Theo đó, mỗi học sinh phải nộp 8.715.000 đồng cho 28 khoản và nhiều khoản trong số này thuộc loại không dễ hiểu chút nào…
Trân Văn
Hồi đầu tuần này, ông Phạm Văn Tuyên – ngụ ở Hải Dương – giới thiệu một bản liệt kê các loại chi phí mà học sinh trường Trung học phổ thông (THPT) Thanh Miện 3 ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương phải nộp. Theo đó, mỗi học sinh phải nộp 8.715.000 đồng cho 28 khoản và nhiều khoản trong số này thuộc loại không dễ hiểu chút nào… Đó cũng là lý do công chúng chuyền ảnh chụp bản liệt kê này cho nhau tham khảo (1)… Bởi câu chuyện này nhanh chóng trở thành lùm xùm nên báo chí xúm vào tường thuật và Sở GDĐT tỉnh Hải Dương phải yêu cầu Ban Giám hiệu trường THPT Thanh Miện 3 “giải trình” (2)… Cuối cùng, trường THPT Thanh Miện 3 cử ba người đến gặp ông Tuyên để trao đổi, xin… “rút kinh nghiệm”, hứa sẽ điều chỉnh các khoản thu cho đúng quy định, phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội ở địa phương (3).
Lạm thu trong giáo dục không những không mới mà còn tràn lan. Bất kể các cá nhân lãnh đạo hệ thống công quyền nói chung, lãnh đạo hệ thống GDĐT nói riêng, cam kết, hứa hẹn thế nào thì lạm thu vẫn tồn tại, tiếp tục thử thách khả năng chịu đựng của cả phụ huynh, học sinh lẫn xã hội. Nếu có ai đó lên tiếng và được dư luận ủng hộ như trường hợp ông Tuyên, các cơ sở GDĐT mới điều chỉnh theo kiểu không… “thử” được thì… thôi!
***
Tuần này, ngoài những than thở, bất bình về lạm thu, người sử dụng mạng xã hội còn thảo luận về một vấn nạn khác của GDĐT – sự hợp tác giữa các trung tâm Anh ngữ với hệ thống trường học. Một phụ huynh cư trú ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã kể với Thái Hạo – một facebooker quan tâm đặc biệt đến giáo dục – rằng vài năm gần đây, mỗi tháng ông phải đóng vài trăm ngàn cho các con học “tiếng Anh tăng cường” – chương trình hình thành từ sự liên kết giữa một trung tâm Anh ngữ và 86 trường. Trung tâm Anh ngữ vừa đề cập chỉ có khoảng 20 giáo viên trong khi 86 trường có khoảng 80.000 học sinh nên giảng dạy “tiếng Anh tăng cường” vẫn là giáo viên của trường. Vấn đề nằm ở chỗ, nếu mỗi học sinh đóng 500.000 đồng/tháng thì mỗi tháng sẽ thu được 40 tỉ. Chỉ cần trả cho giáo viên trong trường 50.000 – 80.000 đồng/tiết, phần còn lại thuộc về trung tâm.
Thái Hạo lưu ý: Đó là kiểu “tay không bắt giặc”, không cần đầu tư trường lớp, không cần tuyển dụng giáo viên, chỉ cần thành lập “trung tâm” rồi bắt tay với hiệu trưởng thì tất cả cơ sở vật chất và con người trong hệ thống giáo dục quốc dân sẽ biến thành “của nhà” và dọn tới tận miệng. Quá sướng! Những chương trình kiểu này đang đổ bộ vào các trường học trên cả nước, tạo ra một thị trường chợ đen phá nát giáo dục từ bên trong. Hình thức của kiểu làm ăn này rất đa dạng, có nơi thô bạo, có chỗ tinh vi. Có trường thông báo một cách mập mờ khiến tất cả học sinh phải tham gia, có trường thì cho đăng ký nhưng lại dạy vào buổi học chính khóa, học sinh không đăng ký sẽ bị đưa ra khỏi lớp. Cha mẹ nào nỡ để con bơ vơ một mình trên sân trường, thế là chẳng biết có lợi lộc gì không nhưng cũng cắn răng mà đóng tiền cho con được ngồi trong lớp (4).
Chuyện chưa ngừng ở đó, hôm sau, Thái Hạo viết thêm, ông mới nhận đượcrất nhiều thông tin từ giáo viên và phụ huynh học sinh trên cả nước về tình trạng trường học câu kết với các trung tâm để bày ra đủ thứ “môn học”, không chỉ có “tiếng Anh tăng cường”, “kỹ năng sống”, “hoạt động trải nghiệm”, mà còn có “bồi dưỡng nghệ thuật”, “bồi dưỡng thể thao”, “hoạt động củng cố”, “hoạt động tập thể”,… Trong “tiếng Anh tăng cường” có khi phải học cùng lúc mấy loại như “tiếng Anh Ismart”, “tiếng anh Language”, “tiếng anh STEM”,… Đi kèm với với những môn học này là chuyện phải mua tài liệu với giá cắt cổ, phải sắm thiết bị, kéo theo phải học bán trú, ăn bán trú… Đó là hình ảnh của những cái chợ trăm người bán, triệu người mua, không phải là thuận mua vừa bán mà là bảo kê, ép buộc, cắt cổ còn người mua thì ngơ ngác, ấm ức, sợ hãi,..
Trường phát cho mỗi phụ huynh những tờ “Đăng ký tự nguyện” nhưng nếu ai đó không, hoặc chưa kịp đăng ký thì bị gọi điện, nhắn tin, thúc giục, dọa nạt, “mời” lên trường “làm việc”. Nếu vẫn cứng đầu không chịu “mua hàng” thì con cái sẽ phải ra khỏi lớp, lang thang nơi gốc cây, ghế đá sân trường giữa buổi học vì trường thường xếp những tiết học “tăng cường” này xen lẫn với các tiết học trong buổi chính khóa. Còn bao nhiêu sức ép và sự bất công tàn nhẫn khác nữa mà người ta có thể nghĩ ra để buộc những đứa trẻ và cha mẹ chúng phải “tình nguyện” cho kẻ khác cưỡi lên lưng... Món lợi quá lớn đã tạo ra một liên minh ma quỷ ngay trong trường học, khiến phụ huynh và học sinh vốn là những người yếu thế – phụ thuộc, trở thành những con mồi béo ngậy trước nanh vuốt của các thế lực tiền quyền.
Thái Hạo nhấn mạnh: Tôi đang có hàng trăm tin nhắn với đủ thứ nội dung, nào là tin nhắn “trao đổi” giữa nhà trường và phụ huynh, nào là văn bản quy định, ký kết, nào là giao dịch nộp tiền học,… nhưng không tiện đăng tải vì sợ sẻ ảnh hưởng đến trẻ và cha mẹ chúng. Bàng hoàng và đuối sức khi phải đọc hết chừng ấy những thứ tồi tệ không thể hình dung nổi… Đó là chưa kể hơn 500 bình luận công khai mà phần lớn là cung cấp thông tin và xác nhận sự thật của vấn nạn này. Giáo dục quốc dân đã có hẳn một chương trình với đầy đủ cơ sở vật chất, con người,giáo trình, được thiết kế cho sự đảm bảo học sinh “phát triển toàn diện” nhưng nay, trước sự đổ bộ của hàng chục “môn học” hầm bà lằng không biết từ đâu rơi xuống đã và đang lũng đoạn các trường thì dường như những nơi này trở thành chiến lợi phẩm của một nhóm người có quyền và có tiền.
Đây là tình trạng có dấu hiệu đã vỡ trận với sự công nhiên thao túng hệ thống giáo dục, sử dụng học sinh như con tin để làm tiền ngang ngược trên đầu phụ huynh, phá nát chương trình giáo dục quốc dân, biến nó từ hệ thống trọng đại bậc nhất quốc gia trở thành chỗ treo những “môn học” bát nháo mọc lên tràn lan và đổ bộ vào nhà trường như thác lũ. Xin nhớ, không ai buộc phải đi học thêm, nghĩa là học sinh và phụ huynh hoàn toàn có quyền từ chối tham gia. Không những thế, khi thấy những sai trái thì chúng ta có quyền lên tiếng phản ánh, phản đối, tố cáo... Thưa quý vị, khi mình làm đúng thì đã có pháp luật bảo vệ. Một mình tôi lên tiếng mà nhà trường đã buộc phải sửa sai thì huống gì khi các vị đồng lòng? Chúng ta có các “cơ quan chức năng”, có hệ thống quy định của luật pháp trong tay, tại sao lại sợ những kẻ làm sai? Họ phải sợ mới đúng chứ (5)?
Giáo dục không chỉ đã mà còn đang bị một số cá nhân, một số nhóm dùng để thử những chiêu, trò bẩn thỉu nhất nhằm kiếm tiền, chia chác với nhau, bất chấp hậu quả đối với trẻ – đối tượng thụ hưởng, gia đình chúng, xã hội, vận mệnh dân tộc, tương lai xứ sở tệ hại ra sao, phụ huynh tiếp tục im lặng, cắn răng để tiếp tục thử thách sự nhẫn nại, chịu đựng của mình hay thử làm ngược lại?
Chú thích
I do believe all the ideas you’ve presented for your post. They are really convincing and will certainly work. Nonetheless, the posts are too short for novices. May just you please lengthen them a little from subsequent time? Thanks for the post.