Phạm Thị Hoài
Trích phiên xử ngày 17.12.2019 vụ AVG:
Bị cáo, cựu bộ trưởng TTTT Nguyễn Bắc Son: Thưa quý tòa, ở cơ quan điều tra tôi khai đúng như thế nhưng mà sau này tôi mới hiểu được điều đó. Chứ còn lúc cái thời điểm mà chúng tôi phê duyệt ấy thì chúng tôi nghĩ là… là chúng tôi đã làm đúng theo quy định rồi. Bởi vì…
Thẩm phán Trương Việt Toàn (cắt lời bị cáo, giọng nhấn nhá đay nghiến): Ai cũng nói nà tại thời điểm ấy tôi chả hiểu cái gì cả. Nhưng mà tôi vẫn chỗm chệ ngồi ở cái ghế bộ trưởng với cả chủ tịch hội đồng thành viên. Ai cũng bảo là tôi chả hiểu gì cả.
Bị cáo, cựu bộ trưởng TTTT Nguyễn Bắc Son: Vâng.
Thẩm phán Trương Việt Toàn (cao giọng mắng mỏ): Nhưng mà chả hiểu thì làm bộ trưởng làm gì!
***
Với những phát ngôn dẫn trên, ông thẩm phán rất được lòng dư luận. Báo chí thì khoái chá, độc giả thì hả hê. Như thể công lí đã bắt đầu dõng dạc lên tiếng.
Tôi hiểu tâm lí đó, và cái sự chả-hiểu-gì-chả-biết-gì-chả-nhớ-gì của ông cựu bộ trưởng quả thật phát tởm, song luật pháp không sinh ra để phục vụ cái vỗ tay của dư luận. Thẩm phán thuộc hội đồng xét xử một phiên tòa trước hết phải giữ một thái độ tuyệt đối trung lập. Thái độ này gắn liền với một ngôn ngữ ôn hòa mực thước. Dạy dỗ, đay nghiến, chì chiết, chế giễu, mắng mỏ bị cáo là điều tối kị với người ngồi ghế quan tòa.
Ở Đức, nơi tôi hành nghề phiên dịch từ 25 năm nay và đã trải qua cả ngàn phiên tòa, những phát ngôn như nêu trên là không thể hình dung và không thể chấp nhận. Nếu có, sẽ dẫn ngay đến một yêu cầu bác bỏ thẩm phán hoặc cả hội đồng xét xử từ phía bào chữa. Chỉ cần một biểu lộ rất nhỏ tiết lộ ác cảm của một trong những thành viên hội đồng xét xử đối với bị cáo là đủ cho phía bào chữa đệ đơn cáo buộc hội đồng xét xử định kiến, thiếu khách quan, có thể gây bất lợi cho bị cáo, tức thiên vị, bất công, tức cản trở việc thực thi công lí.
Tôi cũng hiểu rằng những chuẩn mực như vậy ở các nền pháp quyền đã trưởng thành và vững chắc là còn rất xa lạ với Việt Nam. Song từ nhiều năm nay, tư pháp Việt Nam đã có những cố gắng cải cách và một số bước tiến. Tuy cốt lõi gắn liền với thể chế đảng trị và toàn trị hầu như không thay đổi và tiếp tục là lực cản khó vượt qua nhất cho một cải cách tư pháp thực sự, nhưng khá nhiều chi tiết cả trong lý thuyết lẫn thực tế pháp lí đã được cải thiện. Ông thẩm phán Trương Việt Toàn chỉ cần thôi đay nghiến mắng mỏ bị cáo Nguyễn Bắc Son là bộ mặt tư pháp Việt Nam đã văn minh hơn chút ít mà chế độ vẫn chưa bị đe dọa bởi bóng ma tư pháp độc lập ở các nước phương Tây.
Và còn văn minh hơn, nếu các thẩm phán không nói ngọng, nhất là ngọng lờ-nờ, lỗi khó thương nhất trong các lỗi nói ngọng. Nói ngọng thì công lí khó mà dõng dạc.