Thursday, December 12, 2024
HomeBLOGĐài tiếng Việt nào khuynh đảo trên Facebook

Đài tiếng Việt nào khuynh đảo trên Facebook

VOA

Nửa đầu năm 2019 đã qua đi và đây là lúc thích hợp để nhìn lại xem đài tiếng Việt nào truyền tin tức về Việt Nam có lượng tương tác nhiều nhất trên Facebook, mạng xã hội số một ở Việt Nam hiện nay.

Do không muốn có một biểu đồ quá rối mắt, bài viết chỉ tập trung vào hai đài phát từ Hoa Kỳ, một đài phát từ Anh và một đài từ Trung Quốc. Tất cả bốn đài – BBC Tiếng Việt, Đài Á Châu Tự Do, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc và VOA Tiếng Việt – đều trực tiếp hoặc gián tiếp được chính phủ chi tiền hoặc cho phép thu lệ phí truyền thông từ người dân như trường hợp của BBC.

RFI Tiếng Việt khá hơn Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc nhưng tôi nghĩ độc giả sẽ quan tâm nhiều hơn tới đài tiếng Việt phát từ Bắc Kinh. Hơn nữa, dù có khá, RFI Tiếng Việt cũng không phải là đối thủ của các đài phát từ Anh và Hoa Kỳ khi tổng lượng tương tác của họ chỉ đạt chưa tới nửa triệu trong nửa đầu năm nay.

VOA Tiếng Việt có lượng tương tác lớn nhất, chiếm gần 6,5 triệu lượt bao gồm gần 800.000 lượt chia sẻ cùng hơn 380.000 bình luận trong sáu tháng đầu năm nay, theo thống kê của Crowdtangle, công cụ theo dõi tương tác mạng xã hội do Facebook sở hữu.

Đứng ở vị trí thứ hai là BBC Tiếng Việt với gần 3,8 triệu lượt tương tác trong đó có gần 350.000 lượt chia sẻ và gần 295.000 bình luận.

Dù đứng thứ ba về tổng lượng tương tác trên Facebook, gần 2,9 triệu, nhưng Đài Á Châu Tự Do lại đứng đầu về số lượt chia sẻ – trên 800.000. Số lượng bình luận hơn 340.000 cũng nhiều hơn so với BBC Tiếng Việt.

Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc có màn trình diễn có thể nói là thảm hại trên Facebook dù họ cũng bỏ tiền để quảng cáo một số nội dung nhất định trong sáu tháng đầu năm. Tổng lượng tương tác đạt chưa tới 135.000 trong đó số lượt chia sẻ chỉ vỏn vẹn hơn 3.000 và số bình luận chưa tới 6.000.

VOA Tiếng Việt bỏ xa các đài còn lại trong các tháng Hai, Ba và Tư nhưng gần đây đã có lúc bị đuổi kịp, thậm chí vượt qua bởi BBC Tiếng Việt và Đài Á Châu Tự Do.

Bài được nhiều tương tác nhất của VOA Tiếng Việt là video bé gái khiếm thị cất tiếng hát trong khi đang được bác sỹ trị liệu. Video đăng hồi tháng Ba nhận được gần 195.000 phản ứng khác nhau cùng 24.000 lượt chia sẻ và 3.000 bình luận.

Đài Á Châu Tự Do đã bỏ xa cả VOA Tiếng Việt và BBC trong tuần giữa tháng Năm nhờ video quay cảnh cô giáo ở Hải Phòng tát liên tục vào mặt học sinh trong lúc coi thi. Chỉ một video này thu hút gần 300.000 lượt chia sẻ, hơn 115.000 bình luận cùng 65.000 phản ứng các loại.

Tin được nhiều tương tác nhất của BBC Tiếng Việt là video về nhà hoạt động Joshua Wong được trả tự do ở Hong Kong hồi tháng Sáu. Video thu hút 30.000 phản ứng, 2.500 bình luận và 7.600 lượt chia sẻ.

Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc nhận được khá nhiều tương tác cho bài viết về ‘[m]ột vành đai, một con đường’ hồi tháng Tư. Mặc dù số lượt phản ứng đạt 10.000 nhưng bài chỉ có 11 bình luận và 36 lượt chia sẻ. Điều này cho thấy có nhiều khả năng đây là bài đã được chi tiền quảng cáo.

Xét về số lượng tin bài được đăng trong sáu tháng đầu năm, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc thực ra đứng thứ hai với 4.200 tin bài so với 4.800 của VOA Tiếng Việt, 2.800 của BBC và 1.600 của Đài Á Châu Tự Do. Có một số tuần đài Trung Quốc còn hoạt động tích cực trên Facebook hơn cả VOA.

Bản thống kê số lượng bài vở, video.
Bản thống kê số lượng bài vở, video.

Một trong những lý do có thể lý giải phần nào màn trình diễn kém cỏi của đài Trung Quốc là họ không đầu tư vào làm video. Trong nửa đầu năm nay, họ chỉ đăng chừng 180 video so với gần 330 của BBC Tiếng Việt, gần 420 của Đài Á Châu Tự Do và khoảng 2.300 của VOA Tiếng Việt.

Trong cuộc đua giành vị trí đứng đầu trong số các đài phát thanh quốc tế tiếng Việt về lượng tương tác trên Facebook, Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc gần như không có cơ hội nào. Đài Á Châu Tự do ngày càng đạt nhiều tương tác trong những tháng gần đây và đài Anh đang bám sát hơn VOA sau vài tháng chững lại. Những con số cho nửa cuối năm 2019 có thể sẽ khá thú vị do cuộc đua giờ không còn khoảng cách khá xa như cách đây vài tháng.

Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook – https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular