Friday, November 22, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGDân chủ hóa chế độ là phương pháp duy nhứt khẳng định...

Dân chủ hóa chế độ là phương pháp duy nhứt khẳng định chủ quyền biển đảo.

Nhân Tuấn Trương
·
Vụ hải cảnh TQ đánh ngư dân VN “lên bờ xuống ruộng”, kẻ gảy tay, người nằm băng ca, tại khu vực biển Hoàng Sa hồi cuối tháng 9, là câu trả lời rõ rệt cho những ai có ý nghĩ (a ma tơ) rằng nghệ thuật “ngoại giao mềm dẻo” của VN có hiệu quả hơn Phi. Bài viết có tựa đề “Vì sao Trung Quốc hung hăng với Philippines nhưng không gây hấn với Việt Nam?” trên BBC News Tiếng Việt hôm 15 tháng 9 là thí dụ cho lối suy nghĩ thơ ngây này.
Ngoại giao cây tre của VN theo tôi thấy là không đem lại cho VN bất kỳ một kết quả tốt đẹp nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, hải phận ở Biển Đông với TQ hết cả. Những chuyện VN xây đắp đảo hay là nộp hồ sơ “Thềm lục địa mở rộng” lên UBRGTLĐ thuộc LHQ không nói lên được điều gì. Chuyện xây đắp đảo có giúp VN giữ được đảo hay không, chuyện này không chắc. Còn chuyện nộp hồ sơ TLĐMR theo tôi là không có gia trị gì hết cả. Bởi vì nội dung này đã NỘP RỒI, năm 2019, chung với Mã lai.
Còn vụ xây dựng “Bộ qui tắc ứng xử-COC” có hiệu lực ràng buộc, giữa các quốc gia ASEAN và TQ, xem ra ngày một xa vời. Những gì “hợp lý” để làm nền tảng cho COC, như Phán quyết của Tòa trọng tài vào 14 tháng 7 năm 2016, điều mà VN, Mã lai và Phi mong muốn nhứt, thì bị TQ gạt bỏ. Nghĩ cũng phải! Ngay cả VN đến bây giờ còn không nhìn nhận hiệu lực Phán quyết này thì lấy tư cách gì để áp đặt TQ ?
Ngay cả việc đưa HS vào COC, ngoại giao VN cũng thất bại toàn tập.
Còn thêm vụ “xúi dân bám biển”, thiệt tình cười ra nước mắt cho sự khoe khoang một cách ngu xuẩn của tuyên giáo VN. Những “con bò đỏ” này lật lưng VN ra cho TQ xem thẹo.
Vấn đề là VN xưa nay đã sử dụng nguyên tắc “dân quân”. Thời bình dân bỏ súng cầm cày, quân thành dân. Có biến, dân bỏ cày cầm súng, dân thành lính. TQ cũng bắt chước VN sử dụng dân quân để chiếm đảo của VN (tại HS) và Phi (tại Scarborough). TQ sử dụng chiến thuật vùng xám thì VN cũng sử dụng “chiến thuật vùng xám”. Thiếu gì lý do để bào chữa mà không sử dụng.
Bây giờ ngư dân bị lực lượng chấp pháp TQ đánh cho lên bờ xuống ruộng. TQ nói là ngư dân VN vào vùng biển của họ trái phép. TQ cũng nói là nhà nước VN xúi dân “bám biển”, y như lập luận của tuyên giáo “bò đỏ”. TQ nói rằng vào nhà họ thì họ đánh thôi. Ngư dân VN qua biển của Mã lai hay Indo cũng bị “đánh” như vậy.
Thì mấu chốt vấn đề Hoàng Sa là ở đâu ?
Mấu chốt giải quyến vấn đề Hoàng Sa là xác lập chủ quyền tại quần đảo này. TQ hay VN, nước nào có chủ quyền ở các đảo này ?
Đăng lại bài viết của tôi viết 5 năm trước. Bài này chỉ nhắc lại một trong những ý kiến của tôi về chủ quyền biển đảo, đã đăng rải rác từ hai thập niên nay.
Dân chủ hóa chế độ là phương pháp duy nhứt khẳng định chủ quyền biển đảo.
Nếu ta tìm hiểu nguồn gốc tranh chấp giữa VN và TQ về chủ quyền HS và TS, ta thấy rằng chìa khóa để VN có thể giữ vũng danh nghĩa chủ quyền ở hai quần đảo này là “dân chủ hóa chế độ”.
Thật vậy, TQ bắt đầu lên tiếng tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa với VN từ năm 1909. Ta có thể khẳng định, hầu hết sách vở, tài liệu… do TQ, hay do người nước ngoài xuất bản, trước năm 1909 không có tài liệu nào khẳng định TQ có chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa. Các tài liệu cổ đều nghi nhận điểm cực nam của lãnh thổ TQ là đảo Hải Nam. TQ bắt đầu biết đến sự hiện hữu của HS, đồng thời lên tiếng yêu sách chủ quyền quần đảo này (vì lý do chiến lược), chỉ khi thấy người Nhật dòm ngó và khai thác phân chim ở các đảo này. Những văn kiện ngoại giao của TQ (có giá trị pháp lý), đến thập niên 30 thế kỷ trước còn khẳng định vùng cực nam của TQ là “Tây sa quần đảo” (tức HS).
TQ sau đó lên tiếng yêu sách chủ quyền quần đảo Trường Sa, họ gọi là Nam sa, vào các năm cuối thập niên 30, sau khi Pháp ra tuyên bố sáp nhập TS vào lãnh thổ VN, với danh nghĩa sáp nhập một lãnh thổ vô chủ.
Sau Thế chiến II, TQ của Tưởng Giới Thạch đứng về phe chiến thắng, trở thành một trong năm “ngũ đại cường” có quyền quyết định số phận các quốc gia thua trận đồng thời với các vùng lãnh thổ mà các quốc gia “Trục” Đức, Ý, Nhật đã chiếm trong thời kỳ chiến tranh.
TQ của Tưởng giới Thạch nhiều lần cam kết với “tam đại cường” Mỹ, Anh, Liên xô (như qua Tuyên bố Cairo 1943) là “không bành trướng lãnh thổ”. Các yêu sách của họ Tưởng với đại diện phe Đồng minh để ông này “tuyên bố chiến tranh” với Nhật, là trả lại cho TQ các vùng đất mà Nhật đã chiếm như Mãn Châu, Đài loan, Bành hồ. Không thấy đại diện TQ yêu sách, hay nhắc nhở tới số phận HS và TS. Họ Tưởng có nhiều cơ hội để khẳng định chủ quyền HS và TS thuộc về TQ, như lúc ký hiệp ước trao đổi (quyền lợi kinh tế lấy quyền lợi chính trị) với Pháp năm 1946.
Lần đầu tiên và duy nhứt, bên lề hội nghị San Francisco 1951, thủ tướng Chu Ân Lai của TQ (phe cộng sản) tuyên bố không nhìn nhận hiệu ực hòa ước San Francisco đồng thời nhắc lại yêu sách HS và TS thuộc TQ. Tuyên bố của TQ được LX và các quốc gia thuộc khối XHCN ủng hộ.
Vấn đề là đến năm 1958 nhà nước VNDCCH ra văn bản “nhìn nhận và cam kết tôn trọng” các tuyên bố của TQ về lãnh hải. Văn bản do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký tên. Vấn đề là VNDCCH “im lặng” không nói đến các yêu sách của TQ về lãnh thổ Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo tập quán quốc tế và chiếu theo luật quốc tế hiện hành về hiệu lực pháp lý các “tuyên bố đơn phương”, tuyên bố về hải phận và chủ quyền lãnh thổ của TQ có giá trị pháp lý ràng buộc cho các quốc gia không lên tiếng phản đối (hay giữ im lặng). VNDCCH đã không lên tiếng phản đối mà còn ra văn bản “nhìn nhận và cam kết thi hành”.
Điều “may” cho VN là lúc PVĐ ký văn bản, hiện hữu thực thể đối kháng chính trị với VNDCCH là VNCH ở phía nam vĩ tuyến 17. VNCH là phía thực sự có quyền quản lý HS và TS.
Ta thấy năm 2014 lúc giàn khoan HD981 quấy nhiễu trong vùng thềm lục địa VN, cách đảo Lý sơn khoảng 20 hải lý. VN đã có những động thái (như là muốn) vận động LHQ ra nghị quyết tố cáo hành vi ngang ngược bành trướng của TQ.
Vấn đề là phía TQ đã tung ra những tài liệu phản biện, gồm tuyên bố “nhìn nhận và cam kết thi hành” 1958 của PVD, còn có những tài liệu như sách giảo khoa, bản đồ, tài liệu báo chí v.v… cho thấy VNDCCH liên tục “nhìn nhận” chủ quyền của TQ ở HS và TS.
Mặc dầu tài liệu chưa bạch hóa, nhưng ta có thể đoán là VN đã vận động LHQ thất bại. Những hành vi của TQ (mà VN gọi là bành trướng, vi phạm luật biển) đều phù hợp với thực tiễn pháp lý quốc tế.
Địa điểm đặt giàn khoan HD981 ở khoảng giữa đảo Tri tôn và đảo Lý Sơn. VN không có lý do phản biện, nếu đảo Tri tôn có “hiệu lực đảo” theo qui định điều 121 Luật Biển 1982.
VN phản đối yêu sách chủ quyền của TQ ở HS và TS, mọi lập luận đều dựa trên quan điểm của VNCH.
Điều này sẽ thuyết phục dư luận quốc tế, nếu nhà nước VN hôm nay đã “kế thừa” di sản của VNCH.
Điều may khác cho VN hôm nay là Phi đã kiện, và thắng kiện TQ. Luật biển khu vực TS được phán quyết 11-7-2016 giải thích cụ thể rõ ràng và “cách áp dụng Luật biển” đồng thời cũng được minh bạch.
Học giả VN nghĩ rằng từ nay VN có “cơ sở pháp lý” để phản biện mọi hành vi của TQ ở vùng Tư chính.
Điều này chưa chắc chắn 100%. TQ có đến 3 lý do để không tuân thủ phán quyết. Trong khi VN vẫn chưa làm thủ tục để phán quyết có hiệu lực trên vùng biển của mình.
Còn vùng biển thuộc HS thì sao ?
TQ có thể quấy nhiễu vùng biển này mà VN không có lý do nào để phản biện.
Từ (rất) lâu tôi có viết rằng nguồn gốc mọi tranh chấp ở biển Đông đến từ tranh chấp “chủ quyền”. Khi vấn đề “chủ quyền” chưa giải quyết rốt ráo, các tranh chấp vẫn còn cội nguồn để phát triển và bùng nổ nếu có dịp.
Vì vậy tôi đã (nhiều lần) trình bày các phương pháp khẳng định chủ quyền HS và TS qua việc “kế thừa” di sản VNCH thông qua thủ tục “hòa giải quốc gia”.
Mà việc “hòa giải quốc gia” chỉ là cách nói khác của việc nhìn nhận “đa nguyên chính trị” và “dân chủ hóa chế độ”.
Cái khó hiện nay của VN, hiển nhiên đảng CSVN không hề có ý định “dân chủ hóa chế độ”. Cái bánh quyền lực quá ngon để họ “chia sẻ” với bất kỳ ai. Nhưng lực lượng “dân chủ” của VN vẫn không có gì, ngoại trừ một vài cá nhân lẻ tẻ.
Nhưng những khó khăn này vẫn không đáng kể nếu so sánh với nguy cơ mất đất mất biển.
Nếu không có gì thay đổi, chắc chắn VN sẽ phải nhượng bộ, như “gác tranh chấp cùng khai thác” với TQ. Cuối cùng rồi cũng sẽ đưa tới việc lãnh đạo VN ký kết các văn kiện pháp lý nhìn nhận chủ quyền của TQ ở các đảo HS và TS.
Điều cần nhấn mạnh là các văn kiện này có giá trị ràng buộc cho tất cả các thế hệ VN trong tương lai. Cái ảo tưởng (mà nhiều người nhắc đi nhắc lại) lật đổ được cộng sản thì giải quyết được tất cả.
Luật quốc tế (Công ước Vienne 1969-1981 về nội dung kế thừa các kết ước) không nhìn nhận việc đặt lại các kết ước có liên quan đến lãnh thổ (hay làm thay đổi đường biên giới).
Vì vậy việc tranh đấu bảo vệ lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền biển đảo là việc phải làm ngay bây giờ. phải tranh đấu bây giờ.
Đừng bao giờ lẫn lộn “lòng thù hận” TQ hay CSVN với “lòng yêu nước”. Thù hận là đập phá. Yêu nước là xây dựng.

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

  1. Simply wish to say your article is as amazing The clearness in your post is just nice and i could assume youre an expert on this subject Well with your permission let me to grab your feed to keep updated with forthcoming post Thanks a million and please carry on the gratifying work

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular