Wednesday, October 16, 2024
HomeDU LỊCHBLOGHỎI THẾ GIAN TÌNH ÁI LÀ CHI...

HỎI THẾ GIAN TÌNH ÁI LÀ CHI…

THẢO DÂN

“Hỏi thế gian tình ái là chi…” câu này vốn thuộc bài từ trong tác phẩm “Mô ngư nhi – nhạn khâu” của nhà văn Nguyên Hiếu Vấn (1190-1257) sống cuối nhà Kim đầu nhà Nguyên khi ông nhìn thấy đôi chim nhạn đang bay trên trời, một cung thủ bắn rơi con nhạn đực, con cái lập tức lao đầu xuống theo, vỡ ngực mà chết… Nhà văn Kim Dung đã lấy hai câu thơ đó để mở đầu cho bài thơ tình độc nhất của Lý Mạc Sầu khi nàng nhớ về mối tình với Lục Triển Nguyên. Đây là nhân vật nữ mình thích nhất và sợ nhất trong truyện Kim Dung. Vì tình yêu, nàng vứt bỏ trinh bạch, lễ giáo, chấp nhận mang tiếng phản đồ, bỏ tất cả để theo tiếng gọi trong sâu thẳm trái tim và khi nàng đang rất hạnh phúc, ngỡ rằng những hy sinh của nàng hoàn toàn xứng đáng thì một Hà Nguyên Quân ngây thơ duyên dáng xuất hiện, lấy đi trái tim của Lục Triển Nguyên vĩnh viễn, cũng là ấy đi tình yêu duy nhất của Lý Mạc Sầu… Lục Triển Nguyên bội ước. Cuộc tình tan vỡ trong quá khứ đã khiến Lý Mạc Sầu trở thành một con người tàn nhẫn và độc ác, cả đời phải sống trong thù hận, tuy sâu thẳm trong con người nàng vẫn là lòng yêu thương. Suy cho cùng, còn yêu, còn hận thì con người đó vẫn còn có Tình.

Lý Mạc Sầu là người dám yêu, dám quên mình. Ngay cả khi nàng nuôi sống mình bằng tình hận, vì một người đàn ông, thì cũng là một kiểu yêu vong thân, ít ai dám lựa chọn. Nàng là kỳ nữ độc đáo nhất, bất hạnh nhất và cũng hạnh phúc nhất trong truyện của Kim Dung. Không có một Lý Mạc Sầu thứ hai. Nói hạnh phúc nhất, bởi lẽ, ngay cả khi mầm hận kết thành trái độc ác trong tim nàng, thì nó vẫn lớn bằng tình yêu, thứ tình luyện bởi sự bội phản, thất hứa, phụ thề của Lục Triển Nguyên. Với nàng, tình yêu rạch ròi. Yêu là chung tình tuyệt đối, không chia sẻ, không thêm bớt, không có người thứ hai. Yêu, nghĩa là duy nhất. Khi không còn duy nhất, thì thành cừu thù muôn kiếp, không tha thứ, không hạ mình.

Trong Thiên long bát bộ, nàng A Châu, tì nữ mang thân phận thấp hèn, một đứa con rơi của hoàng thân nước Đại Lý, mồ côi lưu lạc giang hồ, khác hẳn những nhân vật nữ có dòng dõi cao quý trong truyện Kim Dung, yêu say đắm Tiêu Phong, nhân vật kiêu dũng, anh hùng nức tiếng võ lâm. A Châu đã vì chữ hiếu với cha mà tự nguyện đem thân mình hóa giải mối oan cừu không có thực trong giang hồ, để rồi bị ngộ sát bởi người mình yêu dấu, nhưng cuối cùng nàng vẫn được chết trong vòng tay Tiêu Phong và thân xác vẫn trở về Nhạn Môn Quan đợi một ngày đoàn tụ bên kia thế giới. Sống không chung giường, chết không chung mồ, nhưng được ủ bằng hơi ấm người thương trước khi lìa đời, xét ra, cũng có thể coi như diễm phúc. Đó là tình bi thương ai oán.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, Nhậm Doanh Doanh, nữ hiệp với gắn với khúc tiêu trứ danh, chỉ vì ước mong một ngày được cùng người mình yêu hợp tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ, đã giữ tình nhân bằng cách ra lệnh cho toàn thể giáo chúng trên dưới, hễ gặp Lệnh Hồ Xung ở đâu là lập tức giết chết không tha, để chàng mãi ở bên cạnh, chỉ duy nhất mình được bảo vệ, chăm sóc, yêu thương. Yêu đến ích kỷ như thế, nhưng nàng cũng sẵn sàng tự nguyện chấp nhận bị giam giữ 10 năm đổi lấy Dịch cân kinh để trị nội thương cho Lệnh Hồ Xung, cho dù nàng biết, trong lòng chàng chưa khi nào mờ phai hình bóng tiểu muội Nhạc Linh San. Để rồi sau đó, nếm đủ mọi ngọt bùi cay đắng, nhận ra thâm tình dành cho nhau, họ cùng rũ bỏ mọi hào quang, danh lợi, mai danh ẩn tích thành đôi phượng hoàng tri kỷ ngao du thiên hạ, sớm sớm chiều chiều cùng nhau tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ. Tình như vậy, là tình đẹp từ khổ đau mất mát.

Hoàng Dung, cô con gái đảo chủ Hoa đào thì sánh duyên cùng chàng ngốc Quách Tĩnh. Mối tình của họ gần như không sóng gió, không bi lụy. Nàng là đồng môn, ý trung nhân và quân sư xuất sắc cho chồng trong suốt quãng đời hai người yêu, sống và tung hoành trong giang hồ bảo vệ thành trì đất nước. Đồng tâm đồng chí. Phút cuối cùng, khi thành Tương Dương mất trước sự xâm lăng của người Mông Cổ, nàng đã cùng chồng oanh liệt tự sát để bảo toàn khí tiết. Đó là mối tình đẹp đẽ, trọn vẹn, như chim liền cánh như cây liền cành, không một phút lìa xa. Có thể gọi đây là mối tình tương giao lý tưởng.

Trong Thiên long bát bộ, nàng Vương Ngữ Yên, pho từ điển sống về kinh sách võ học, suốt tuổi thiếu nữ yêu thương và ao ước được làm vợ Mộ Dung Phục. Nàng từng trải qua nỗi tuyệt vọng tột cùng khi Mộ Dung chỉ chăm chắm dành tâm huyết cho đại nghiệp phục quốc mà phải quên đi mối tình thanh mai trúc mã để kết hôn với công chúa Khiết Đan. Chính vào lúc nàng lao mình xuống giếng tự vẫn để chung thủy với tình đầu oan nghiệt thì cũng là khi nàng gặp được ân nhân, tri kỷ, người anh hùng của lòng mình: Vương tử Đoàn Dự. Vì Ngữ Yên, Đoàn Dự đã khước từ vương vị, chối bỏ vinh hoa, rong ruổi khắp giang hồ mê đắm chạy theo tà áo mỏng của Ngữ Yên, để rồi cuối cùng châu về Hợp Phố. Mối tình thế này, cổ kim, trong sách hay ngoài đời không thiếu. Nên có thể gọi đó là Tình Đời.

Một nhân vật nữ khác, thoảng nhẹ trong tác phẩm của Kim Dung nhưng để lại sức ám ảnh lớn cho độc giả là nhân vật tiểu ni cô Nghi Lâm với tình đơn phương, bao dung dành cho gã giang hồ mồm năm miệng mười Lệnh Hồ Xung. Nàng là vưu vật của tạo hóa, dáng vẻ cốt cách thanh khiết phi phàm, phảng phất chân dung của Bồ Tát Quan Âm tại thế. Vì “Lệnh Hồ ca” mà trót vướng bụi trần, bị mũi tên tình yêu vô thanh vô ảnh lặng lẽ xuyên tim khiến nàng đêm ngày sầu thương héo hắt, thân tâm u uẩn, dung nhan tàn tạ. Mối tình nhẹ như gió, sâu như nước, nồng nàn như lửa ấy, nàng chỉ biết chia sẻ với thinh không và bà lão già câm điếc trên núi. Những giọt lệ đêm trường âm thầm nhỏ xuống trang kinh, lấp lánh ánh sáng của mối tình tuyệt vọng, nhưng rốt cuộc, mối tình thầm đó vẫn được Lệnh Hồ ca thấu hiểu khi chàng hóa trang làm bà lão nghe nàng giãi bày tâm sự, trước khi hai người vĩnh viễn chia biệt để chàng nắm tay Nhậm Doanh Doanh đi về phía trời cát bụi, cũng nhau song tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ. Mối tình trong sáng mãnh liệt của Nghi Lâm là thứ tình Hồn bướm mơ tiên, phiêu diêu thoát tục, như nước tinh khiết, không gợn chút đam mê dục vọng.

Ở Ỷ thiên đồ long ký, người đọc lại không thể quên Triệu Mẫn, nàng công chúa Mông Cổ xinh đẹp, khí phách, tài năng, thay cha nhận lãnh trách nhiệm thống lĩnh quần hùng trong thiên hạ. Nàng để mắt tới Trương Vô Kỵ, nhân vật tuấn kiệt từng làm náo động giang hồ, một minh chủ võ lâm vừa giỏi võ công vừa tường y đạo, bao phen Triệu Mẫn xả thân sống chết vì chàng. Yêu mãnh liệt đến mức dám liều lĩnh xông vào phá tan đám cưới của người mình yêu. Xét ra, chính nàng mới là hồng nhan tri kỷ của Trương Vô Kỵ chứ không phải Chu Chỉ Nhược. Chính nàng mới nhìn thấy thẳm sâu trong tâm hồn bậc anh hùng cái thế, tấm lòng chuộng nghĩa trọng tình, không hợp chốn gió tanh mưa máu, để cuối cùng, vì tình yêu dành cho Triệu Mẫn, Trương Vô Kỵ đã từ bỏ những tham vọng tranh bá đồ vương, bỏ lại tất cả hấp lực danh lợi, âm thầm mang Triệu Mẫn mai danh ẩn tích sống đời bình dị, mỗi sớm thức dậy, được vẽ lông mày cho người con gái mình yêu theo ước nguyện của nàng. Đó là tình giai nhân tài tử, tình Phạm Lãi Tây Thi.

Thậm chí, ngay cả nhân vật thuộc dòng bất hạnh nhất trong các nữ nhân của Kim Dung là nàng Mục Niệm Từ, thì cũng có kết cục đỡ thê thảm rất nhiều. Nàng yêu Dương Khang trong tuyệt vọng, rồi sớm trở thành quả phụ không chính danh, đành nuốt nước mắt vào lòng để nuôi con khôn lớn. Nhờ Quách Tĩnh dạy dỗ, mà cậu bé không cha đã trưởng thành, võ công tuyệt đỉnh, được quần hùng võ lâm xếp vào Ngũ lâm võ tuyệt, với biệt danh Tây Cuồng Dương Quá. Mối tình tuyệt vọng của Mục Niệm Từ và cuộc đời cay đắng cô đơn của nàng, rốt cuộc cũng cho trái ngọt. Đủ cho mọi hi sinh, tủi nhục. Đó là tình vị tha, vị nghĩa.

Chỉ có Lý Mạc Sầu một đời cô độc trong hận thù, đau đớn. Tình địch lẫn tình nhân chết rồi nhưng quyết phải giết hết cả nhà họ Lục, đến con gà con chó cũng không tha. Bất cứ cái gì nhắc tới Hà Nguyên Quân cũng khiến nàng cuồng nộ. Hận đến nỗi cả nhà Hà lão quyền sư vốn chẳng quen biết gì mà vẫn bị nàng giết sạch, đến chết cũng không biết được lý do mình bị giết là vì… mang họ Hà. Hoặc nàng giết cả 16 nhà thuyền vì chiêu bài hành nghề của họ dám mang chữ… Nguyên Quân.
Độc ác, tàn nhẫn đến độ đuổi cùng giết tận bất kỳ ai gợi nhớ kẻ thâm thù, và bởi thế nên giang hồ gọi nàng là Ma Nữ, là Đại Ma Đầu… Cho dù đến chết, nàng vẫn là trinh nữ. Trinh nữ Đại Ma Đầu.
Còn gì đau đớn hơn cả đời mang mối hận tình mà khi tìm tới trả thù thì kẻ thù lớn nhất đời, người yêu nhất đời đã nằm im ba thước đất. Trống rỗng, vô nghĩa.
Còn gì lạnh lùng vô đạo hơn khi đào mồ phu thê cố nhân lên để xúc xương cốt họ, người ném xuống sông người quăng lên núi, buộc họ phải chia lìa khi đã ra người thiên cổ. Nhưng thảm thương thay cho Lý Mạc Sầu, cho dù táng tận lương tâm, nàng cũng không bao giờ có thể tìm lại được Lục Triển Nguyên một đời yêu và hận. Không bao giờ buộc được trái tim người cũ phải yêu mình. Yêu là gì để người ta thành Người, thành Thánh Thần, thành Ma Quỷ? Có ai yêu đủ dài rộng để dám triết luận? Có thể sống bao nhiêu cuộc đời mới giải nghĩa được chữ Tình? Thế nên, mãi mãi câu hỏi của Lý Mạc Sầu không lời giải đáp. Mãi mãi, lời bi ca Hỏi thế gian tình ái là gì còn treo lơ lửng trên cõi nhân gian.

Những nữ nhân trong truyện Kim Dung, ai cũng quyết liệt, sống chết vì tình, đã yêu là bất hối, hận tình quyết trả. Nhưng hầu như ai cũng có những kết thúc đẹp, hoặc chết trong tay người yêu, hoặc sống cùng nhau tới răng long đầu bạc. Đẹp bi ai. Đẹp thống khổ. Đẹp khốc liệt. Đẹp đoàn tụ. Đẹp viên mãn. Mỗi tình một kiểu. Chỉ duy nhất Lý Mạc Sầu sống trong lạnh lùng và chết trong cô độc, yêu tuyệt đối, yêu vĩnh cửu, yêu nguyên vẹn. Duy nhất một người. Là trinh nữ ngay cả khi bị thế gian căm hận gọi là Nữ Đại Ma Đầu. Tới khi ngã xuống bởi Độc hoa tình vẫn còn bi thiết hát “Tình là chi hỡi thế gian, câu thề sinh tử đa mang một đời…”. Vì thế, người ghét bỏ nàng rất nhiều, nhưng người thương yêu nàng còn nhiều hơn thế. Bởi nếu đời chỉ có những tình yêu cao thượng, tận hiến, chung thủy, trung thành thì tình yêu đâu còn ánh sáng lấp lánh đa tình đa cảm của khối kim cương. Mà nó sẽ thành tấm gương trong veo nhạt nhẽo. Ở đời, phàm những gì nhạt nhẽo cũng không nhiều giá trị.

Có lúc, tự hỏi, Tại sao trong truyện Kim Dung, người nữ nào cũng là trang tuyệt thế giai nhân, tài sắc vẹn toàn, xuất thân cao quý? Phải chăng ông ký thác vào đó những giấc mơ đời không có thực? Nếu sống thêm vài chục năm nữa, có khi nào trên trang viết của Kim Dung, nhân vật nữ khác đi một chút- Những người đàn bà dung mạo tầm thường, năng lực thấp kém, xuất thân bình dân không thuộc dõng dõi quý tộc cao sang, nhưng vẫn âm thầm yêu, âm thầm sống, mang nội tâm mâu thuẫn, phức tạp, hai mặt, hai cuộc đời. Một cuộc đời ngoài ánh sáng. Một cuộc đời trong bóng tối. Cuộc đời nào cũng đi tới cuối con đường, giữ tròn đạo nghĩa. Những day dứt, đau khổ, tự thán, tự bạch, những tận tụy, trung thành, chung thủy, những hi sinh, ân điển trời ban của người nữ ấy, viết ra bao nhiêu trang sách cho vừa? Bởi suy cho cùng, thầm lặng trên trái đất này, có được đáng bao giai nhân vẹn toàn tài sắc. Nuôi nấng, giữ gìn, nối dài nhân loại là những người đàn bà bình thường, giản dị, náu lặng ngoài kia. Thế nên, Giá chi, trên đời không chỉ có một Kim Dung…

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular