Friday, July 26, 2024
HomeDU LỊCHBLOGCó lẽ đó là một trong những nguyên do mà chúng tôi...

Có lẽ đó là một trong những nguyên do mà chúng tôi không bao giờ chần chừ băn khoăn chuyện nộp thuế hàng năm. 

Đỗ Hoàng Diệu

Bài viết của bác sĩ Trần Văn Phúc về sự xấu xa của y tế Mỹ và sự tốt đẹp của y tế Việt Nam đăng trên trang FB của ông đang gây xôn xao dư luận. Tôi không phải nhân viên y tế như ông để hiểu rõ các vấn đề chuyên môn. Nhưng là một người đã sống ở cả Việt Nam lẫn Mỹ, từng là bệnh nhân của các bác sĩ – bệnh viện ở vùng vịnh SF, nơi được xem là tiến bộ đi kèm với đắt đỏ nhất nhì thế giới, rồi bây giờ thành cư dân của một thị trấn đại học thanh bình miền Trung Tây, tôi có một vài trải nghiệm mà bác sĩ Phúc và nhiều bạn bè ông ở Hà Nội chắc là chưa có. 

Khi đặt chân đến Mỹ vào đầu năm 2006, tôi đang mang bầu ba tháng. Lúc này chúng tôi chưa đăng ký kết hôn. Lần thăm khám đầu tiên hết  200 đô, tôi vẫn còn nhớ. Khi biết hoàn cảnh của tôi, bác sĩ phòng khám đó đã ngay lập tức khuyên chúng tôi nên xin bảo hiểm Medicaid. Chỉ mất hai lần đến một văn phòng gì đó ở Oakland, một lần để được tư vấn và một lần khai giấy tờ, mười ngày sau tôi có thẻ Medicaid. Họ không quan tâm tôi chỉ là một người đến Mỹ bằng thị thực du lịch, họ cũng không cần biết tôi là ai ở Việt Nam, xấu tốt thế nào. Họ chỉ biết tôi đang mang bầu, tôi không có bảo hiểm y tế, tôi cần sự giúp đỡ. Từ đó cho tới lúc quay trở lại Việt Nam, tôi gặp bác sĩ hoàn toàn miễn phí, sinh nở hoàn toàn miễn phí, khám bệnh cho con hoàn toàn miễn phí (tất nhiên là chỉ được đến những văn phòng bác sĩ chấp nhận Medicaid). Số tiền mà nước Mỹ đã “mất” cho mẹ con tôi chắc không một triệu thì cũng trên dăm trăm ngàn đô. Bởi tôi bị băng huyết thập tử nhất sinh, phải cấp cứu cả đêm. Bởi sau đó con tôi phải nằm phòng chăm sóc đặc biệt suốt tám ngày dài. 

Con gái tôi còn sống đến ngày hôm nay, trở thành một cô gái khỏe mạnh thông minh là nhờ hệ thống bảo hiểm Medicaid đó. Không chỉ cho dịch vụ y tế miễn phí, họ còn có nhân viên “theo dõi” sát sao diễn tiến của bệnh nhân. Khi chúng tôi xuất viện về nhà được hai ngày, hai phụ nữ gốc Việt nói tiếng Việt gõ cửa nhà rất mực dịu dàng. Hai cô tiên Việt Nam hỏi han tôi vài câu rồi nhìn sang em bé. Họ đặt con gái tôi lên cân, so sánh với số liệu trên giấy rồi mặt họ biến sắc. Ngay lập tức, họ điện thoại cho bác sĩ, bác sĩ gọi cho bệnh viện. Mười lăm phút sau, chồng tôi đỗ xe trước cửa bệnh viện, một nhân viên y tế chạy ra bồng em bé chạy  thẳng vào ICU, một nhân viên khác  vỗ về trấn an tôi, dìu tôi ngồi lên xe lăn, đẩy vào thang máy. 

Có lẽ đó là một trong những nguyên do mà chúng tôi không bao giờ chần chừ băn khoăn chuyện nộp thuế hàng năm. 

Trong thời gian ở vùng vịnh SF, còn có mấy việc liên quan đến bệnh viện mà tôi không thể nào quên. Đó là lúc thai kỳ được năm tháng, một buổi chiều muộn, tự dưng tôi đau bụng. Chồng tôi gọi điện cho bác sĩ, bác sĩ hỏi một hồi rồi bảo đến phòng cấp cứu đi. Đúng như bác sĩ Phúc tả, cái phòng cấp cứu đông ơi là đông, rất nhiều người vô gia cư đến … chờ khám mà bệnh viện không có quyền từ chối. Chồng tôi miêu tả tình trạng của tôi với nhân viên trực, khoảng ba mươi phút sau tôi được vào gặp bác sĩ rồi nhập viện. 

Lần nữa, tôi đang lóng ngóng mặc bộ áo liền quần cho đứa con một tháng thì nó khóc thét, kiểu đau lắm đau chết mất mẹ ơi. Tôi nhìn bàn tay em bé, ôi chết rồi, hình như tôi làm gẫy ngón tay con tôi rồi. Lại đến phòng cấp cứu, lại đông ơi là đông, chồng tôi lại kể tình hình với nhân viên trực. Hai phút sau, chắc chưa đầy hai phút đâu, y tá đến đưa chúng tôi vào phòng bác sĩ. Hú vía, là do tôi tưởng tượng ra thôi, chứ bàn tay em bé không bị gẫy ngón nào,

Nhưng ông Alec thì không may  mắn như vậy, ông làm vỡ kính, kính cứa vào tay, máu chảy lòng tòng, ông buộc lại rồi đến phòng cấp cứu. Họ xem xem rồi bảo ông giơ cánh tay lên, ra kia ngồi chờ. Ông ngồi đó, giơ tay lên cao, cạnh những người vô gia cư người nghiện suốt hơn 4 tiếng đồng hồ, người ta mới cho ông vào khâu mấy mũi cho ông. Đúng là thứ nhất em bé, thứ nhì mẹ bầu, thứ một trăm mới đến ông Alec. 

Chuyển sang tiểu bang Ohio, khi đã có bảo hiểm y tế (ăn theo bảo hiểm của chồng) một cách rất đàng hoàng, tôi lại thành kiểu bệnh nhân chuyên gây chuyện với bác sĩ. Số là khi con trai bốn tuổi của tôi bị đau bụng, gặp bác sĩ thì cô ấy khám khám tý, chả chịu cho làm xét nghiệm gì, chỉ nói để theo dõi thêm một chút xem cơn đau ra sao. Tôi nói mãi cô ấy mới cho làm cái xét nghiệm máu, bảo cái chỉ số gì cao cao lên thì mới là dấu hiệu viêm. Chỉ số hơi cao cao chứ không cao hẳn, tôi bảo chụp CT đi chứ còn chần chừ gì nữa. Thấy giọng tôi to, mặt tôi đanh lại, cô ấy mới chịu gọi y tá đưa thằng cu đi chụp. Viêm ruột thừa, lên đến bệnh viện trẻ em, bác sĩ lại lằng nhằng giải thích là bệnh viện này có thể chữa viêm bằng cách cho uống kháng sinh thôi, không cần mổ, đã được chứng ngiệm rồi (sau tôi tìm hiểu thì thấy đúng thế thật). Đến lúc vào phòng mổ thì ruột thừa thằng bé đã vỡ. Chỉ vì chần chừ cái xét nghiệm của cô bác sĩ, chỉ vì “không cần mổ, tốn kém và lâu lành”mà  thằng bé đẹp như thiên thần của tôi nguy hiểm tính mạng. Sau cả bác sĩ lẫn bệnh viện cứ ngọt nhạt mãi vì sợ chúng tôi kiện.

Con vậy, còn mẹ, mấy lần tôi ho nổ họng, tối tăm mặt mũi suốt cả tháng trời mà bác sĩ không cho chụp chiếu đã đành, đến kháng sinh cũng không cho. Tôi bảo bố tôi qua đời vì ung thư phổi đấy, nó bảo biết rồi, có đọc rồi, nhưng tôi nghe phổi cô kỹ lắm, chả có chuyện đó đâu. Hai lần tôi đau ngực nên đến phòng cấp cứu, cũng khám lâm sàng là chính, xét nghiệm vài chỉ số máu cần thiết, làm cái điện tâm đồ gì đấy thôi, không chụp chiếu loạn xạ như bs Phúc suy đoán đâu. Không chỉ ở Ohio, mấy hôm trước chị Cầm ở Cali nói là vợ chồng chị ho khùng khục mấy tuần mà bác sĩ chả chịu cho chụp phổi gì cả, thuốc thang gì cả. Chuyện gì bác sĩ có thể đúng, nhưng chuyện bs Phúc phán là bs Mỹ cho chụp chiếu lung tung là sai hoàn toàn rồi, bác sĩ Phúc ơi. 

Thành thật mà nói, tôi biết nhiều bác sĩ Việt Nam rất giỏi, chả kém gì bác sĩ giỏi nhất của Mỹ. Và đúng, bác sĩ Phúc đúng ở chỗ bs Việt Nam có nhiều kinh nghiệm phát hiện và chữa các bệnh thông thường vì mỗi ngày các anh phải khám cả chục ca trăm ca. Nhưng bác Phúc ơi, bác thử tìm hiểu xem nước nào có tỷ lệ bệnh nhân ung thư, nhồi máu cơ tim, tiểu đường… được chữa khỏi cao hơn nhé. Nhưng bác Phúc ơi, sao Việt Nam vẫn phải mời chuyên gia Mỹ chuyên gia Tây chuyên gia Nhật đến để dạy chuyện này chuyện kia? 

Tôi không biết gì, tôi chỉ kể lại vài chuyện đã trải qua mà thôi.

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02xhY292rLHvvAJR3tQpte2cexgyUWiK4iu5yeP72RfhFetJq5a9Ha3xPxV6FtDMDUl&id=100013451416651

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular