Tôi còn nhớ ngày tôi còn bé, tôi có 1 cậu bạn sát cạnh nhà chơi với nhau rất thân. Hôm ấy, tôi và cậu đang bày trò chơi trước hiên nhà thì tôi nghe thấy một tiếng hét lớn, rồi thấy cha cậu từ trong nhà lao ra, ông tát tai cậu mấy phát rồi lôi cậu xềnh xệch. Tôi sợ hãi điếng người không hiểu chuyện gì thì đã thấy cậu bị cha lột trần quần áo, tay ông cầm cái roi tre và quất liên tục vào người cậu. Cậu la hét đau đớn thảm thiết và quỳ lạy van xin nhưng vô ích. Tôi trợn tròn mắt đứng như trời trồng nhìn bạn mình, rồi quay qua nhìn mẹ cậu, bà ấy cũng đang quỳ gối dưới sân, gào lên van xin và níu lấy tay chồng, nhưng bà nhỏ thó rúm ró không thể nào cản nổi một người đang lên cơn “điên loạn”!
Đó là trận “đòn thù” đầu tiên tôi chứng kiến bạn mình bị cha ruột hành hạ, những trận đòn tiếp theo cứ dày đặc theo tuổi thơ của bạn tôi, và khiến bạn trở thành đứa trẻ chai lì, không bao giờ biết khóc nữa. Còn tôi, tôi quá nhỏ để có thể hiểu chuyện gì đã xảy ra giữa cha con họ, cho đến khi lớn hơn một chút, tôi mới hiểu được sự thật do chính mẹ cậu bạn kể:
Cha cậu bạn, ông là một bác sỹ quân y cực giỏi thời chế độ cũ. Và như bao người khác, ông bị nhốt vào trại tù cải tạo! Chẳng hiểu họ đã tra tấn thế nào, đã làm gì não bộ ông mà khi ông trở về, ông nửa tỉnh nửa mê, mỗi khi nổi cơn điên loạn, ông chỉ biết lôi thằng con út, là cái đứa bé bỏng nhất không thể tự vệ hay có thể chạy trốn để trút vào nó ngàn nỗi căm hận. Từ một người đàn ông trí thức, làm nghề Y cao quý giúp đỡ bao người, từ một người cha nhân hậu và giàu tình thương ông đã biến thành một con quỷ hung bạo sau những năm tháng ở trong trại tù cải tạo!
Bạn hãy trả lời tôi xem: ai phải chịu trách nhiệm cho việc một người bác sỹ tài giỏi biến thành một kẻ điên loạn và tuổi thơ của một đứa bé bị bạo hành? Ai là kẻ thủ ác gây ra thảm cảnh trên? Và cậu bạn ấy khi lớn lên và hiểu chuyện, cậu thù hận cha mình hay những kẻ gây ra tội ác với cha mình?
Và tôi nhớ đến lời một người anh thân thiết của tôi, cứ đến dịp 30.4 hàng năm, khi anh thấy “phe” Hải ngoại nhắc đến “quốc hận” là anh lại chép miệng, anh bảo chuyện quá khứ đã qua rồi, sao cứ nhắc nhớ lại, thương vay khóc mướn chuyện quá khứ mãi làm gì?
Mỗi khi nghe anh nói tới vấn đề này là tôi lại lặng im, tôi không đôi co với anh, tôi chỉ đang nhớ lại hình ảnh:
– Một ông bác sỹ điên loạn tay cầm cái roi tre quật từng nhát tứa máu xuống thân thể trần truồng của đứa con trai mình, thằng bé chỉ vừa 5 tuổi!
– Hình ảnh cha tôi thẫn thờ bên di ảnh 2 chú Sỹ quan của mình, nhớ lời cha kể ông Nội trước khi nhắm mắt trong cơn hấp hối thì thào gọi tên đứa con của mình – người Sỹ quan ấy trong ngày giặc loạn đã cố chạy về với gia đình nhưng bị bắn rớt xuống sông, “mất tích” – mất xác!
– Tôi hình dung hàng triệu đồng bào lênh đênh trên biển trong chuyến “chôn dầu vượt biển”. Ai còn sống, ai đã là mồi cho cá mập, cho bão táp ngàn khơi, cho bọn cướp biển hãm hiếp rồi hất thây xuống biển?…
Và những người đang còn sống, dù vẫn ở trên đất Việt Nam này hay sống lưu vong ở Hải ngoại, liệu họ có thể quên được cái ngày mà cả gia đình họ tan tác, cha mẹ rời con, vợ chồng lìa nhau? Có những buổi ly biệt chính xác là loạn ly, chia lìa nhau mãi mãi. Người ta bảo chỉ đi “tập trung” vài hôm mà sao người thân mình đi mãi chẳng trở về? Ai có thể gánh được nỗi đau của ngàn trùng xa cách, của vĩnh viễn mất nhau? Hỏi làm sao người ta có thể nguôi thù hận? Sao có thể không nhắc nhớ? Sao có thể tha thứ vì đã 48 năm, chưa một ai dám thốt lên lời “Xin lỗi” đồng bào mình. Vẫn chỉ là lễ hội, là nhảy múa ăn chơi, là ca hát mừng ngày “chiến thắng”!
Và ngày nay, bạn nói cho tôi nghe xem: có bao nhiêu cha mẹ già còng lưng dự phiên tòa – ngậm ngùi khóc tiễn biệt con, bao nhiêu người vợ ly biệt chồng, vì chồng dính án tù “chính trị”?
Bao nhiêu đứa trẻ vừa chào đời chưa bao lâu đã phải rời xa cha? Có đứa còn chưa kịp nhớ mặt cha như con của Trịnh Bá Phương, con của Nguyễn Lân Thắng. Và kế tiếp đây là 3 cô con gái nhỏ của Peter Lam Bui, đứa lớn chỉ mới gần 7 tuổi, đứa kế 6 tuổi và đứa út chỉ hơn 2 tuổi. Ngày mai (25.5.23) sẽ diễn ra phiên tòa của cha chúng: sẽ là 5 năm, 8 năm hay 10 năm những đứa trẻ mới có lại được cha mình? Ai, ai sẽ trả lại quãng thời gian chúng phải lớn lên thơ dại và thiếu thốn trăm bề khi không có cha bên cạnh?!
Và tôi hình dung về thân phận của những đứa trẻ, những đứa bé non nớt chẳng làm gì nên tội nhưng đã có lý lịch ngầm trích ngang là cha ở tù. Rồi chẳng may, chẳng may có ai đó nói ra nói vào, là bạn bè dè bỉu nói kháo nhau: “Cha nó đi tù”! Những đứa trẻ ấy sẽ ra sao, chúng nào đã hiểu gì về cái giá của đòi tự do dân chủ, chỉ biết là cha đi tù, là kinh thiên động địa, là đau đớn và nhục nhã biết bao nhiêu!. Và những đứa trẻ ấy đương nhiên bị mất trắng tuổi thơ, nó bị cô lập dù ở giữa xã hội, là bất lực xót xa khi thấy mẹ bươn bả vào tù thăm nuôi cha, và nhìn thấy cuộc sống khó nhọc oằn trên lưng và hằn trên đôi tay của mẹ!. Và người mẹ ấy phải bóp miệng mình, bóp cái ăn của con, bắt con phải nhín miệng để mẹ gom góp từng chút thăm nuôi cha trong tù. Những đứa trẻ ấy bị đối xử bất công khi chính cha chúng lên tiếng đòi công bằng cho xã hội, đau đớn thay, ê chề thay!
Và dù ít dù nhiều, sân hận và thù hận lại nối tiếp qua từng thế hệ. Những đứa trẻ ấy liệu có một cuộc sống bình thường? Liệu có thể thản nhiên mà tha thứ cho những ai đã phá nát tan gia đình và tuổi thơ của chúng!.
Tôi khóc thương cho đất nước tôi, một xứ sở mà “Tự do” chưa bao giờ là miễn phí, hận thù thì vẫn mãi chất chồng, chẳng bao giờ phôi pha và:
Sẽ còn truyền qua bao thế hệ???