Không gian quanh anh chẳng có gì lạ lẫm với hơn sáu năm trải qua mười một nhà tù. Anh đã quen với nó.
Gió xào xạc bên vài gốc chuối xa xa. Anh đưa mắt nhìn ra khoảng trống trầm buồn và yên ắng trong màu tím u uất.
Trên bệ xi măng, nơi vừa là giường ngủ vừa là chỗ cất giữ những kỷ niệm trong bọc quần áo cũ, lấp ló một chiếc áo thun xám, nhàu nhỉ như những năm tháng tù đày. Tuy vậy, anh quý trọng nó như thân mình và chỉ mình anh biết nó quan trọng như thế nào.
Nén tiếng thở dài, anh nghĩ đến mấy đứa nhỏ và người bạn đời, vất vả ngược xuôi gần 7 năm qua trong khốn khó bầm dập. Anh thấy có lỗi với gia đình, khi nhớ lại đã nhờ người bạn ra tù trước đây, về nhắn với chị bán bớt căn nhà lo cho xấp nhỏ đi du học và tránh xa anh.
Nỗi nhớ quay quắt…
Nước mắt anh lặng lẽ rơi xuống…
Gần bảy năm, anh chưa một lần giáp mặt với chị, kể từ sau khi hai người ra tòa xé hôn thú. Anh nhớ chị vô cùng. Người phụ nữ, dù trên giấy tờ đã là người dưng. Nói đúng hơn là người bạn, nhưng chị không quên anh. Chị biết anh làm đúng. Đơn giản vậy.
Ngồi bó gối, hai tay vắt chéo, anh thấy lòng bồi hồi…
Tiếng chân người nghe lộp cộp cắt ngang suy nghĩ của anh. Thả chân xuống, vừa xỏ đôi dép tổ ong cũ mèm mà thằng Dũng đem cho bố trong những lần thăm nuôi thì cửa phòng giam mở ra. Những khuôn mặt muôn năm cũ với những bộ đồ không mới. Anh đứng dậy, gật nhẹ đầu, mỉm cười.
Ông an ninh trại giam mà anh có thiện cảm nhất trong những lần gặp mặt – Quang – cất giọng ôn tồn và cũng mỉm cười: Anh Điếu Cày ơi! Hôm nay chúng ta cùng làm việc một chút nhé.
Giọng trầm ấm cất lên: Chúng ta đã làm việc nhiều lần rồi. Quan điểm của tôi cũng quá rõ rồi. Thiết nghĩ chẳng có gì cần nói thêm nữa. Tôi vô tội. Tôi đã làm và gởi đơn đề nghị ra tù, chớ không phải xin tha tù. Các ông biết rồi.
Quang tiếp lời: Đừng vội, anh Hải ạ. Hôm nay chúng ta sẽ làm việc với một số vị quan chức cao cấp của hai phía Việt – Mỹ. Có thể bật ra nhiều vấn đề tốt cho cả đôi bên. Đối thoại ôn hòa và tìm giải pháp có lợi cho nhau thôi anh ạ.
Anh vẫn nhẹ nhàng mà dứt khoát: Giờ này trễ rồi. Mai chúng ta có thể làm việc cũng được.
Giọng Quang thành thật: Vì có các vị quan chức cao cấp của Mỹ, họ bận quá nhiều việc nên tranh thủ thời gian, do vậy buổi làm việc hơi trễ. Anh thông cảm và vui lòng, dù sao họ cũng là người Mỹ vả lại, anh cũng biết họ quý trọng anh.
Nhìn sâu vào mắt Quang, hơi ngần ngừ một chút, anh tiếp: Thế thì để tôi lựa bộ đồ nào cho đàng hoàng một chút, đi gặp người ta.
Quang tha thiết hơn: Không cần đâu anh ạ. Địa điểm làm việc gần đây thôi. Người Mỹ cũng không cầu kỳ, anh biết rồi. Thời gian làm việc không nhiều đâu, chỉ khoảng nửa tiếng đồng hồ thôi.
Quang quay ra hai cậu an ninh trẻ, nhẹ nói: Xe chuẩn bị xong chưa?
Vâng! Thưa anh, đâu vào đó rồi ạ – Một cậu lễ phép trả lời.
Thoáng nghĩ, chắc là cũng nên đi cho phải phép với người Mỹ, bởi họ quan tâm và lên tiếng cho anh cùng các bạn tù khác nhiều năm qua. Không đi thì anh thấy ngại và có vẻ bạc bẽo quá, họ tranh thủ thời gian ở xa xôi mà thế này là quá ân cần.
Nghĩ vậy, anh với tay lấy chiếc quần tây cũ, tròng vội chiếc áo thun xám – vật bất ly thân của anh, nhanh chóng xỏ đôi dép tổ ong và… đi ra xe.
Tiếng lộp cộp giày tây và những bước đi thong thả của anh xa dần, bỏ lại sau lưng người cai tù đang lúi húi tắt đèn. Chùm chìa khóa trại giam lạch xạch, như lên tiếng chấm dứt một quá khứ nào đó…
Chiều vẫn lững lờ trôi…
Trong chiếc xe Toyota 7 chỗ, khá mới, họ cho anh ngồi giữa và hai bên là hai cậu an ninh khác. Băng sau là hai cô an ninh trẻ, phía trước, Quang ngồi bên tài xế. Chiếc xe lao nhanh về phía trước…
Không khí yên lặng. Chẳng ai nói với ai lời nào. Có lẽ anh cũng thích thế để tiếp tục chìm đắm trong suy tư về gia đình mà lúc nãy, anh bị Quang cắt ngang.
Những hàng cây, những ngôi nhà lô nhô cứ lướt qua và bỏ lại sau lưng tất cả những nỗi niềm nào đó. Anh chẳng quan tâm lắm, vì lâu nay chẳng còn gì hoài nghi trong anh khi việc anh làm là cho dân tộc này, cho quê hương này. Của anh và của mọi người.
Anh nhắm mắt lại và nhớ về cô con gái út. Lâu lắm rồi, anh chưa nhìn thấy con bé, chỉ gặp có mỗi thằng Dũng, trong những lần thăm nuôi trầy trật. Nước mắt anh rỉ ra một chút, trên đuôi mắt.
Đưa tay chùi nhẹ gò má, trong bóng tối nhập nhoạng với ánh đèn vừa hắt vào, làm anh giật mình khi chiếc xe đỗ xịch và dừng lại đột ngột.
Quang bước xuống trước. Mọi người lục tục bước xuống theo.
Thực tại nhanh chóng kéo anh quay về và cũng bởi anh có nhiều kinh nghiệm với thói gian manh của CS.
Anh hỏi: Tại sao chở tôi tới sân bay? Các anh lừa tôi à?
Quang vẫn từ tốn: Ồ không! Vì các vị quan chức Mỹ sẽ rời VN trong chuyến bay tối nay lúc 19 giờ 40 phút, như chúng tôi đã nói lúc nãy, họ và quan chức VN sẽ làm việc với anh trong ít phút thôi.
Co tay lên, nhìn vào chiếc đồng hồ Longines hơn trăm triệu, Quang tiếp: Bây giờ chỉ mới gần sáu giờ thôi anh ạ. Thế mới gọi là tranh thủ thời gian.
Thái độ Quang vẫn tỏ ra nghiêm túc và khiêm cung như thường lệ đối với anh. Anh ngần ngừ và thoáng chút bối rối, thầm nghĩ: Chẳng lẽ, tụi nó tống mình đi Mỹ với bộ dạng thế này sao? Cũng khó tin!
Không để anh suy nghĩ nhiều, Quang nhẹ nhàng thuyết phục: Chúng ta vào trong phòng dành cho VIP, ngay trong sân bay để nói chuyện với họ cho kịp giờ họ về Mỹ, anh Hải ạ. Anh đừng đa nghi quá. Ai mà gạt được anh, anh đấu tranh tù tội nhiều năm nay, anh rõ quá rồi. Anh cứ vào trong, sẽ gặp ngay ông J. và bà O., những người mà anh đã từng gặp và từng nói chuyện nhiều lần, anh biết là chúng tôi nói thật ngay.
Anh bước đi với một thoáng băn khoăn…
Bọn an ninh bước theo. Kẻ trước người sau, Quang và một cậu an ninh đi cạnh anh bắt chuyện vui vẻ.
Sân bay Nội Bài khá lạ trong mắt anh. Gần 7 năm rồi còn gì. Mới hơn và có vẻ lịch sự hơn. Nhưng lối đi hôm nay sao vắng người quá! Dù như một con hẻm rộng hun hút, nhưng làm anh không cảm thấy âm u, nhờ đèn đuốc chói chang.
Anh hỏi: Sao sân bay vắng người thế?
Quang cười vui vẻ: Ồ! Anh hân hạnh lắm đấy nhé! Đây là lối đi chỉ dành cho nhân vật VIP không đấy! Chẳng mấy ai được đi vào đây đâu. Anh là ngoại lệ với vị trí trong mắt người Mỹ đấy!
Dấu cái cười khẩy vì trò rẻ tiền của công an, anh đáp: Thế à?! Giá như tôi không cần phải được “hân hạnh” thế này mà các ông đừng vô pháp bỏ tù tôi hơn sáu năm qua thì hay hơn biết bao nhiêu.
Im lặng, không đáp trả. Mặt Quang hơi đanh lại, hắn nghĩ: Thôi! Cố cho xong nhiệm vụ. Cả hai con vợ nhà mình đang dính cả ngàn tỉ vào thằng Thắm và thằng Nam! Không xong vụ này thì chết mẹ với mấy thằng bộ Chính trị! Thây kệ! Ức một chút để giải quyết ngàn tỉ vẫn hơn!
Chẳng mấy chốc đến trước cửa thang máy. Anh vẫn vô tư không hay biết những gì diễn ra xung quanh.
Ở một góc rất xa, vượt khỏi tầm nhìn của anh, một người phụ nữ và một người đàn ông Mỹ đứng đó. Nổi bật với chiếc váy đỏ cùng mái tóc vàng, người phụ nữ vừa trò chuyện nhỏ nhẹ với đồng nghiệp nhưng mắt vẫn không rời khỏi anh. Có lẽ cả hai đang thi hành nhiệm vụ gì đấy vào lúc này. Không mấy ai biết chuyện gì xảy ra, ngoài vài kẻ hiếu kỳ chụp được một tấm ảnh họ từ đâu đó.
Một người nào đó cũng nhanh tay kiếm được một tấm ảnh từ phía sau lưng, bao quanh anh, khoảng một chục viên an ninh bu như kiến bu bánh kem.
Trong thang máy, ngoài anh, có thêm 3 viên công an bước vào. Tất cả lố nhố còn lại phía ngoài, rút lui có trật tự theo một hướng khác.
Buồng thang máy khá sang trọng. Quang nhấn nút số 3 và đứng yên, nắm hai tay phía trước gần hạ bộ, theo cách của các vị quan chức cao cấp vẫn làm. Hắn tỏ vẻ trịnh trọng, học theo cung cách đó. Anh liếc nhanh nhìn qua Quang, lặng như tờ.
Thang máy mở. Lại một hành lang sáng choang, không một bóng người qua lại. Mọi người vẫn bước về phía trước.
Đến một khúc quanh, Quang nói: anh Hải ơi! chúng ta đi xuống lối này anh nhé.
Những bậc tam cấp kéo dài và khuất hẳn so với những gì lộ thiên mà anh vừa đi qua. Theo trớn, anh bước tiếp…
Chỉ vừa bước xuống chục bậc, anh bỗng nhìn thấy phía xa xa là một chiếc máy bay. Giật mình, anh quay ngoắc lại. Tay vịn lan can, dợm bước trở lên. Vừa ngẩng đầu, lố nhố cả chục cô cậu an ninh đứng chen cứng trên đó, ngáng cả lối đi, ngay trước mắt anh. Hàng rào người nhanh chóng hình thành xong để cản địa.
Sững người, anh chưa kịp nói thì Quang cười ha hả: “Anh Hải xuất ngoại mạnh khỏe nhé! Tôi cũng mừng cho số phận của anh”. Bụng bia của hắn rung lên sau lớp áo hàng hiệu Pierre Cadin, lộ rõ và trễ xuống trên chiếc dây nịt Hermès. Hắn đứng đối diện anh, một chân trên, một chân dưới, lộ ra đôi giày Gucci bóng lộn, nhưng không hợp tuổi tác. Bàn tay hắn đặt theo chiều dài lan can với những ngón tay múp míp, trên ngón áp út tay phải là một chiếc nhẫn kim cương đắt giá. Hắn nhịp nhịp bàn chân ra vẻ khoái trá…
Anh gằn giọng: Lầm! Các anh lừa đảo tôi thế này làm gì hợp pháp! Còn giấy tờ, còn passport, còn visa nhập cảnh, còn cả chữ ký tôi nữa, nó mới quan trọng nhất! Tôi có tự nguyện rời khỏi quê hương tôi đâu mà các anh có đủ thủ tục, có đủ chính nghĩa để ăn nói với người Mỹ?!
Không còn gì để che giấu, Quang cười hô hố và nói một hơi như để xả nỗi bực dọc bấy lâu: Ôi dào! Giấy với chả tờ! Anh có biết chúng tôi là ai không, anh Hải Điếu Cày?
Nhướng cặp chân mày nhợt nhạt, trên bộ mặt nung núc mỡ, đôi môi mỏng dánh mấp máy đều đặn: Chúng tôi là cộng sản nhá! Chúng tôi không phải trẻ con, không phải cừu! Nhớ nhá! Người chết chúng tôi còn làm cho sống lại. Kẻ sống chúng tôi làm cho chết đi hay biệt tích giang hồ với hàng ngàn lý do. Chữ ký của anh đồng ý tự nguyện đi Mỹ ư? Để nói chuyện với Mỹ về luật lệ quốc tế ư? Để cả thế giới nhìn vào chúng tôi đòi quyền con người ư? Để đồng bọn của anh, gia đình vợ con của anh nhìn thấy là anh hoàn toàn tự nguyện ư? Anh khéo lo thế! Thời xưa, chả có máy móc, thiết bị con mẹ gì cả, chúng tôi còn cho anh Trỗi gọi bác đến ba lần cơ nhá! Chúng tôi còn cho mười phát súng vào anh Trỗi mà còn đứng thẳng lên hô đả đảo Mỹ – Ngụy nhá! Bọn dân đen tin sái cả cổ nhá! Các ông lão thành cách mạng tin sái cả quai hàm đấy nhá! Còn hàng khối chuyện long trời lở đất nhá! Thôi! Tôi không nói nhiều với anh nữa. Anh có biết chúng tôi vất vả và mệt mỏi với anh biết bao nhiêu không?
Ngưng lại lấy hơi và đổi giọng nhẹ hơn, Quang tỏ ra năn nỉ: Anh Hải này! Đến nước này rồi, anh không còn quay lại được đâu! Anh làm ơn đi đi! Khỏe cho anh mà chúng tôi cũng nhẹ người. Tại sao anh cố chấp thế? Anh không thương anh thì anh cũng phải thương vợ con anh, bạn bè anh ngoài kia, ai cũng mong anh thoát tù đày. Đấy! Tù nhân lương tâm là phải có lương tâm. Tất cả đều đề huề, vui vẻ cả làng.
Thậm chí, nếu bây giờ anh không đi thì chúng tôi buộc phải bế anh lên máy bay. Anh xem – vừa nói tay Quang vừa chỉ lên lướt ngang phía trên – Anh thấy đấy! Các cháu toàn là khỏe mạnh lực lưỡng, chúng nó chẳng làm anh sướt một cái móng tay, cũng chẳng làm bầm một vết thương nào, vẫn có thể đưa anh lên máy bay nhẹ nhàng. Anh biết rồi đó! Vậy tại sao anh không vui vẻ ra đi?
***
Chuyến bay cất cánh…
Anh nhìn quê hương mờ dần và mất hút theo độ cao sau những đám mây…
Nhìn xuống đôi dép tổ ong, mang chân mình lìa khỏi quê nhà, anh thầm nghĩ: Nhất định, mình sẽ về lại quê hương. Một ngày không xa.
Anh nhớ con da diết…