Saturday, September 21, 2024
HomeBIỂN ĐÔNGCó thể chín người… một ý không?

Có thể chín người… một ý không?

VOA

Trân Văn

Cuối cùng, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đã quyết định hoãn buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông.

Nội Mông (Inner Mongolia) là một khu tự trị của Trung Quốc. Khu tự trị này tọa lạc ở phía Bắc Trung Quốc, từng là lãnh thổ của những quốc gia mà trong sử sách, cha ông người Việt gọi là Yên, Triệu, Tần, Hung Nô, Ngụy, Tề, Chu, Đột Quyết, Hồi Cốt, Khiết Đan, Liêu, Kim, Mông Cổ,… Nỗ lực vô hiệu hóa phát xít Nhật trong Thế chiến thứ hai đã tạo cơ hội cho Trung Quốc biến một phần lãnh thổ Mông Cổ trở thành Khu tự trị Nội Mông(diện tích lên tới 1,2 triệu cây số vuông).

Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đã đề nghị Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch Việt Nam hỗ trợ để giới thiệu Đoàn Nghệ thuật Nội Mông với dân chúng Việt Nam. Theo dự kiến, 28 nghệ sĩ của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông sẽ biểu diễn buổi đầu tiên tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 19 tháng 1…

***

Có một chi tiết mà những viên chức hữu trách ở Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không để ý là “ngẫu nhiên” ngày biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông (khu vực mà sau khi được đặt dưới sự kiểm soát của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, người Mông Cổ chỉ còn là sắc tộc không đáng kể) để kỷ niệm việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc lại… trùng với ngày Trung Quốc cưỡng đoạt toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của người Việt.

Chẳng có bằng chứng nào cho thấy rằng sự trùng hợp này là… cố ý.

Trước giờ, cách hành xử của chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chứng minh, với các viên chức hữu trách, ngày 19 tháng 1 hàng năm chẳng có gì đáng phải bận tâm. Thậm chí cách nay vài năm, những hoạt động nhằm nhắc nhở người Việt rằng, ngày đó Việt Nam mất một phần lãnh thổ và nếu không cảnh giác, có thể mất luôn đường ra biển, ngày đó có 74 người Việt tuẫn tiết vì nỗ lực bảo toàn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền quốc gia ở quần đảo Hoàng Sa,… còn bị coi là… phản động nên người tham gia nhắc nhở, tưởng niệm bị rủa xả không tiếc lời, bị đánh vào đầu, bị đạp vào mắt, bị bắt như bắt con vật, không chừa ai! Cũng cách nay vài năm, chỉ vì ọ ẹ về Hoàng Sa, Trường Sa về quan hệ Việt – Trung, ông Tống Văn Công, cựu Tổng biên tập tờ Lao Động bị hệ thống Đảng cơ sở lôi ra kiểm điểm. Tại một buổi kiểm điểm do Đảng ủy phường Tân Kiểng, quận 7 tổ chức, ông Công đã bị một Bí thư chi bộ nơi ông sinh hoạt Đảng chỉ trích kịch liệt vì: “Hoàng Sa, Trường Sa là bãi hoang chim ỉa. Ta nói của ta. Trung Quốc nói của Trung Quốc”, cứ khăng khăng Hoàng Sa, Trường Sa thuộc về Việt Nam là “gây chia rẽ hai Đảng và hai nước xã hội chủ nghĩa anh em”.

Khi nhận thức, tâm thế của nhiều cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ, đảng viên hữu trách chỉ là như vậy thì gật đầu, sắp xếp cho Đoàn Nghệ thuật Nội Mông biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngay vào ngày 19 tháng 1 chẳng có gì khó hiểu.

Tuy nhiên khác hẳn với trước đây, dân chúng Việt Nam không nín nữa. Trên mạng xã hội, sự kiện này bị xem là ấu trĩ, nhục nhã, thêm một bằng chứng cho chuyện “mãi quốc cầu vinh”, chính quyền bị nguyền rủa… Có facebooker như Tung Dang chia sẻ số điện thoại di động của Bộ trưởng Văn hóa – Thể thao – Du lịch, đề nghị mọi người tham gia chất vấn, phản đối. Ở diễn đàn “Góc nhìn Báo chí – Công dân”, Tony Bui thì đề nghị biểu tình bên ngoài Nhà hát Lớn Hà Nội, vừa phản đối, vừa đòi Trung Quốc trả Nội Mông cho Mông Cổ

Sáng 19 tháng 1, công văn do Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội gửi Văn phòng và Cục Hợp tác quốc tế của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch được bày ra trên mạng như phát đại trà thuốc hạ nhiệt. Theo công văn này thì Ban Quản lý Nhà hát Lớn Hà Nội vừa phát hiện “hệ thống máy cắt liên lạc của điện nguồn hoạt động không ổn định, do đó không thể đáp ứng cho yêu cầu kỹ thuật trong buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông”. Sau đó, Chánh văn phòng kiêm Phát ngôn viên của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du du lịch, chính thức công bố với báo giới về sự kiện hoãn buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông, dự kiến khai mạc lúc 20 giờ tối 19 tháng 1 vì Nhà hát Lớn Hà Nội đang có “sự cố kỹ thuật”.

Tuy buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông đã bị hoãn nhưng dường như công chúng vẫn chưa hài lòng về lý do. Trong khi Le Duc Duc gọi “sự cố kỹ thuật” là “rất mực lâm ly” thì Phan Hải Bằng cho rằng dù sao, cũng còn chút liêm sỉ. Bao Trung Nguyen không tán thành, bởi “bày ra đã nhục, dẹp bằng ‘mẹo vặt’ còn nhục hơn. Cũng đã có những facebooker như Tran Thanh HP nêu thắc mắc với bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Ban Quản lý Nhà hát lớn Hà Nội, nếu có thiện ý, sao bà không chờ đến 19 giờ 45 phút ngày 19 tháng 1 năm 2018 hãy… báo cáo cấp trên về “sự cố kỹ thuật”?.

***

Chẳng phải tự nhiên mà cổ nhân khái quát “chín người, mười ý”. Chưa rõ Thủ tướng Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam có tính sổ với những viên chức hữu trách ở Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch khi họ đưa hệ thống công quyền vào thế làm thì dở mà ngừng cũng chẳng yên với dân hay không, song ít nhất sự kiện vừa kể đặt ra một câu hỏi khác: Có cách nào hóa giải để chuyện hoãn buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông vào tối 19 tháng 1 ở Nhà hát Lớn Hà Nội thành “chín người, một ý” hay không?

Nếu buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Nội Mông vào tối 19 tháng 1 ở Nhà hát Lớn Hà Nội không bị hoãn vì “sự cố kỹ thuật” mà bị hoãn vì Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đưa ra tuyên bố, đại ý: Khi thảo luận với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 68 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Việt Nam, những viên chức hữu trách của Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch không nhớ sự kiện 19 tháng 1 năm 1974 – nay dựa trên dân ý, chúng tôi quyết định hoãn buổi biểu diễn đó, đồng thời tái khẳng định, quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam… thì có bị công chúng dè bỉu không? Hiệu quả của một tuyên bố như vậy cả về đối nội lẫn đối ngoại có tốt hơn những tuyên bố của các thế hệ Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao hay không?

Các bạn nghĩ sao?

Tự kể điều mình biết, tự nói điều mình nghĩ với hàng triệu người đã trở thành chuyện đơn giản và bình thường. Khi một người nói, nhiều người có thể cùng nghe, bất kể người nói là ai, làm gì, ở đâu thì vai trò, vị trí của cá nhân trong tương tác với xã hội đã khác trước và chắc chắn sẽ càng ngày càng khác.

Đó cũng là lý do để dù muốn hay không, hệ thống truyền thông chính thống phải tự thay đổi. Ban Việt ngữ VOA cũng thấy phải tự thay đổi…

Trước mặt bạn là “Thiên hạ luận” – chuyên mục mới của Ban Việt ngữ VOA. Tuy nhiên đây chỉ là bước đầu tiên – tập hợp thông tin, ý kiến của nhiều người sử dụng mạng xã hội bằng Việt ngữ về những sự kiện, vấn đề đang được nhiều người quan tâm và có thể là mọi người nên biết, nên bàn thêm – của một tiến trình.

Liệu “Thiên hạ luận” có thể trở thành nơi mà độc giả chủ động đóng góp mọi thứ (thông tin, ý kiến, hình ảnh) về những sự kiện, vấn đề mà theo họ, mọi người cần biết, cần bàn hay không sẽ do các bạn quyết định.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular