– Cù Tuấn biên dịch phóng sự của AP.
ZAPORIZHZHIA, Ukraine (AP) — Những thường dân Ukraine thức dậy từ rất lâu trước bình minh trong cái lạnh thấu xương, xếp hàng chờ đi vệ sinh, sau đó bị chĩa súng vào người và bị ép lên xe kéo chở gia súc. Họ dành 12 giờ tiếp theo hoặc hơn để đào chiến hào trên tiền tuyến cho binh lính Nga.
Nhiều người buộc phải mặc quân phục quá khổ của quân đội Nga, khiến họ có thể trở thành mục tiêu, và một cựu quản lý thành phố đã phải bước đi trong đôi ủng kích cỡ lớn hơn chân năm cỡ. Đến cuối ngày, bàn tay của họ gần như bị đông đá.
Gần đó, trong khu vực bị chiếm đóng Zaporizhzhia, những thường dân Ukraine khác phải đào những ngôi mộ tập thể trên mặt đất đóng băng cho những người bạn tù đã không sống sót. Một người đàn ông từ chối đào đã bị bắn chết ngay tại chỗ – thêm một xác chết nữa được ném vào hố.

Hàng ngàn thường dân Ukraine đang bị giam giữ trên khắp nước Nga và các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga chiếm đóng, tại các khu mới lập trong các nhà tù của Nga hoặc những tầng hầm ẩm ướt. Hầu hết trong số họ không có tư cách tù binh theo luật pháp Nga.
Và Nga đang lên kế hoạch để có thể có chỗ giam giữ thêm hàng nghìn người nữa. Một tài liệu của chính phủ Nga mà hãng tin AP có được từ tháng 1 đã vạch ra kế hoạch thành lập 25 nhà tù mới và sáu trung tâm giam giữ khác ở Ukraine bị chiếm đóng vào năm 2026.
Ngoài ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 5 đã ký một sắc lệnh cho phép Nga chuyển người từ các vùng lãnh thổ có thiết quân luật, bao gồm toàn bộ các vùng Ukraine bị chiếm đóng, đến những vùng không có thiết quân luật, chẳng hạn như trong nước Nga. Điều này giúp việc đưa những người Ukraine chống đối Nga vào sâu trong lãnh thổ Nga trở nên dễ dàng hơn, điều này đã xảy ra trong nhiều trường hợp được AP ghi lại.
Nhiều dân thường bị bắt vì bị cáo buộc vi phạm những lỗi nhỏ như nói tiếng Ukraine hoặc đơn giản là một nam thanh niên ở khu vực bị chiếm đóng, và thường bị giam giữ mà không có tội danh. Những người khác bị buộc tội là những kẻ khủng bố, chiến binh hoặc những người “chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt”. Hàng trăm người được quân đội Nga sử dụng làm lao động nô lệ, để đào hào và các công sự khác, và đào các ngôi mộ tập thể.
Tra tấn là chuyện thường ngày, bao gồm giật điện lặp đi lặp lại, đánh đập làm nứt hộp sọ và gãy xương sườn, và gây ngạt đến khi ngất đi. Nhiều cựu tù nhân nói với AP rằng họ đã chứng kiến những cái chết do tra tấn. Một báo cáo của Liên Hợp Quốc từ cuối tháng 6 đã ghi lại 77 vụ hành quyết các tù nhân dân sự và cái chết của một người do bị tra tấn.

Nga hoàn toàn không thừa nhận việc giam giữ thường dân, chứ đừng nói đến lý do của việc này. Nhưng các tù nhân này đóng vai trò là con bài mặc cả trong tương lai để đổi lấy binh lính Nga và Liên Hợp Quốc cho biết có bằng chứng về việc thường dân bị sử dụng làm lá chắn sống gần chiến tuyến.
AP đã phỏng vấn hàng chục người, bao gồm 20 cựu tù nhân, cùng với các cựu tù nhân chiến tranh, gia đình của hơn chục thường dân đang bị giam giữ, hai quan chức tình báo Ukraine và một nhà đàm phán của chính phủ. Những lời kể của họ, cũng như hình ảnh vệ tinh, phương tiện truyền thông xã hội, tài liệu của chính phủ và bản sao của các bức thư do Hội Chữ thập đỏ gửi, đã xác nhận hệ thống giam giữ và lạm dụng dân thường, trên diện rộng của Nga – một hành vi vi phạm trực tiếp Công ước Geneva.
Một số thường dân đã bị giam giữ trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, trong khi những người khác đã biến mất hơn một năm. Gần như tất cả những người được trả tự do cho biết họ đã trải qua hoặc chứng kiến sự tra tấn, và hầu hết được mô tả là bị chuyển từ nơi này sang nơi khác mà không được giải thích.
Olena Yahupova, một công chức thành phố, người bị buộc phải đào chiến hào cho quân Nga ở Zaporizhzhia, cho biết: “Đó là một ngành kinh doanh buôn người. Nếu chúng tôi không nói về nó và giữ im lặng, thì ngày mai bất cứ ai cũng có thể ở đó – hàng xóm, người quen, con cái của các bạn.”

NHỮNG TÙ NHÂN VÔ HÌNH
Tòa nhà mới trong khuôn viên Trại tù số 2 cao ít nhất hai tầng, ngăn cách với nhà tù chính bằng một bức tường dày.
Trại tù này nằm ở khu vực Rostov phía đông của Nga đã nổi bật lên kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, theo hình ảnh vệ tinh được AP phân tích. Theo các cựu tù nhân, gia đình của những người mất tích, các nhà hoạt động nhân quyền và luật sư Nga, nó có thể dễ dàng chứa hàng trăm thường dân Ukraine được cho là bị giam giữ ở đó. Hai nhà hoạt động nhân quyền người Nga lưu vong cho biết khu vực này được binh lính và xe bọc thép bảo vệ nghiêm ngặt.
Tòa nhà ở Rostov này là một trong ít nhất 40 trại giam ở Nga và Belarus, cùng 63 trại giam tạm thời và chính thức trên lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng có thường dân Ukraine bị giam giữ, dựa theo bản đồ của AP được xây dựng dựa trên dữ liệu từ những người từng bị giam giữ, Sáng kiến Truyền thông Nhân đạo Ukraine, và nhóm nhân quyền Nga Gulagu(.)net. Báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc đã thống kê có tổng cộng 37 trại giam ở Nga và Belarus và 125 ở các vùng Ukraine bị chiếm đóng.
Một số trại tù cũng giam giữ các tù nhân Nga bị buộc tội hoặc bị kết án về nhiều tội danh khác nhau. Các trại giam tạm thời, mới hơn nằm gần chiến tuyến, và AP đã ghi lại hai địa điểm mà các cựu tù nhân nói rằng tù nhân người Ukraine bị buộc phải đào chiến hào.
Bản chất không rõ ràng của hệ thống trại tù này khiến khó có thể xác định chính xác có bao nhiêu thường dân đang bị giam giữ. Chính phủ Ukraine đã có thể xác nhận các chi tiết pháp lý của hơn 1.000 thường dân đang bị buộc tội.

Theo Vladimir Oschkin, một nhà hoạt động nhân quyền người Nga lưu vong, người nói chuyện với những người cung cấp thông tin trong các nhà tù Nga và thành lập trang Gulagu(.)net để ghi lại các vụ lạm dụng, đã có ít nhất 4.000 dân thường bị giam giữ ở Nga và ít nhất cũng nhiều người như vậy sống rải rác xung quanh các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Osechkin đã cho AP xem một tài liệu về nhà tù của Nga từ năm 2022 nói rằng 119 người “phản đối chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine đã được chuyển bằng máy bay đến nhà tù chính ở vùng Voronezh của Nga. Nhiều người Ukraine sau đó được Nga trả tự do cũng mô tả các vụ chuyển máy bay không có lời giải thích.
Nói chung, chính phủ Ukraine tin rằng có khoảng 10.000 thường dân bị giam giữ, theo nhà đàm phán Ukraine Oleksandr Kononeko, dựa trên các báo cáo từ những người thân của họ, cũng như các cuộc phỏng vấn sau khi trả tự do với một số thường dân và hàng trăm binh sĩ Ukraine được trao trả trong các cuộc trao đổi tù nhân. Ukraine cho biết vào tháng 6 rằng khoảng 150 thường dân đã được thả tự do tới lãnh thổ do Ukraine kiểm soát và người Nga phủ nhận việc giữ những người khác.
“Họ nói, ‘Chúng tôi không giam giữ những người này, chính bạn mới là người nói dối’,” Kononeko nói.
Việc giam giữ hai người đàn ông từ vùng Kherson vào tháng 8 năm 2022 cho thấy các gia đình khó khăn như thế nào trong việc tìm kiếm những người thân đang bị Nga giam giữ.
Artem Baranov, một nhân viên bảo vệ, và Yevhen Pryshliak, người cùng làm việc tại một nhà máy nhựa đường địa phương với cha mình, đã là bạn của nhau trong hơn một thập kỷ. Theo Ilona Slyva, vợ của Baranov, mối quan hệ của họ được củng cố khi cả hai cùng mua chó trong đại dịch coronavirus. Những lần đi dạo buổi tối của họ vẫn tiếp tục ngay cả sau khi Nga chiếm giữ quê hương Nova Kakhovka của họ – Baranov nhút nhát với một con chó ngao Ý đen khổng lồ và Pryshliak với một con chó xù nhỏ có bộ lông cùng màu với bộ râu của anh ta.

Lần đi dạo của họ diễn ra vào đêm muộn ngày 15 tháng 8, và Pryshliak quyết định ở lại căn hộ của Baranov thay vì mạo hiểm bị bắt quả tang vi phạm lệnh giới nghiêm của Nga. Những người hàng xóm sau đó nói với gia đình rằng 15 lính Nga có vũ trang đã xông vào, lục soát căn hộ và bắt giữ những người đàn ông này.
Trong một tháng, họ ở trong nhà tù địa phương, với điều kiện đủ thoải mái để Slyva có thể nói chuyện với Pryshliak qua hàng rào. Baranov thì không thể ra ngoài.
Slyva gửi những gói thức ăn và quần áo nhưng không biết liệu chúng có đến tay Baranov không. Cuối cùng, vào ngày sinh nhật của Baranov, cô đã mua món tráng miệng yêu thích của anh gồm kem eclairs, đập nát chúng và nhét vào đó một mẩu giấy có ghi số điện thoại mới do Nga cung cấp của cô trên đó. Cô hy vọng những người bảo vệ sẽ ít quan tâm đến mớ thức ăn hỗn độn nhớp nháp đó và đưa nó tới tay anh.
Một tháng trôi qua, gia đình biết được những người đàn ông này đã bị chuyển đến một nhà tù mới ở Sevastopol, Crimea. Sau đó là biệt vô âm tín.
Bốn tháng nữa trôi qua. Cuối cùng một cuộc gọi đến từ gia đình của một người đàn ông mà họ chưa từng gặp nhưng sẽ sớm trở nên thân quen: Pavlo Zaporozhets.
Zaporozhets, một người Ukraine từ vùng Kherson bị chiếm đóng bị buộc tội khủng bố quốc tế, đã ở chung phòng giam ở Rostov với Baranov. Vì Zaporozhets phải đối mặt với cáo buộc, anh đã có một luật sư.
Đó là lúc Slyva biết món quà sinh nhật của cô – và số điện thoại được giấu trong đó – đã đến được đích. Baranov đã thuộc làu số điện thoại của vợ và chuyển nó qua một chuỗi truyền tin phức tạp để cuối cùng cô nhận được tin tức về chồng mình vào ngày 7 tháng 4 năm 2023.
Baranov đã viết rằng anh bị buộc tội làm gián điệp – một lời buộc tội mà Slyva bác bỏ vì nó vô lý ngay cả theo logic nội bộ của Nga. Chồng cô bị giam giữ vào tháng 8 và Nga sáp nhập bất hợp pháp các khu vực này chỉ vào tháng 10.
“Khi chồng tôi bị giam giữ, anh ấy đang ở trên lãnh thổ quốc gia của mình,” cô nói. “Họ đã suy nghĩ nát óc và nghĩ ra một vụ án hình sự buộc tội chồng tôi vì tội gián điệp.”
Baranov đã viết về nhà rằng anh ta đã bị bịt mắt và bị đưa đi khắp các nhà tù, trên hai chiếc máy bay, một trong số đó có khoảng 60 người. Anh và Pryshliak đã chia tay ở lần chuyển tù thứ ba vào cuối mùa đông. Gia đình của Pryshliak đã nhận được một lá thư từ trại tù Rostov, nói rằng anh ta không phải là tù nhân ở trại này.
Số lượng thường dân bị giam giữ đã tăng lên nhanh chóng trong suốt cuộc chiến. Trong đợt đầu tiên, các đơn vị Nga đã mang theo một danh sách các nhà hoạt động, các nhà lãnh đạo cộng đồng thân Ukraine và các cựu quân nhân. Thị trưởng Melitopol Ivan Fedorov đã bị bắt khi quân Nga giành quyền kiểm soát thành phố của ông nhưng sau đó ông đã được trao đổi trong vòng một tuần để lấy 9 binh sĩ Nga, ông nói.
Sau đó, quân Nga tập trung vào các giáo viên và bác sĩ, những người từ chối làm việc với chính quyền chiếm đóng. Nhưng những lý do để bắt giữ mọi người ngày nay đã trở nên rất nhỏ nhặt, chẳng hạn như việc buộc một dải ruy băng có màu xanh lam và vàng của quốc kỳ Ukraine vào một chiếc xe đạp.
“Bây giờ việc bắt giữ không có logic nào,” Fedorov nói.
Fedorov ước tính rằng khoảng 500 thường dân Ukraine bị giam giữ ngay tại thành phố của anh bất cứ lúc nào – những con số được nhiều người do AP phỏng vấn khẳng định.
Một quan chức tình báo Ukraine cho biết nỗi sợ hãi của người Nga đối với những người chống đối họ đã trở thành “bệnh lý” kể từ mùa thu năm ngoái, khi người Nga chuẩn bị cho cuộc phản công của Ukraine. Quan chức này đã phát biểu với điều kiện giấu tên để thảo luận về tình hình.
AP đã thấy nhiều thông báo về người mất tích được đăng trên các cuộc trò chuyện kín trên mạng xã hội Ukraine dành cho những nam thanh niên bị bắt giữ trên đường phố. Các tin nhắn, được viết bằng tiếng Ukraine, mô tả các vụ bắt người tại nhà và trên đường phố, với lời cầu xin cung cấp thông tin và biểu tượng cảm xúc trái tim và bàn tay cầu nguyện.
Công ước Geneva nói chung nghiêm cấm việc giam giữ tùy tiện hoặc trục xuất cưỡng bức thường dân và quy định rằng những người bị giam giữ phải được phép liên lạc với những người thân, được tư vấn pháp lý và thách thức các cáo buộc chống lại họ. Nhưng trước tiên họ phải được tìm thấy.
Sau nhiều tháng viết hết lá thư này đến lá thư khác để tìm Pryshliak, chị dâu Liubov của anh nghĩ rằng cô đã biết lý do tại sao các tù nhân bị chuyển đi khắp nơi: “Để gia đình không thể tìm thấy họ. Chỉ để che giấu dấu vết tội ác.”
NÔ LỆ ĐÀO CHIẾN HÀO
Hàng trăm thường dân kết thúc ở một nơi có thể còn nguy hiểm hơn cả nhà tù: chiến hào tại các vùng Ukraine bị Nga chiếm đóng.
Ở đó, họ buộc phải xây dựng công sự bảo vệ cho những người lính Nga, theo nhiều người đã rời khỏi nơi giam giữ của Nga. Trong số đó có Yahupova, quan chức dân sự 50 tuổi bị bắt giữ vào tháng 10 năm 2022 tại vùng Zaporizhzhia, có thể vì bà đã kết hôn với một quân nhân Ukraine.
Theo luật nhân đạo quốc tế, Yahupova là thường dân — được định nghĩa là bất kỳ ai không phải là thành viên tích cực hoặc tình nguyện viên của lực lượng vũ trang. Các hành vi vi phạm pháp luật được ghi chép lại đã cấu thành tội ác chiến tranh và, nếu phổ biến và có hệ thống, “cũng có thể cấu thành tội ác chống lại loài người”.
Tuy nhiên, khó có thể chứng minh sự khác biệt giữa binh lính và thường dân trong một cuộc chiến mà Ukraine đã kêu gọi tất cả công dân của mình hỗ trợ, chẳng hạn bằng cách gửi thông tin các địa điểm đóng quân của Nga thông qua mạng xã hội. Trên thực tế, người Nga đã bắt giữ dân thường cùng với binh lính, kể cả những người bị hàng xóm tố cáo vì bất kỳ lý do gì, một số khác bị bắt giữ dường như ngẫu nhiên.
Họ bắt Yahupova tại nhà riêng vào tháng 10. Sau đó, họ yêu cầu bà tiết lộ thông tin về chồng mình, dùng túi ni lông trùm lên mặt, dùng chai đựng đầy nước đánh vào đầu và siết chặt dây cáp quanh cổ bà.
Họ cũng kéo Yahupova ra khỏi phòng giam và đưa bà đi khắp thị trấn để chỉ điểm những người dân địa phương ủng hộ Ukraine. Bà đã không chỉ ai cả.
Khi họ lôi Yahupova ra lần thứ hai, bà đã kiệt sức. Khi một người lính đặt bà trước máy quay của Nga để làm phóng sự, bà vẫn có thể cảm thấy vết máu khô sau gáy mình. Những kẻ bắt giữ Yahupova nói với bà rằng bà sẽ phải trả lời phỏng vấn.
Phía sau máy quay, một khẩu súng chĩa vào đầu Yahupova. Người lính cầm súng nói với bà rằng nếu bà trả lời đúng những câu hỏi do nhà báo Nga phỏng vấn, bà có thể được tự do.
Nhưng Yahupova không biết câu trả lời đúng là gì. Bà bị đưa trở lại phòng giam.
Ba tháng sau, không một lời giải thích, Yahupova lại bị kéo ra ngoài. Lần này, bà được đưa đến một trạm kiểm soát vắng vẻ, nơi một nhóm phóng viên người Nga khác đang chờ đợi. Bà được lệnh nắm tay hai người đàn ông và đi bộ khoảng 5 mét về phía Ukraine.
Ba người Ukraine được lệnh thực hiện một lượt đi như vậy. Và một lượt đi nữa, để chứng tỏ rằng Nga đang trả tự do cho thường dân Ukraine đang bị họ giam giữ.
Ngoại trừ, ở cuối lượt đi cuối cùng, binh lính Nga tống họ lên một chiếc xe tải và chở họ đến một ngã tư gần đó. Một người nhét xẻng vào tay họ.
Người đó nói: “Bây giờ các bạn sẽ làm một việc có lợi cho Liên bang Nga.”
Và thế là Yahupova đã chuyển sang đào chiến hào cho đến giữa tháng 3 cùng với hơn chục thường dân Ukraine, bao gồm chủ doanh nghiệp, sinh viên, giáo viên và công nhân. Bà có thể nhìn thấy những toán khác ở phía xa, với những người lính có vũ trang đứng phía trên cao. Hầu hết mọi người đều phải mặc quân phục và đi ủng của quân đội Nga, và sống trong nỗi sợ hãi rằng pháo binh Ukraine sẽ tưởng nhầm họ là kẻ thù.
AP xác nhận thông qua hình ảnh vệ tinh, các chiến hào mới được đào ở khu vực nơi Yahupova và một người đàn ông trong nhóm tù nhân Ukraine đi cùng bà cho biết họ bị giam giữ. Anh ta yêu cầu giấu tên vì người thân của anh vẫn sống trong vùng Nga chiếm đóng.
“Đôi khi chúng tôi thậm chí làm việc ở đó 24 giờ một ngày, khi họ sắp có Thanh tra tới,” anh nói.
Người này cũng nói chuyện với những thường dân Ukraine khác đang đào những ngôi mộ tập thể gần đó cho ít nhất 15 người. Anh cho biết một thường dân đã bị bắn vì từ chối đào. Hình ảnh vệ tinh cho thấy một gò đất mới đào ở vị trí mà người này đã mô tả.
Người đàn ông này đã trốn thoát trong một đợt luân chuyển quân của Nga, và Yahupova cũng tìm được đường thoát. Nhưng cả hai đều cho biết hàng trăm người khác vẫn đang ở khu vực tiền tuyến bị Nga chiếm đóng, và bị buộc phải làm việc cho Nga hoặc chết.
Khi Yahupova trở về nhà sau hơn 5 tháng, mọi thứ đã bị đánh cắp. Con chó yêu quý của bà đã bị bắn chết. Đầu bà đau nhức, tầm nhìn mờ đi, và những đứa con của bà – từ lâu đã rời khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng – thúc giục bà rời đi.
Yahupova đã đi quãng đường hàng ngàn dặm băng qua nước Nga, về phía bắc đến vùng Baltic và quay trở lại tiền tuyến ở Ukraine, nơi bà đoàn tụ với người chồng đang phục vụ trong lực lượng Ukraine. Trước đó hai người đã kết hôn trong một buổi lễ dân sự, lần này cả hai kết hôn lần nữa trong nhà thờ.
Hiện tại khi đã an toàn trên lãnh thổ Ukraine, Yahupova muốn làm chứng chống lại Nga – quân Nga đã tra tấn bà khiến bà trở nên quá căng thẳng, và họ đã lấy đi cả ngôi nhà của bà. Theo phản xạ Yahupova vẫn thường xuyên chạm vào sau đầu, nơi cái chai nước đã đập liên hồi vào đó khi bị tra tấn.
“Họ không chỉ lấy mọi thứ của tôi, họ còn lấy đi tài sản của một nửa dân số Ukraine,” Yahupova nói.
TRA TẤN NHƯ MỘT CHÍNH SÁCH
Việc lạm dụng mà Yahupova mô tả là phổ biến. Việc tra tấn diễn ra thường xuyên, cho dù có thông tin cụ thể hay không, theo lời kể của mọi cựu tù nhân được AP phỏng vấn. Báo cáo của Liên Hợp Quốc từ tháng 6 cho biết 91% tù nhân “đã mô tả việc bị tra tấn và ngược đãi”.
Tại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, tất cả những thường dân được trả tự do mà AP phỏng vấn đều mô tả những căn phòng và phòng giam chật chội, những công cụ tra tấn được chuẩn bị trước, băng dính được đặt cẩn thận bên cạnh ghế văn phòng để trói tay và chân, và nhiều lần họ bị cơ quan tình báo FSB của Nga thẩm vấn. Gần 100 bức ảnh bằng chứng mà AP thu được từ các nhà điều tra Ukraine cũng cho thấy các công cụ tra tấn được tìm thấy ở các khu vực được giải phóng Kherson, Kyiv và Kharkiv, bao gồm các công cụ tương tự được mô tả nhiều lần bởi các cựu tù nhân dân sự bị giam giữ ở Nga và các khu vực bị Nga chiếm đóng.
Nhiều cựu tù nhân đã nói về những sợi dây nối cơ thể tù nhân với dòng điện trong điện thoại dã chiến, đài hoặc pin, một hình thức tra tấn mà một người cựu tù cho biết người Nga gọi là “gọi cho mẹ của bạn” hoặc “gọi cho Biden”. Các nhà điều tra nhân quyền của Liên Hợp Quốc cho biết một nạn nhân đã mô tả cách đối xử tương tự đối với Yahupova, đó là bị đánh đập dã man vào đầu bằng một cái chai đựng đầy nước.
Viktoriia Andrusha, một giáo viên toán tiểu học, đã bị lực lượng Nga bắt giữ vào ngày 25 tháng 3 năm 2022, sau khi họ lục soát nhà của cha mẹ cô ở Chernihiv và tìm thấy những bức ảnh về các phương tiện quân sự của Nga trên điện thoại của cô. Đến ngày 28 tháng 3, cô đã bị chuyển tới một trại tù ở Nga. Những kẻ bắt giữ cô nói với cô rằng Ukraine đã thất thủ và không ai muốn bất kỳ thường dân nào quay trở lại Ukraine.
Đối với Andrusha, giống như rất nhiều người khác, việc tra tấn xảy ra dưới hình thức nắm đấm, dùi cui bằng kim loại, gỗ và cao su, hoặc túi nhựa. Những người đàn ông mặc đồ đen, với quân hàm lực lượng đặc biệt trên tay áo, đánh đập cô trong hành lang trại tù và trong một căn phòng lát gạch men dường như được thiết kế để có thể làm sạch nhanh chóng. Tuyên truyền của Nga phát trên tivi phía trên cô ấy.
“Đã có lúc tôi đã ngồi bệt và nói: Thành thật mà nói, hãy làm những gì các anh muốn với tôi. Tôi không quan tâm nữa,” Andrusha nói.
Cùng với sự tra tấn về thể xác là sự đau khổ về tinh thần. Andrusha đã nhiều lần được thông báo rằng cô sẽ chết trong tù ở Nga, rằng họ sẽ dùng dao chém vào cô cho đến khi không thể nhận dạng được nữa, rằng chính phủ Ukraine không quan tâm gì đến một giáo viên bị giam giữ, rằng gia đình cô đã quên cô rồi, rằng ngôn ngữ Ukraine là vô dụng. Họ buộc những người bị bắt phải học thuộc lòng hết câu này đến câu khác của quốc ca Nga và các bài hát Nga yêu nước khác.
Andrusha nói: “Công việc của họ là tác động đến tâm lý chúng tôi, cho chúng tôi thấy rằng chúng tôi không phải là con người. “Nhiệm vụ của chúng tôi là đảm bảo rằng mọi thứ họ làm với chúng tôi đều không ảnh hưởng đến chúng tôi.”
Rồi một ngày, không một lời giải thích, mọi chuyện kết thúc với Andrusha và một người phụ nữ khác ở bên cô. Lính canh ra lệnh cho họ thu dọn đồ đạc, còng tay họ và đưa lên xe buýt. Cân nặng của Andrusha đã sụt giảm trong tù thể hiện rõ ràng qua chiếc áo khoác ngoài khoác trên vai cô.
Họ nhanh chóng được gom lại với những người lính Ukraine bị giam giữ ở nơi khác. Ở phía bên kia, Andrusha nhìn thấy ba người lính Nga. Mặc dù luật pháp quốc tế cấm trao đổi dân thường như tù binh chiến tranh, nhưng báo cáo của Liên hợp quốc ngày 27/6 cho biết điều này đã xảy ra trong ít nhất 53 trường hợp và Thị trưởng Melitopol Fedorov xác nhận điều đó đã xảy ra với ông.
Một người đàn ông bị giam giữ cùng với Andrusha vào tháng 3 năm 2022 vẫn đang bị giam cầm. Cô không biết số phận của những người khác mà cô đã gặp. Nhưng nhiều người từng là tù nhân đã tự mình liên lạc với những người thân của những người bạn tù cũ của họ.
Andrusha nhớ lại cô đã dành hàng giờ để ghi nhớ các số điện thoại được thì thầm khi cô gặp những người Ukraine khác, phòng khi một trong số họ có thể được thả. Khi được trả tự do, cô đã chuyển các số điện thoại này cho các quan chức chính phủ Ukraine.
Andrusha kể từ đó đã lấy lại được phần nào cân nặng của mình. Cô nói về sáu tháng trong tù của mình một cách bình tĩnh nhưng đầy giận dữ.
“Tôi đã có thể sống sót qua chuyện này,” cô nói sau một ngày trở lại lớp học với các học sinh của mình. “Có rất nhiều trường hợp người dân bị bắt đã không quay trở lại.”
Trong khi đó, đối với những người thân của họ, sự chờ đợi là khá đau đớn.
Cha của Anna Vuiko là một trong những thường dân bị bắt giữ sớm nhất vào tháng 3 năm ngoái. Roman Vuiko, một cựu công nhân bị khuyết tật làm việc tại nhà máy sản xuất thủy tinh, đã chống cự khi binh lính Nga vào chiếm nhà của ông ở ngoại ô Kyiv, theo những người hàng xóm kể lại cho con gái lớn Anna của ông. Họ lái một chiếc xe tải quân sự vào sân, đập vỡ cửa sổ, còng tay người đàn ông 50 tuổi và đưa lên xe đi mất.
Đến tháng 5 năm 2022, Vuiko đang ở trong một trại tù ở Kursk, Nga, cách xa nhà ông hàng trăm ki-lô-mét. Tất cả những gì con gái ông nhận được từ ông kể từ đó là một lá thư viết tay, được gửi đến sáu tháng sau khi ông bị bắt đi và bốn tháng sau khi ông viết nó.
Các câu văn theo tiêu chuẩn không nói với Anna điều gì ngoại trừ việc ông còn sống, và cô nghi ngờ rằng cha mình đã không nhận được bất kỳ lá thư nào của cô.
“Tôi nghĩ về nó mỗi ngày,” cô nói. “Đã một năm rồi, hơn một năm rồi… Tôi còn phải chờ bao nhiêu lâu nữa?”
—–
Hình ảnh:
1: Tranh minh họa những thường dân Ukraine bị bắt giữ đang phải đào đất đóng băng
2: Nhìn qua lỗ cửa, một tấm vải che cửa sổ phòng giam trong sở cảnh sát ở Izium, Ukraine, ngày 22 tháng 9 năm 2022.
3: Một tờ lịch viết tay được nhìn thấy trên tường của một tòa nhà, tại đây thường dân Ukraine cho biết họ bị quân Nga giam giữ và tra tấn, ở Kherson, Ukraine, ngày 8 tháng 12 năm 2022.
4: Bức ảnh này do các nhà điều tra Ukraine cung cấp vào năm 2023 cho thấy một chiếc dùi cui được tìm thấy trong một tòa nhà được quân Nga sử dụng ở Izium, Ukraine. Những thường dân từng bị lính Nga giam giữ đã mô tả việc bị tra tấn bằng những dụng cụ như thế này.
5: Thiết bị điện tử nằm trên bàn trong một tòa nhà. Người dân Ukraine cho biết họ bị binh lính Nga giam giữ và tra tấn ở Kherson, Ukraine, ngày 8 tháng 12 năm 2022. Người dân đã kể lại rằng những thiết bị như thế này được sử dụng để giật điện họ.
6: Những chiếc thìa nằm trong chồng bát tại một sở cảnh sát, bị bỏ lại sau khi khu vực này được giải phóng ở Izium, Ukraine, ngày 22 tháng 9 năm 2022. Thường dân Ukraine cho biết họ bị lính Nga giam giữ và tra tấn tại địa điểm này.
7: Bản đồ vị trí các trại tù được AP dựng ra dựa trên dữ liệu từ các cựu tù nhân, Sáng kiến Truyền thông Nhân quyền Ukraine và nhóm nhân quyền Nga Gulagu(.)net.
8-9: Sự kết hợp giữa hình ảnh vệ tinh ngày 19 tháng 10 năm 2022 và ngày 4 tháng 6 năm 2023 từ Planet Labs cho thấy một trung tâm giam giữ ở Morskaya, Ukraine. Hình ảnh sau cho thấy một tòa nhà được xây thêm. Một tài liệu của chính phủ Nga mà hãng tin AP có được vào tháng 1 năm 2023 đã vạch ra kế hoạch thành lập 25 trại tù mới ở Nga và sáu trung tâm giam giữ khác ở Ukraine bị chiếm đóng vào năm 2026.
10: Artem Baranov trước khi bị bắt
11: Yevhen Pryshliak trước khi bị bắt
12: Ánh sáng chiếu qua một lỗ trên trần của một trại tù mà người dân Ukraine cho biết họ đã bị lực lượng Nga tra tấn, ở Kherson, Ukraine, ngày 8 tháng 12 năm 2022.
13: Bụi đất bẩn trên sàn của một tòa nhà được quân Nga sử dụng, nơi người dân cho biết họ bị giam giữ và tra tấn, ở Izium, Ukraine, ngày 21 tháng 9 năm 2022.
14: Song sắt che cửa sổ của một căn phòng trong sở cảnh sát ở Izium, Ukraine, ngày 22 tháng 9 năm 2022. Nhiều người dân Ukraine cho biết họ đã bị binh lính Nga giam giữ và tra tấn tại địa điểm này.
15: Olena Yahupova ngồi chụp ảnh chân dung ở Zaporizhzhia, Ukraine, ngày 18 tháng 5 năm 2023. Yahupova bị lính Nga bắt đào chiến hào trong nhiều tháng cùng với hơn chục thường dân Ukraine, bao gồm chủ doanh nghiệp, sinh viên, giáo viên và công nhân tiện ích. Bà có thể nhìn thấy những toán khác ở phía xa, với những người bảo vệ có vũ trang đứng trên họ. Hầu hết người dân đều phải mặc quân phục và đi ủng của quân đội Nga, và sống trong nỗi sợ hãi rằng pháo binh Ukraine sẽ nhầm họ với kẻ thù.
16: Biểu tượng tôn giáo treo trên song sắt trên cửa sổ bên trong một tòa nhà, nơi thường dân Ukraine cho biết họ bị giam giữ và tra tấn trong thời gian Nga chiếm đóng Kherson, Ukraine, ngày 8 tháng 12 năm 2022. Nhiều người kể rằng việc có hình ảnh các biểu tượng trong phòng giam của họ đã giúp họ chịu đựng qua thử thách.
17: Một lời cầu nguyện và một thiên thần được vẽ trên bức tường của một tòa nhà, nơi người dân Ukraine cho biết họ bị giam giữ và tra tấn, ở Kherson, Ukraine, ngày 8 tháng 12 năm 2022.
18: Một ấm đun nước điện và một tách trà được vẽ trên bức tường phòng giam mà người dân Ukraine cho biết họ đã bị giam giữ và tra tấn, ở Kherson, Ukraine, ngày 8 tháng 12 năm 2022.
19: Tranh minh họa mô tả Olena Yahupova, một quan chức dân sự Ukraine, bị lính Nga buộc phải đào chiến hào trong bộ quần áo quá khổ ở vùng Nga chiếm đóng.
20: Olena Yahupova đứng chụp X-quang trong một bệnh viện ở Zaporizhzhia, Ukraine, ngày 18 tháng 5 năm 2023.
21: Olena Yahupova hôn chồng, Arthur Yahupov vào ngày tổ chức lễ cưới của họ ở Kharkiv, Ukraine, vào ngày 7 tháng 6 năm 2023.
22: Một chiếc ghế được nhìn thấy ở hành lang của một tòa nhà mà người dân Ukraine cho biết đã bị lực lượng Nga ở Kherson, Ukraine sử dụng làm trung tâm tra tấn, ngày 8 tháng 12 năm 2022. Người dân cho biết họ bị giam giữ và tra tấn tại địa điểm khi khu vực này đã có người ở, và nhiều người mô tả đã bị tra tấn khi bị trói vào ghế văn phòng.
23: Viktoriia Andrusha ngồi chụp ảnh chân dung ở Kiev, Ukraine, ngày 23 tháng 5 năm 2023.
24: Tranh minh họa Viktoriia Andrusha, một giáo viên toán tiểu học người Ukraine, bị giam giữ trong một căn phòng nơi cô bị lính Nga đe dọa tra tấn.
25: Tranh minh họa mô tả thường dân Ukraine Roman Vuiko bị lính Nga áp giải đi.