Friday, November 22, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGGiao đất ở vị trí phòng thủ chiến lược bờ biển Đà...

Giao đất ở vị trí phòng thủ chiến lược bờ biển Đà Nẵng cho Trung Quốc, gọi là gì?

FB Hoàng Hải Vân

13-4-2018

Bất kỳ ai có chút kiến thức về lịch sử đều hiểu vị trí phòng thủ chiến lược của bờ biển Đà Nẵng. Đây là nơi “trấn quốc”, giặc vào được đây coi như mất nước.

Hoàng đế Gia Long là thiên tài quân sự. Sau khi lên ngôi, ông không chia chiến lợi phẩm cho công thần hay “quy hoạch” con ông cháu cha làm cán bộ để bòn rút quốc lực. Ngược lại, ông chỉ tập trung cho nhiệm vụ hộ quốc an dân. Ông cho hiện đại hóa quân đội và thiết lập hệ thống phòng thủ đất liền và biển đảo chưa có tiền lệ cho một quốc gia thống nhất. Quân đội ông mạnh đến mức, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cho rằng vua Gia Long, nếu muốn, có thể “đem quân dạo qua Lưỡng Quảng” mà nhà Thanh không làm gì được ông.

Gia Long là ông vua đầu tiên thiết lập hệ thống phòng thủ chiến lược tại Đà Nẵng. Ông cho xây thành Điện Hải bên tả, xây bảo An Hải bên hữu (sau này vua Minh Mệnh tăng cường với tên gọi là thành An Hải) kết hợp với các đồn lũy liên hoàn tạo ra một hệ thống phòng thủ vững chắc. Cùng với Trấn Hải ở kinh đô, Điện Hải là một trong hai pháo đài phòng thủ xung yếu của đất nước. Đến thời hoàng đế Minh Mệnh, hệ thống phòng thủ biển Đà Nẵng được bố trí hoàn chỉnh với phương tiện hiện đại nhất thời bấy giờ. Cần biết, vào thời Minh Mệnh, Việt Nam ta (đến năm Minh Mệnh thứ 18 gọi là Đại Nam) trở thành nước cường thịnh nhất châu Á, và theo sử gia thiền sư Lê Mạnh Thát, mức độ hiện đại của vũ khí và tàu chiến Việt nam ta thời Minh Mệnh không thua kém gì phương Tây. Tiếc rằng, sự chậm chân của ông vua liệt dương Tự Đức đã ngừng quá trình hiện đại hóa khiến Đại Nam ta nhanh chóng tụt hậu dẫn đến thất thủ Đà Nẵng, để đất nước rơi vào tay giặc Pháp.

Vua Minh Mệnh từng nhắc nhở, đối với vị trí phòng thủ xung yếu như Đà Nẵng, “dù đất nước có vô sự cũng không thể bỏ qua”. Hiện giờ, với âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, nước ta chưa chắc đã “vô sự”, nhưng ta lại vô tình “bỏ qua” vị trí phòng thủ xung yếu này. Và không chỉ “bỏ qua”, còn thả lỏng cho “ông vua” cát cứ Nguyễn Bá Thanh và các đồng sự của ông ta giao luôn luôn một phần vị trí phòng thủ chiến lược này cho các doanh nghiệp Trung Quốc, bất chấp sự lên tiếng phản đối của nhiều nhà chỉ huy quân sự.

Người Đà Nẵng và khách thập phương có thể thấy, tại vị trí của thành An Hải ngày xưa, nhiều khách sạn và khu du lịch của doanh nghiệp Trung Quốc mọc lên chiếm cứ và án ngữ bờ biển. Từ khi cấp đất cho họ thực hiện dự án, không một người Việt Nam nào được bước chân tới. Họ làm gì trong đó, họ có đào hào thông ra biển để đưa người nhái mang phương tiện chiến tranh vào ém nhẹm nơi đây hay không, không ai biết được. Và không phải ngẫu nhiên mà ông Tập Cận Bình, trong khi diễn ra APEC, ngoài thời gian dự hội nghị và gặp gỡ, đã ở lỳ 3 ngày tại một khách sạn của Trung Quốc nằm ngay trong vị trí phòng thủ chiến lược của ta. Ông ta làm gì ở đó, nghiên cứu chỉ đạo những gì ở đó, chẳng ai biết được, nhưng thiệt là đáng ngờ.

Chúng ta không bao giờ muốn chiến tranh xảy ra và hy vọng nó không xảy ra, nhưng nếu nó xảy ra, chúng ta có lấy lại toàn bộ vị trí phòng thủ chiến lược này không? Chắc chắn là không, bởi vì dù cho áp dụng luật thời chiến để trưng thu các cơ sở của người Trung Quốc ở đây thì lúc đó cũng không còn kịp nữa.

Giao vị trí phòng thủ chiến lược cho các doanh nghiệp của một đối tác mà đối tác này đang uy hiếp biển đảo nước ta, gọi là “bán nước” cũng chỉ là sự nói vống lên một chút mà thôi. Ông Nguyễn Bá Thanh thì đã mất, ai đang còn sống để chịu trách nhiệm đây?

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular