Bình luận của Zachary Abuza
2022.10.12
Các phân tích chính trị và lịch sử chỉ được lướt qua; nhưng tiếu lâm chính trị lan truyền nhanh chóng
Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam thật xấu xí và ảm đạm. Hiện có hơn 150 tù nhân chính trị; và nhà cầm quyền nước này, giờ đây, thậm chí còn ít khoan dung hơn đối với những quan điểm bất đồng so với trước kia. Một loạt các vụ bắt giữ gần đây đang tiết lộ một điều: giới tinh hoa chính trị sợ hãi sự chế giễu của công chúng vì thật khó để cai trị một hệ thống độc tài khi người dân không còn e sợ việc cười nhạo giới lãnh đạo. Mark Twain đã từng nói: “Không gì có thể trụ được trước sự tấn công của tiếng cười.”
Cái phong bì
Nó đã ở đấy để tất cả mọi người cùng nhìn và nhanh chóng phát tán trong cộng đồng 60 triệu người dùng Facebook sôi động ở Việt Nam.
Logo (biểu trưng) của Bộ Y tế được dùng trong backdrop của một sự kiện do bộ này tài trợ tại Trường Đại học Y Hà Nội vào ngày 17/9/2022. Con rắn quen thuộc thường ngày chỉ quấn quanh một cây gậy thì lần này có ngậm thêm một chiếc phong bì. Và không ai ở Việt Nam không hiểu phong bì tượng trưng cho điều gì. Ngay cả báo chí nhà nước cũng đưa tin về sự cố này dù không bình luận.
Trong mắt công chúng vốn đã quen với nạn tham nhũng của chính phủ, những vụ bê bối gần đây của Bộ Y tế đã khiến Bộ này trở thành biểu tượng của tham nhũng chính phủ và là đối tượng đặc biệt của sự chế giễu.
Vào đầu năm nay, một vụ bê bối hối lộ lớn liên quan đến việc mua bán các bộ kít xét nghiệm COVID-19, đã hạ bệ hai thành viên của Ủy ban Trung ương – nơi tập trung những tinh hoa của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một trong hai người bị hạ bệ này là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế. Hơn 20 quan chức khác trong Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ và Học viện Quân y – cơ sở y tế đáng kính của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã bị phát hiện có liên quan trong vụ bê bối hối lộ trị giá 22 triệu đô la này. Bộ trưởng Bộ Y tế hiện tại đã chính thức bị khiển trách vì buông lỏng quản lý.
Mặc dù một vụ hối lộ trị giá 22 triệu đô la không còn là lạ ở Việt Nam nhưng việc nó động chạm tới ông Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người đã tặng bằng khen cho công ty Việt Á cũng như động chạm tới rất nhiều quan chức cao cấp khác của chính phủ và quân đội là một điều hiếm thấy. Vụ bê bối này đã phơi bày sự thối ruỗng ở khắp các cơ quan trong chính phủ Việt Nam.
Cảnh sát ngay lập tức được điều động đến để tìm ra người đã đổi chiếc logo và chắc chắn sẽ có ai đó bị trừng phạt nghiêm khắc vì sự vi phạm này bởi không có gì đe dọa một chế độ độc tài hơn là bị người dân cười nhạo.
Sự chế giễu phải trả giá đắt ở Việt Nam. Chỉ cần hỏi “Thánh rắc hành”, một người bán bún bò ở Đà Nẵng gần đây đã gặp rắc rối với chính quyền vì màn trình diễn châm biếm nhắm vào Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Vào tháng 11/2021, sau khi đặt vòng hoa tại lăng Karl Marx ở Luân Đôn, ông Tô Lâm và đoàn tùy tùng đã được đích thân Nusret Gökçe – đầu bếp, chủ nhà hàng Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng xa hoa phục vụ món bò dát vàng. Trong video ghi hình bữa ăn này, với đôi kính đen và găng tay cao su đen thương hiệu của mình, Gökçe – người được biết đến với cái tên “Thánh rắc muối” – đã cắt và rắc gia vị cho món bít-tết trị giá 2.000 đô la rồi bón cho Bộ trưởng Tô Lâm ăn qua một cái xiên.
Chỉ vài ngày sau khi vụ Bộ trưởng Tô Lâm ăn bò dát vàng lộ ra, Bùi Tuấn Lâm, người bán bún bò ở Đà Nẵng, đã quay cảnh mình mang một đôi găng tay cao su đen và kính râm bình dân, bắt chước Salt Bae khi anh rắc hành cho món bún của mình. Anh đã đăng video vào ngày 11/11/2021 và sau khi bị công an triệu tập, anh đã phải gỡ video xuống khỏi tài khoản TikTok của mình. Mặc dầu vậy, video của anh đã được chia sẻ trên khắp Facebook và mang đến những tiếng cười sảng khoái trên khắp Việt Nam.
Tháng 9/2022, công an đã bắt Tuấn Lâm, người gọi mình là “Thánh rắc hành” nhưng không có dính dáng gì đến ngài bộ trưởng. Anh bị buộc tội theo Điều 117, Bộ luật Hình sự về tội “làm, tàng trữ, phát tán tài liệu, vật phẩm chống lại Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Theo báo chí nhà nước, Tuấn Lâm đã thường xuyên đăng tải các tài liệu mang tính kích động chống chính phủ trên mạng qua sự cố video.
Không nghi ngờ gì, trong giới quyền lực, ngài Bộ trưởng Công an đã bị khiển trách, không phải vì ăn món bò trị giá 2.000 đô la khi Việt Nam chỉ có mức thu nhập trung bình đầu người là 3.694 đô la/năm mà là vì để bị quay phim khi đang ăn món này.
Ông Tô Lâm, người đang trong nhiệm kỳ ủy viên Bộ Chính trị lần thứ 2 và đủ điều kiện để kế nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự thiếu thận trọng này, có thể đã tự đưa mình ra khỏi cuộc đua. Và sau khi làm xấu hình ảnh của toàn bộ ban lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, ông này đã duy trì sự hiện diện khá thấp trong phần lớn năm 2022.
Trong khi chính phủ Việt Nam xem việc ông Tô Lâm bị liên quan tới các bàn luận trên mạng là sự “vi phạm quyền tự do dân chủ của ông”, hầu hết người Việt Nam sẽ kết luận rằng ngài Bộ trưởng Công an đã sử dụng tất cả quyền lực cưỡng chế mà ông có trong tay để nhắm vào người bán bún. Mặc dù một lời quở trách riêng tư từ Tổng bí thư với ông là không thể tránh khỏi nhưng điều đã khiến không thể chịu đựng được là sự chế nhạo của công chúng.
Games thủ
Sự chế giễu không cần phải được lên kế hoạch tốt, nhà cầm quyền Việt Nam cũng lo ngại cả những hành động chế giễu tự phát. Cũng trong tháng 9/2022, một nữ games thủ 22 tuổi nổi tiếng, cô Nguyễn Thị Thanh Loan, hay còn gọi là Milona đã có phát ngôn khá thoải mái trong một ván chơi có tên gọi Liên Minh Huyền Thoại phát trực tiếp trên nền tảng games của Facebook.
“Chắc mấy bác Chủ tịch nước toàn chả làm cái mẹ gì suốt ngày ở nhà toàn xem phim 18+ nên là bác hói hết.” – games thủ này nói, ngụ ý rõ ràng tới Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, người được biết đến với chiếc đầu hói. Cô này nói tiếp:
Đầu đ* còn tóc luôn, đầu còn vài sợi lơ hơ đúng không? Tại làm ăn đ* gì đâu, chả làm ăn gì, suốt ngày ở nhà xem phim 18+”.
Những bình luận bộc phát của cô gái này đã nhanh chóng được phát tán trên mạng Facebook. Và mặc dù cô không bị bắt bớ nhưng Loan đã bị phạt tiền và cảnh cáo. Tất cả những ai cười nhạo ông Phúc cũng đã bị như vậy.
Phá vỡ hàng rào của sự sợ hãi
Quân đội Nhân dân Việt Nam sử dụng Lực lượng 47 gồm 10.000 người, chịu trách nhiệm quảng bá các bài viết và trang mạng ủng hộ chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời tấn công những người bất đồng chính kiến và các nhà bình luận. Cơ quan này vừa tạo ảnh hưởng vừa giám sát không gian mạng. Nhiệm vụ gần đây nhất của họ là đối phó với một loạt sự chế giễu của công chúng.
Và việc làm này là có lý bởi sự hài hước có tác dụng. Phê phán các chính sách của chính phủ sẽ chỉ giúp đến được như ngày hôm nay; người ta chỉ xem qua các phân tích về pháp lý hoặc lịch sử nhưng sự hài hước lại lan truyền. Cư dân mạng Việt Nam có văn hóa châm biếm phong phú. Nếu người dân không thể ngăn chặn tham nhũng, họ có thể cười nhạo nó.
Như Srdja Popovic và Mladen Joksik – những người cựu chống đối của Serbia – đã từng viết trên trang Chính sách Đối ngoại vào năm 2013: “Những người chống đối ngày nay hiểu rằng sự hài hước là một lối vào chi phí thấp cho những công dân bình thường – những người không muốn xem mình đặc biệt mang tính chính trị nhưng đã chán ngán và mệt mỏi vì chế độ độc tài. Hãy làm cho cuộc biểu tình thú vị và mọi người sẽ không muốn bỏ lỡ việc tham gia”.
Các chế độ độc tài thường sử dụng một loạt các biện pháp cưỡng chế để ngăn chặn chính kiến bất đồng và gây ra nỗi sợ hãi trong công chúng. Một khi công chúng không còn nỗi sợ hãi đó và bắt đầu chế giễu các nhà lãnh đạo của họ, nó có thể kết thúc nhanh hơn Salt Bae cắt một miếng bít tết dát vàng.
*Zachary Abuza là giáo sư tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ ở Washington và là trợ giảng tại Đại học Georgetown. Các quan điểm thể hiện trong bài viết này là của riêng tác giả và không phản ánh quan điểm của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, Đại học Georgetown hay RFA.
I don’t think the title of your article matches the content lol. Just kidding, mainly because I had some doubts after reading the article.