Bùi Thanh Hiếu
Sau khi bị công an xã Kim Sơn bắt vì tội vi phạm hành chính, qua lại biên giới không theo quy định. Thái bị giao cho công an huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh và từ đó đến nay đã gần 20 ngày, không có thông tin gì về Đường Văn Thái.
Chưa có lệnh tam giam, tạm giữ nào từ phía công an. Trong bản tin đầu tiên họ nói đang kiểm tra, xác minh, làm rõ theo quy định của pháp luật.
Nhưng cho đến nay cơ quan công an chưa thông báo bắt giữ và điều tra Thái vì tội gì.
Tháng 10 năm 2021 báo Công An Nhân Dân có bài viết lên án một số người ở hải ngoại thường xuyên đăng bài chống phá nhà nước CHXHCH Việt Nam. Bài báo nhắc đến những cái tên đang ở Thái Lan hoặc đã từng ở Thái Lan như Trương Quốc Huy, Phạm Minh Vũ, Đường Văn Thái, Lê Văn Thương, Trần Minh Nhật.
Trích đoạn bài báo :
– Năm 2017, sau khi về nước, Đường Văn Thái đã chuyển vào sống tại TP Hồ Chí Minh và tiếp tục có các hoạt động chống phá Việt Nam ngày một manh động. Khi một số đồng bọn bị bắt, biết rất khó tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật, năm 2019, y đã tìm cách trốn ra nước ngoài với mục đích xin tỵ nạn chính trị. Lo sợ trước sự phản ứng của người dân trong nước và sợ bị pháp luật trừng trị, các đối tượng đã tìm cách đào tẩu ra nước ngoài, bám gót các thế lực chống đối và lợi dụng không gian mạng để phát tán tin giả, thông tin bịa đặt chống phá, bôi nhọ hình ảnh đất nước trên trường quốc tế.
Báo CAND đã khẳng định việc Thái sợ bị pháp luật Việt Nam trừng trị, nên đã bỏ trốn ra nước ngoài.
Phân tích tội trạng 5 người trong bài báo thì bị công an chia ra làm 2 dạng.
Dạng thứ nhất là Lê Văn Thương, Trương Quốc Huy, Trần Minh Nhật bị kết tội chống phá nhà nước. Xuyên tạc đường lối chính sách của đảng và nhà nước, ý đồ lật đổ chính quyền.
Dạng thứ hai là Phạm Minh Vũ và Đương Văn Thái bị quy thêm tội nói xấu các đồng chí lãnh đạo, cán bộ chủ chốt.
Trong bài báo có khẳng định Phạm Minh Vũ cũng trốn sang Thái vì lo sợ bị pháp luật trừng trị. Thế nhưng giờ Phạm Minh Vũ ở đâu ? Gia đình cho biết Vũ bị đánh hôn mê, chấn thương sọ não đã nằm giường nhiều tháng chưa tỉnh, gia đình chỉ gặp Vũ khi Vũ đã nằm hôn mê, chấn thương khắp người trong bệnh viện chợ Rẫy. Bác sĩ bệnh viện nói rằng có người gặp Vũ nằm trong vũng máu vệ đường, nên đưa vào bệnh viện.
Rất nhiều quan chức cộng sản Việt Nam trốn ra nước ngoài, nhưng bị bắt cóc chỉ có Trịnh Xuân Thanh.
Nhà báo Trương Duy Nhất cũng bị bắt cóc từ Thái Lan về, Đường Văn Thái cũng vậy và Phạm Minh Vũ cũng có thể bị bắt đưa về rồi đánh chấn thương vất bên lề đường.
Tất cả những người này đều giống nhau là bàn luận, đưa thông tin về các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt. Tức về mảng nội bộ đảng, cán bộ chủ chốt, lãnh đạo đảng.
Tháng 8 năm 2022, báo Đảng Cộng Sản có đăng bài về tăng cường bảo vệ chính trị nội bộ trong tình hình mới, bài viết đánh giá những nguy hiểm cấp bach lớn nhất cho sự tồn vong của chế độ hiện nay là việc cán bộ thoái hoá, diễn biến, cung cấp thông tin cho thế lực thù địch xuyên tạc tình hình đất nước, tình hình lãnh đạo.
Trích đoạn:
– Nghiên cứu, phát hiện và xử lý kịp thời những phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất, những đối tượng bị các tổ chức phản động móc nối, lôi kéo, mua chuộc cài cắm vào nội bộ ta. Không để sơ hở, lộ lọt, mất thông tin, bí mật quốc gia để các thế lực thù địch lợi dụng viết bài, tung tin xấu, độc, chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ. Chủ động đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, tổ chức phản động, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị, nhất là các thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. Kiên quyết đấu tranh xử lý nghiêm những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm”, những cán bộ, đảng viên, những người lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội để xuyên tạc, kích động, gây mất đoàn kết nội bộ”. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động xâm nhập, cài cắm, móc nối, phá hoại nội bộ của các thế lực thù địch.
Xử lý kịp thời. Đây là một cụm từ rất đáng chú ý.
Đối với những người trốn ra nước ngoài, có những thông tin về nội bộ đảng CSVN thì xử lý như nào được gọi là kịp thời.
Kịp thời không thể là thuyết phục, vận động vì như thế rất mất thời gian để lung lạc đối tượng chuyển biến.
Dùng báo chí nhà nước phản biện lại những thông tin đối tượng đưa ra. Cái này chưa chắc khiến người đọc tin ngay, có khi còn gậy ông đập lưng ông, càng cãi người ta càng chú ý.
Xử lý kịp thời ở đây chỉ có bắt cóc và ám ..sa.t.
Những bài viết về học thuyết, về dân chủ, về độc tài chung chung đã có từ nửa thế kỷ nay. Đối phó với những bài viết về ý thức hệ này đối với chế độ cộng sản không khó. Có cả ban tuyên giáo, báo chí , tổng cục chính trị, bộ văn hoá thể thao, bộ thông tin truyền thông thừa năng lực để định hướng dư luận.
Nhưng đối phó với thông tin nội bộ về cán bộ chủ chốt, về lãnh đạo cấp cao thì những lực lượng trên hầu như không có cách nào hiệu quả. Thậm chí càng đối phó càng gây khó khăn hơn, thông tin phản bác thành tự hại mình.
Ví dụ đối tượng đưa tin ông A do tranh giành quyền lực đã bị các đồng chí mình hất khỏi bộ chính trị, ông B sẽ lên thay. Tin như vậy không thể dùng truyền thông phản bác ngay, mà đành phải nhìn tin tức lan truyền, dân tình bàn tán nói xấu đảng. Đến khi ông A bị hất khỏi thật, ông C lên thay. Lúc đó mới phản bác là tin sai vì ông C thay chứ không phải ông B. Nhưng người đọc còn phân vân bọn phản động vẫn nói đúng là ông A bị hất khỏi bộ chính trị thật.
Cách xử lý kịp thời hiệu quả nhất để đối phó với tin tức nội bộ, thông tin về lãnh đạo chỉ có là phá trang đăng tin, phá liên tục, chặn liên tục và song song là tính bắt cóc, ám..sát.
Không phải vô căn cứ mà cảnh sát Đức phải hàng ngày cho người bảo vệ nhà báo Lê Trung Khoa. Khoa là chủ trang thoibao.de. Trang báo ít khi đưa những bài mang tính học thuật, tư tưởng, lý thuyết mà thường xuyên tấn công vào cá nhân lãnh đạo Việt Nam, đưa tin về những sự việc tiêu cực cụ thể đang xảy ra ở Việt Nam.
Nghiên cứu những chỉ đạo của đảng CSVN như chỉ thị số 39 của BCT ngày 18 tháng 8 năm 2014, quy định 126 năm 2018, quy định 58 năm 2022, quy định 37 năm 2021 và nghị quyết số 35 năm 2018..đều do Bộ Chính Trị hay do ông Trọng ban hành.
Chúng ta sẽ thấy những vụ bắt cóc người đưa tin nội bộ không phải là Bộ Công An tự tung, tự tác bất chấp quan hệ ngoại giao quốc tế, những biện pháp xử lý kịp thời mang tính khủng bố ấy do bộ CA thực hiện là theo chủ trương của đảng, của ông Trọng.
Như trường hợp của Phạm Minh Vũ thì lo ngại về tính mạng của Đường Văn Thái không phải là vô cớ, nhất là Thái bị bặt tin sau cái ngày công an huyện Hương Sơn công bố vì tội vi phạm hành chính.
Người ta có thể đưa ra lý do, Thái bị bệnh nền sẵn từ trước, bị nhiễm covid từ nước ngoài, không được điều trị sớm kịp thời, mặc dù bác sĩ Việt Nam đã làm hết sức, nhưng Thái không qua khỏi. Sẽ có vài bài báo mở đường ví dụ về trường hợp tương tự.
Việc công an công khai thông tin Thái xâm nhập, sau đó im lặng càng làm tăng thêm cơ sở cho rằng Thái đã bị gì đó rất nguy kịch, cho nên công an không dám thông tin thêm nữa.