KHÔNG THÍCH thì ĐI RA NƯỚC NGOÀI MÀ SỐNG (Phần 3)

0
394
Yosemite

Giao Thanh Pham

NHỮNG QUỐC GIA ĐỨNG ĐẦU DANH SÁCH Á CHÂU: 2) MÃ LAI

Mã Lai được dân Expats và các tạp chí du lịch xếp hạng chỉ thua Thái Lan một chút xíu, khi nói về các tiêu chuẩn mà người ta đặt ra để đánh giá và xếp hạng. 

Mã Lai có một nền chính trị ổn định, một cuộc sống khá sung túc cho người dân, một nền Y Tế cũng cao không kém gì Thái Lan và một cuộc sống tương đối an toàn cho người ngoại kiều tạm cư về hưu. Mã Lai chỉ thua Thái Lan ở chỗ giá trị của đồng tiền được xử dụng mang tên Ringgit là khá đắt đỏ so với đồng Bath của Thái. Tỷ số hối đoái giữa đồng USD và Ringgit có giá trị sát hơn ở mức $1.00 = 4.15 Ringgits hoặc 1 đồng Ringgit tương đương với 24 xu Mỹ.

Mọi thứ ở Mã Lai có giá đắt hơn ở Thái khoảng từ 15% đến 25% nhất là các khoản về nhà cửa, chỗ ở, đồ ăn và Y Tế. Nếu mướn một căn hộ 2 phòng ngủ 1 phòng tắm ở những thành phố nhỏ xa thủ đô Bangkok ở Thái có giá khoảng 500 tới 600 đô/tháng thì ở Mã Lai phải mất từ 600 tới 800 đô/tháng. Nếu mất từ 800 tới 1000 đô cho một căn hộ tương tự ở thủ đô Bangkok của Thái lan thì phải mất từ 1000 tới 1200 đô ở thủ đô Kuala Lumpur ở Mã Lai. 

Đây là giá trung bình của những căn hộ tương đối có đầy đủ tiện nghi và kha khá như những căn appartments ở Mỹ. Lẽ đương nhiên, người ta có thể tìm thấy những căn hộ nhỏ hơn, cũ kỹ hơn và thiếu tiện nghi hơn một chút ở Thái Lan mà chỉ mất khoảng 200-300 đô/tháng cũng như 300-400 đô/tháng ở Mã Lai.

Cũng như ở Thái Lan, Mã Lai cũng có khá nhiều khu vực mà con số người Expats đến từ nhiều nơi trên thế giới vượt quá con số vài ngàn người. Bên cạnh những vùng quanh thủ đô Kuala Lumpur như khu vực cao cấp Damansara Heights, khu vực cho người thượng lưu Bangsar với giá mướn nhà xấp xỉ trên dưới 1 ngàn đô/tháng ra thì những nhóm người Expats có nguồn thu nhập trung bình vẫn có thể sống khá thoải mái ở những khu xa thành phố một chút như Langkawi, Sabah, Johor hoặc Penang. Những vùng này, dân Expats đến từ Âu châu và Mỹ châu có con số lên trên chục ngàn người. 

Georgetown là nơi tụ họp dân về hưu Expats cũng như dân du lịch khá đông trên đất Mã Lai. Đi du lịch Mã Lai mà không đến Georgetown một lần, thì đúng là một mất mát không nhỏ. Năm 2019, chúng tôi đã có cơ hội đến Georgetown, Penang và ở lại đó hơn một tháng. Chúng tôi thuê một căn nhà liền kề ngay trung tâm phố cổ, rất rộng và đầy đủ tiên nghi với giá $1,000.00/tháng, đi đâu củng chỉ gọi xe “lô ca chân”. 

Căn nhà cái gì cũng có, ngay cả máy lạnh, bếp núc rộng rãi thoáng mát, internet chạy vù vù, chỉ có một điều, cái cầu tiêu vẫn là loại cầu tõm, mỗi lần bom thả xuống là một lần nước văng lên tung tóe … lại không thể ngồi lâu cái kiểu “Asian Squat” được, vì sẽ bị tê chân và đứng lên không được, còn cái phòng tắm, thì chỉ là cái bồn to chưa nước với mấy cái gáo nhựa để … múc và dội … y chang quê nhà … 

Giá cả về các phương tiện giao thông và thực phẩm ở Mã Lai cao hơn so với giá ở Thái Lan khoảng 20%. Một bữa ăn trung bình ở Mã Lai có giá khoảng $3.00 so với dưới $2.00 ở Thái Lan. Sự khác biệt đập vào mắt người ngoại kiều ở Mã Lai là tuyệt đối KHÔNG CÓ những khu ăn chơi quá xô bồ như trên đất Thái. 

Tuy giá cả có đắt đỏ khá xa so với Thái Lan, nhưng sự khác biệt dẫn đến việc người ngoại kiều Expats chọn về Mã Lai sinh sống, nhiều không thua gì so với Thái Lan, là ở chỗ chính phủ Mã Lai khuyến khích ngoại kiều đầu tư vào nhà đất một cách dễ dàng hơn nhiều. Điều khác biệt hết sức quan trọng trong việc làm chủ một căn hộ ở Thái Lan là ngoại kiều không được phép mua nhà ở tầng trệt, phải từ lầu 2 trở lên, mục đích chính là chính phủ không cho ngoại kiều làm “chủ đất”, do vậy ngoại kiều chỉ có thể mua các căn hộ từ tầng 2 ở các chung cư và các condominiums. 

Thì trong khi đó, việc làm chủ một căn nhà ở Mã Lai dễ dàng hơn rất nhiều. Ngoại kiều có thể mua hoặc đầu tư vào bất cứ nhà cửa ở đâu, ngay cả đất đai, luôn cả đất đầu tư cho kỹ nghệ, đất cho canh tác nông nghiệp. Chính quyền chỉ có một giới hạn duy nhất, đó là gía trị của các căn hộ đó hoặc đất đai đầu tư đó phải có giá dưới 1 triệu Ringgits tương đương với 240 ngàn USD. Đây là sự khác biệt lớn nhất giữa hai quốc gia cho người Expats. 

Bên cạnh việc đầu tư vào địa ốc thì việc khuyến khích ngoại kiều đến Mã Lai ở trong tuổi hưu cũng dễ dàng hơn ở Thái Lan rất nhiều. Ở Thái, chính phủ cho phép dân mang passports của Mỹ, Úc và Canada được đến chơi, du lịch tối đa 30 ngày không cần xin Visas, nhưng nếu muốn ở trên 30 ngày thì phải xin phép lấy Visas dài hạn. Chính phủ Thái có khá nhiều điều kiện gây khó khăn cho dân Expats muốn cư ngụ ở Thái Lan dài hạn với những khoản đòi hỏi như:

– Trên 50 tuổi, tiền có trong nhà băng phải trên 800 ngàn Thai Bath = 25 ngàn USD, ít là 2 tháng trước khi nộp đơn xin Visas Hưu Trí 1 Năm. Phải chứng minh được nguồn thu nhập trên 1,200 USD mỗi tháng. Lại còn phải tiền đóng lệ phí cho Visas … vân vân, và sau các khoản đòi hỏi đó, thì người ngoại kiều về hưu muốn xin Visas Dài Hạn thì cũng chỉ được tối đa là 1 năm. Muốn lâu hơn, thì có những loại Elite Visas với giá lệ phí lên đến gần chục ngàn đô.

Trong khi đó, chính phủ Mã Lai có một chương trình dành riêng cho ngoại kiều về hưu sống trên đất họ, phải nói là khá dễ dàng với ít điều kiện và rất ít đòi hỏi. Chương trình đó có tên Malaysia My Second Home, viết tắt là MM2H. Những người ngoại kiều về hưu muốn sinh sống ở Mã Lai chỉ cần hội đủ các điều kiện này: 

– Trên 50 tuổi. Có trương mục tiết kiệm gởi ở một ngân hàng của Mã Lai với số tiền 350 ngàn Ringgits, tương đương với 85 ngàn USD và phải chứng minh có nguồn thu nhập mỗi tháng 10 ngàn Ringgits, tương đương với khoảng 2,250 USD. Nếu người ngoại kiều muốn về hưu ở Mã Lai, hội đủ 2 điều kiện đơn giản kể trên là có thể nộp đơn xin cư trú ở Mã Lai với Visa 10 năm. Số tiền 350 ngàn Riggits mà ngoại kiều deposit vào một trương mục trong một ngân hàng Mã Lai nào đó, sau 1 năm, có thể được phép rút ra để mua nhà, với giá tối đa là 240 ngàn đô, cho dù có tiền, cũng không được mua nhà cao hơn giá đó.

Không ít ngoại kiều ở Mã Lai đầu tư vào địa ốc, vì nhà ở Mã Lai xây với tiêu chuẩn khá cao, thường thì khá rộng, trên 2000sf là chuyện bình thường, mà giá lại rất rẻ, ở những khu vực quanh thủ đô Kuala Lumpur, bạn vẫn có thể tìm cho mình một căn nhà 3-4 phòng ngủ, khá mới, với giá dưới 240 ngàn đô. Những ngoại kiều dạng này thường là dân Úc, họ ở đó từ 6 tới 9 tháng hoặc những tháng mùa Đông hàng năm, sau đó trở về nước thăm gia đình. Thời gian căn nhà của họ bỏ trống, họ còn có thể giao cho brokers chịu trách nhiệm cho thuê, để kiếm thêm tiền thu nhập. Nói chung, giá địa ốc ở Mã Lai khá ổn định và tương đối còn rẻ so với giá địa ốc ở các quốc gia quanh khu vực.

Hơn 1 tháng trời tìm hiểu và nghiên cứu, thích quá, đến tháng 10 năm 2019 chúng tôi quyết định nhờ luật sư nộp đơn xin Visas 10 năm của Mã Lai, sẵn sàng mở trương mục và deposit tiền, lại tốn một thời gian dài chờ đợi và trông ngóng. Thời giờ rảnh, tôi bỏ tâm nghiên cứu và tìm nhà ở những khu vực mình muốn. Quyết định thế nào cũng sẽ mua một căn nhà liền kề 3 phòng ngủ 2 phòng tắm rộng khoảng 2000sf, có sân trước và sân sau nho nhỏ, nằm ở khu vực khá sang trọng Damansar Heights, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 12 cây số với giá khoảng 750 ngàn Ringgits tính ra chưa tới 170 ngàn đô. Ngon quá. Tất cả đã sẵn sàng, chỉ chờ … 

Ai dè Covid-19 xuất hiện, cuối tháng 2 năm 2020, chúng tôi rời Việt Nam và trở lại Mỹ sau hơn 9 tháng trời dong duổi. Chính quyền Mã Lai cho đóng băng tất cả các hồ sơ xin Visas MM2H của ngoại kiều, trong đó có hồ sơ của chúng tôi, không giải quyết bất kỳ hồ sơ nào. Đến tháng 6 năm 2021, tôi nhận được thư báo của luật sư gởi về với BAD NEWS … Chính phủ Mã Lai, quyết định thay đổi tất cả mọi tiêu chuẩn và điều kiện đòi hỏi cho hồ sơ MM2H và thể lệ mua nhà. 

Chương trình cũ, chỉ cần deposit 350 ngàn Ringgits, nay vọt lên 1 triệu Ringgits. Trước đây, chỉ cần chứng minh nguồn thu nhập là 10 ngàn Ringgits một tháng, thì nay vọt lên 40 ngàn. (Từ 85 ngàn đô deposit, vọt lên 240 ngàn đô. Từ chứng minh nguồn thu nhập 2,250 đô vọt lên gần 9 ngàn đô). Có lẽ, chính quyền Mã Lai muốn dẹp bỏ sự dễ dãi trong việc đầu tư nhà đất vào quốc gia họ, vì chẳng có mấy ai có được nguồn thu nhập 9 ngàn 1 tháng sau khi về hưu? 

Họ cho thời hạn 12 tháng để cập nhật hồ sơ và tăng tiền deposit, không có, qua lấy hồ sơ và tiền lại. Thế là xong hàng. MM2H của Malaysia kể như đến đây là chấm hết. 

Nhìn sơ thì đương nhiên cuộc sống ở Thái hấp dẫn hơn ở Mã Lai qua nhiều khía cạnh, nhưng nếu phải chọn một nơi để định cư lâu dài, thì việc chọn Mã Lai làm quê hương thứ 3 cho Việt Kiều Mỹ là điều không cần phải so đo suy tính nhiều. 

Vả lại, bạn có thể ở lâu dài bên Mã Lai và khi muốn, thì chỉ việc nhảy lên máy bay, hơn 2 tiếng đồng hồ một xíu là đã tới Bangkok, và chưa tới 2 tiếng thì đã về đến Sài Gòn. Và nếu các chuyến bay không nằm ở mùa cao điểm như mùa hè và trong những ngày lễ, thì giá vé khứ hồi Kualar Lumpur đến Bangkok hoặc Kualar Lumpur đến Sài Gòn cũng chỉ trên dưới trăm đô. Đây là một phi trường lớn quốc tế, có rất nhiều chuyến bay đi khắp nơi. Hấp dẫn không? 

***** 

Các bác về hưu muốn qua Mã Lai sinh sống, nhớ đừng léo hánh đến gần khu vực Genting Casino nhé. Vào đó, nó lột cho không còn tiền mua vé máy bay về Mỹ đấy. Sòng bài này nổi tiếng, cứ … đến là ôm đầu máu về … với các tay cờ bạc …

Muốn ăn đồ ăn Việt Nam ở Mã Lai ư? Cứ đến các khu chợ đêm và các khu chợ Tàu là có. Gần như chỗ nào cũng có, vì phụ nữ Việt lập gia đình với người bản xứ và sinh sống ở Mã Lai khá đông. Trong 2 lần đến Mã Lai và ở lại khá lâu, chúng tôi có quen với một số phụ nữ Việt lấy chồng Mã Lai, khó có thể tin được là, hầu như tất cả phụ nữ Việt ở đây, đều rất happy với cuộc sống tha phương của họ, vì hầu hết, đều có công ăn việc làm kinh doanh tự túc với sự giúp đỡ của chồng và gia đình chồng. Điều họ hạnh phúc nhất, chính là … Đàn Ông Mã Lai … Không Biết Nhậu.

*** Đón đọc bài 4: BIẾT CHỌN NƠI NÀO LÀM QUÊ HƯƠNG: 3,4,5 Đài Loan, Singapore, Đại Hàn, Việt Nam, Cam Bốt hay Lào?

638490cookie-checkKHÔNG THÍCH thì ĐI RA NƯỚC NGOÀI MÀ SỐNG (Phần 3)