
Tôi vừa trở về sân bay Tân Sơn Nhất sau một chuyến bay dài từ Pháp. Chuyến bay dài hơn thường lệ, bởi quá nhiều hành lý ký gửi. Máy bay di chuyển trên không nặng nề, ì ạch.
Chúng tôi xuống sân bay lúc 17h. Giao thông thông thoáng cho đến khi cả đoàn lấy hành lý đi ra.
Người ta bảo: “Hạnh phúc là khi trở về, luôn có ai đó đứng chờ bạn”. Lần này họ chờ tôi ngay trước cổng soi chiếu an ninh với máy quay, chó nghiệp vụ, không như thường lệ. Bởi rằng hầu như ở sân bay đến, cứ thế tôi ra khỏi máy bay là về thẳng nhà.
Không còn thông báo điện tử, tất cả đều phải thông báo bằng giấy in. Họ in những tờ A4 mang tên tôi và 3 bạn khác trong đoàn, dán lên hành lý của chúng tôi. Tôi đứng xếp hàng chờ đợi, đến tận gần 19h mới đến lượt, dù rằng chỉ có 4 chúng tôi. Hệ thống máy tính không hoạt động, thủ tục làm bằng tay. Dao, kéo, dao rọc giấy, băng keo, cân điện tử… đầy đủ như đã chuẩn bị từ lâu.
Và trong khung cảnh tưởng như sẽ vô cùng hỗn loạn ấy, lại là một sự trật tự đáng ngạc nhiên. Gần như không ai phàn nàn. Tất cả mọi người đều xếp hàng trật tự. Không thấy sự vội vàng chen lấn như ngày thường. Mọi người nhường nhịn và thông cảm cho nhau lẫn cho các anh an ninh hải quan.
Khi đến lượt tôi, tôi được mời ngồi. Hàng hoá của tôi bày la liệt trên bàn, trong một khung cảnh tôi chưa từng chứng kiến ở đâu trên thế giới. Trong phòng không một ai nói gì, tất cả đều im lặng thi hành nhiệm vụ. Nhưng sự thông cảm và chia sẻ được duy trì đến tận phút cuối.
Kiểm đếm rất lâu, nhưng tôi cũng không lấy làm tức giận, tôi chỉ hỏi khi nào thì xong hả các em, rồi có vẻ như thấy không phải cho lắm, tôi bèn giải thích thêm: “Chị chỉ nhờ vậy thôi, không giục đâu”.
Không có sự cáu gắt hay giục giã, mọi người ngồi trò chuyện với nhau, chia sẻ tin tức. Tất cả đều biết rằng mình đang là nạn nhân của một cuộc tấn công. Một cuộc tấn công không báo trước. Và không ai bảo ai, tất cả quyết định rằng họ sẽ cùng đoàn kết và hỗ trợ nhau dù chỉ bằng sự im lặng.
Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến và tham gia trực tiếp một khung cảnh mà tưởng như sẽ có hỗn loạn, cuối cùng lại chỉ thấy sự đoàn kết và sẻ chia.
Cuối cùng, cậu an ninh hải quan xoa hai tay vào nhau, nhìn vào đồng hồ điện tử của cân rồi nói: “Dạ, tổng của chị là hai ký mốt”.
Hàng ngày, chúng ta phải nghe rất nhiều lời phàn nàn về ý thức của người Việt. Sân bay, bến tàu sẽ là nơi dễ nhìn thấy những câu chuyện như thế nhất. Nào là chen lấn khi xếp hàng, nào là tranh cãi quanh thái độ phục vụ, từ lời ăn tiếng nói đến cung cách ứng xử, chỗ nào cũng thấy “người Việt xấu xí”. Ngày thường, một chuyến bay delay, một thông báo không chính xác, sẽ nhận không biết bao nhiêu nhiếc móc to tiếng.
Nhưng hôm qua, trước một cuộc kiểm tra bất ngờ, tôi chỉ nhìn thấy hình ảnh của một dân tộc đoàn kết. Một hành vi phá hoại, vốn chủ đích tạo ra sự hỗn loạn, lại đẩy mọi người xích gần lại với nhau. Chính hành vi của những kẻ giấu mặt khiến cho người Việt bộc lộ những đức tính tốt đẹp của mình: sự đoàn kết; sự sẻ chia.
Và tôi tin rằng những điều tôi đã chứng kiến ở Tân Sơn Nhất hôm qua không phải là cá biệt, bởi tôi đã nhìn thấy tinh thần ấy hơn một lần. Tôi biết, chứ không phải tin, rằng tinh thần dân tộc của chúng ta chưa bao giờ phai nhạt.
Những kẻ giấu mặt ngày hôm qua gửi hơn một chục ký mai thuý về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất hòng phá hoại tương lai, tuổi trẻ Việt Nam, nhưng vô tình, lại bật lên ý chí đoàn kết của những con người Việt Nam. Đó là một cuộc vận chuyển thất bại.
Và đám đông tôi nhìn thấy, cho dù rất trật tự và nhẫn nại, lại cho thấy sẽ thật bất hạnh cho bất kỳ kẻ nào lăm le tấn công dân tộc này.
~ Ghi theo lời kể của một nữ tiếp viên hàng không VietNamAirlines giấu tên ~