BBC
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng phản hồi với BBC về ý kiến của Giáo sư Vũ Minh Giang xoay quanh vụ ông tố Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ ‘đạo văn’.
Hôm 6/3, trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt qua email, Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng cho hay:
“Tôi vẫn đang chờ đợi sự trả lời chính thức từ phía Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước về vụ ông Nhạ, và muốn biết xem họ có làm việc nghiêm túc và báo cáo lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không.”
“Mặt khác, tôi cũng đã gửi các báo cáo qua đường khác đến thủ tướng, nên nếu Hội đồng này không báo cáo đến ông Phúc thì sẽ thấy sự thiếu nghiêm túc của tổ chức này, nên chắc là họ cũng sẽ phải báo cáo thôi, còn báo cáo kiểu gì thì chưa rõ.”
Trước đó, ông Nguyễn Tiến Dũng, giáo sư có quốc tịch Pháp từ Đại học Toulouse, đã gửi bản báo cáo dài 10 trang cáo buộc “sự giả khoa học” cũng như “thiếu cả về đạo đức và trình độ” của Bộ trưởng Nhạ đến Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước của Việt Nam.
Về vụ Bộ trưởng Nhạ bị tố cáo ‘đạo văn’
Về vụ Bộ trưởng Nhạ bị tố cáo ‘đạo văn’
Hôm 01/3/2018, Giáo sư Vũ Minh Giang, Ủy viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Việt Nam, nêu quan điểm với BBC: “Trong tiếng Việt, ‘đạo’ là một từ có gốc Hán, thì có nghĩa là ‘ăn cắp’, ‘ăn trộm’ của người khác.”
“Thế thì chữ ‘đạo’ ở đây dùng không thỏa đáng và tôi nghĩ chữ đó hơi có tính là ‘xúc phạm cá nhân'”
“Theo quy chế hiện hành của Việt Nam, tổng số điểm của ông Phùng Xuân Nhạ khá cao, gấp mấy lần tiêu chuẩn cho một giáo sư.”
“Nếu nói là không đạt tiêu chuẩn, thì thiếu căn cứ.”
‘Thiếu nghiêm túc’
Đề cập về ý kiến của GS. Vũ Minh Giang mà BBC đã đăng tải, ông Dũng nói:
“Có thể Giáo sư Vũ Minh Giang chưa kịp đọc báo cáo mới nhất tôi gửi Hội đồng Chức danh Giáo sư trong đó có đưa ra các bằng chứng rõ ràng về việc ông Phùng Xuân Nhạ có đạo văn của những người khác. Tôi hy vọng rằng chỉ riêng các bằng chứng đó cũng sẽ đủ để oông Giang thay đổi quan điểm của mình về tính chính danh của ông Nhạ.”
“Nếu tính điểm công trình, thì ngày xưa bà Elena Ceausescu là một nhà bác học vĩ đại, dù thực ra bà ta không biết gì về khoa học. Tất cả các công trình là do có những người khác viết cho. Vấn đề quan trọng nhất là thật hay giả. Nếu là đạo văn, là giả khoa học, thì càng nhiều điểm công trình càng dễ chứng tỏ một sự gian dối, không xứng đáng với tư cách của một nhà khoa học và giáo dục chân chính.”
“Ông Giang có thể chưa kịp biết, sau khi một giáo sư ở Đại học Quốc gia Hà Nội liên hệ với tạp chí ASS để làm rõ sự việc, ASS đã công nhận là ông Nhạ đã gửi bài “duplicate” đến ASS, và như thế trái với nguyên tắc của ASS…
“Sau khi bị phát hiện như vậy, ông Nhạ đã thông báo với ASS là rút bài năm 2013 khỏi tạp chí khác đã đăng và sửa bài năm 2014 ở ASS…”
“Tất nhiên có thể trích lại các kết quả cũ của mình, và nâng cấp cho nó tốt hơn, trình bày lại cho dễ hiểu hơn, hoặc gộp nhiều kết quả nhỏ lại thành tổng thể. Trong mọi trường hợp, việc “nâng cấp” đó phải đi kèm với việc trích dẫn rành mạch rằng những chỗ nào là có từ trước (và thông thường không thể trích với tỷ lệ quá lớn nếu là một bài nghiên cứu mới).
“Đằng này bài báo 2014 của ông Nhạ không hề nhắc đến sự tồn tại của bài báo 2013, giả vờ như bài 2014 là kết quả mới, tuy rằng nó trùng với bài 2013.”
“Khái niệm “self-plagiarism” là khái niệm được giải thích rõ ràng ở những nguồn tham khảo về vấn đề đạo văn (plagiarism). Tôi dịch từ đó sang tiếng Việt là “tự đạo văn”, và hầu hết mọi người đều hiểu ngay nó có nghĩa là gì.
“Nếu ông Giang không đồng ý với từ đó, xin đưa ra cụm từ tiếng Việt khác thay thế với nghĩa là “self-plagiarism” trong tiếng Anh. Dù là cụm từ nào được dùng, thì self-plagiarism cũng thuộc loại hành vi bị thế giới khoa học nghiêm túc lên án.”
“Ngoài ra, có một hành vi ngụy khoa học khác của ông Phùng Xuân Nhạ mà tôi có viết trong báo cáo sơ bộ ngày 18/2/2018 với nhiều chứng cớ rõ ràng, là hành vi “trích dẫn khống”. Tôi không thấy ông Giang nói gì đến hành vi này để bảo vệ ông Nhạ.”
Rà soát lại danh sách
Vào hôm 6/3, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước, do Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm chủ tịch, đã chính thức công bố danh sách 1.131 người được công nhận đạt tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2017.
Đây là kết quả sau khi tiến hành rà soát toàn bộ 1.226 hồ sơ đã được công bố đạt chuẩn giáo sư, phó giáo sư trước đó.
Theo danh sách mới nhất, có 95 người trước đó được công bố đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư phải chờ kết quả rà soát tiếp theo.
Thường trực Chính phủ đã thống nhất yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT – Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Phùng Xuân Nhạ và Hội đồng chức danh “nghiêm túc rút kinh nghiệm sâu sắc” vì để tình trạng còn nhiều hồ sơ ứng viên chưa bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn, cần phải xác minh thêm.
Danh sách mới nhất có 74 tân giáo sư và 1.057 tân phó giáo sư, giảm 95 người so với danh sách thông báo đầu tháng 2/2018.
Theo truyền thông Việt Nam, danh sách mới nhất không còn tên nhiều cán bộ quản lý như ứng viên GS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế, ứng viên GS Lê Quân – thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Vấn đề bằng tiến sĩ và cơ chế phong giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam thường xuyên thu hút các ý kiến khác nhau trên những diễn đàn mạng của giới trí thức Việt Nam sống trong nước và ở nước ngoài.
Xem thêm chủ đề bằng cấp:
Tiến sỹ VN ‘đủ số chỉ thiếu chất’