Monday, December 30, 2024
HomeBLOGGS Tương Lai: 'Vụ Đồng Tâm là một việc làm không sáng...

GS Tương Lai: ‘Vụ Đồng Tâm là một việc làm không sáng suốt’

BBC
Ông Lê Đình KìnhOther
Ông Lê Đình Kình, cựu bí thư xã Đồng Tâm, cựu chiến binh, đảng viên đảng Cộng sản với gần 60 năm tuổi đảng, thiệt mạng trong biến cố hôm 09/01/2020 ở xã này

Vụ việc xảy ra với xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hôm 09/01/2020 là một việc làm ‘thiếu sáng suốt’ mà không một chính phủ nào trên thế giới tiến hành và đó là lý do một lá thư được gửi tới Tam trụ trong ban lãnh đạo tối cao của nhà nước Việt Nam, theo nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam.

“Chúng tôi, bốn người: anh Huỳnh Tấn Mẫm, anh Lê Công Giàu, anh Huỳnh Kim Báu và tôi đã có một cái thư gửi đến ông Chủ tịch Nước, bà Chủ tịch Quốc hội và ông Thủ tướng Chính phủ,” Giáo sư Tương Lai, nguyên thành viên Ban nghiên cứu và tổ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, các nhiệm kỳ trước đây nói với BBC hôm 25/01.

“Để chất vấn các vị về một việc làm ‘điên rồ’ và không một chính phủ nào ở trên thế giới này có thể làm một việc ‘điên rồ’ như thế khi dùng súng bắn vào dân lành, bắn vào một ông cụ già 84 tuổi, đã từng cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp cứu nước.

“Ông ta (Lê Đình Kình) là một đảng viên cộng sản, khi mà ông bị bắn đã 58 tuổi đảng. Thế thì đấy là một việc làm không thể nào giải thích được và nó gây nên một phẫn nộ cực kỳ lớn trong cả nước và trong dư luận quốc tế.”

GS Tương Lai: ‘Tập kích Đồng Tâm là thiếu sáng suốt’

Và nhà xã hội học nay hoạt động như một nhà bất đồng chính kiến ở Sài Gòn giải thích thêm với BBC News Tiếng Việt về động thái viết bức thư ngỏ của bàn thân ông và những người ký tên đã công bố hôm 22/01:

“Trong bối cảnh đó, chúng tôi muốn chất vấn những người cầm quyền phải giải thích cho chúng tôi vì sao lại có một việc làm ‘dã man, vô nhân đạo như vậy’ của một nhà nước tự xưng là của dân, do dân và vì dân, mà lại dùng lực lượng bao lực phục kích với hàng trăm, hàng nghìn người như vậy về một cái làng, thôn Hoành, chỉ có nhiều lắm vài nghìn dân thôi?

“Và phục kích vào đêm khuya, xông vào nhà bắn chết người ta, rồi lên đài vu khống, rồi lại truy tặng huân chương chiến công hạng nhất (cho cảnh sát thiệt mạng)? Đầy là một việc làm quá ngoài sức tưởng tượng và vì vậy, chúng tôi yêu cầu phải làm minh bạch vấn đề này.

“Ai ra quyết định đó? Và căn cứ vào điều khoản nào trong pháp luật để mà truy bức dân lành và nói rằng họ chống lại người thi hành công vụ, họ chống lại việc bộ đội xây tường rào, rồi là vì họ (dân) tấn công lực lượng công an trước, cho nên công an phải nổ súng tiêu diệt?

“Tất cả những lời lẽ ấy trẻ con cũng không nghe được và họ càng lập luận, thì họ càng phơi bày bộ mặt… của họ mà thôi.”

‘Hãy trả lời minh bạch’

Đây là phát biểu trên quan điểm riêng của nhà bất đồng chính kiến, từng là thành viên ban cố vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt của Việt Nam từ nhiều năm trước.

Trong vụ bố ráp và tập kích Đồng Tâm hôm 09/01, nhà nước, chính quyền và Bộ Công an Việt Nam giữ quan điểm cho rằng nhóm người dân chống đối ở Đồng Tâm, đặc biệt là tổ ‘Đồng Thuận’ và ông Lê Đình Kình, cùng những người khác đã có những hành vi trái pháp luật, chống đối chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước và chính quyền và có các hành vi vi phạm và đe dọa an ninh quốc gia, thậm chí là chịu sự chỉ đạo và giật giây, cho tiền của các tổ chức, cá nhân phản động ở nước ngoài.

Đồng TâmOther
Hàng rào sân bay Miếu Môn được binh lính Bộ Quốc phòng VN xây dựng, trong vụ công an tấn công thôn Hoành, xã Đồng Tâm, rạng sáng 09/01/2020

Quan điểm của nhà nước và chính quyền, cũng như Bộ Công an được tuyên bố công khai trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng và báo chí nhà nước, trong đó có truyền hình quốc gia.

Trong bức thư ngỏ đề ngày 22/01, nhóm ký tên gồm các ông Huỳnh Tấn Mẫm, nguyên Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Đại biểu Quốc hội Khóa VI, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc TP. Hồ Chí Minh, nguyên Tổng Biên tập Báo Thanh Niên; Huỳnh Kim Báu, nguyên Tổng Thư ký Hội Trí thức yêu nước TP Hồ Chí Minh, Lê Công Giàu, Tổng Thư ký Tổng hội Sinh viên Sài Gòn 1966, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn 1975, nguyên Phó Tổng Giám đốc Saigon Tourist, Chủ tịch HĐQT Hãng Hàng không Pacific Airlines, Giám đốc Công ty Savimex và Giáo sư Tương Lai.

Cần ngưng ‘vu khống’, ‘thóa mạ’

Bức thư ngỏ gửi Tam trụ lãnh đạo nhà nước, chính quyền của Việt Nam có đoạn:

“Chúng tôi, những người từng trải qua ba cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc và bọn bành trướng, có người từng bị giam cầm đánh đập trong nhà tù Chí Hoà, nhà tù Côn Đảo trước 1975, nay vẫn còn thương tật trong người, chúng tôi hiểu rõ nỗi đau của thân nhân của người bị đối xử dã man như đã thấy. Vì vậy, chúng tôi gửi Thư này đến đến các vị, yêu cầu các vị – những người gánh trọng trách được dân trao – hãy trả lời minh bạch trước công luận trong và ngoài nước.”

Trong các điểm yêu sách chất vấn đưa ra, bức thư tại điểm bốn, viết:

“Khi chưa có một Toà án xét xử “tội phạm đã bị bắn chết” thì cần ngừng ngay những lời vu khống, thoá mạ người vửa bị hạ sát một cách dã man và hết sức bất minh đang được tiến hành rộng khắp trên các phương tiện truyền thông và báo chí nhà nước.

“Sự thật rồi sẽ vẫn là sự thật cho dù có thể tạm thời bị che lấp bởi nhiều lý do phức tạp, những mưu toan mờ ám nhưng sớm muộn thì thì rồi sự thật vẫn được phơi trần. Đó sẽ là một đòn chí mạng vào cái thể chế chính trị mà các vị đang cố chứng minh là tốt đẹp.”

Nhóm những người gửi thư ngỏ từ Sài Gòn cũng đề cập đến Liên Hiệp Quốc và lãnh đạo định chế chính trị quốc tế liên quốc gia này, khi viết:

“Chính vì vậy, chúng tôi thẳng thắn nói lên tiếng nói của lương tri và lương năng mà tất cả những ai tôn trọng đạo lý của dân tộc đều phẫn nộ cất lên để kính gửi đến các vị lá thư tâm huyết này, mong sớm nhận được hồi âm trước khi chúng tôi sẽ có thư đến vị đại diện của Việt Nam đang giữ trọng trách Uỷ viên không thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc chuyển cho ngài Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc.”

Trong một diễn biến độc lập, trước đó một ngày, hôm 21/01, một nhóm công dân từ Hà Nội đã nộp một đơn tố giác tội phạm đến Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội và gửi đơn qua đường bưu điện tới Cơ quan Điều tra của Công an Thành phố, Tiến sỹ Khoa học Nguyễn Quang A, một trong những người ký và nộp đơn nói với BBC:

“Đơn của chúng tôi chỉ có 3-4 dòng thôi. Thứ nhất là theo luật Việt Nam, thì mọi công dân khi thấy có chuyện bất công, thì có thể làm đơn tố giác tội phạm ấy. Việc cụ Kình bị giết thì ai cũng rõ rồi, Công an người ta cũng thông báo, rồi trên mạng xã hội, những video clips, rồi hình ảnh nói rất rõ.

Ông Lê Đình Kình: ‘Đất Đồng Sênh là đất nông nghiệp của mình’

“Hay nói cách khác là đã xảy ra một vụ ‘giết người,’ ông Quang A nói về vụ việc mà theo phía nhà nước, là một vụ gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ. Chúng tôi không dùng tính ngữ, hay là cái gì có tính chất là phán xét cả, nhưng mà thực sự là đã xảy ra một vụ ‘giết người hết sức dã man và tàn bạo’

“Bây giờ những sự thực ấy được nêu ra ở trong kiến nghị của chúng tôi và chúng tôi theo đúng điều 144 của Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, thì chúng tôi tố cáo vụ ấy.”

Đã đạt được mục đích?

Cùng ngày, hôm 21/01, trên mạng xã hội và một số tạp chí, trang báo mạngkhông phải của nhà nước và chính quyền Việt Nam, xuất hiện một bài viết của tác giả, cựu Đại tá an ninh Việt Nam, ông Nguyễn Đăng Quang, bình luận về vụ bố ráp, tập kích Đồng Tâm đầu tháng Giêng 2020.

Bài viết với tựa đề “Đâu là mục đích và mục tiêu trận tập kích vào Đồng Tâm rạng sáng 9/1/2020?” vốn đặt ra một số câu hỏi, có đoạn:

“Như mọi người đều biết, một chiến dịch quy mô lớn với một lực lượng hùng hậu được chuẩn bị chu đáo đến từng chi tiết nhằm tập kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm đã xảy ra vào rạng sáng 09/01/2020 gây sự bất ngờ đến ngỡ ngàng của tất cả mọi người. Kết quả đau lòng đã để lại cho cả hai bên: Cụ Lê Đình Kình bị sát hại bằng nhiều phát đạn ngay tại nhà riêng của mình, và 3 chiến sỹ CSCĐ hy sinh do “trượt chân ngã xuống giếng trời sâu 4 mét…”.

“Vậy đâu là lý do và nguyên nhân chủ yếu cho cuộc tập kích bất ngờ của chính quyền vào xã Đồng Tâm, hay nói một cách khác là, cuộc tập kích trên nhằm mục đích gì và để đạt mục tiêu gì là chính?

“Phải tiêu diệt bằng được Lê Đình Kình, tịch thu bằng hết hồ sơ, tài liệu, chứng cứ mà đương sự đang cất giữ, bắt bằng hết “nhóm Đồng thuận Đồng Tâm”, đồng thời phá hủy tan tành 3 ngôi nhà liền kề của đại gia đình Lê Đình Kình, để làm gương cho những kẻ khác!”.

“Đây có phải là mệnh lệnh của thượng cấp, đồng thời cũng là mục đích và mục tiêu chủ yếu của cuộc tập kích vào thôn Hoành xã Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 09/01/2020 không?

Ở phần kết luận, bài viết của cựu Đại tá An ninh, từng có thời gian nhiều năm làm việc biệt phái ở Bộ Ngoại giao của Việt Nam, viết:

Vợ của ông Lê Đình Kình, bà Dư Thị Thành nói về sự việc hôm 09/01/2020 và các diến biến ngay sau đó

“Vậy nên, sự việc tang thương và đẫm máu phải xảy ra ở đây (thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Tp. Hà Nội) vào 04 giờ sáng ngày 09/01/2020 khi mọi người đang còn chìm sâu trong giấc ngủ, và chỉ còn nửa tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Tý! Bạo lực đã đến, máu đã đổ, đưa đến một kết cục khiến toàn xã hội phải ghê sợ.

“Tôi khẳng định ĐCSVN đã phạm sai lầm cực kỳ nghiêm trọng khi quyết định sử dụng bạo lực thay cho đối thoại ôn hòa hoặc tranh tụng pháp lý trước tòa, dẫn đến một kết cục đẫm máu cho cả 2 phía, gây chia rẽ trong xã hội và làm ly tán lòng dân!

“Thử hỏi, 93 triệu người dân Việt Nam, nhất là 4,5 triệu kiều bào ta ở nước ngoài, từ nay có ai tin vào “chính sách đại đoàn kết và hòa hợp, hòa giải dân tộc” của Đảng nữa hay không, khi Đảng đã ra tay sử dụng vũ lực để giết hại người dân ngay trong thời bình? Qua vụ thảm sát Đồng Tâm này, có thể thấy rõ câu trả lời là: KHÔNG!

“Họ có thể đã đạt được điều họ muốn: Đã tiêu diệt được kẻ chủ mưu, rắn đã bị đánh dập đầu, từ nay sẽ vĩnh viễn không còn những buổi họp thường kỳ của “nhóm Đồng thuận” được tổ chức trong ngôi nhà này nữa!

“Cũng với chính mục đích và mục tiêu như vậy nên họ mới ra tay hủy hoại tan hoang nhà riêng cụ Kình lẫn tư gia của 2 người con trai, cướp và mang đi mọi tài sản có giá trị trong 3 căn nhà này: như TV, tủ lạnh, máy vi tính .v.v… cho đến chiếc ô tô mới mua của cháu Lê Đình Uy (đăng ký xe mang tên vợ là Nguyễn Thị Duyên), đặc biệt là chiếc tủ gỗ mà bên trong “cất giữ một lượng lớn tiền mặt mà gia đình dành dụm được trong những năm qua cùng mọi hồ sơ, tài liệu, văn bản, chứng cứ của cụ Kình lưu giữ hàng chục năm nay”!

Vì sao chúng tôi đòi điều tra cái chết của cụ Kình?

“Sự tàn ác, dã man đã đạt đến đỉnh điểm mà ngay chính các thành viên trong 3 ngôi nhà này, khi được thả về để lo hậu sự cho cụ Kình, không còn có thể nhận ra đây là 3 căn nhà mà chỉ vài hôm trước họ đã từng sinh sống!

“Sao các người có thể tàn ác như vậy với đồng chí của mình, một đảng viên chưa hề bị kỷ luật đảng, một công dân chưa có tiền án, tiền sự, và chưa bị kết án là tội phạm trước bất cứ tòa án nào? Đây chính là sự tàn độc, dã man, thú tính, không còn tính người!”

Như đã đề cập, khác với quan điểm của các công dân Viêt Nam viết thư ngỏ, gửi đơn tố giác tội phạm, hoặc viết bài trên quan điểm riêng như trên, mà một số chi tiết, thông tin, hay luận cứ quan điểm BBC News Tiếng Việt chưa có điều kiện kiểm chứng hay kiểm chứng hết, trong vụ việc ở Đồng Tâm hôm 09/01/2020, nhà nước, chính quyền và ngành Công an Việt Nam tiếp tục giữ quan điểm cho rằng chiến dịch tấn công xảy ra do có những đối tượng chống đối chính quyền, chống phá chủ trương, đường lối của đảng và nhà nước Việt Nam, và có những hành động bạo lực, hoặc kích động bạo lực đe dọa an ninh và trật tự công cộng.

Cơ quan điều tra đã tiến hành bắt giữ nhiều người từ Đồng Tâm và đã, đang tiến hành việc khởi tố, điều tra về vụ việc khiến về phía chính quyền, ba sỹ quan cảnh sát thiệt mạng.

BBC News Tiếng Việt sẽ tiếp tục cập nhật qua các tin bài tới đây các diễn biến liên quan hậu sự kiện này để phục vụ sự quan tâm của bạn đọc và các khán, thính giả.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular