Saturday, December 21, 2024
HomeBLOGĐồng Tâm những ngày buồn nhất lịch sử!

Đồng Tâm những ngày buồn nhất lịch sử!

Trịnh Bá Phương / Người dân Đồng Tâm

Rằm tháng Chạp là lúc mà người người nhà nhà lo toan chuẩn bị cho năm mới. Đón một thập kỷ mới với niềm vui mừng, rộn rã. Thế nhưng xã Đồng Tâm chúng tôi lại là một nơi buồn nhất trên quê hương Việt nam.

2h30’ sáng: Tiếng kẻng, tiếng mâm, tiếng phẫn xoong đập vào nhau vang khắp mọi con ngõ nhỏ. Nghe sao mà chát chúa. Mọi người nghe lạ lắm phải không, thời buổi 4.0 rồi mà còn gõ kẻng, gõ mâm, lạ thật. Thời này thì chỉ cần 1 cú điện thoại là xong phải không, thế nhưng, các bạn ạ sóng điện thoại và Internet đã bị vô hiệu hoá bởi quân đội.

2h45’: Tiếng pháo nổ rộn vang, đang nằm trong nhà cứ ngỡ như mình đang được nghe bắn pháo hoa đêm giao thừa ở Hồ Gươm vậy. Tự hỏi lòng, nhà ai có gì vui mà lại đốt pháo vào giờ này? Mở cửa chạy ra sân, ngó thì không thấy pháo bay lên trên cao như thường lệ, mà chỉ có nghe thấy tiếng nổ như nhà ai đốt pháo thửa. Rồi lại nghe tiếng la hét kêu cứu của ai đó chạy khắp xóm “LÀNG NƯỚC ƠI CHÚNG NÓ ĐÁNH RỒI”.

Hoảng hốt, cả xóm chạy ra khỏi nhà thì mới hay nhà ông Kình đang bị quân đội và cảnh sát tấn công. Cả xóm định chạy ra xem sao thì… vừa ra khỏi ngõ gặp mấy chục anh CSCĐ đứng sẵn đó rồi. Các anh ấy nhìn thấy dân là lăm le cầm dùi cui, tay còn lại là khiên đỡ.

Các anh rất chỉnh tề xếp thành hàng ngang chắn ngang đường. Và hô lớn qua loa phóng thanh “TẤT CẢ VÀO NHÀ NGAY”. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì các anh đã tặng ngay cho một trái nổ vào ngõ, chỗ đông người, làm tất cả chạy toán loạn.

Một anh đứng đó vô tình bị nổ vào chân, do đông người anh không né kịp, kết quả là về nhà luôn vì chân bị tê liệt. Thấy vậy, bà con tiếp tục đi chuyển xuống nơi gần với nhà ông Kình. Nghĩ là đi trong làng nhiều ngõ ngách, sẽ ra đó và tiếp cận được, nhưng không ngờ lại gặp một đội CSCĐ khác đã phục sẵn. Thế là bà con lại ăn pháo nổ, lần này còn có cả bom khói và mìn cay.

3h30’: Sau một thời gian bà con tranh luận, làm thế nào để tới được chỗ ông Kình thì tất cả quyết định tấn công lại bằng đá ném. Bác con cùng lúc tấn công nhưng kết quả thì không như gia đình muốn. CSCĐ luôn giữ khoảng cách an toàn và còn được trang bị tận răng như áo chống đạn, khiên chịu lực, áo chống đâm chém, và dùi cui điện, súng v.v…

Bà còn chỉ còn biết chôn chân hay chạy lăng xăng trong ngõ xóm. Trong khi bất lực, không làm sao tiếp cận nhà ông Kình được thì có một phụ nữ vừa khóc to vừa nói: Các ông, các bác ơi, các anh chị em ơi, cứu mọi người đi, chúng nó bắn pháo vào nhà, bắn hơi cay vào nhà, mọi người trong đó sắp chết ngạt rồi!

Đấu tranh thì chia đều cho toàn dân chứ có ai được hơn đâu. Nghe mà trong lòng như đứt từng khúc ruột. Nhưng mọi người biết đấy, đến ra khỏi ngõ còn không làm được, thì làm sao cứu người. Nỗi uất hận hiện rõ qua đôi mắt của từng người.

4h30’: Thời gian thì cứ thế trôi đi. Tiếng súng đạn thay cho tiếng kêu của kim dây đồng hồ.

5h00: Mọi tiếng súng đã hết. Những chú CSCĐ cũng đã thấm mệt vì không được ngủ như mọi ngày, cùng với đó là mặc bộ quần áo giáp và trang bị cũng phải đến cả 15 kg trên người. Mỗi đứa kiếm một chỗ tựa để nghỉ ngơi. Nhưng vẫn có một số phải canh gác để thay nhau nghỉ.

7h00: Một số người đã thấm mệt sau một đêm không ngủ và ngửi khói cay. Họ đã giải tán dần, chỉ ít người có sức khỏe còn lảng vảng ngồi nói chuyện với nhau. Đó cũng là lúc mà các lính đặc nhiệm mặc trang phục như quần áo rằn ri, khoảng 20 mươi người, tay ai cũng cầm súng, mình là dân thường nên cũng không biết tên các loại súng. Họ kéo nhau về khu vực uỷ ban xã.

Tưởng như mọi chuyện đã xong. Trời sáng cũng là lúc mà nhiều người về lo cho con em đi học. Nhưng tất cả đều phải quay về và không được tới trường.

Các ngõ chính đường ra nhà ông Kình đều bị bao vây, thế nên mọi người không thể có thông tin gì từ gia đình ông.

Đến trưa ngày 9/1 thì mọi người mới có một chút thông tin từ đài truyền hình của nhà nước. Đài đưa tin ”vụ chống người thi hành công vụ ở Đồng Tâm”, theo đó, nói “khi quốc phòng đang xây dựng tường bao sân bay Miếu Môn, đã có một số đối tượng dùng bom xăng, lựu đạn, dao phóng chống trả, làm 3 cán bộ chiến sĩ bị thiệt mạng. Lưc lượng đã tiêu diệt một người và một người khác bị thương”.

Ngay sau đó họ đã khôi phục mạng Internet nhưng chỉ có wifi mới dùng được. Còn sóng di động vẫn bị vô hiệu hoá.

Khi mà thông tin không được đưa ra ngoài, người dân chỉ còn biết nghe tin qua truyền hình. Mà tin đó không phải là của một tờ báo hay phóng viên tự do. Mà là do chính Bộ Công an, nơi mà chỉ huy ra lệnh cho những người cầm súng sáng nay hành động.

Sau khi đưa tin, đã có một nick Facebook đăng tải dòng trạng thái “chồng ơi 3000 quân sao lại là anh”. Kèm theo đó là một số hình ảnh người đàn ông mặc trang phục công an chưa rõ danh tính. Vậy là cư dân mạng thi nhau chia sẻ bài viết đó. Nhưng ngay sau đó nick Facebook đó đã không còn.

Dư luận thì cứ vậy mà ném đá người dân Đồng Tâm là “bọn khủng bố”. Mà họ chẳng cần biết người đó là ai, chết vì lý do gì.

Các bản tin thời sự thì vẫn đưa tin mà chẳng có hình ảnh.

Ngày 10/1: Buổi sáng chợ không họp. Cấm đường. Loa truyền thanh thông báo học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở nghỉ. Vì lý do “Sơ KẾT HỌC KỲ 1”.

Không khí ảm đạm bao trùm cả xã. Ra đường chẳng có mấy người đi lại. Chỉ thấy mấy chú CSCĐ đi mua đồ ăn sáng và dựng lều bạt ngủ nghỉ tại chỗ. Mấy chú vì mệt mà ăn ngon lành. Còn người dân thì chẳng ai nuốt nổi hột cơm vì họ đã nghe tin một số người nhà ông Kình chết. NHƯNG CHƯA AI DÁM KHẲNG ĐỊNH.

Đến khoảng trưa thì thấy tin các con cháu dâu và vợ ông kình được thả về. Ngay sau đó thì họ lại được tin của chính quyền gọi người nhà ông lên làm thủ tục nhận xác ông Kình.

KỂ ĐẾN ĐÂY MÀ TRONG LÒNG CÒN THỔN THỨC.

Vậy là mọi người đã biết rõ ai chết.

Dân trong làng ngoài xã ai ai cũng xót thương cho một người dám hy sinh đấu tranh cho quê hương. Cùng với đó là sự quan tâm tới những người còn chưa rõ tung tích. Họ sống chết ra sao?

Ai cũng đều mong đón linh cữu của ông.

Đến 19h, mọi người đã tập trung tại cổng làng nơi gần nhà ông để đón đón linh cữu của ông về an táng. Xe chở linh cữu đã về và đậu kế cổng làng, nhưng không hiểu sao CSCĐ vẫn canh gác không cho ai tiếp cận, kể cả người nhà.

Mãi đến khoảng 22h thì ông mới được gia đình đưa vào nhà tắm rửa và thay quần áo cho ông.

Các bạn không thể tưởng tượng được một đám tang nào mà nhiều người khóc đến thế.

Vào nhà thay quần áo cho ông thì mới thấy được nhà nước “nhân đạo” thế nào.

Đầu tiên thì nhìn thấy một vết khâu từ cổ xuống dưới bụng. Sau đó là một lỗ tròn xoe ở tim. Ở dưới bụng cũng có một lỗ. Xuống tý nữa thì thấy một cảnh mà bao nhiêu con người phải ngất. Chân trái ông bị mất hẳn, cái đầu gối chỉ còn dính ít da ở phía sau. Các con gái ông đã ngất và bất tỉnh. Người dân thì la hét, xót xa. Phần còn lại, đầu có một lỗ ở ngay thái dương. Phía sau đầu thì nũng nịu và cũng là vết mổ xẻ đã được khâu vá. Đấy các bạn ạ, nhà nước các anh ấy nhân đạo quá phải không.

Con gái ông kình khóc: “ÔNG TRỌNG ƠI, ÔNG MANG CON BỎ CHỢ, ÔNG HÔ HÀO TOÀN DÂN CHỐNG THAM NHŨNG, BỐ TÔI VÀ ANH EM TÔI NGHE LỜI ÔNG CHỐNG THAM NHŨNG, MÀ ÔNG ĐỂ GIA ĐÌNH TÔI CHẾT OAN UỔNG THẾ NÀY ĐÂY, MỘT NGÀY GIẾT 5 NGƯỜI NHÀ TÔI”.

Nghe có đau xót không hả người dân cả nước. Vậy là chẳng nhẽ bố con, ông cháu anh em, cùng một gia đình phải hy sinh cùng ngày một cách vô ích sao. Xã hội những người có ăn có học, có địa vị để làm gì. Khi mà U23 chiến thắng, các vị thi nhau ra đường hò reo khắp cả nước. Sao các vị không thi nhau ra đường vì dân oan cả nước đi. Các vị chỉ biết hưởng thụ cho bản thân mình.

Còn những người dân oan cần được sự đồng cảm của các vị đấy. LÊN TIẾNG ĐI VÌ YÊU NƯỚC VÌ DÂN OAN. NẾU CÁC VỊ CÒN TIẾP TỤC IM LẶNG THÌ RẤT SỚM THÔI CÁC VỊ MỚI CHÍNH LÀ NGƯỜI PHẢI RA ĐI trong oan ức.

Nguồn: #Hiếnpháp

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular