ĐẤT NƯỚC VỚI KẺ SĨ

0
465
Lã Minh Luận

I. ĐẤT NƯỚC VỚI KẺ SĨ XƯA

1- Nước hay Đất Nước, Tổ quốc, Quốc gia, Giang sơn… đều là một. Trong Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi, ông đã định nghĩa về Đất Nước rất đầy đủ: Nước có tên (Đại Việt), có cương vực, lãnh thổ, có văn hoá, truyền thống lịch sử, có các triều đại sánh ngang với các triều của đại Hán, có chiến công, có anh hùng hào kiệt… không thua kém đại Hán một mặt nào. Đó là niềm tự hào của dân tộc mà ở thời đại nào ông cha, con cháu cũng gắng sức gìn giữ.

2- Vì sao thực dân Pháp (1858) lại lấy được nước Việt một cách dễ dàng?
Có người nói “vì chúng ta thiếu tinh thần quốc gia, dân tộc.” Sự khẳng định đã vấp phải nhiều phản ứng nhưng tôi lại nghiêng về quan điểm này.

Tôi có thể kiểm chứng nó qua quá trình nghiên cứu lịch sử và văn học dân tộc. Xưa tướng lĩnh đánh giặc là vì nhà vua, là vì lãnh thổ bị kẻ ngoại bang xâm phạm. Bài thơ “Thần” ra đời trong thời Lý (thế kỉ XI) đã thể hiện rất rõ điều đó: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư…” (Sông núi nước Nam là nơi ở của vua nước Nam…), nước Nam là của vua nước Nam cai quản, đất nào sao ấy, chứ không thấy nói Nước là của nhân dân, dân tộc Việt. “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn khi kêu gọi tướng sĩ từ bỏ thói ăn chơi, tập trung vào học tập binh thư để sẵn sàng nghênh chiến với giặc, bảo vệ bờ cõi, ông cũng chỉ nói đến đánh giặc là để bảo vệ quyền lợi, lợi ích của chủ và tớ, những tướng lĩnh dưới quyền “thái ấp của ta – bổng lộc của các ngươi”… chứ không hề nói đến quyền lợi của nhân dân, đất nước.

Đến các thời nhà Lê (Lê Lợi), thời Quang Trung, nhà Nguyễn sau này, trong tất cả các cuộc nội chiến hay ngoại chiến, tư tưởng chiến đấu của tướng lĩnh cũng đều xuất phát từ lợi ích của nhà vua, đất đai lãnh thổ của nhà vua chứ không hề có tiếng “dân tộc” nào cả. Lãnh thổ của mỗi một nhà vua cai quản cũng giống như lãnh thổ của những bầy linh cẩu, hổ, báo, sói… đã chia chác, phân định cho nhau trên một vùng đất rộng lớn mà thôi. Bầy nào cũng có một lãnh thổ riêng và có một con đầu đàn chi phối chung, kẻ nào xâm phạm vào lãnh thổ của nhau thì lập tức sẽ bị đánh tời bời, trừ khi không đủ mạnh thì bị thôn tính. Khái niệm độc lập chủ quyền lãnh thổ trong xã hội lãnh chúa hay trong các triều đại phong kiến đều giống nhau, không có khái niệm “dân nước, quốc gia, dân tộc” và chỉ duy nhất một mối quan hệ: Chủ – tớ. Khái niệm về Tổ quốc, Đất Nước và tình yêu nước là rất trừu tượng, mơ hồ. Các nhà nghiên cứu, biên soạn sách sau này gán cho các triều đại, các tướng lĩnh những khái niệm hết sức mĩ miều như “tư tưởng yêu nước, tinh thần quốc gia, dân tộc” đều là khiên cưỡng, áp đặt.

3- Trong xã hội phong kiến Việt Nam cũng như xã hội phong kiến Trung Quốc (còn gọi là xã hội Khổng Giáo), khái niệm “Nước” chỉ thuộc vùng đất sở hữu của vua. Quần thần, dân đen sống trên đất của vua đều là nô lệ. Mối quan hệ giữa vua – tướng, sĩ, dân là mối quan hệ “quân – thần” (quân = vua; thần = tướng, sĩ, dân). Vua là chủ còn tướng, sĩ, dân là nô lệ. Nô lệ phải trung thành với chủ – “trung quân” (trung với vua). Khổng Giáo đánh sập hai khái niệm “trung quân” và “ái quốc” làm một (trung với vua nghĩa là yêu nước). Đất của vua, vua cắm, cắt đất cho ai người đó được. Vua ban cho ai chết người đó phải chết. Chết còn phải khấu đầu “tạ ơn”.

Vậy, tư tưởng “yêu nước”, “trung quân” này bắt nguồn từ đâu? Nó được bắt nguồn từ tư tưởng Khổng Giáo (Trung Hoa). Thứ văn hoá, tư tưởng độc tôn, độc trị, toàn trị của xã hội phong kiến. Khi nhà nước phong kiến Trung Hoa ra đời, nó đã lấy tư tưởng Khổng Giáo để trị dân. Tất nhiên, văn hoá này cũng đã ăn sâu vào nền văn hoá, tư tưởng của người Việt, do bị đồng hoá nhiều thế kỉ và cùng nằm trong hệ đồng văn của các nước trong cùng khu vực.

Khổng Tử dạy sĩ tử rằng: “Nước nguy thì đừng tới, nước loạn thì đừng ở, nước có đạo thì ra làm quan, nước vô đạo thì về ở ẩn.” Nước chỉ của một chủ (vua), kẻ sĩ phục vụ cho chủ thấy có lợi thì làm, không có lợi thì thôi. Mặc dù được giáo dục là “tôi trung” (bề tôi phải trung với vua) nhưng người ta vẫn bỏ chủ mà đi, hoặc ở ẩn, hoặc thờ chủ khác. Chính Khổng Tử cũng đã từng phải lang thang hết nước này đến nước khác để xin làm quan. Kẻ sĩ không có Tổ quốc, đất nước thì khái niệm dân tộc, nhân dân làm sao có? kẻ sĩ nước này có thể làm quan ở nước khác, thờ chủ khác. Kẻ sĩ còn không có Tổ quốc thì sao dân đen có Tổ quốc?

Triết lí ở ẩn của Khổng Tử nói nhiều trong sách Luận Ngữ gần như thành “đạo sống”, triết lí sống của nho sĩ. Họ bất đồng chính kiến với vua và những người đồng cấp thì họ có thể treo ấn từ quan, chối bỏ nghĩa vụ cá nhân đối với vua mà về. Thái độ sống của họ rất rõ ràng: Học – thi – làm quan. Làm quan là để mưu lợi cho mình (làm việc cho vua, ăn bổng lộc của vua, sống trung thành với nghề sĩ và chủ của mình). Tóm lại, kẻ sĩ xưa chỉ biết đến ông Tổ nghề (các thánh hiền), vua (người tuyển dụng), trong họ không có khái niệm dân – nước, Tổ quốc, dân tộc hay lòng yêu nước.

II. TỔ QUỐC – LÒNG YÊU NƯỚC VỚI KẺ SĨ NGÀY NAY

1- Nói về khái niệm “lòng yêu nước” thì phải mãi đến thế kỉ XX mới xuất hiện lòng yêu nước ở kẻ sĩ như các vị tiền bối: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Dù rằng mỗi người có một cách tìm đường cứu nước khác nhau nhưng điểm chung của họ là yêu nước. Họ đặt quyền lợi của đất nước, dân tộc lên trên hết, không màng danh lợi cho cá nhân hay tổ chức nào. Song vì sao họ thất bại? Đó là cả một vấn đề lớn thuộc về hạn chế của chủ quan và khách quan khiến họ khó có thể thành công theo ý muốn.

2- Tổ quốc, đất nước với Đảng Cộng sản – “kẻ sĩ cao cấp”
Đảng Cộng sản VN ra đời tại TQ và suốt quá trình hoạt động, nó như một chi bộ (chi nhánh) của ĐCS TQ. Tuy nhiên, thuở ban sơ, ĐCS VN hành động là vì đất nước. Song hầu như nó càng ngày càng lệ thuộc quá sâu vào ĐCS TQ. Từ cuộc Cải cách ruộng đất (diệt tận gốc trốc tận rễ: trí, phú, địa, hào) cho đến cuộc Đại Cách mạng Văn hoá Giai cấp Vô sản (5/1966 – 10/ 1976) của Trung Hoa, dân tộc Việt Nam đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề qua các cuộc cải cách này. Còn đối với đất nước Trung Hoa, nó là “Cuộc đại Cách mạng nhảy vọt” gây sang chấn sâu sắc mọi mặt cuộc sống của nhân dân. Nó được nhân dân Trung Hoa gọi là “10 năm hỗn loạn”, “10 năm thảm hoạ”, “Thập niên động loạn, hạo kiếp”.

Đảng Cộng sản Trung Hoa ra đời và chính thức thay thế chế độ quân chủ chuyên chế và ĐCS VN cũng vậy. Cả hai Đảng Cộng sản này đã cai trị đất nước như một cặp bài trùng. Họ cùng lấy tư tưởng Chủ nghĩa Mác- Lê làm nền tảng + tư tưởng Khổng Giáo để cai trị đất nước. Chắt lọc trong các mớ chủ thuyết đó những cái gì có lợi nhất cho ĐCS thì lấy ra để làm. Các cơ sở lí luận được xem như tấm áo choàng khoác lên tấm thân trần trụi, đầy những hạn chế của xhpk. Tư tưởng Đạo Khổng thì lấy tư tưởng trung quân làm chính; tư tưởng Mác Lê thì lấy giai cấp công nông làm nền tảng xã hội và Đảng là người nắm vai trò lãnh đạo; lấy nền kinh tế quốc doanh và hợp tác xã làm nền tảng phát triển đất nước; “đánh đổ trí, phú, địa, hào” để “xoá bỏ chế độ người bóc lột người”, đem lại cơm no, áo lành cho tất cả mọi nhà. Chủ trương xây dựng nền kinh tế tập trung. Làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu… Vẽ ra trước mắt một thế giới đại đồng, một thiên đường của CNXH, một chiếc bánh vẽ mà nhân dân ai ai cũng thèm muốn, phấn khởi và tin tưởng. Song thực chất nó là thế nào, thiên đường đó có thực không? Nó có phải vì giai cấp nghèo khổ, vì Tổ quốc, dân tộc không hay vì chính nó?

Lật lại quá trình lãnh đạo của Đảng Cộng sản hơn 70 năm qua, người ta lục vấn Đảng nhiều vấn đề: Đảng đã chọn chủ nghĩa Mác Lê làm kim chỉ nam dẫn dắt dân tộc đúng hay sai? Nếu thấy sai mà sao không từ bỏ, vẫn cố thủ, ngay cả khi nó trở nên thối nát nhất, thì đó có phải là Đảng vì lợi ích quốc gia, dân tộc hay chỉ vì quyền lợi của một tập đoàn? Đảng dẫn dắt dân tộc vào cuộc nội chiến Bắc – Nam (1954-1975) khiến Mỹ hoá chiến tranh kéo dài hơn 20 năm, gây bao đau thương tang tóc, chia cắt đất nước, đói nghèo cho dân tộc, đúng hay sai? Cuộc chiến này là vì sự thống nhất quốc gia hay vì quốc tế Cộng sản?

Nếu nói cuộc Cách mạng ruộng đất (1954) là sai lầm thì sao sau 1975, đất nước thu về một mối, Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục triệt tiêu địa điền, tiểu thương, tiểu chủ, doanh nghiệp tư nhân, bế quan toả cảng nền kinh tế địa phương, đốt sách, phá huỷ toàn bộ nền văn hoá của VNCH, tiếp tục duy trì nền kinh tế tập trung, đó đúng hay sai? Trải qua hơn 40 năm, nền kinh tế XHCN ấy đã gây ra bao thảm hoạ, đại án kinh tế, đặc biệt là thảm hoạ tham nhũng, đẩy đất nước vào tình trạng kiệt quệ như hôm nay. Vậy, Đảng có phải là người lãnh đạo tài tình, sáng suốt, chí công, vô tư, vì một quốc gia cường thịnh không?

Đảng Cộng sản nắm vai trò lãnh đạo, thâu tóm mọi quyền lực, chi phối mọi hoạt động của các Bộ, Ngành trong đời sống xã hội. Quyền sinh quyền sát, dùng bạo lực trấn áp không cho bất kì một đảng phái nào trong xã hội ngóc đầu lên cạnh tranh để chiếm địa vị độc tôn. Vậy đảng hay là vua kiểu mới? Vua ngày trước cũng phải đứng ngoài Bộ Hình còn bây giờ Đảng đứng ngoài Pháp luật, đồng hoá khái niệm Đảng với Nhà nước là một, trị dân bằng luật rừng. Nói Đảng cử dân bầu, dân biết, dân làm, dân kiểm tra nhưng thực chất dân có quyền đó không hay Đảng thích làm bất cứ thứ gì Đảng muốn, tuỳ tiện mà không cần trưng cầu dân ý? Đảng coi dân là nô lệ còn mình là “thiên tử hành đạo”, là “thánh”. Ở ngôi vị lãnh đạo cao nhất nhưng Đảng Không có một chủ thuyết riêng mà hoàn toàn vay mượn những thứ ngoại lai rồi tôn lên thành “đạo” bắt người ta phải tuân theo và tôn sùng, trong khi đó thế giới văn minh đã từ bỏ từ lâu để tiến theo một con đường mới. Thì đó có phải là một đảng độc đoán, bảo thủ, trì trệ; quan hệ giữa Đảng và dân là quan hệ chủ – tớ không?

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, Đảng hùa theo cuộc Cách mạng 4.0, mở toang cửa đón đầu tư nước ngoài, rước toàn bộ hệ thống máy móc, công nghệ công nghiệp lạc hậu của người ta vào nhà, biến đất nước thành bãi rác khổng lồ, hủy hoại môi sinh, sự sống con người, biến Việt Nam có tỷ lệ chết về ung thư cao nhất thế giới; biến VN từ rừng vàng biển bạc nay xác xơ như con chó ốm. Vậy, Đảng có phải là sáng suốt, tài tình, quang vinh… như vẫn ca hát mỗi ngày không? Đảng có vì sự phồn thịnh và hạnh phúc của quốc gia, dân tộc không hay chỉ cần làm giàu cho những nhóm lợi ích cơ hội trong tập đoàn của mình mà quên đi những giá trị thiêng liêng nhất?

Đất liền cũng như biển đảo bị xâm lăng trắng trợn, quyền còn người bị xâm phạm trắng trợn, Đảng dâng mọi thuận lợi, trải thảm đỏ cho bạn vàng vào mở các đặc khu, phố xá, ra Luật mạng bịt miệng dân, bắt bớ, đàn áp phong trào yêu nước, chặn đường phát triển kinh tế trong nước… Kí kết các văn bản hợp tác toàn diện, tạo điều kiện cho Đảng anh em hoàn thành “con đường tơ lụa” vươn xa, bao chiếm toàn bộ Đông Nam Á, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, âm mưu thâu tóm vị thế cao nhất trên trường quốc tế… Vậy, Đảng đang dâng quốc gia, dân tộc của mình cho ai? Đảng có yêu nước không? Nếu giả thiết bây giờ nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn sụp đổ thì Đảng bỏ nước mà tháo chạy chứ?

3- Tướng sĩ thời nay với Đảng và quốc gia, dân tộc thế nào? Đảng dạy tướng sĩ (công an, an ninh, quân đội): Trung với đảng (trung với nước); hiếu với dân… Thế nên, tướng sĩ tuyệt đối trung với Đảng rồi nhưng có “trung với nước” không? Nếu trung với Nước thì sao để giặc ngoại xâm gặm nhấm dần đất nước như vậy mà không thấy quân đội có phản ứng gì? “Hiếu với dân” nghĩa là coi dân như cha mẹ để phụng sự, trong thực tế có không? Dân oan ức, dân bị cướp đất, dân yêu nước xuống đường thì các lực lượng an ninh bảo vệ dân hay hà hiếp dân? Vậy, các tướng sĩ của Đảng có khái niệm “Tổ quốc, nhân dân, dân tộc” không hay chỉ một mực tuyệt đối trung thành với Đảng, bảo vệ Đảng? Nguyện suốt đời làm công cụ bạo lực của Đảng, trấn áp nhân dân khi họ dám đối đầu với Đảng?

4- Cuối cùng là kẻ sĩ, kẻ sĩ trong thời hiện đại thế nào và quan hệ của họ với Đảng, với Tổ quốc, với dân tộc?
Kẻ sĩ trong thời đại mới cũng có nhiều loại. Loại có thực tài, có nhân cách lớn và tinh thần phụng sự nhân dân, dân tộc thật sự (số này hiếm). Họ thường rất cô đơn trên con đường đấu tranh. Họ có thể bị thủ tiêu theo nhiều cách, hoặc bị tù đày, hoặc bị đẩy ra khỏi Tổ quốc của mình. Số thì loay hoay, bế tắc trong bước tìm đường, số thì vẫn kiên cường không chịu lùi bước… Song nhìn chung tinh thần yêu nước của những con người này là bất tử. Với họ, chỉ có gia đình, quê hương, Tổ quốc, dân tộc mà không có Đảng.

Còn lại đại đa số là “kẻ sĩ bình dân”. Tôi gọi “kẻ sĩ bình dân” vì họ chiếm số đông, họ sống tầm thường và vẫn được đúc theo khuôn mẫu của xã hội phong kiến: học – thi – làm quan, làm công ăn lương. Sự học của họ được đặt trong cuộc “chạy Mara-tong”, chạy điểm, chạy bằng, chạy việc, chạy cho bằng vào được Nhà nước, phụng sự Đảng và ăn lương dân. Họ ăn lương dân nhưng mở miệng là cảm ơn Đảng, Chính phủ, còn dân thì dưới tầm con mắt. Trong mắt họ, bát cơm manh áo, chỗ ngồi, chỗ đứng còn to hơn cả lòng tự trọng, Tổ quốc, dân tộc. Khái niệm Tổ quốc, dân tộc, yêu nước với họ là rất mơ hồ, xa lạ. Sống bon chen, đạp lên nhau mà sống, không từ một thủ đoạn nào nhưng lại chối bỏ việc quan tâm tới chính trị chỉ vì muốn yên thân. Họ ở ẩn ngay trong chính tư duy và lối sống của họ. Có thể nói họ là loại vô cảm, vô trách nhiệm và cơ hội. Đáng khinh!

Còn một loại kẻ sĩ trẻ nữa, số này sống theo mốt thời thượng: học – thi bằng thực lực, tự tìm việc, chạy show nhiều chủ. Không gia đình, không quê hương, không đảng phái, không chính trị, không đất nước, dân tộc. Chỉ biết tiền, công việc và chơi cho đã. Hoặc gia đình có điều kiện thì du học, tìm cách ở lại nước người, chối bỏ Tổ quốc, dân tộc.
Một loại kẻ sĩ già cỗi, sống như ẩn cư, an phận, quay lưng với thời thế. Tư tưởng lờ lờ nước hến, ăn chơi chờ chết. Thây kệ xã hội, sống chết mặc bay! Lộc dân đã hái ăn đủ cả đời con cháu.

III. KẾT LUẬN
Theo quan niệm chính thống, kẻ sĩ là hiền tài, là giường cột xây dựng, bảo về Tổ quốc, phát triển đất nước, dân tộc. Kẻ sĩ của một đất nước khoác áo “trí thức” mà thiếu tri thức, thiếu ý chí, thiếu lòng tự trọng bản thân thì sao có lòng tự trọng về quốc gia, dân tộc? Vận nước suy, xét cho cùng nó nằm trong những cái đầu của tứ trụ triều đình và những kẻ sĩ đứng đầu các Bộ Ngành trong BCT cùng hệ tư tưởng điều hành đất nước của nó. Những “kẻ sĩ cao cấp” này leo lên đến nấc thang cuối cùng là để cống hiến cho đất nước hay để vinh thân phì gia, vì cái chủ nghĩa cá nhân của họ? Vì sao đất nước kiệt quệ? Vì sao đất nước lâm nguy? Có phải vì những kẻ sĩ này không có tinh thần quốc gia, dân tộc? Vậy chỉ còn lại nhân dân, đã đến lúc nhân dân phải đứng lên giành lấy quyền tự quyết về quốc gia, dân tộc của mình. Bởi “Đất Nước này là Đất Nước của Nhân dân”.
(Chủ nhật buồn, miên man nghĩ chuyện bao đồng – LML)

Lã Minh Luận
328680cookie-checkĐẤT NƯỚC VỚI KẺ SĨ