Lien Nguyen cùng với Vu Chi Nguyen
“ĐỂ RỜI BỎ CHA TÔI,” bài tiểu luận của một người Mỹ từng là môn đồ, người cộng sự, người giúp đỡ lâu năm của thầy Nhất Hạnh.
Tác giả đã viết bài này vào mùa Xuân 2007, chứ không phải mới viết sau khi thầy Nhất Hạnh qua đời, vì thế, có sự khả tín. Vả lại, một khi bài báo đã được đăng trên tạp chí Phật giáo này, thầy Nhất Hạnh đã có thể đi kiện tác giả tội phỉ báng, để lấy lại danh dự, công đạo, tiền bồi thường, một khi tác giả đã viết sai sự thật.
Như thỉnh thoảng đã đề cập trước đây, người tạm phiên dịch bài tiểu luận dưới đây chưa bao giờ tin vào giáo pháp của thầy Nhất Hạnh. Khi phiên dịch bài này, người phiên dịch chỉ TIN VÀO NHỮNG SỰ KIỆN mà tác giả đã kể lại, và tôn trọng quan điểm, ý kiến, nhận định về Phật giáo, về Nhất Hạnh, về chính mình của tác giả.
Mục đích rốt ráo của những tu sĩ, cư sĩ, Phật tử đang cố gắng thực hành theo lời dạy của Phật Thích Ca, là tìm cầu sự giải thoát, giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Giáo pháp của thầy Nhất Hạnh hoàn toàn không có chút hương vị nào của sự hướng đến giải thoát.
Xin mời độc giả đọc bài bên dưới, nếu muốn đọc. Nếu không muốn đọc, xin vui lòng xóa bỏ, unfriend me, hoặc block me out. Nếu viết comments, xin vui lòng đừng viết những lời khiếm nhã. Xin hãy thể hiện mình là một người có giáo dục, (“giáo dục” thì hoàn toàn khác với “bằng cấp” và “kiến thức”).
============
ĐỂ RỜI BỎ CHA TÔI
(Letting Go of My Father)
Inquiring Mind,
Spring 2007 issue, Vol. 23, No. 2
By Arnie Kotler
Lien Nguyen tạm dịch, Jan 29, 2022
Tôi sinh ra ở New Jersey vào năm 1946. Cha mẹ tôi là con của những người di dân Do Thái, là những người đang cố gắng tìm cách đối phó trong một thế giới mới. Cách đối phó của mẹ tôi là cuồng loạn — như là một phương tiện để kiểm soát. Cách của cha tôi nom sung sướng và tự tin, đồng thời là một người thông minh, điềm tĩnh, và thân thiện. Ở tôi, họ đã cố gắng tạo ra một chàng trai Mỹ bình thường mà chính họ đã mong muốn tôi sẽ trở thành như vậy. Bây giờ nhìn trở lại lúc đó, có vẻ như dẫu tôi là ai thì đã không quan trọng đối với họ.
Khi còn là sinh viên năm thứ nhất của đại học University of Michigan, tôi được một người bạn hỏi rằng tôi muốn làm gì trong đời, và tôi đã chết lặng bởi chính câu hỏi này. Câu hỏi này đã không liên quan gì đến việc tôi có thể là một phần của quyết định này. Tôi ngừng đến lớp học và thay vào đó chơi bi-da trong bốn tháng sau đó. Vào cuối học kỳ đó, cha tôi, người chưa bao giờ được hồi phục trở lại sau khi công việc kinh doanh thất bại, đã chết vì một trái tim tan vỡ. Tôi chuyển đến một trường đại học khác ở New Jersey để phụ giúp mẹ tôi.
Năm 1968, tôi chuyển đến Berkeley để học chương trình cao học, và đột nhiên những khả năng nhận thức, hưởng thụ nhục dục, tư duy tự định hướng, lòng tự tôn, và tình yêu đã tự mở ra với tôi. Những người phụ nữ thì xinh đẹp, những lớp học phấn khích, cuộc sống trên đường phố (cuộc sống vô gia cư) mang tính chính trị tiếp thêm sinh lực, và những sự tỉnh thức tinh thần đã khôi phục hoàn toàn. Sự tương phản hẳn đã là quá nhiều, bởi vì một vài ngày sau khi nhận được một giấy miễn quân dịch, tôi nghỉ học để đi tìm một cộng đồng tâm linh, có lẽ để tìm kiếm một gia đình mà tôi đã chưa từng có, có lẽ để giảm cường độ dòng điện của sự cởi mở [quá độ] trong năm của tôi.
Tôi nhận được sự hướng dẫn về thiền từ Mel Weitsman tại Berkeley Zen Center và đi quá giang những chiếc xe về phía Bắc, toàn tâm toàn ý thực hành thiền tại những cộng đồng nhỏ ở Oregon, Washington, và British Columbia. Ở British Columbia, tôi gặp một người đàn ông là người vừa mới trở về từ Zen Mountain Center ở Tassajara Springs, California, và thế là vào ngày 1/12/1969, tôi chuyển đến San Francisco Zen Center để chuẩn bị tập luyện [thiền] tại Tassajara. Tôi thích sự thân thiện giản dị của cộng đồng Zen Center, nỗ lực của họ trong việc trau dồi trí tuệ, vẻ đẹp và trật tự, và tôi đã ở lại đó trong mười lăm năm. Thiền viện trưởng — nghĩa đen là “cha (father)” — Shunryu Suzuki-roshi là một người đàn ông khiêm tốn, tốt bụng, mà sự hiện diện của ông ấy đã truyền cảm hứng cho sự tự tin. Hai năm sau khi tôi đến, Suzuki-roshi qua đời, và Zentatsu Richard Baker-roshi, một người đàn ông tài giỏi và thu hút, đã quay trở lại từ Nhật Bản để nối nghiệp ông.
Suốt nhiệm kỳ của Baker-roshi như một thiền viện trưởng, Zen Center đã phát triển với hơn 500 cư dân và những học viên thường lệ khác, và thêm hàng ngàn người khác đã đến City Center, Tassajara, và trang trại Green Gulch Farm để được nghe giảng dạy và thực tập thiền. Baker-roshi đã giúp mở năm doanh nghiệp kiểu kiếm tiền một cách chân chính (right-livelihood businesses) trong khi vẫn duy trì những mối liên hệ thực hành cá nhân với hàng trăm sinh viên và đưa ra những bài giảng sâu sắc, hấp dẫn, kết hợp với khoa học, văn học, những câu chuyện và những giáo pháp Phật giáo cổ xưa. Có những khoảnh khắc khi tôi nhìn Baker-roshi và nhìn thấy khuôn mặt của cha tôi ở trên khuôn mặt của ông ấy.
Baker-roshi thì thoải mái với quyền lực. Ông ấy đã đi chơi với thống đốc trẻ tuổi Jerry Brown và giới thiệu Brown với nhiều người, nhiều người trong đó sau này trở thành những người đứng đầu nội các và bộ của ông; đã tổ chức một “trường đại học vô hình” gồm những nhà tư tưởng có phẩm chất, những người quyền lực, nổi tiếng, những người có thành tựu lớn; và đã khuyến khích những người giàu có và những người nổi tiếng hãy yểm trợ Phật giáo Hoa Kỳ, và trong một số trường hợp, hãy bắt đầu một sự thực hành thiền định. Tôi vừa bị thu hút bởi loại sức mạnh này, vừa khiếp sợ nó. Khi một ca sĩ nữ thần xinh đẹp và nổi tiếng bước vào văn phòng ở Tassajara, tôi sững sờ không nói nên lời. Tay tôi run lên khi tôi phục vụ súp cho E. F. Schumacher, tác giả nổi tiếng của quyển sách “Small Is Beautiful.” Và tôi đã rơi nước mắt khi dành một ngày cuối tuần ở Tassajara để tiếp đón nhà điêu khắc nổi tiếng Isamu Noguchi.
Tôi nhớ một cách ưu ái rất nhiều lần Baker-roshi trở về từ Nhật Bản, Nga, hay một nơi nào khác trên thế giới như một anh hùng đi chinh phục và “kể chuyện” với cộng đồng, chia sẻ những câu chuyện về những chuyến đi và tầm nhìn của ông ấy đối với Phật giáo ở Mỹ. Ông ấy khiến chúng tôi cảm thấy mình là một phần của một điều gì đó to lớn, của một phong trào đang thay đổi thế giới. Ông ấy nắm quyền kiểm soát, và tôi tin tưởng vào sự vĩ đại của ông ấy. Tôi đã được thăng cấp trong hệ thống phân cấp của Zen Center và, vào đầu những năm 1980, là sư trưởng và sau đó là phụ tá điều hành của Baker-roshi. Tôi yêu ánh hào quang khi được ở bên một người cha thu hút và mạnh mẽ. Nó truyền sức mạnh và khiến tôi cảm thấy toàn diện và hoàn thiện. Khi kem được phục vụ tại Tassajara, một sự kiện thực sự lớn ở tu viện trên núi hẻo lánh đó, tôi đã thúc khuỷu tay luồn lách qua đám đông đi đến hàng đầu ở phía trước vì tôi “đang phục vụ Roshi.”
Khi đang làm việc với Baker-roshi, tôi đã yêu một người phụ tá khác của ông ấy, Therese Fitzgerald, và sáu năm sau, chúng tôi kết hôn. Một ngày nọ, khi đang đi xe giữa Green Gulch và City Center, Therese hỏi một số học viên lâu năm của Zen Center những câu hỏi đầy thách thức về Baker-roshi, và câu trả lời của họ là, “Tôi yểm trợ thầy của tôi một cách dứt khoát.”
Năm 1983, trong khi Baker-roshi đang dẫn đầu một khóa tu quán triệt (intensive) tại Tassajara, tin đồn lan truyền trong cộng đồng Zen Center rằng ông đã có những quan hệ tình cảm bất chính (affairs). Chuyện này đặc biệt thực sự làm mọi người khó chịu, và chuyện này đã bùng phát ra. Những lời phàn nàn bị kìm nén từ lâu về những vấn đề cá nhân, kinh tế, mang tính thời sự, đã nổi lên, và chỉ trong vài ngày, Baker-roshi từ chỗ được coi là hoàn hảo đã được nhìn như là nguyên nhân của mọi mức độ của sự bất hạnh. Thật là đau lòng khi chứng kiến người đàn ông mạnh mẽ này bị đạp đổ bởi cuộc tấn công liên tục này và sự bất lực của chính ông ấy trong việc nhận thức thấu đáo, hoặc có lẽ không sẵn lòng chấp nhận những gì mà môn đồ của ông ấy đã muốn ở ông ấy. Niềm tin bị phá hủy, những đề án tích cực bị rút lại, và những khó khăn căn bản đã không bao giờ được giải quyết. Dưới áp lực của cộng đồng, Baker-roshi đã từ chức vào năm 1984 và bắt đầu một trung tâm Giáo Pháp (Dharma center) ở New Mexico. Sau một nỗ lực ngắn ngủi để giúp Baker-roshi thành lập một trung tâm vệ tinh ở San Francisco, tôi biết mình cũng phải mạo hiểm.
Mùa hè năm đó, Therese và tôi đến thăm Làng Mai, cộng đồng của Thích Nhất Hạnh ở Pháp. Baker-roshi đã giới thiệu tôi với Thích Nhất Hạnh vào hai năm trước ở New York, và tôi khiến Nhất Hạnh nhớ đến những nhà sư trẻ mà ông ấy đã dạy và sau đó đã bỏ lại ở Việt Nam. Khi ông ấy nói, “Nếu anh không thích sự thực hành, thì anh đang thực hành không đúng cách,” tôi đã được đưa trở lại thời kỳ cởi mở của mình ở Berkeley.
Năm 1985, tôi đi cùng thầy Thích Nhất Hạnh trong tour giảng dạy của thầy trên khắp Hoa Kỳ. Ngồi trong một căn phòng nhỏ tại Providence Zen Center với khoảng mười hai người tham gia khóa tu, Thầy (nghĩa là “teacher,” danh xưng mà những học trò của ông ấy gọi ông ấy) đã nắm tay tôi một cách dịu dàng khi ông ấy nói, và tôi đã cảm thấy được nhìn thấy, được thương yêu, và được cảm kích. Đây là người cha yêu thương — và người mẹ — mà tôi hằng ao ước. Khi ông ấy đề nghị chúng tôi cùng nhau thành lập một công ty xuất bản, tôi đã nhiệt tình đồng ý.
Trong mười tám tháng tiếp theo, tôi đã thiết lập cơ sở hạ tầng của Parallax Press (Thông Tấn Parallax), đồng thời viết lại những cuộn băng [băng nói] những bài giảng của Thích Nhất Hạnh thành chữ (transcribing) và hiệu đính chúng thành quyển sách “Being Peace.” Khi 5 ngàn quyển sách đầu tiên được phân phối, chuyện đó giống như có cảm giác được sinh ra. Tôi chất đầy sách ở thùng xe đằng sau của mình và cảm thấy vui mừng và biết ơn khi những người bán sách đã đồng ý phân phối những quyển sách, Black Oak Books đã đặt sách ở trên bàn ở đằng trước, và những người tham dự khóa tu ở Santa Barbara và ở những thành phố khác nơi Thích Nhất Hạnh giảng dạy đã mua những quyển sách trực tiếp từ nhà xuất bản. Parallax Press đã mở cửa và hoạt động. Tôi được trao quyền bởi sự liên kết này và cảm thấy đó là tình yêu.
Thích Nhất Hạnh, những phụ tá cao cấp của ông ấy, và tôi đã làm việc chặt chẽ với nhau trong mười bốn năm. Tôi đã hiệu đính những bài viết lại lời những buổi nói chuyện và những bản dịch những bài viết tiếng Việt của ông ấy, và Parallax đã xuất bản sáu mươi quyển sách và băng ghi âm, hơn một nửa do ông ấy viết. Sách của ông ấy đã bán được hàng chục ngàn quyển và đã được dịch ra gần ba mươi ngôn ngữ.
Vào năm 1990, Therese và tôi đã giúp Thích Nhất Hạnh thành lập một tổ chức phi lợi nhuận, gọi là Cộng Đồng Sống Chánh Niệm (Community of Mindful Living, CML), để tổ chức những buổi giảng và những khóa tu tại Hoa Kỳ ngày càng được nhiều người tham dự của Thích Nhất Hạnh, và vào năm 1993, tôi đã biếu tài sản của Parallax Press cho Cộng Đồng Sống Chánh Niệm. Hàng trăm người lúc đó đang tham gia trong từng khóa tu của ông, và hàng ngàn người đang tham dự những bài giảng của ông. Những cá nhân năng động, sáng tạo này đã hình thành cái mà nhà thơ Deena Metzger gọi là “tăng đoàn nổi liên hiệp giáo phái (the interdenominational floating sangha).” Và mỗi mùa hè, mọi người tụ tập ở Làng Mai cho thứ mà họ cảm thấy giống như một lễ hội Giáo Pháp Quốc Tế.
Khả năng truyền đạt giáo pháp Phật giáo một cách đơn giản và một cách dễ tiếp cận của Thích Nhất Hạnh đã thu hút tôi đến với ông, và theo thời gian ông đã trở thành một trong những người thầy quan trọng và hữu ích nhất ở phương Tây. Khả năng giải thích những chủ đề phức tạp của ông, sự nhấn mạnh của ông về việc cộng đồng cư sĩ cũng quan trọng như cộng đồng tu sĩ, và việc ông ủng hộ Phật giáo dấn thân (engaged Buddhism) đã truyền cảm hứng cho những người thực hành thiền, những nhà hoạt động hòa bình, và những độc giả khác trên toàn thế giới. Khi chúng tôi làm việc cùng nhau để tạo ra những quyển sách và để tạo ra những khóa tu và những bài giảng, Thích Nhất Hạnh đã dành cho tôi sự khích lệ và cảm kích chân thành.
Tuy nhiên, ông ấy đã đưa ra một số quyết định quan trọng về xuất bản mà tôi cảm thấy những quyết định đó không vì lợi ích của Parallax Press, và ông ấy đã thực hiện những quyết định này một cách đơn phương, không hề bàn thảo hoặc thậm chí là vì phép lịch sự. Mỗi lần quyết định như vậy đều khiến tôi tổn thương rất nhiều, nhưng khi tôi cố gắng đem những vấn đề này ra, những nỗ lực của tôi đều không thành công. Công việc tôi đang làm lúc đó rất hài lòng và cảm xúc của tôi đối với Thích Nhất Hạnh tích cực đến nỗi tôi đã không theo đuổi việc giải quyết những mâu thuẫn này, và kiểu mẫu này đã lớn dần theo thời gian.
Năm 1988, tại Grdhrakuta — Đỉnh Núi Linh Thứu — ở Ấn Độ, Thích Nhất Hạnh đã truyền giới cho một người phương Tây và hai phụ nữ Việt Nam làm ni cô; và vào giữa thập niên 1990, hàng tá tăng ni mà ông đã truyền giới trước đó đang sống tại Làng Mai. Vào mùa xuân năm 1995, tám tăng ni Làng Mai đã cùng với Thích Nhất Hạnh dẫn đầu những khóa tu ở Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, và Trung Quốc, Therese và tôi được mời đi du lịch cùng họ. Khi đến Đài Loan, chúng tôi có thể cảm nhận được một sự thay đổi trong không khí. Vào buổi sáng thứ ba của chuyến đi, tôi bước vào phòng ăn tại nhà khách nơi mà tất cả chúng tôi đang ở và bắt gặp cái bàn dài, thấp, nơi mọi người đã ngồi cả rồi để ăn sáng. Thích Nhất Hạnh ngồi ở đầu bàn, và có một chỗ trống ở bên cạnh ông. Therese ra hiệu cho tôi ngồi đó, và mặc dù cảm xúc của tôi nhận ra rằng mọi thứ đã khác và làm như vậy sẽ không ổn, nhưng tôi vẫn ngồi. Chắc chắn rồi, sư cô Chân Không, vị sư cao cấp, nói với tôi, “Arnie, con thích yogurt. Có yogurt ở cuối bàn đó.” Bà chỉ vào chỗ những cư sĩ nam và cư sĩ nữ, những người đã tham gia nhóm chúng tôi, đang ngồi, và nói, “Tại sao con không ngồi ở đó?”
Ở hầu hết những quốc gia Phật giáo ở châu Á, tăng, ni, cư sĩ nam, và cư sĩ nữ — theo thứ tự này — tạo thành hệ thống cấp bậc cho những nghi lễ và cho một số chức năng tổ chức nhất định. Cho đến thời điểm này, sự nhấn mạnh về chủ nghĩa bình đẳng của Thích Nhất Hạnh — lời dạy ghi dấu ấn của ông là bất cứ ai, tại gia hay xuất gia, đều có thể tỉnh thức một cách sâu sắc về thời điểm hiện tại chỉ bằng cách rửa chén bát hoặc làm bất cứ chuyện gì — đã qua mặt hình thức [cấp bậc] truyền thống này. Bây giờ, đột nhiên, khi chúng tôi cùng nhau đi du lịch qua châu Á, những người thực hành tại gia lại bị hạ xuống, cho ngồi ở vị trí đằng sau xe bus (theo nghĩa đen), ở những cửa bên hông của những ngôi chùa. Có cảm giác như thể chúng tôi không những đã tôn trọng những phong tục địa phương, mà Thích Nhất Hạnh và những tăng ni của ông ấy thực sự đã tự coi chính họ là bề trên.
Tôi cảm thấy tức giận và tổn thương khi đã bị đối xử như một công dân hạng hai. Trên hết tất cả, tôi đã hiệu đính và đã xuất bản những quyển sách và đã giúp tổ chức những khóa tu và những bài giảng, tất cả những thứ này đã thu hút được hầu hết tất cả mọi người trong nhóm, và hàng ngàn người khác trên toàn thế giới, theo lời dạy của Thích Nhất Hạnh. Và bản thân tôi đã từng là một nhà sư tại San Francisco Zen Center. Tại buổi họp mặt buổi tối cuối cùng của chúng tôi ở Nam Hàn, khi Thích Nhất Hạnh tán dương những phẩm hạnh của tăng đoàn xuất gia của mình, mà không đề cập đến những cư sĩ tại gia, tôi đã thách thức ông ấy về sự thiếu sót này. Trong những nền văn hóa Đông Á, Quy Tắc Số Một là không được làm mất mặt người khác, và tôi đã thách thức Thích Nhất Hạnh chuyện này trước những người chủ nhà Nam Hàn. Trong bốn năm tiếp theo, căng thẳng giữa chúng tôi được nhận thấy một cách rõ ràng, nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục hợp tác một cách chặt chẽ mà không trực tiếp nhắm vào những vấn đề đã phát sinh trước đó. Sau đó, vào tháng 2 năm 1999, tôi nhận được một cú điện thoại từ sư cô Chân Không, “Một luật sư sẽ tiếp xúc với con để biết thông tin về Parallax Press* và tiền bản quyền của Thầy. Chuyện đó là để cho việc lập kế hoạch chuyển giao tài sản của Thầy trong trường hợp Thầy qua đời (estate planning). Xin hãy vui lòng hợp tác với ông ấy.” Tôi đã đáp ứng từng yêu cầu và đòi hỏi một của luật sư, điều này ngày càng phát sinh cảm giác thù địch.
[* Hãy nhớ là, như tác giả đã đề cập ở một đoạn bên trên, “vào năm 1993, tôi đã biếu tài sản của Parallax Press cho Cộng Đồng Sống Chánh Niệm.”]
Tôi gọi điện cho sư cô Chân Không, đề nghị rằng tôi sẽ bay sang Pháp để nói chuyện với Thích Nhất Hạnh để tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra và để cố gắng mở lại những sự liên lạc. Phản hồi của bà ấy là mời tôi kêu gọi một cuộc họp đặc biệt của Cộng Đồng Sống Chánh Niệm được tổ chức ở Làng Mai. Tôi đồng ý, và vào ngày 28/2/1999, ba người chúng tôi đáp một chuyến bay suốt đêm từ San Francisco đến Paris, và đến Làng Mai vào cuối buổi chiều hôm sau.
Ngày hôm sau, sư cô Chân Không nói với tôi rằng Thích Nhất Hạnh sẽ đề nghị rằng chúng tôi nên bổ sung thêm bốn tăng ni vào hội đồng quản trị của Cộng Đồng Sống Chánh Niệm. Cho đến lúc đó, ba người chúng tôi, những môn đồ cư sĩ phương Tây, đã thành lập được phần lớn cơ chế quản trị của Parallax Press và cộng đồng thực hành ở Mỹ của Thích Nhất Hạnh. Việc cộng thêm bốn tu sĩ xuất gia về cơ bản sẽ cho phép Thích Nhất Hạnh toàn quyền kiểm soát toàn bộ tài sản và ra quyết định. Tôi đề nghị rằng chúng ta hãy làm chậm lại tiến trình này và hãy thảo luận với cộng đồng thực hành ở Mỹ.
Tối hôm đó sau khi tôi lên giường, một nhà sư đến phòng tôi và nói rằng trừ phi tôi ủng hộ đề nghị cho thêm bốn tu sĩ xuất gia vào ban quản trị Cộng Đồng Sống Chánh Niệm của Thích Nhất Hạnh, nếu không, Thích Nhất Hạnh sẽ thành lập một tổ chức mới để thay thế Cộng Đồng Sống Chánh Niệm và sẽ ngừng việc xuất bản sách với Parallax Press. Tôi thở hổn hển, thở không nổi (breathless), và nhà sư cứ khăng khăng đòi tôi phải viết một lá thư cho Thích Nhất Hạnh ngay tại chỗ, khẳng định ý định của tôi là ủng hộ đề nghị của Nhất Hạnh.
Ngày hôm sau, bị run rẩy đến tận tâm can, tôi đã dẫn đầu cuộc bỏ phiếu để thêm những tu sĩ vào hội đồng quản trị Cộng Đồng Sống Chánh Niệm, và phải từ bỏ quyền kiểm soát. Ba ngày sau, Thích Nhất Hạnh bước vào căn phòng nơi hội đồng mới vừa được thành lập đang họp, trên tay cầm một số tài liệu pháp lý, là thứ sẽ giải thể Cộng Đồng Sống Chánh Niệm và hợp nhất tài sản của nó với tài sản của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất vừa được thành lập gần đây của ông. Ông ấy nói rằng tất cả chúng tôi nên ký vào những giấy tờ này ngay lúc đó, rằng đó sẽ là một hành động đẹp. Mặc dù chúng tôi không ký trên giấy tờ vào ngày hôm đó, nhưng vài tuần sau, cảm thấy bất lực, bối rối, và áp lực, tôi và những thành viên khác trong hội đồng quản trị cũ của Cộng Đồng Sống Chánh Niệm đã ký tên, cho đi quyền quản lý tài sản mà chúng tôi đã bỏ công tạo ra.
Tràn ngập bởi một cảm giác thất bại cá nhân và thất vọng sâu xa về những người đàn ông mà tôi đã tin tưởng, tôi đã bị bệnh viêm phế quản, đổ mồ hôi liên tục, và sụt 8 cân Anh (pounds) trong tuần lễ theo sau cuộc họp hội đồng quản trị. Sáu tháng sau, tôi bị sa thải vì không tuân theo một mệnh lệnh của ban lãnh đạo mới của Parallax Press, những người mà tôi đã nhìn ra rằng không có kiến thức (ill-informed) và chuyên quyền, và sự chuyên quyền của họ tôi đã không thể ngăn cản được.
Vào tháng 12 năm 1999, Therese và tôi chuyển đến Hawaii để giúp mở một trung tâm tu học và quan sát tất cả những gì đã xảy ra. Nước biển xoa dịu sự tổn thương, làn gió nhiệt đới ẩm mát, nền văn hóa tuyệt đẹp, và âm nhạc của bản nhạc Aloha đã giúp chúng tôi từ từ kết nối lại với cuộc sống. Tôi cũng bắt đầu liệu pháp Jungian, và thông qua những buổi trị liệu của tôi, cuối cùng tôi đã bắt đầu chạm đến những vấn đề cốt lõi mà tôi đã dành cả đời để tránh.
Tôi đã dành cả cuộc đời để tạo dựng ra chính mình theo hình ảnh của cha tôi — thông minh, điềm tĩnh, tốt bụng, đĩnh đạc, và dễ thích nghi. Nỗ lực của tôi bây giờ [tức là vào thời điểm viết bài này] là nên biết khi nào tôi thể hiện hình ảnh của mình (when I am in my image) và khi nào tôi chân thật và hiện hữu. Tôi trải nghiệm một sự cởi mở và bị tổn thương rất lớn khi tôi kết nối với những cảm xúc thật sự của mình. Nhưng những khoảnh khắc này vẫn rất hiếm. Phần lớn thời gian tôi chọn sự thoải mái quen thuộc khi sống trong hình ảnh của mình là một người vĩ đại, được nuôi dưỡng bởi sự kết giao với những người vĩ đại, và tránh né cảm giác không thể chịu đựng được của sự thất bại. Tôi đang cố gắng giữ cả hai thái cực cùng một lúc — trong hình ảnh được thể hiện và tính dễ bị tổn thương, sự thoải mái và sự chân thực, thành công lớn và sự thất bại. Giữa những chu kỳ của sự tê tái, khi tôi trở về với sự thật về việc tôi là ai, đôi khi đau đớn như vậy, tôi tìm thấy sức mạnh và niềm hy vọng thật sự.
Tái Bút, 2018
Trong vòng thập niên kể từ khi tôi viết bài tiểu luận như trên [bài tiểu luận được viết vào mùa Xuân năm 2007], tôi đã tự hỏi bản thân rất nhiều, và điều chính yếu tôi rút ra là Thích Nhất Hạnh và tôi đã chia sẻ trách nhiệm cho việc làm tốt đẹp mà chúng tôi đã làm cùng nhau và việc cắt đứt sự liên hệ của chúng tôi một cách thiếu khéo léo và đau đớn.
Trong mười bảy năm, tôi đã cảm thấy được khích lệ bởi sự cảm kích của ông ấy, được hướng dẫn bởi sự thông tuệ của ông ấy, được nhìn thấy cho những món quà của tôi, và cảm thấy an toàn trong vai trò của tôi. Nói cách khác, tôi đã cảm thấy mình đã có được một người cha, sau khi không nhận được kiểu hướng dẫn đó, kiểu cảm giác an toàn đó, hoặc kiểu trợ giúp đó từ chính cha ruột của mình.
Trong những năm cuối cùng của chúng tôi còn cùng bên nhau, quan điểm đã thay đổi. Theo cách tôi nhìn thấy bây giờ, tầm nhìn của ông ấy đã thay đổi từ việc xây dựng một cộng đồng chánh niệm quốc tế, trong đó tôi đã cảm thấy là một phần không thể thiếu, cho đến việc làm sống lại Phật giáo Việt Nam trên toàn cầu, là điều đã không phải lời kêu gọi của tôi. Nhưng tôi đã bám vào cách mà mọi thứ đã từng xảy ra, và Thầy và tôi đã chưa bao giờ nói về điều đó. Kết quả là, chúng tôi đã không thể cùng nhau tạo ra một sự tách biệt về tâm trí.
https://www.inquiringmind.com/article/2302_10_kotler_letting-go/
============