Xoay quanh vụ việc Hồ Hữu Hoà, người không Công giáo có dịp thấy nhiều hơn về quy trình tuyển chọn tu sĩ và giáo sĩ, cũng như có dịp thấy thêm nhiều sắc thái tâm tư tình cảm của người có đạo. Vì sao có những người có thể vâng lời một cách đơn sơ thuần khiết như trang giấy trắng mà không cần biện phân sai đúng như vậy? Xin khoan phán xét sai đúng, nhưng cần hiểu vì sao trước đã.
Nhiều năm trước, tôi biết một cha già đã về hưu. Ngài ấy đi tu từ nhỏ tuổi, lớn lên và chịu chức linh mục trong cảnh lửa đạn thời những ngày đầu của nền Đệ Nhứt Cộng Hoà. Thuở ấy miền Tây của Nam kỳ giống như đất vô chánh phủ, sớm đầu tối đánh, các phe phái tự vũ trang tranh giành ảnh hưởng ám sát thủ tiêu nhau quanh năm suốt tháng. Cha trẻ khi ấy dẫn dắt con chiên bổn đạo, vững lòng tin cùng nhau đi qua chiến cuộc.
Rồi hoà bình lập lại, ngài không nề hà sự sách nhiễu của nhà cầm quyền mới, vững vàng giữ đất đai điền sản cho nhà chung. Khi này cha trẻ đã thành cha trung niên. Lại thêm mươi năm khó khăn nữa, thời tập đoàn bao cấp, chánh sách hà khắc và khủng bố chẳng khiến ngài sợ hãi. Cộng sản cấm xây nhà thờ mới, ngài tập trung đủ vật liệu rồi làm đơn xin ‘sửa nhà thờ toàn phần’, cứ thế mà dỡ nhà thờ cũ rồi xây lại mới trong sự tức tối của cán bộ vc.
Rồi ngài thành cha già, giáo dân cũng có cuộc sống tương đối dễ thở rồi, ngài về hưu. Một đời thăng trầm, gặp rất nhiều biến cố, đương đầu với đủ mọi mưu ma chước quỷ nhưng không sợ hãi. Ấy vậy mà, khi gặp đức giám mục trẻ hơn ngài mấy chục tuổi, ngài run! Cái run sợ kính cẩn của phận con cái gặp bề trên cao vọng!
Có một khái niệm của người Nhật, đọc âm Hán Việt là “sơ tâm” – diễn tả cái tình cảm buổi đầu của con người, cái động cơ tốt đẹp để khởi đầu làm chuyện gì. Người có cái tâm ban sơ yêu thương phục vụ, giữ được sơ tâm nghĩa là không vì danh lợi hay bách hại mà phai lạt đi tâm tình đó. Tương tự, sơ tâm yêu kính bề trên được dưỡng thành từ khi còn nhỏ, tới lớn lên cả đời đều gặp bề trên tốt lành thánh thiện, sơ tâm yêu kính ấy vững như bàn thạch. Nên dù thân thể già nua bao tuổi, thì tâm tình yêu kính ấy vẫn đơn sơ như em thơ nép mình lòng mẹ.
Sơ tâm yêu kính này không chỉ riêng ở người Công giáo. Tôi từng gặp những Phật tử Kim Cang Thừa người Tây Tạng hoặc Phật tử theo truyền thống Threvada người Miến Điện, tất cả họ đều mang lòng kính trọng không thể diễn tả bằng lời dành cho bậc sa môn.
Lòng kính trọng thuần tuý của người theo đạo, không vì lớp áo cao sang sặc sỡ hay quyền bính cao trọng, mà dù là chiếc áo dòng rách nát hay mảnh casaya vá chằng vá đụp của nhà tu đều khiến người ta vừa kính vừa thương.
Nhìn lại, tâm tình này còn tồn tại trong tôn giáo nào thì những thế lực bên ngoài không thể đàn áp được tôn giáo đó. Thực tế đã chứng minh trên người Tây Tạng, người Miến Điện và cả người Công giáo Việt Nam. Càng dùng vũ lực đàn áp mạnh chừng nào, người theo đạo càng bật lại mạnh chừng ấy.
Đây chính là vốn quý giá, là nguồn lực mạnh mẽ giữ gìn đức tin, giữ gìn đạo lý. Và nhà cầm quyền ở các nước độc tài này cuối cùng cũng hiểu rõ, chà đạp sơ tâm của người theo đạo chính là giơ gót đạp mũi nhọn, nên họ đã nỗ lực thay đổi chánh sách tôn giáo, để lợi dụng cái áo tu mà điều khiển lòng yêu mến kính trọng đó theo ý muốn của mình.
Điểm bất cập của lòng sùng kính vô điều kiện, chính là khiến người ta không đủ tỉnh táo để biện phân sai đúng trước những vấn đề đụng chạm tới vạt áo nhà tu. Lòng sùng kính vô điều kiện cũng là môi trường dung dưỡng cho lối sống giáo sĩ trị hoặc những kẻ tu hành hư mất.
Liệu những con chiên với sơ tâm trong sáng, có dám cầu xin ơn Chúa Thánh Thần để can đảm tư duy độc lập khi sói đã vào đến cửa? Hãy nhớ về lời thánh thư: “Lạ gì đâu! Vì chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!” (2Cr 11,14)
Liệu bạn có dám dấn thân cho chân lý, dám dùng lương tâm của mình mà phân biệt đúng sai, có thái độ dứt khoát trước chuyện sai trái, không dở dở ương ương bịt mắt bịt tai?
Sách Khải Huyền (3, 15-16)
“Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi!
3:16 Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta”.