra, Hội đồng thẩm phán phải nhận ra các Hội đồng xét xử cấp dưới làm việc cẩu thả, vô trách nhiệm, đưa ra các bản án này không đúng quy định BLTTHS. (Xem phân tích số 12 dưới đây), và phải hủy các bản án đó, ít nhất với lý do không nêu cụ thể chứng cứ nào (BL nào) để làm căn cứ cho nhận định, quyết định của các bản án đó.
BAPT giữ nguyên BAST, trong khi BAST nhận định rằng “Bản Cáo trạng số 97/QĐ.KSĐT ngày 01/8/2008 của VKSND tỉnh Long An… là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật”. Nói cách khác, BAPT và BAST đồng quan điểm với Cáo trạng số 97 nêu trên, bao gồm cả những nội dung trong Cáo trạng này, gồm cả các BL được nêu trong Cáo trạng làm căn cứ cho nhận định và quyết định truy tố Hồ Duy Hải của VKSND tỉnh Long An. Điều đó có nghĩa, Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm đồng ý sử dụng những chứng cứ (BL) được nêu trong Cáo trạng làm căn cứ cho các bản án. Trong Cáo trạng số 97 viện dẫn các BL đã được Hội đồng thẩm phán liệt kê (nêu trên) là sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng, bao gồm các BL sau: BL 97 (trang 4 của Cáo trạng), BL 133, 144, 232 (trang 9 của Cáo trạng), BL 211, 213, 215, 217, 219, 222, 253 (trang 10 của Cáo trạng). Như vậy, các BL trên (được xác định là sai sót, vi phạm) cũng phải được coi là căn cứ cho các BAST, BAPT nên lẽ ra Hội đồng thẩm phán phải xác định vi phạm này của các bản án và không thể nhận định sai lầm như trong QĐGĐT đã nêu trên.
12. Phân tích số 12:
Có đủ căn cứ xác định nhiều người tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đã gian dối, cẩu thả, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nhưng được bao che bởi Quyết định giám đốc thẩm này.
Trong các giai đoạn tố tụng trong vụ án này, có một loạt vi phạm, chúng tôi chỉ xin nêu và phân tích một số ví dụ như sau:
i. Những vi phạm trong giai đoạn điều tra
a/ Bỏ bớt các lời khai ngay sau khi xảy ra vụ án mạng của các nhân chứng Đinh Vũ Thường và Phùng Phụng Hiếu, có dấu hiệu làm sai lệch các tình tiết của vụ án.
Hội đồng thẩm phán (trang 19 QĐGĐT) đã xem xét các tài liệu này do CQĐT công bố tại phiên tòa giám đốc thẩm và cho rằng những nội dung tài liệu không làm thay đổi bản chất vụ án, nhưng không kiểm tra, đánh gíá, phân tích những tài liệu này để chứng minh nhận định trên. Trong khi, theo nhận định của luật sư Trần Hồng Phong (như trình bày ở trên) lời khai và nhận dạng của anh Thường vào ngày 31/3/2008 có dấu hiệu bị làm sai lệch, viết thêm vào cho phù hợp những chi tiết liên quan đến Hồ Duy Hải và chiếc xe máy được cho là Hải sử dụng khi đến Bưu điện Cầu Voi. Nếu nội dung lời khai của anh Thường ngay sau khi xảy ra vụ án không giống lời khai ngày 31/3/2008, nhận định của luật sư Trần Hồng Phong là có sơ sở. Còn nếu những lời khai của anh Thường giống nhau, đương nhiên CQĐT “ưu tiên” sử dụng lời khai đầu trong hồ sơ vụ án để chứng minh tính khách quan của lời khai này hoặc Hội đồng thẩm phán sửa sai bằng cách khẳng định các lời khai này giống nhau, không bị làm sai lệch như nhận định của luật sư Phong, điều mà CQĐT lẫn Hội đồng thẩm phán đã không làm tức không có trường hợp này xảy ra. Việc ông Chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm không để luật sư Trần Hồng Phong tiếp cận tài liệu này càng chứng minh nhận định của luật sư Phong là đúng.
Riêng lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu người đầu tiên đến hiện trường vụ án, theo chúng tôi là rất quan trọng để xác định những tình tiết khách quan của vụ án. Theo Báo Pháp luật TPHCM ngày 15/01/2008 (Tài liệu 12), anh Hiếu (là bưu tá) đã đến Bưu điện Cầu Voi vào 07h sáng ngày 14/01/2008 để giao báo, thấy cửa trước đóng, gọi vào trong không được, anh đã ra đằng sau trèo rào vào khuôn viên của Bưu điện, phát hiện 02 nạn nhân. Như vậy, đã có thông tin xác định tình tiết khuôn viên bưu điện bị đóng cả cửa trước và cửa sau ngay sau khi vụ án xảy ra. Tuy nhiên, theo Kết luận điều tra, Hồ Duy Hải trèo qua cửa rào ngăn sân trước và sân sau để lấy xe máy ra khỏi khuôn viên, không thấy miêu tả Hồ Duy Hải mở cửa và đóng cửa trước khi đi xe máy ra khỏi khuôn viên bưu điện. Như vậy, lời khai của Hồ Duy Hải không xác thực, vì nếu lấy xe máy ra khỏi khuôn viên bị đóng, Hải phải vác xe ra khỏi rào hoặc cửa trước khuôn viên (việc bất khả thi) hoặc Hải phải có chìa khóa đóng mở cửa trước, điều mà Hải đương nhiên sẽ khai nếu đúng như vậy. Nói cách khác nếu thông tin trên Báo Pháp luật TPHCM ngày 15/01/2008 là đúng, đương nhiên anh Hiếu cũng sẽ khai trước CQĐT như vậy, nhưng lại mâu thuẫn với chính lời khai của Hồ Duy Hải được sử dụng cho Kết luận điều tra và Cáo trạng. Đây chính là lý do người nhà của Hồ Duy Hải và các luật sư cho rằng CQĐT đã cố tình bỏ ra lời khai của anh Hiếu ra khỏi hồ sơ, vì lo ngại bị phát hiện ra mâu thuẫn này trong hồ sơ, dẫn đến các lời khai của Hải không còn xác thực để làm căn cứ kết tội Hải.
b/ Không ghi nội dung kết luận giám định về vân tay trong Kết luận điều tra, vì kết luận giám định này rất có lợi cho Hồ Duy Hải, chứng minh Hồ Duy Hải không phải là hung thủ như chúng tôi đã phân tích ở trên. Lẽ ra CQĐT phải phân tích tại sao Hồ Duy Hải tuy được xác định là hung thủ nhưng dấu vân tay trên hiện trường (đặc biệt trên tay nắm vòi nước lavabo) không phải là của Hải và tại sao người có dấu vân tay (nếu xác định được danh tính) không thể là hung thủ (vì đã xác định Hải là hung thủ). CQĐT đã cố tình lảng tránh kết luận giám định này và không phân tích như trên là vi phạm các Điều 10(6) và Điều 66(7) BLTTHS 2003 như chúng tôi đã chứng minh tại Phân tích 6 Kiến nghị số 01 VAHDH. Theo đánh giá của chúng tôi đây là một trong những vi phạm nghiêm trọng nhất của CQĐT, nhưng Hội đồng thẩm phán đã bao che khi không nêu vi phạm này trong QĐGĐT.
c/ Nhập nhằng về tang vật vụ án bao gồm cả hung khí và tài sản được coi là bị Hồ Duy Hải chiếm đoạt.
Trong bản Kết luận điều tra có thể hiện việc thu giữ tang vật.
– Khám xét thu giữ 4 nhẫn kim loại (1 màu trắng, 3 màu vàng) thu tại nhà Hồ Duy Hải, nhưng CQĐT không chú thích đây là tài sản riêng của em gái Hồ Duy Hải được mua có hóa đơn, không liên quan đến vụ án, có thể gây hiểu nhập nhằng CQĐT đã thu giữ tang vật (là tài sản Hải chiếm đoạt được của các bị hại) tại nhà Hải, tạo bất lợi cho Hải và gia đình.
– Kết luận điều tra thể hiện có các vật chứng là hung khí gồm dao, thớt, ghế, nhưng không ghi rõ những vật chứng này đã bị vứt bỏ, tiêu hủy hoặc đánh tráo, còn dao, thớt, ghế được nhận dạng là do mới mua hoặc đem vào, không liên quan đến vụ án. Các vật được cho là hung khí này không thể coi là chứng cứ liên quan đến vụ án nên không thể nhận dạng đã được chúng tôi phân tích ở trên. Hội đồng thẩm phán đã không xác định vi phạm pháp luật nghiêm trọng, gian dối này trong điều tra khiến dư luận và nhân dân bức xúc là sai lầm rất nghiêm trọng.
d/ Việc Hồ Duy Hải có văn bản từ chối luật sư do gia đình mời (vào ngày 25/3/2008, khi thực tế gia đình chưa mời luật sư), nhưng lại chấp nhận luật sư do CQĐT thuê là bằng chứng cho việc CQĐT không những chỉ ép buộc Hồ Duy Hải phải từ chối luật sư của gia đình, mà còn chủ trương thuê luật sư bào chữa theo lợi ích của điều tra viên, nhằm hợp thức hóa các sai phạm của các cơ quan tố tụng tỉnh Long An như chúng tôi đã phân tích ở trên. Đây là một thủ đoạn nguy hiểm nhằm vô hiệu hóa các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, lẽ ra phải được Hội đồng thẩm phán đánh giá, nhận định để loại trừ trong các vụ án hình sự khác.
ii. Vi phạm của VKSND tỉnh Long An
a/ Bịa đặt tình tiết liên quan đến nhân chứng Đinh Vũ Thường và Hồ Duy Hải:
Cáo trạng tại trang 4 ghi tình tiết Đinh Vũ Thường người gọi điện thoại cuối cùng cho bị can (Hồ Duy Hải) và trang 10 ghi Đinh Vũ Thường phát hiện thấy bị can Hải ngồi trong bưu điện…, khiến hiểu lầm Đinh Vũ Thường đã biết rõ và nhận dạng Hải liên quan đến vụ án mạng tại Bưu điện Cầu Voi, trong khi anh Thường khẳng định không quen biết Hải và cũng không thể nhận dạng thanh niên ngồi trong bưu điện.
b/ Không ghi kết luận giám định về vân tay trong Cáo trạng và bịa đặt về kết quả giám định trong phiên toà sơ thẩm.
Kết luận giám định là không có dấu vân tay nào thu được từ hiện trường trùng với dấu vân tay của Hồ Duy Hải như chúng tôi đã phân tích là chứng cứ quan trọng nhất để xác định Hải có thể không phải là hung thủ, nhưng VKS đã không ghi trong Cáo trạng. Thêm nữa theo BAST tại trang 6, đại điện VKS tại phiên tòa sơ thẩm lại bịa đặt ra Đặc biệt là vết máu thu giữ tại hiện trường không phải là máu của bị cáo. Song thiếu sót trên không lớn. Đặc biệt là vết máu thu không đủ lượng, thời gian đã kéo dài nên không xác định được vết vân tay cũng như mẫu tóc ngắn bị gãy không giám định được là đương nhiên. Thực tế đã thu được dấu vân tay và đã có kết luận giám định đối chiếu dấu vân tay của Hồ Duy Hải, còn không có kết luận giám định về máu của ai do CQĐT yêu cầu giám định chậm.
c/ Chấp nhận tang vật ảo
Như chúng tôi phân tích ở trên, các vật chứng được coi là hung khí của vụ án đã bị vứt bỏ, tiêu hủy hoặc đánh tráo nhưng VKS đã không phát hiện hoặc lờ đi, vẫn miêu tả chi tiết tại trang 9 Cáo trạng về dao, thớt, ghế, làm như CQĐT có thu giữ các hung khí này.
Những vi phạm trên của VKS cấp sơ thẩm lẽ ra phải được đánh giá rất nghiêm trọng, các KSV làm sai những việc sơ đẳng nhất của một công tố viên, không hoàn thành trách nhiệm công tố, đưa ra những bằng chứng không có thật và nhận định không đúng thực tế nhưng vẫn đề nghị xử bị cáo ở mức cao nhất. Những vi phạm của KSV thể hiện sự cẩu thả, cố tình gian dối về chứng cứ lẽ ra phải được Hội đồng thẩm phán xem xét để xác định Cáo trạng truy tố và đại diện VKS đã không làm đúng nguyên tắc xác định sự thật theo Điều 10 BLTTHS 2003, không thể là căn cứ cho BAST như nhận định của cấp sơ thẩm.
iii. Những vi phạm của cấp xét xử sơ thẩm
a/ Không thẩm tra chứng cứ kết luận giám định về dấu vân tay – một chứng cứ rất quan trọng trong việc xác định bị cáo có thể không có tội, khi bị cáo đã kêu oan tại phiên tòa.
b/ Không thẩm tra chứng cứ các biên bản nhận dạng hung khí, tài sản chiếm đoạt ảo (như chúng tôi đã phân tích ở phần trên), mặc dù thực tế là các biên bản nhận dạng ảo nhưng vẫn chấp nhận làm chứng cứ để kết tội bị cáo.
c/ Không thẩm tra chiếc ghế được coi là tang vật, nhưng thực tế ghế này không phù hợp với biên bản hiện trường, khác về chiều cao, và có sai lầm nghiêm trọng khi sử dụng chiếc ghế đã được tráo vào để cho Hồ Duy Hải nhận dạng là tang vật.
d/ Khi Hồ Duy Hải khai biết chi tiết về vụ án này thông qua Nguyễn Văn Hải – Công an viên xã Nhị Thành, nhưng lại không áp dụng biện pháp triệu tập Nguyễn Văn Hải để thẩm tra, đối chất ngay tại phiên tòa, làm rõ tình tiết này, mà lại chấp nhận bản khai của Nguyễn Văn Hải tại VKS nhưng không có trong hồ sơ vụ án.
e/ Khi Hồ Duy Hải kêu oan và chỉ thừa nhận rằng có khai nhận tội giết người nhưng không có hành vi giết người và giải thích việc khai nhận tội là do nghe nhiều người nói lại ((Tài liệu 10), lẽ ra tòa sơ thẩm phải thận trọng, kiểm tra các chứng cứ xác định có tội hoặc các chứng cứ xác định không có tội, triệu tập các nhân chứng quan trọng (như anh Đinh Vũ Thưởng, Võ Lộc Đang,…), các giám định viên ký các bản kết luận giám định (đặc biệt giám định viên ký kết luận giám định về dấu vân tay). Nhưng tòa sơ thẩm đã không làm, vi phạm Điều 10 BLTTHS 2003.
f/ Bản án sơ thẩm dựa hoàn toàn vào Cáo trạng, không thẩm tra, phân tích và đánh giá các chứng cứ đã nêu trong Cáo trạng, phần nhiều những chứng cứ đó được thu thập trái trình tự thủ tục (đã được QĐGĐT thừa nhận), lẽ ra không được sử dụng làm chứng cứ như chúng tôi nêu tại Phân tích số 11, điểm (iii), vi phạm quy định tại Điều 66 BLTTHS 2003.
Theo quy định tại khoản 3, Điều 224 BLTTHS 2003(8), bản án phải phân tích chứng cứ được sử dụng làm căn cứ để xác định bị cáo có tội hay không có tội. Nếu hội đồng xét xử sơ thẩm kết tội bị cáo thì phải nêu các căn cứ nào để buộc tội và phân tích những căn cứ đó (Trang 6,7 bản án sơ thẩm có miêu tả việc khai nhận và nêu một số chứng cứ, nhưng không nêu chứng cứ đó nằm trong bút lục nào, chứng cứ nào bị cáo khai tại tòa, chứng cứ nào được thu thập bởi cơ quan điều tra, và không có đánh giá, phân tích chứng cứ). Việc cấp sơ thẩm bỏ qua những nội dung trên trong bản án là vi phạm nghiêm trọng BLTTHS.
iv. Những vi phạm trong phiên tòa xét xử phúc thẩm
a/ Theo Điều 39 BLTTHS 2003(9), thẩm phán có nghĩa vụ nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa. Tuy nhiên, trên thực tế thẩm phán đã không nghiên cứu hồ sơ vụ án này, mà xét xử cẩu thả, lấy lệ. Nếu hội đồng xét xử nghiên cứu hồ sơ vụ án này trước khi xét xử, đương nhiên sẽ không dẫn đến BAPT có những sai sót nghiêm trọng mà chúng tôi chỉ nêu một số điểm sau đây trong BAPT để chứng minh cho nhận định này:
+ Tại biên bản phiên tòa sơ thẩm, BAST, đều ghi nhận bị cáo kêu oan, có khai nhận giết người nhưng không thực hiện hành vi giết người, trong khi BAPT (trang 6) lại khẳng định “có hơn 20 bản cung, bản tự khai cũng như tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo đều thừa nhận chính bị cáo là thủ phạm giết chết chị Hồng và chị Vân…”.
+ Trong hồ sơ vụ án không có tình tiết, chứng cứ nào xác định động cơ của bị cáo khi giết người nhưng tại Trang 6 BAPT bịa đặt rằng “chỉ vì đam mê cá cược bóng đá thua hết tiền, bị cáo Hải đã dùng các hung khí là thớt gỗ, dao Thái Lan để đập đầu và cắt cổ chị Ánh Hồng …”, vi phạm quy định tại Điều 63 BLTTHS 2003(10).
+ Trong hồ sơ vụ án, có kết luận giám định về dấu vân tay thể hiện không có dấu vân tay của bị cáo tại hiện trường, đặc biệt trên nắm tay, lavabo trong phòng vệ sinh… Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm bỏ quên chứng cứ này, dẫn đến BAPT không phân tích chứng cứ quan trọng nhất có thể xác định việc buộc tội bị cáo là không có căn cứ như chúng tôi đã phân tích ở trên.
b/ BAPT chỉ ghi nhận bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt là không chính xác và không đúng với Điều 248, khoản 1, BLTTHS 2003(11) vì chính trong phiên tòa phúc thẩm, Hồ Duy Hải đã thay đổi kháng cáo, chuyển sang kêu oan.
c/ BAPT cho rằng có những thiếu sót về tố tụng của cơ quan tố tụng nhưng không nghiêm trọng, nhưng không nêu đó là thiếu sót nào, và những thiếu sót đó có dẫn đến chứng cứ kết tội bị cáo có thu thập đúng trình tự hay không, vi phạm Điều 66 BLTTHS 2003.
d/ BAPT bác kháng cáo và giữ nguyên BAST lại không nêu các căn cứ bác kháng cáo, là vi phạm Điều 248, khoản 1, BLTTHS 2003. HĐXX phúc thẩm không kiểm tra, đánh giá những chứng cứ kết tội bị cáo và những chứng cứ xác định bị cáo có thể không có tội, xét xử chóng vánh mặc dù bị cáo kêu oan. BAPT cho rằng lời khai Hồ Duy Hải phù hợp với các biên bản nhận dạng hung khí và các tài sản đã chiếm đoạt (Trang 6 BAPT), cho dù trong phiên tòa không xem xét và thực tế đây là những biên bản nhận dạng ảo như chúng tôi đã phân tích ở trên. BAPT cũng không nêu, không phân tích nội dung bào chữa của các luật sư về những chứng cứ xác định bị cáo không có tội hoặc những chứng cứ vi phạm thủ tục tố tụng nên không thể được coi là chứng cứ hợp pháp.
13. Phân tích số 13:
Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm vụ án HDH đều không có căn cứ và không đúng pháp luật, lẽ ra phải bị huỷ. Có đủ các căn cứ theo Điều 371 BLTTHS(12) để hủy các bản án để điều tra lại. Việc HĐTP không hủy các bản án là vi phạm nghiêm trọng pháp luật.
a/ HĐTP đã ban hành QĐGĐT, áp dụng Điều 388, khoản 1 và Điều 389 BLTTHS 2015, bác kháng nghị của VKSNDTC, mặc dù không ghi giữ nguyên các bản án đã bị kháng nghị, nhưng theo các điều khoản được áp dụng trên thực tế HĐTP đã giữ nguyên các bản án này. Theo Điều 389 BLTTHS 2015, HĐTP phải xét và xác định các bản án có căn cứ và đúng pháp luật nếu giữ nguyên các bản án bị kháng nghị, nhưng HĐTP chưa phân tích và xác định như vậy. Trong khi, chúng tôi đã chứng minh các BAST, BAPT đều không có căn cứ và không đúng pháp luật và có đủ căn cứ theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 371, BLTTHS 2015 để áp dụng Điều 391 BLTTHS 2015(13) hủy các BAST, BAPT, đã được chúng tôi trình bày trong các Phân tích số 6, số 7 và số 8 kèm theo Kiến nghị số 01 VAHDH, các Phân tích số 9, số 10, số 11 và số 12 kèm theo Kiến nghị số 02 VAHDH này.
b/ Đối chiếu với quy định tại khoản 3 Điều 371 BLTTHS 2015, BAPT đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật, cụ thể liên quan đến xác định tội danh cướp tài sản đối với bị cáo Hồ Duy Hải.
Theo như phân tích trong thông tin từ Báo cáo kết quả nghiên cứu của bà Lê Thị Nga cũng như Đơn đề nghị v/v giám đốc thẩm Bản án phúc thẩm ngày 16/2/2020 của Luật sư Trần Hồng Phong, các cơ quan tố tụng không đưa ra tình tiết nào để chứng minh được bị cáo phạm tội cướp tài sản.
Trong hồ sơ vụ án, BAST kết luận Hải giết Hồng là do tức giận vì định quan hệ tình dục nhưng bị phản ứng, giết Vân là do sợ bị phát hiện, việc lấy tài sản nảy sinh sau khi biết hai nạn nhân chết. BAPT kết luận chỉ vì đam mê cá cược bóng đá thua hết tiền (nhưng không có tình tiết nào chứng minh vì lý do này mà bị cáo giết người như chúng tôi đã nêu trên), bị cáo Hải đã dùng các hung khí là thớt gỗ, dao Thái lan để đập đầu và cắt cổ chị Ánh Hồng,… Như vậy, hồ sơ vụ án thể hiện trước và khi giết hai nạn nhân, Hải hoàn toàn không có động cơ, mục đích chiếm đoạt tài sản.
Khoản 1, Điều 133 BLHS 2003 quy định về tội cướp tài sản như sau: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản,… ”, tức trước hoặc tại thời điểm dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực, người bị cáo buộc về tội này phải có động cơ chiếm đoạt tài sản. Như vậy, việc BAST, BAPT căn cứ vào quy định này để xử phạt bị cáo Hồ Duy Hải 5 năm tù về tội cướp tài sản là hoàn toàn không có căn cứ pháp luật.
CHÚ GIẢI ĐIỀU LUẬT:
(1) Điều 87. Nguồn chứng cứ
1. Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn:
a) Vật chứng;
b) Lời khai, lời trình bày;
c) Dữ liệu điện tử;
d) Kết luận giám định, định giá tài sản;
đ) Biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án;
e) Kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác;
g) Các tài liệu, đồ vật khác.
2. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự
(2) Điều 108. Kiểm tra, đánh giá chứng cứ
1. Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.
2. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án.
(3) Điều 153. Thực nghiệm điều tra
1. Để kiểm tra và xác minh những tài liệu, những tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án, Cơ quan điều tra có quyền thực nghiệm điều tra bằng cách cho dựng lại hiện trường, diễn lại hành vi, tình huống hoặc mọi tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết. Khi thấy cần, có thể đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ.
2. Khi tiến hành thực nghiệm điều tra, phải có người chứng kiến. Trong trường hợp cần thiết, người bị tạm giữ, bị can, người bị hại, người làm chứng cũng có thể tham gia.
Không được xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của những người tham gia việc thực nghiệm điều tra.
3. Trong trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát có thể tiến hành thực nghiệm điều tra. Việc thực nghiệm điều tra được tiến hành theo quy định tại Điều này.
(4) Điều 141. Thẩm quyền ra lệnh khám xét
1. Những người được quy định tại khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét trong mọi trường hợp. Lệnh khám xét của những người được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 80 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
2. Trong trường hợp không thể trì hoãn, những người được quy định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này có quyền ra lệnh khám xét. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi khám xong, người ra lệnh khám phải thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp
(5) Điều 139. Nhận dạng
…
2. Số người, vật hoặc ảnh đưa ra để nhận dạng ít nhất phải là ba và về bề ngoài phải tương tự giống nhau. Đối với việc nhận dạng tử thi thì không áp dụng nguyên tắc này.
(6) Điều 10. Xác định sự thật của vụ án
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.
(7) Điều 66. Đánh giá chứng cứ
1. Mỗi chứng cứ phải được đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định các chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự.
2. Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và Hội thẩm xác định và đánh giá mọi chứng cứ với đầy đủ tinh thần trách nhiệm, sau khi nghiên cứu một cách tổng hợp, khách quan, toàn diện và đầy đủ tất cả tình tiết của vụ án.
(8) Điều 224. Bản án
3. Trong bản án phải trình bày việc phạm tội của bị cáo, phân tích những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định không có tội, xác định bị cáo có phạm tội hay không và…
(9) Điều 39. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thẩm phán
1. Thẩm phán được phân công giải quyết, xét xử vụ án hình sự có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
a) Nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên toà;
…
(10) Điều 63. Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự
Khi điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải chứng minh:
1. Có hành vi phạm tội xảy ra hay không, thời gian, địa điểm và những tình tiết khác của hành vi phạm tội;
2. Ai là người thực hiện hành vi phạm tội; có lỗi hay không có lỗi, do cố ý hay vô ý; có năng lực trách nhiệm hình sự hay không; mục đích, động cơ phạm tội;
….
(11) Điều 248. Bản án phúc thẩm và thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm
…
Trong bản án phải trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quá trình giải quyết vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị và các căn cứ để đưa ra một trong các quyết định quy định tại khoản 2 Điều này. Phần cuối cùng của bản án ghi những quyết định của Toà án.
(12) Điều 371. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong các căn cứ:
1. Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
2. Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong điều tra, truy tố, xét xử dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án;
3. Có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật.
(13) Điều 391. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại
Hội đồng giám đốc thẩm hủy một phần hoặc toàn bộ bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại nếu có một trong các căn cứ quy định tại Điều 371 của Bộ luật này.
DANH MỤC TẬP TÀI LIỆU CỦA KIẾN NGHỊ VỀ VỤ ÁN HỒ DUY HẢI:
1. Kiến nghị xem xét lại Quyết định Giám đốc thẩm của HĐTPTANDTC đối với Vụ án Hồ Duy Hải ngày 15/5/2020 và Các phân tích của luật sư kèm theo kiến nghị (Kiến nghị số 1 VATDH).
2. Danh sách luật sư ký kiến nghị và tham gia kiến nghị.
3. Danh mục các tài liệu kèm theo kiến nghị:
Tài liệu 1: Văn bản kiến nghị số 127/LĐLSVN ngày 7/5/2020 của LĐLS Việt Nam; Đơn kiến nghị khẩn cấp của các luật sư ngày 7/5/2020
Tài liệu 2: Bài báo “Giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải: Thành viên Hội đồng thẩm phán nói gì” trên Báo tuoitre.vn ngày 12/5/2020
Tài liệu 3: Thông tin về Báo cáo kết quả nghiên cứu về vụ án Hồ Duy Hải của bà Lê Thị Nga
Tài liệu 4: Bài báo “Thực sự là Hồ Duy Hải đã kêu oan hay chỉ kêu giảm án” trên báo baophapluat.vn ngày 9/1/2015
Tài liệu 5: Bài báo “Những lần kêu oan của Hồ Duy Hải tại tòa phúc thẩm” trên báo motthegioi.vn ngày 16/12/2019
Tài liệu 6: Đơn từ chối luật sư của Hồ Duy Hải đề ngày 25/3/2008
Tài liệu 7: Bài báo “Vụ án Hồ Duy Hải giết người, cướp của: Bị cáo kêu oan, luật sư khép tội” trên Báo laodong.vn ngày 24/3/2015
Tài liệu 8: Tập các bài báo trên báo Congly.vn về vụ án Hồ Duy Hải
Tài liệu 9: Bài báo “Gia đình Hồ Duy Hải bất bình với vị luật sư kỳ lạ ở phiên sơ thẩm” trên báo motthegioi.vn ngày 7/5/2020
Tài liệu 10: Bài báo “Bị cáo Hồ Duy Hải phản cung” trên Báo tuoitre.vn ngày 30/11/2008
Tài liệu 11: Đơn tố cáo v/v làm sai lệch hồ sơ vụ án Trần Duy Hải ngày 8/6/2017
Tài liệu 12: Bài báo “Hung thủ là người quen”, trên báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh (plo.vn) ngày 15/1/2008
Các tài liệu của cơ quan tố tụng: Kết luận điều tra số 68/KLĐT-PC14, Cáo trạng số 97/QQD.KSĐT, Bản án sơ thẩm số 97/2008/HSST, Bản án phúc thẩm 281/2009/HSPT.
Ngoài ra, Quyết định kháng nghị số 15/QĐ/VKSNDTC-V7 của VKSNDTC tham khảo trên https://danluat.thuvienphapluat.vn/tong-hop-ho-so-tai-lieu-… và Quyết định giám đốc thẩm số 05/2020/HS-GĐT của TANDTC tham khảo trên https://tapchitoaan.vn/…/toa-an-nhan-dan-toi-cao-cong-bo-qu…
NHÓM LUẬT SƯ THIỆN NGUYỆN HỖ TRỢ LUẬT SƯ TRẦN HỒNG PHONG BÀO CHỮA, GIÚP ĐỠ PHÁP LÝ CHO HỒ DUY HẢI (BỊ ÁN, TỬ TÙ KÊU OAN).