RFI
Trên trang nhất, nhật báo kinh tế Les Échos đưa tin : « Hồng Kông : căng thẳng tăng cao với Bắc Kinh ». Để răn đe những hành động mà Bắc Kinh coi là « khủng bố » nhiều toán quân được huy động đến Thâm Quyến và hình ảnh được truyền thông Nhà nước rầm rộ đăng tải. Bên phía người biểu tình cũng không có dấu hiệu giảm căng thẳng. « Phong trào phản kháng ở Hồng Kông trong ngõ cụt » là nhận định trong một bài viết khác của Les Echos.
Phong trào trở nên cực đoan
Libération cũng có cùng ý kiến với Les Echos khi đánh giá hành động phong tỏa sân bay là « dấu hiệu cực đoan hóa cuộc xung đột ». Sân bay Hồng Kông, được khánh thành năm 1998, tượng trưng cho các tham vọng quốc tế của cựu thuộc địa Anh Quốc sau khi được trả lại cho Trung Quốc. Sân bay Hồng Kông cũng là cửa ngõ để cho du khách ngoại quốc, và xa hơn là cộng đồng quốc tế, hiểu được những gì đang diễn ra ở đặc khu hành chính.
Trên những tấm biển ở sảnh đến của sân bay, người ta có thể đọc : « Xin lỗi vì làm phiền, nhưng chúng tôi đấu tranh cho sự sống còn của mình ». Agnès, một kiến trúc sư 30 tuổi, tham gia biểu tình, hiểu rõ « chiếc vòng luẩn quẩn mà họ bị mắc vào và lối thoát hẳn sẽ rất kinh khủng ». Trả lời phóng viên của Libération, cô tỏ ra cương quyết : « Họ càng đánh, chúng tôi càng vùng dậy… Chúng tôi không thể dung thứ việc luật pháp bị cảnh sát nhạo báng ».
Người dân Hồng Kông phẫn nộ trước tình trạng bạo lực của cảnh sát, cũng như từ phía một bộ phận người biểu tình quá khích và vũ lực. Trường hợp một cô gái bị hỏng một mắt vì trúng đạn cao su của cảnh sát, một người biểu tình khác bị đánh và còng tay khi đã ngã xuống đất hoặc cảnh sát ném lựu đạn hơi cay vào một nhà ga tầu điện ngầm… tất cả những sự kiện này càng là dấu hiệu « chính phủ đi quá đà », theo phát biểu của Kris, một kỹ sư trẻ.
Mông lung lối thoát
Vẫn theo Kris, lối thoát duy nhất cho cuộc khủng hoảng này là « để người dân Hồng Kông được tự do bầu ra lãnh đạo của họ ». Libération nhắc lại, phổ thông đầu phiếu chưa bao giờ được phép dưới thời thực dân Anh, nhưng lại được hứa hẹn khi Luân Đôn và Bắc Kinh ký quyết định về tương lai Hồng Kông năm 1997.
Chính quyền trung ương gây sức ép để giới doanh nghiệp Hồng Kông chọn đứng về phe nào. Kết quả không có gì là ngạc nhiên, lần lượt hãng hàng không Cathay Pacific, Swire Pacific, tỉ phú địa ốc Peter Woo… lên án người biểu tình bạo động, « ủng hộ chính phủ Hồng Kông » và « có chung quan điểm với chính phủ trung ương ».
Tình hình Hồng Kông trở thành cơn ác mộng cho chủ tịch Tập Cận Bình, trong khi trật tự và ổn định là những trọng điểm trong chính sách của ông. Đây là nhận định trong một bài báo của Le Monde : « Hồng Kông chống cự việc chấn chỉnh ».
Tuy nhiên, việc can thiệp quân sự vào Hồng Kông như trường hợp xảy ra ở Thiên An Môn là điều khó có thể xảy ra, vì ông Tập có lẽ sẽ mất rất nhiều nếu sử dụng vũ lực. Đây là nhận định khi trả lời phỏng vấn nhật báo kinh tế Les Echos của chuyên gia về Trung Quốc Jean-Philippe Béjà, giám đốc nghiên cứu danh dự thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và trường Sciences Po.
Lý do thứ nhất, theo giáo sư Béjà, là Hồng Kông không phải trung tâm của Trung Quốc, mà là một vùng khác, với hệ thống chính trị riêng. Tiếp theo, Bắc Kinh để cho chính quyền địa phương giải quyết khủng hoảng. Dường như chính quyền trung ương đợi phong trào tự tan rã, như từng xảy ra với phong trào Dù vàng năm 2014. Người dân chản nản trước những khó khăn thường nhật và cuối cùng công luận sẽ quay sang chống những người biểu tình. Cuối cùng, dù tồn tại lo lắng phong trào dân chủ Hồng Kông có nguy lây lan, nhưng điều này không ảnh hưởng đến quyền lực trung ương. Nhưng nếu can thiệp vũ lực vào Hồng Kông, hình ảnh của Bắc Kinh sẽ xấu đi trong mắt cộng đồng quốc tế và ngành thương mại của Trung Quốc sẽ bị tác động nặng nề.
Riêng nhật báo Công giáo La Croix, trong bài « Ngày tê liệt thứ hai ở sân bay Hồng Kông », lại đặt câu hỏi về chiến lược phong tỏa sân bay của người biểu tình : Liệu chiến thuật « làm tê liệt » sân bay Hồng Kông có làm thất vọng công luận địa phương và quốc tế không ? Liệu Bắc Kinh sẽ viện cớ đó để biện bạch cho việc trấn áp bạo lực ?
Ý : Thành phố Genova chờ cây cầu mới
Tròn một năm cây cầu Morandi ở thành phố Genova bất ngờ sụp đổ khiến 43 người chết trong vụ tai nạn. Người dân thành phố Genova vẫn chưa quên được thảm kịch này. Tuy nhiên, theo Les Echos, « Genova sẽ có một cây cầu mới vào mùa xuân 2020 ».
Sau nhiều tháng tranh cãi về cáo buộc trách nhiệm, cuối cùng cuộc khủng hoảng đã có lối thoát từ mùa Hè 2018 : phần còn lại của cây cầu đã được tháo dỡ, người dân địa phương được đền bù và thất thoát doanh thu của các doanh nghiệp phần nào được bù lỗ, tình trạng khẩn cấp tại Genova được kéo dài đến ngày 15/08/2020…
Công trường xây cầu mới được tiến hành, theo dự kiến kéo dài 12 tháng, với chi phí khoảng 202 triệu euro và hơn 1.000 người tham gia. Cây cầu cạn dài 1.067 mét và có 19 trụ chính.
Chủ tịch Liên doanh PerGenova, đơn vị thi công cây cầu, đánh giá đây là « một thách thức chưa từng có » vì « phải chứng minh được rằng công ty có khả năng xây một công trình hạ tầng phức tạp và hiện đại trên một khu đô thị đông dân cư và trong một thời gian rất ngắn. Đây cũng là cơ hội canh tân và nâng cao chất lượng, thẩm mỹ và tiêu chuẩn an toàn có thể được làm mẫu trong những công trình sau này ».
Ý và mùa hè khủng hoảng chính trị
Về chính trị, Ý đang trải qua giai đoạn hy hữu : khủng khoảng nội các ngay giữa kỳ nghỉ hè ; phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Nội Vụ Matteo Salvini, thuộc đảng Liên Đoàn, thông báo chấm dứt liên minh với Phong trào 5 sao và kêu gọi bầu cử sớm. Ngày 13/08/2019, Thượng Viện Ý đã quyết định hoãn ngày thảo luận về bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ vào tuần tới.
Ông Matteo Salvini tìm hậu thuẫn từ cựu thủ tướng Berlusconi, trong khi đảng Dân Chủ và Phong trào 5 sao đang tìm cách lập liên minh chống bộ trưởng Nội Vụ. Tình trạng hiện nay là « Cuộc chiến phe phái chính trị tại Ý », theo nhận định của Le Monde.
« Cuộc khủng hoảng hiện nay lại giúp đưa Matteo Renzi (cựu thủ tướng Ý, thuộc đảng Dân Chủ) trở lại trung tâm chính trường » khi ông bắt tay với Phong trào 5 Sao, theo đánh giá của Massimiiano Panarari, giáo sư tại đại học Luiss ở Roma. Trong khi đó, Phong trào 5 Sao đang tìm mọi cách để kéo dài thời gian, vì nếu tổ chức bầu cử Quốc Hội sớm, đảng này có thể bị mất đến một nửa số nghị sĩ hiện nay: 216 dân biểu và 107 thượng nghị sĩ được bầu vào tháng 03/2018.
Quyết định cuối cùng vẫn thuộc về tổng thống Sergio Mattarella và chỉ sau khi Thượng Viện bỏ phiếu tín nhiệm đối với chính phủ. Ông cũng sẽ phải nghiên cứu mọi khả năng liên minh để có thể lập một chính phủ mới trước khi quyết định tổ chức bầu cử.
Thổ Nhĩ Kỳ : Erdogan đối đầu với khó khăn chính trị, kinh tế
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ do tổng thống Erdogan đứng đầu đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ chính trị đến kinh tế. Tình hình này được nhật báo kinh tế Les Echos tóm lược trong bài viết : « Chế độ Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó khăn về kinh tế và chính trị ».
Trên mặt tư tưởng, văn hóa, từ vài ngày nay, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cho tiêu hủy gần 30.000 quyển sách được cho là có liên quan đến giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện là kẻ thù không đội trời chung của tổng thống Erdogan. Từ ba năm nay, gần 1/4 số nhà xuất bản và gần 150 cơ quan truyền thông bị đóng cửa ; khoảng 5.800 giáo sư đại học bị sa thải. Việc cho hủy sách của Gulen thể hiện sự căng thẳng và co cụm của chế độ cầm quyền.
Trên phương diện chính trị, đảng AKP của tổng thống Erdogan bị khủng hoảng : bị mất hai thành phố quan trọng, Istanbul và Ankara, tiếp theo là hai nhân vật quan trọng (Abdullah Gul, Ali Babacan) tách AKP ra thành lập đảng riêng vào mùa Thu, trong khi đảng AKP cũng đang phải liên minh với đảng dân túy cực hữu, vì không giành được đa số tuyệt đối trong cuộc bầu cử Quốc Hội.
Về đối ngoại, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gây căng thẳng với Mỹ khi quyết tâm mua hệ thống phòng thủ S-400 của Nga, trong khi đã ký với Washington mua chiến đấu cơ F-35. Trong khi đó, Liên Hiệp Châu Âu cũng trừng phạt Ankara vì khoan dầu trong vùng biển của Chrypre. Thổ Nhĩ Kỳ bất đồng với nhiều nước trong vùng như Ả Rập Xê út, Ai Cập, Israel, Syria, trong khi quan hệ với Nga và Trung Quốc cũng không còn tốt đẹp như trước.
Về kinh tế, tỉ lệ thất nghiệp lên đến 14% ở đất nước 80 triệu dân này, tăng trưởng năm 2019 được dư báo sẽ là con số âm, số lượng xe bán ra sụt đến 66% vào tháng 07, nhiều doanh nghiệp phải thương lượng với ngân hàng do chịu áp lực từ khối nợ ngoại tệ.
Viễn cảnh không mấy gì sáng sủa là một trong những nguyên nhân khiến đảng AKP bị mất thành phố Istanbul trong cuộc bầu cử được tổ chức lại dưới sức ép của tổng thống Erdogan.
Paris : Bốn tháng Thánh lễ vắng Nhà thờ Đức bà
Ngày 15/08 là lễ Đức Mẹ lên trời (Assomption). Tại Paris, buổi lễ sẽ không được tổ chức tại Nhà thờ Đức bà, vì công trình kiến trúc này vẫn đang được tu sửa sau vụ cháy ngày 15/04.
Từ bốn tháng nay, rất nhiều người đôn đáo để trùng tu lại Nhà thờ Đức bà Paris sau vụ cháy. La Croix giới thiệu 5 gương mặt tiêu biểu, từ chức sắc tôn giáo đến nghệ nhân, chính trị gia và nhà phụ trách quyên góp tài chính cho công trình kéo dài ít nhất 5 năm này.
Bốn tháng trôi qua, giai đoạn thẩm định tình trạng chung vẫn chưa hoàn tất, vì còn rất nhiều câu hỏi về độ vững chắc của mái vòm do áp lực của lửa và nước, cũng như của đá và vôi vữa kết dính… Một số công việc gia cố đã được hoàn thiện cho đến khi tạm ngừng công trường vì bị ô nhiễm chì, buộc phải xem xét lại quy tắc phòng ngừa y tế cho những người làm việc trên công trường.
Bị tạm hoãn từ cuối tháng 07, công trường sẽ dần được khởi công trở lại từ ngày 19/08 sau khi đã thiết lập các biện pháp bảo vệ mới. Một lần nữa, thời hạn 5 năm như tổng thống Pháp Macron mong muốn lại được xã luận của La Croix đưa ra bình luận. Như để phản đối, bài xã luận của La Croix cho rằng « vấn đề sức khỏe cộng đồng nhắc lại cho chúng ta rằng không một nhà lãnh đạo nào, không một chuyên gia, không một nhà hảo tâm nào có thể ấn định nhịp độ của một công trường quan trọng như vậy ».