RFA
Sau vụ việc xảy ra ở Trường tiểu học Phan Chu Trinh, thuộc quận Tân Phú, TPHCM, một camera được cho là do một phụ huynh lén đặt trong lớp học, đã phát hiện cô Nguyễn Hồng Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 2/11 bạo hành, đánh, véo tai liên tục học sinh, làm người xem bàng hoàng, dư luận phẫn nộ.
Phụ huynh đồng tình
Theo Sở Giáo dục – đào tạo TPHCM, đây là hành vi bạo hành trẻ, không phù hợp với môi trường sư phạm, vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tâm lý của học sinh và uy tín của ngành giáo dục. Hiện Trường tiểu học Phan Chu Trinh tiếp tục đình chỉ giảng dạy đối với cô Hà trong thời gian chờ kết luận giải quyết tố cáo.
Mặc dù tại Việt Nam, nhiều người thường gọi nôm na nghề giáo viên là nghề “gõ đầu trẻ”, vì cho rằng việc dạy trẻ rất khó khăn, nhất là trẻ ở độ tuổi mới lớn, nên đôi lúc cần phải có biện pháp mạnh để răng đe. Tuy nhiên, không chỉ phụ huynh lo lắng, xót con… mà ngay bản thân học sinh khi đến tuổi hiểu biết cũng không đồng tình việc thầy cô giáo sử dụng vũ lực với học sinh.
Nếu gắn được camera trong lớp học thì tốt cho cả gia đình phụ huynh, cũng như các em trong lớp. Vì bây giờ cũng có nhiều em học sinh đánh nhau, phá phách. Giáo viên thì có người tốt người không, sắp tới đây họp phụ huynh thì tôi sẽ đưa ra ý kiến này.
-Một phụ huynh
Một em học sinh ở Nghệ An khi trao đổi với RFA cho biết ý kiến của mình:
“Em không đồng tình, cũng như cực lực phản đối việc thầy cô giáo sử dụng vũ lực với học sinh dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù mục đích của giáo dục có tốt đẹp đến đâu đi nữa.”
Khi chia sẻ với RFA về đề tài này từ Hà Nội, Thầy Đỗ Việt Khoa, cho biết, tại Việt Nam, người giáo viên trên lớp luôn tự coi mình là một cái gì đó cao lắm hơn cả cha mẹ, hơn cả cảnh sát, hơn cả công quyền và họ coi học sinh là những đối tượng phải phục tùng. Nghĩa là học sinh làm sai thì phải bị phạt và phạt rất nặng. Từ đó họ sử dụng những biện pháp hành xử đối với những học sinh dù vi phạm lỗi nhỏ như là tội phạm, thay vì họ coi học sinh là những đối tượng được phục vụ.
Trở lại với vụ việc xảy ra ở Trường tiểu học Phan Chu Trinh, TPHCM, mặc dù nhiều người lên án hành vi đánh học sinh của cô giáo Hà nhưng theo nguồn tin riêng của RFA thì việc phụ Huynh gắn camera để “bắt quả tang” cô Hà đánh học sinh là do có sự đồng ý của lãnh đạo trường. Tuy vì lý do cá nhân hay gì đi nữa giữa cô Hà và lãnh đạo trường, thì việc giáo viên bạo hành học sinh là một hành động đáng bị lên án.
Tuy nhiên, vì điều đó mà phải gắn camera trong các trường học thì lại không nhận được sự đồng tình của cả hai phía: phụ huynh và giáo viên.
Giáo viên sẽ không dạy hết mình
Một phụ Huynh có con học ở trường Quảng Yên, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa cho biết:
“Nếu gắn được camera trong lớp học thì tốt cho cả gia đình phụ huynh, cũng như các em trong lớp. Vì bây giờ cũng có nhiều em học sinh đánh nhau, phá phách. Giáo viên thì có người tốt người không, sắp tới đây họp phụ huynh thì tôi sẽ đưa ra ý kiến này.”
RFA trao đổi qua tin nhắn với Cô Huỳnh Thị Xuân Mai, một giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm, về việc này và được cô cho biết ý kiến của mình như sau:
“Gắn camera trong lớp học, để ngăn chặn tình trạng học sinh đánh nhau, ngăn chặn bạo hành, bạo lực học đường, dâm ô… thì tôi thấy rất tốt. Được vậy thì rất tốt.”
Tuy nhiên vẫn có ý kiến trái chiều khi cho rằng gắn camera trong lớp học ảnh hưởng tâm lý của giáo viên khiến họ như bị “giám sát” trực tiếp, ảnh hưởng quyền cá nhân.
Một thầy hiệu phó tại một trường phổ thông cấp một & hai ở Sài Gòn cho biết:
“Theo tôi muốn tất cả các trường gắn camera thì đâu có được. Thứ nhất muốn gắn camera thì phải xã hội hóa, tiền từ phụ huynh, chứ trường không đủ tiền đâu. Thứ hai, gắn camera thì không mắc nhưng bộ nhớ thì rất mắc, nhiều camera thì bộ nhớ phải lớn lắm. Nếu muốn lưa cả tuần thì bộ nhớ lại càng lớn hơn. Ngoài ra không có nhân sự để kiểm tra toàn bộ video đã lưu đó.”
Theo tôi nếu gắn camera trong lớp học thì giáo viên không thỏa mái đứng lớp dạy. Mà một khi không thoải mái thì giống như có cái gì đó ngăn mình lại, không thể phát huy hết những gì mình dạy và truyền đạt cho học sinh, sẽ dạy giống như máy móc.
-Cô Hạnh
Ngoài ra, theo vị lãnh đạo trường này, nói chung là không giáo viên nào thích gắn camera, vì đang dạy mà gắn camera quản lý thì giáo viên sẽ mất tự nhiên, không dạy được. Theo thầy, giáo viên chịu nhiều sức ép lắm, nếu mà gắn camera thì chắn chắn giáo viên sẽ buông trôi, những học sinh nào không học được thì giáo viên cứ để trôi luôn, thì sau này đọc không được, viết không được.
Cô Hạnh, một giáo viên tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh nhận định:
“Theo tôi nếu gắn camera trong lớp học thì giáo viên không thỏa mái đứng lớp dạy. Mà một khi không thoải mái thì giống như có cái gì đó ngăn mình lại, không thể phát huy hết những gì mình dạy và truyền đạt cho học sinh, sẽ dạy giống như máy móc. Học sinh đâu phải bé nào cũng ngoan, có những bé hư không làm bài, nói chuyện hay chọc phá bạn thì giáo viên cũng chẳng dám la, mà cứ theo đà như vậy sẽ không có nề nếp, không quản được, rồi chất lượng học trò kém đi… muốn dạy hết tâm hyết của mình cũng không dám vì có camera. Nói chung rất là nhiều hệ lụy.”
Công việc của nhà giáo là một nghề cao quý, được cả xã hội trân trọng, và đó được gọi là nghề “trồng người”, đào tạo nên những người có ích cho xã hội. Để một xã hội phát triển và đi lên thì nền tảng đó là giáo dục, đây là điều nhiều nước phát triển trên thế giới rất chú trọng.
Nhìn lại nền giáo dục Việt Nam từ trước đến nay, có thề thấy rằng “niềm tin” của phụ huynh vào giáo viên và ngược lại những năm gần đây, đã không còn như xưa. Khi bị mất niềm tin thì đúng là lỗi ở cả hai phía. Làm thế nào lấy lại niềm tin? Là câu hỏi cần trả lời từ các nhà quản lý giáo dục.