Friday, December 27, 2024
HomeBLOGCông an Đắk Lắk nói 'bắt khẩn cấp ông Phạm Đình Quý...

Công an Đắk Lắk nói ‘bắt khẩn cấp ông Phạm Đình Quý về hành vi vu khống’

Công an Đắk Lắk ngày 30/9 thông báo cho báo chí ở Việt Nam rằng giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng Phạm Đình Quý (39 tuổi, tạm trú TP.HCM) bị bắt khẩn cấp về hành vi vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự.

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án và nói họ “làm việc” với ông Quý và ông Hoàng Minh Tuấn (40 tuổi, trú Cư Kuin, Đắk Lắk).

Ông Tuấn cũng là võ sư, là học trò của ông Quý.

Liên quan vụ bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố đạo luận văn tiến sĩ, Cục báo chí đã quyết định thu giấy phép 2 tháng và xử phạt hành chính 50 triệu đồng tạp chí Môi trường và Xã hội.

Sáng 30/9, Tạp chí Môi trường và Xã hội cũng bị Cục báo chí xử phạt vì thông tin sai về bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk, theo nguồn tin của Tuổi Trẻ.

Mới đây, Võ sư Phạm Đình Trang, bố của ông Phạm Đình Quý xác nhận với BBC: “Tính đến giờ phút này là 11 giờ trưa ngày 30/9/2020. Tôi mới nhận được giấy báo của công an tỉnh Đắk Lắk. Trong 2 giấy báo đó, phiếu báo của bưu điện Đắk Lắk vào ngày 27/9/2020”.

Bị phạt vì đưa tin sai sự thật

Tạp chí Môi trường và Xã hội cũng bị Cục báo chí xử phạt vì thông tin sai về bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Cụ thể, Tạp chí Môi trường và xã hội đã “thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài viết: “Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố “đạo” luận án, gian dối học thuật?”, đăng trong số đặc biệt 16/2020.

Theo quyết định này, Tạp chí Môi trường và xã hội bị Cục báo chí xử phạt hành chính 50 triệu đồng và bị tước giấy phép hoạt động báo in trong 2 tháng.

Tạp chí cũng phải thu hồi ấn phẩm Tạp chí Môi trường và Xã hội đặc biệt số 16/2020, thực hiện cải chính và xin lỗi theo quy định và chịu mọi chi phí thực hiện việc khắc phục này.

Vào khoảng cuối tháng 8/2020, Tạp chí Môi trường và Xã hội đã đăng tải bài viết “Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố “đạo” luận án, gian dối học thuật?” được cho là của tiến sĩ Phạm Đình Quý.

Bài viết trên tạp chí Môi trường và xã hội đăng bài viết về ông Bùi Văn Cường.

Chụp màn hình

Bài viết trên tạp chí Môi trường và Xã hội đăng bài viết về ông Bùi Văn Cường.

Bài viết ghi lại đơn tố cáo luận án tiến sĩ của Bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường có ba chương nghiên cứu lý thuyết đã sao chép khoảng 70% các công trình được xuất bản trước đó.

Bài viết này chỉ ra bằng chứng ông Cường còn sao chép từ các công bố khác nhưng lại không trích dẫn nguồn tài liệu và trích dẫn tài liệu ngụy tạo. Ông Quý cho rằng đây là gian dối trong học thuật và viện dẫn, theo quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, ông Cường không đủ điều kiện bảo vệ luận án. Tuy nhiên, ông Cường vẫn được cấp bằng tiến sĩ.

Vụ việc này liên quan đến việc ông Phạm Đình Quý bị công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ đêm 23/9.

‘Tôi như ngồi trên đống lửa’

Chiều 30/9, nguồn tin Tuổi Trẻ Online cho biết Công an tỉnh Đắk Lắk đã có thông báo về việc “bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp” với ông Phạm Đình Quý – giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP HCM) – về hành vi vu khống theo điều 156 Bộ luật hình sự.

Ông Phạm Đình Trang xác nhận với BBC News Tiếng Việt hôm 30/9 rằng ông vừa nhận thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk về sự việc liên quan đến con trai ông là tiến sĩ Phạm Đình Quý.

Võ sư Phạm Đình Trang nói: “Tính đến giờ phút này là 11 giờ trưa ngày 30/9/2020. Tôi mới nhận được giấy báo của công an tỉnh Đắk Lắk . Trong 2 giấy báo đó, phiếu báo của bưu điện Đắk Lắk vào ngày 27/9/2020”.

Theo ông Trang, kể từ khi con trai ông bị “mời làm việc”, đến nay đã “qua 9 ngày đêm tôi mới nhận được giấy báo”.

Ông nói thêm: “Tôi đang giữ hai giấy báo này của công an tỉnh Đắk Lắk chứng tỏ là con tôi đang còn sống tại Đắk Lắk”.

Ông Phạm Đình Trang cũng nói với BBC công văn được ghi ngày 25/9 với nội dung: ông Phạm Đình Quý “đã có hành vi phát tán tài liệu nhằm hạ uy tín, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, đã phạm vào Điều 156 Bộ luật Hình sự hiện đang bị giam giữ tại Công an Đắk Lắk”.

Trước đó, trả lời BBC hôm 29/9, võ sư Phạm Đình Trang chia sẻ: “Năm lần tôi kêu cứu trên Facebook và nộp đơn nhưng tới bây giờ vẫn chưa nhận được bất kỳ thông tin gì của công an, dù đã để số điện thoại của mình. Bây giờ tôi như ngồi trên đống lửa, chỉ nghe con mình ở trên Đắk Lắk, không biết con mình còn sống hay chết nữa”.

Từ Đắk Lắk, ông Phạm Đình Phú, anh trai ông Quý nói với BBC News Tiếng Việt rằng gia đình ông đã mời luật sư từ Đoàn luật sư Hà Nội, dự tính 30/9 sẽ làm việc với Công an Đắk Lắk.

Ông Phú nói: “Sáng thứ Hai 28/9 tôi có vào làm việc với công an, họ xác nhận đang tạm giam em trai tôi. Tôi xin được gặp em trai thì cán bộ nói đang trong quá trình điều tra nên không được gặp. Họ chỉ cho mua vật dụng cá nhân tại chỗ để đưa vào chứ không được mang đồ từ ngoài vô. Công an nói sức khỏe Quý bị viêm xoang nên không biết thế nào. Tôi thấy lo lắng”.

“Khi tôi lên Đắk Lắk thì chưa nhận được thông báo gì, khi lên đây hỏi các đồng chí công an thì họ nói đã gửi thông báo cho gia đình. Nhưng có thể vì đường bưu điện nên chậm trễ”, ông Phú nói.

Trước đó, như BBC đưa tin, hôm 23/9, tiến sĩ Phạm Đình Quý và vợ ông bất ngờ bị tám công an mặc thường phục vây bắt. Sau đó, công an yêu cầu ông Quý đưa về nhà riêng. Tiếp đó, ông Quý được đưa đến cơ quan Công an TP HCM để làm việc, rồi tiếp tục đưa lên Đắk Lắk.

Tại thời điểm xảy ra vụ việc, gia đình ông Quý cho rằng đây là vụ bắt cóc vì gia đình không nhận được bất kỳ thông báo nào.

Ông Phạm Đình Phú, anh trai ông Phạm Đình Quý sau đó đã có đơn cầu cứu về sự việc của em trai mình.

Tới ngày 29/9, Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam Phạm Đình Quý – Giảng viên Khoa Khoa học Thể thao của Trường ĐH Tôn Đức Thắng để điều tra về hành vi vu khống.

Hôm 29/9, ông Phạm Đình Trang tiếp tục kêu cứu trên Facebook cá nhân vì vẫn chưa nhận được thông báo gì về vụ bắt giữ con trai ông.

Luận án tiến sĩ biến mất

Trong một diễn biến liên quan, nhiều người chỉ ra rằng luận án tiến sĩ của Bí thư tỉnh uỷ Đắk Lắk Bùi Văn Cường đã bị xoá trang web của Viện Đào tạo sau Đại học – Trường ĐH Hàng hải Việt Nam.

Nhà báo Hoàng Mạnh Hà (cựu Thư ký tòa soạn báo Pháp Luật TP HCM) viết trên Facebook: “Trang web của Viện có mục lưu trữ các luận văn thạc sĩ, tiến sĩ bản PDF. Các luận án được lưu từ năm 2017 đến nay. Trong khi ông Bùi Văn Cường bảo vệ tiến sĩ ở trường này năm 2018, nhưng tìm đỏ mắt không thấy luận án đâu. Chứng tỏ nó mới bị xoá khi dư luận ồn ào xung quanh từ khoá chân vịt”.

Ông Hà đặt nghi vấn: “Đáng lẽ Trường ĐH Hàng hải Việt Nam phải bỏ tiền ra xuất bản cuốn luận án tiến sĩ chân vịt của ông Cường để các thế hệ của trường noi theo. Vậy tại sao ngay cả đến bản PDF lưu trên trang web của trường cũng biến mất?”.

Đến hôm nay, ông Mạnh Hà viết rằng luận án tiến sĩ của ông Cường đã trở lại trên trang web của ĐH Hàng hải Việt Nam “sau khi bị chửi nát nước”.

Chụp màn hình

Chụp màn hình

Trên trang Facebook cá nhân, Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi về hành vi của Công an tỉnh Đắk Lắk: “Nếu không có những hành vi khác mà chỉ có hành vi gửi đơn chính danh, công khai đến các cơ quan chức năng tố cáo một người có hành vi đạo văn thì không thể cấu thành tội phạm. Việc bảo vệ người tố cáo đã được luật quy định.

Vì vậy cần nhất lúc này là Công an tỉnh Đắk Lắk xác định và cung cấp thông tin về những hành vi ban đầu của TS Quý và TS Tuấn làm căn cứ cho việc khởi tố. Bởi lấy lý do án đang điều tra nên chưa cung cấp thì dư luận không có thông tin nào khác về lý do khởi tố, để tin cậy vào tính minh bạch, đúng đắn của một sự việc đang xôn xao”, ông Hiển viết.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, viết trên Facebook cá nhân cũng lên tiếng vụ việc: “Tiến sĩ-võ sư Phạm Đình Quý tố cáo hành vi đạo văn một cách công khai và chính danh, nên ông đang được pháp luật bảo vệ (Chương VI, Luật Tố cáo). Việc khởi tố, bắt giữ ông trong thời gian vụ việc đang được xem xét chắc chắn là vi phạm pháp luật!”.

Nhưng hôm nay 30/9, trên Facebook của ông Sĩ Dũng đã không còn bình luận này nữa.

Ông Bùi Văn Cường và Đại học Tôn Đức Thắng có liên hệ gì không?

Sinh năm 1965 tại xã Thăng Long, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, ông Bùi Văn Cường từng là giảng viên Trường đại học Hàng hải Việt Nam trước năm 2006.

Ngày 20/10/2006, ông được bầu bổ sung giữ chức bí thư Trung ương Đoàn khóa VIII.

Ngày 14/5/2008, ông Cường được điều động tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy khoá XIII.

Đến ngày 19/8/2011, Bộ Chính trị điều động ông Cường về Ban Dân vận Trung ương và giữ chức Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Gần 1 năm sau, ông Bùi Văn Cường thôi giữ chức Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương, nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Ngày 12/4/2016, ông Bùi Văn Cường được bầu giữ chức Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Tiếp đó, ông Cường được bầu giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào ngày 14/4/2016.

Đến tháng 9/2018, ông được đại hội bầu (bằng phiếu kín) tái cử Ban Chấp hành với số phiếu 99,98% và được Ban Chấp hành bầu tái cử UV Đoàn Chủ tịch và chức danh Chủ tịch với số phiếu 100%.

Tháng 7 năm 2019, ông được phân công giữ chức vụ bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk.

Tháng Sáu 2019, báo VietnamNet có bài liên quan ông Cường và trường Tôn Đức Thắng.

Thời điểm này xảy ra việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng phản đối yêu cầu đưa vào dự toán, trích nộp về cho cơ quan chủ quản 30% chênh lệch thu chi sau thuế.

Bài báo tiết lộ các mâu thuẫn.

“Ngày 23/4/2019, Hội đồng trường họp để bàn việc thực hiện yêu cầu của Bộ GD-ĐT. Tại cuộc họp, 100% thành viên Hội đồng nhất trí thông qua cơ cấu nhân sự Hội đồng trường đề tiến hành thủ tục theo quy định và thảo luận về nội dung sửa đổi Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường theo Luật số 34. Nghị quyết đã được thông qua với 100% thành viên chấp thuận.

“Nhưng mặc dù đã đưa tay biểu quyết đồng ý cùng tất cả mọi người, Chủ tịch Hội đồng trường là ông Bùi Văn Cường đã không ký biên bản ngay sau cuộc họp (như quy chế yêu cầu), và cho đến nay cũng không ký Nghị quyết của phiên họp nói trên để trường triển khai công việc” – lãnh đạo nhà trường cho biết.”

“Được biết, quy định “trích nộp tối đa 30%” được ký và ban hành từ thời ông Đặng Ngọc Tùng làm Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhưng chỉ dành cho các cấp công đoàn. Ông Tùng làm 2 nhiệm kỳ chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nhưng không có yêu cầu trường học trực thuộc phải đóng tiền.

“Khi ông Bùi Văn Cường về làm Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã áp quy định vào bắt đóng ngay để có tiền làm “thiết chế công đoàn”. Từ năm 2017 đến nay đã là 3 lần yêu cầu trường phải nộp, phải đưa vào dự toán thu chi hàng năm để nộp. Do đó, không thể nói là quy định có từ thời ông Tùng”.

Cũng theo vị này, nhà trường không đồng ý việc Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng “ủng hộ tự chủ, nhưng công tác nhân sự phải được cơ quan chủ quản chỉ đạo, lãnh đạo, quy hoạch theo qui định của Đảng” bởi đã viện dẫn không đầy đủ và không chính xác quy định của Đảng.”

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular