Nhóm PV
7-4-2018
Tiếp theo
Kỳ 1: Cuộc cưỡng chế “thí điểm” khủng bố tinh thần toàn xã
Kỳ 2: Túp lều dập dềnh bên dự án tỷ đô
Kỳ 3: “Mưu hèn, kế bẩn” ức hiếp cả người chết
Kỳ 4: “Kỷ lục” thu 562m2 đất, bồi thường… 327 ngàn đồng
Kỳ 5: Bước đường cùng của bà lão đẩy lùi ba cuộc cưỡng chế
Kỳ 6: “Giọt nước tràn ly” khi mộ phần tiên tổ bị xâm hại
Kỳ 7: Những kẻ chủ mưu giấu mặt trong đêm 680 nông dân bị bắt
Kỳ 8: ‘Tui là Trần Văn Tám ở tù oan đây’
Kỳ 9: Từ điểm nóng đất đai đến ‘lò lửa’ oan án
Kỳ 10: Sống bị triệt sinh kế, chết bị tai tiếng “tự tử trại giam”
Kỳ cuối: Làm gì để “hạ nhiệt” lò lửa Long Hưng?
(PLO) – Bản kết luận điều tra vụ án 46 người dân xã Long Hưng bị phạt tù vì phản đối dự án Dona.Coop chỉ vỏn vẹn 42 trang, trong đó 3/4 số trang nêu nhân thân, họ tên, năm sinh, quê quán các bị can và đề nghị tội danh. Nguyên nhân nghiệt ngã khiến nông dân oan khuất đang đường cùng mất đất, lại bị “gài bẫy” kích động, dẫn đến gây rối, chưa có kết luận nào của cơ quan chức năng nói đến.
“Tức nước, vỡ bờ”
Những ngày cuối năm 2008, tâm trạng những nông dân bị thu hồi đất ở xã Long Hưng đã có thể gọi tên “tức nước, vỡ bờ”. Clip một buổi “họp dân triển khai quyết định thu hồi đất” ngày 8/12/2008, cho thấy một nông dân đã nói như sau:
“Kính thưa mọi người! Bùi Thanh Trúc muốn lấy đất thì phải tuân thủ quy định Nhà nước, phải thỏa thuận với dân và đến họp với dân. Không thể có chuyện dự án kinh doanh lấy đất nhưng Đồng Nai ép giá dân, không có đâu. Nếu mà bảo nông dân phản đối là sai thì cả dân xã Long Hưng chúng tôi đi tù luôn.
Các ông có định trả cho dân Long Hưng nổi 100 ngàn đồng/m2 không? Thu đất rồi các ông làm cơ sở hạ tầng, rồi lên giá bao nhiêu triệu đồng một m2 mang bán? Các ông định làm cái trò gì vậy?
Các ông nói hỗ trợ cho dân 2,8 triệu đồng một người. Này, cái lương của người ta bây giờ ba triệu đồng không đủ sống một tháng. Các ông hỗ trợ thế mà không còn đất, không còn tư liệu sản xuất thì người ta sống bằng cái gì, các ông trả lời đi. Các ông đuổi dân cả xã Long Hưng xuống sông Đồng Nai để giết chết dân hả?
Chúng tôi là những người sắp hết tuổi lao động rồi. Bây giờ chúng tôi ở nhà còn có vườn cây, ao cá, có cái thu nhập rau cỏ, chúng tôi còn sống được. Các ông định dồn chúng tôi vào cái khu tập trung mà gọi là tái định cư kia kìa. Các ông ra mà xem không điện, không nước, không hộ khẩu, không có quyền sử dụng đất.
Này không làm thế với dân được. Hôm nay nếu Bùi Thanh Trúc muốn lấy đất, Bùi Thanh Trúc phải làm hợp đồng với các hộ dân, cam kết hai bên thỏa thuận bồi thường”.
Cũng ngay từ những cuộc họp này, sai phạm của chính quyền Đồng Nai bị người dân vạch ra. Nhỏ nhất như chuyện thể thức giấy tờ. Quyết định thu hồi đất lẽ ra phải đóng dấu mộc đỏ. Nhưng “xóa trắng” xã, hàng ngàn hộ dân, giấy tờ nhiều quá, Đồng Nai cho… photocopy quyết định, giao cho các hộ bị mất đất.
“Này, các anh làm sai rồi, các anh phải sửa đi”
Ngồi ở dãy bàn phía trên phủ khăn xanh, đoàn cán bộ chính quyền người ngồi im, người cúi mặt xuống đất nhìn… chân mình, người ngoảnh đầu như nhìn gì đó phía sau, người quay mặt đi hướng khác.
Cuộc họp ấy cũng như trong các cuộc họp khác với dân, người đại diện dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” (tại xã Long Hưng, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop, làm chủ đầu tư) không có mặt. “Bùi Thanh Trúc”, mà bác nông dân vừa nhắc tên, là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc doanh nghiệp này, cũng không có mặt. Trong kết luận điều tra và bản án phạt tù 46 người dân xã Long Hưng phản đối dự án, Dona.Coop cũng không có mặt trong phần bị truy tố và nhận hình phạt, dù bị chỉ rõ là chủ mưu vụ xâm hại hàng ngàn ngôi mộ tiên tổ người Long Hưng.
Nhóm người Dona.Coop xâm hại mồ mả
Vụ án oan nghiệt bậc nhất lịch sử mất đất của nông dân Việt Nam, có nguồn cơn được Bản kết luận điều tra của Công an Đồng Nai chỉ rõ: “Ngày 13/2/2009, Dona.Coop ký hợp đồng với Trung tâm kỹ thuật địa chính tỉnh đo đạc lập bản đồ hiện trạng khu nghĩa địa xã Long Hưng…”. Ngay trong ngày, Đội đo vẽ nhà do Doãn Văn Hợp (SN 1980) làm tổ trưởng, “trực tiếp chỉ huy thực hiện đã cùng cán bộ của Dona.Coop đến nghĩa trang thực hiện đo vẽ mà không liên hệ để có sự phối hợp của UBND xã. Hợp tự chỉ đạo dùng sơn xanh và xám bạc đánh số thứ tự lên đỉnh và mặt sau các bia mộ…”.
Cả xã khi ấy vẫn còn đang bàng hoàng với thông báo sẽ bị giải tỏa trắng giá rẻ mạt, người sống buộc phải dời vào “khu tập trung”, người chết không biết đem xương cốt đi đâu, nghĩa địa làng không còn và trong quy hoạch sắp tới không có dự án nghĩa trang. Bao kiến nghị dân nêu ra đều chìm nghỉm. Sự việc chưa được giải quyết, lại thấy nhóm người lạ kéo đến dùng sơn xịt, quẹt, bôi lem nhem lên mộ. “Sống vì mồ vì mả, không ai sống vì cả nồi cơm”. Với bất kỳ người Việt nào, ngôi mộ người thân là điều thiêng liêng hơn cả. Việc nhóm người lạ xâm hại mộ phần là “giọt nước tràn ly” với những nông dân đang chất chồng oán ức.
Suốt bốn ngày nhẫn nhục chứng kiến đám người nhẩn nha quẹt vẽ mộ phần cha ông, những nông dân hết đi từ ngạc nhiên, tò mò, đến phẫn nộ. Từ chỗ một vài người riêng lẻ, không hẹn mà gặp, cả trăm người tìm đến UBND xã hỏi chính quyền cho ra lẽ.
Ông Nguyễn Thanh Long (SN 1944, ngụ ấp Phước Hội) kể lại: “Ngày 17/2/2009, tui được mời lên trụ sở UBND xã đối thoại với đoàn kiểm tra tỉnh vì trước đó tui tố cáo bị dự án Donacoop thu hồi đất trái luật. Cùng thời điểm này tình cờ hàng trăm người dân tập trung về trụ sở ủy ban, yêu cầu xã giải quyết việc bia mộ bị đánh số, vẽ sơn.
Tui vừa lên cổng trụ sở xã thì Bí thư và Chủ tịch xã chạy ra nói: “Dân của anh nổi loạn”. Tui ngạc nhiên đáp lại: “Tui làm gì có dân”. Sau đó tui được mời lên tầng hai. Đang ngồi thì có cả trăm người dân tập trung bên ngoài. Tui phát biểu rằng với tình hình thế này không làm việc được, đề nghị hoãn buổi làm việc chuyện của tui, để chủ tịch xã, bí thư xã giải quyết việc bia mộ của cả xã bị xâm hại trước đã. Đoàn làm việc tỉnh đồng ý, nhờ tui đứng ra mời đại diện dân lên làm việc. Tui làm “sứ giả”, 10 người dân được mời lên làm việc cùng.
Tui có ý kiến với lãnh đạo xã trình bày trước đoàn cán bộ tỉnh về nguyên nhân khiến dân bức xúc tập trung tại trụ sở xã. Chủ tịch xã nói “dân bức xúc vì có lực lượng nào đó đem sơn vẽ, đánh số mộ bia, dân phản ánh lên xã nhưng xã không có thẩm quyền, không biết ai làm”.
Tui đối đáp “lãnh đạo xã trả lời như thế là sai”, và đề xuất trước tiên xã nên mua xăng giao lực lượng dân phòng xóa các vết sơn trước để an lòng dân. Xã trả lời không làm được. Tui đi về. Xuống dưới sân dân hỏi tình hình thế nào, tui trả lời “xã nói họ không biết”. Bà con còn đổ cho tui bao che cho chính quyền. Tui đành ra về”.
Diễn biến tiếp theo trong ngày 17/2/2009 được ông Lê Đình Hạnh, một người khi đó thuộc lực lượng dân phòng xã, kể lại như sau: “Khoảng 100 người tụ tập ở sân trụ sở. Số người này không có đại diện nhưng chung yêu cầu ngừng việc đánh số, quẹt sơn. Đồng thời yêu cầu khắc phục, trả lại hiện trạng cũ cho những ngôi mộ. Chủ tịch xã sau đó đồng ý, yêu cầu nhóm người của Dona.Coop đi chùi rửa những ngôi mộ đã bị đánh sơn”. Theo ông Hạnh, trong ngày 17/2/2009, mọi việc diễn ra trong ôn hòa. Xã lập biên bản hứa làm đúng yêu cầu chính đáng nên nông dân ra về.
Nỗi bức xúc của đoàn người đưa tang
Người dân bức xúc là thế. Chính quyền xã yêu cầu như thế, nhưng nhóm người của Dona.Coop lại có động thái khác. Sáng hôm sau, 18/2/2009, có đám tang của ông Hồ Văn Tiết là người địa phương. Theo tục lệ, người dân kéo nhau đi đưa tang rất đông.
“Lúc đó khoảng 8h sáng, khi đưa tang ra nghĩa địa, ai cũng thấy nhóm “khắc phục” có chùi rửa nhưng làm cẩu thả khiến những ngôi mộ càng lem luốc, khó coi. Hai bên lời qua tiếng lại. Thấy tụi nó xâm hại mồ mả cha mẹ mình mà còn cự cãi, một số người bức xúc mắng mỏ rượt đuổi. Nhóm người Dona.Coop bỏ chạy về trụ sở UBND xã Long Hưng. Một số người dân rượt theo”, ông Hạnh kể.
Nỗi phẫn uất bùng lên, lan nhanh như đám cháy. Ở cái xã sắp bị “xóa sổ” này, ai chẳng có mồ mả người thân bị xâm hại, ai chẳng có đất bị thu hồi giá rẻ mạt. Hàng trăm người không ai rủ ai, kéo về UBND xã, đòi xử lý nhóm người xâm hại mồ mả, phản đối dự án sai luật. Từ những nhóm nhỏ, càng lúc càng đông.
Suốt buổi sáng, những nông dân chỉ tụ tập ngoài sân, ngoài đường, yêu cầu chủ tịch, bí thư xã ra ngoài đối thoại. Cán bộ xã không ra mặt. Đến khoảng 14h chiều 18/2, một số người kéo vào trụ sở khiêng bà chủ tịch và bà bí thư xã ra ngoài yêu cầu nói chuyện. Việc níu kéo, giằng co khiến bí thư xã rách áo. Cán bộ xã Lê Hảo Tùng (cáo trạng ghi khi đó là Chủ tịch Hội Nông dân xã) xông vào “giải vây” vợ mình là nữ bí thư, đánh chảy máu một nông dân. Cho rằng “cán bộ đã không bảo vệ lại còn đánh nông dân”, nỗi uất ức của đám đông càng bị đẩy lên cao.
Sự việc nhùng nhằng như thế đến 18h cùng ngày. Gần như nông dân cả xã kéo đến xem, người uất ức thì la lớn đòi cán bộ ra đối thoại, người tò mò hiếu kỳ bàn tán đứng nhìn. “Cha sanh, mẹ đẻ tới giờ chưa khi nào thấy người ở xã tập trung đông như vậy”, ông Phan Văn Hoa (SN 1959) thuật lại. Cán bộ xã vẫn không chịu ra mặt nói chuyện mà rút lên lầu, một số rời bằng cửa hậu trèo qua các căn nhà phía sau trụ sở ra về. Dù giữa tầng trệt lầu không có bất cứ vật cản nào, những nông dân không động đến tầng lầu nơi cán bộ xã “cố thủ”. Tuy nhiên, bản kết luận điều tra lại cho rằng những nông dân “có nguy cơ đe dọa tính mạng toàn bộ cán bộ nhân viên xã, huyện đang có mặt tại trụ sở”.
Sự việc bị đẩy lên đỉnh điểm vào cuối giờ chiều, khi lực lượng cảnh sát cơ động Đồng Nai đang trên đường có mặt, người dân cho rằng bất ngờ xuất hiện chiếc xe chở một nhóm đối tượng lạ ập đến, hòa vào đám người, kích động đám đông đang phẫn nộ bằng cách ném gạch đá như mưa vào trụ sở xã. “Mồi lửa” đó đã “kích nổ” vụ án gây rối đẩy 46 nông dân vào tù đày, mà ai biết chuyện cũng cùng chung cảm xúc “thương nhiều hơn giận”.
Mời bạn đọc đón đọc kỳ sau trên số báo ra ngày thứ Hai (9/4/2018).