Võ Hồng Ly cùng với Võ Hồng Ly.
30.03.2020
Nhớ lại những ngày đầu tiên đến Sài Gòn du lịch vào những năm 2000, HL đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy những người bán vé số dạo ở khắp mọi nơi.
Phần lớn họ là những người già, phụ nữ, trẻ em và những người tàn tật không thể dễ kiếm được một công việc như bao người bình thường khác. Sau này khi tìm hiểu sâu hơn thì HL mới biết những chú bác lớn tuổi phải đi bán vé số dạo nhờ những chiếc xe lăn hoặc những cây nạng gỗ đa số là những người lính của VNCH. Ban đầu HL cũng thắc mắc là sao một người lính đã bỏ lại một phần thân thể của họ cho Tổ Quốc mà lại bị bỏ rơi và phải lê lết vạ vật kiếm sống mưu sinh khi tuổi đã cao sức yếu như vậy…
Lúc còn ở Hà Nội, HL chẳng bao giờ mua vé số vì không bao giờ tin vào trò may rủi và cũng chẳng có mấy người bán vé số đến tận nơi mình ngồi để mời mua như ở Sài Gòn cả. Nhớ một lần tại Sài Gòn, khi thấy một người đàn ông đã gần 70 tuổi nhưng vẫn đang chống nạng đến mời mình mua vé số, vì không có thói quen này nên HL không mua vé số mà đưa cho ông 20.000 VNĐ để ông mua đồ ăn trưa. Dù HL đưa tiền cho ông bằng cả hai tay nhưng ông lắc đầu từ chối và nói rằng ” Chú bán vé số chứ chú không đi ăn xin con ạ. Con thương thì con mua hai tờ cho chú chứ chú không có cầm tiền như vậy đâu con !”
Chú chỉ nói từ tốn và rất nhẹ nhàng thôi mà HL bỗng thấy hai tai mình nóng bừng vì xấu hổ và tự trách mình đã vô tình làm tổn thương người khác. HL vội xin lỗi chú và dù chú đã rời đi nhưng HL vẫn thấy phải suy nghĩ thật nhiều. Chỉ vài phút thôi mà chú bán vé số đã dạy cho HL cả một bài học về “lòng tự trọng” vô giá…
Sau khi HL về Sài Gòn sống hẳn, đã quen với nhịp sống và yêu Sài Gòn rồi thì những người bán vé số dạo lại trở thành một phần không thể thiếu của Sài Gòn. Họ dù cũ kỹ, dù khuyết tật, dù vạ vật mưu sinh nhưng HL không thấy hình ảnh này làm cho Sài Gòn xấu đi, trái lại những con người ấy đã tạo nên phần hồn của Sài Gòn dù hối hả nhộn nhịp nhưng vẫn giữ được sự hồn hậu, mộc mạc, phóng khoáng và nghĩa tình…
Từ mấy tuần nay, khi nhà nước bắt đầu cảnh báo hạn chế đi lại, yêu cầu đóng các nhà hàng, các cửa tiệm cafe và các hoạt động không cần thiết khác thì HL không còn cơ hội gặp những người bán vé số trên vỉa hè Sài Gòn nữa. Với những ai còn có nơi để về thì họ đã về. Còn những người không còn nơi nương tựa thì họ sẽ sống ra sao trong những ngày tới ? Nhất là khi nhà nước sẽ ngừng phát hành vé số kể từ 01/4/2020 cho đến ngày 15/04/2020 để tập trung phòng chống dịch bệnh virus Vũ Hán đang lây lan chồng chéo. Nhưng thời hạn này có thể lại bị gia hạn thêm trong khi sự sống hàng ngày thì không thể chờ đợi…
Khi nào dịch bệnh mới kết thúc để thế giới và những con người có thể tìm lại được nhau sau những biên giới, hàng rào ngăn cách ? Giàu hay nghèo thì ai cũng phải đối mặt với đại dịch. Nhưng nếu người giàu chỉ phải đối diện với cái chết của dịch bệnh thì những người nghèo họ sẽ phải chết hai lần : chết vì nghèo đói và chết vì dịch bệnh.
Có lẽ, sau cơn ôn dịch, trật tự thế giới ngày mai sẽ đổi khác bởi tình người sau khi sống chậm sẽ dần được kết nối lại bởi chính sự cách ly hôm nay…
VHL
Sài Gòn, 12h22 phút ngày 30/03/2020
Viết cho quê hương ! ❤️
____
Hình 1: Một người phụ nữ bán vé số đang quỳ cầu nguyện gần khu vực nhà thờ Đức Bà đã trở nên vắng vẻ trong mùa dịch/ FB : Tên Không.
Hình 2,3,4 : Internet./.