Wednesday, February 5, 2025
HomeBLOGCÓ HAY KHÔNG SỰ TẤN CÔNG CÁ NHÂN ĐỐI VỚI NHỮNG NHÀ...

CÓ HAY KHÔNG SỰ TẤN CÔNG CÁ NHÂN ĐỐI VỚI NHỮNG NHÀ ĐẤU TRANH DÂN CHỦ?

Tâm Anh

Tôi có đọc qua một bài của bà Trần Thanh Vân trong Báo Tiếng Dân đưa ý kiến của bà về biệt thự 24 Điện Biên Phủ ở Hà Nội, hiện là căn nhà của gia đình tiến sỹ luật Cù Huy Hà Vũ (CHHV), đọc về những gì bà đã làm cho gia đình ông CHHV và những liên hệ xưa của gia đình bà với gia đình của nhà thơ Huy Cận và Xuân Diệu, tôi cảm thấy câu chuyện xưa của bà rất gần gũi.

Chuyện là gia đình ông nội tôi thời xưa ở Hà Bắc cũng là mối thân tình với nhà thơ Xuân Diệu.  Thời kỳ kháng chiến chống Pháp những năm cuối thập niên 1940 và đầu 1950, ông nội tôi, một địa chủ yêu nước đã tham gia vào phong trào toàn dân kháng chiến. Những nhân vật nổi tiếng như ông Xuân Thủy, ông Xuân Diệu và các ông khác mà tôi không nhớ hết từ câu chuyện của ông nội tôi thời ông còn sống, từ Hà Nội đã lần lượt về nương náu ở Hà Bắc trong căn nhà của ông bà nội tôi.  Khi cải cách ruộng đất xảy ra khoảng 1953-1956, gia đình ông nội tôi bị chính quyền cách mạng cướp đoạt nhà cửa, ruộng vườn và bị đẩy ra ở một cái cồn hoang, bắt đầu một cuộc sống của tầng lớp đói nghèo và thấp hèn nhất.

Sau cải cách vài năm, ông Xuân Diệu đã trở lại Hà Bắc tìm ông bà nội tôi. Ông đã phải làm lớn chuyện với chính quyền địa phương của Huyện Tân Yên, tỉnh Hà Bắc thời đó vì họ đã ngăn cản ông gặp thành phần địa chủ, kẻ thù của dân tộc. Gặp lại được bạn xưa, chắc ông nội tôi phải nghẹn ngào lắm!

Chuyến sau đó, ông Xuân Diệu đã quay trở lại mua tặng ông bà nội tôi một con trâu, được xem như một tài sản lớn trong cơn bĩ cực để trâu có thể thay ông nội tôi và các con ông kéo cày. Và nhiều năm sau nữa, những chuyến thăm vẫn đều đặn.  Trong những chuyến đi ấy, ông đã vài lần mang theo cháu ruột ông, CHHV về Hà Bắc như đi về thăm quê.

Tôi đang lan man đọc phần đầu của bài bà Vân viết về mối quan hệ xưa của gia đình bà với gia đình ông CHHV, tôi liên tưởng ngay đến câu chuyện của ông nội tôi và tôi cảm thấy có một cái gì đó rất chung với bà. Rồi tôi tiếp tục đọc đến phần giữa bài về các ý kiến của bà, đặc biệt là câu kết, tôi cảm thấy hụt hẫng.  Dù không hiểu rõ nội tình ra sao, nhưng tôi không đồng ý với cách bà phủ định về quyền thừa kế trên tài sản mà bà gọi là tài sản công cũng như việc bà kết luận: “Thử ngẫm mà xem, chế độ thì ghét mà bổng lộc của chế độ thì quá yêu là sao? “

Trong chế độ bao cấp trước đây, cán bộ công nhân viên nhà nước được hưởng số lương rất ít ỏi để họ có thể mua nhà hay mua thức ăn ở thị trường bên ngoài. Việc được cấp nhà ở cũng như được cấp tem phiếu thực phẩm hay tem phiếu nhu yếu phẩm là phần cốt lõi của chính sách bao cấp. Tất cả những người miền Bắc nào làm việc cho nhà nước trong thời chiến và hậu chiến đều phải ở trong chính sách bao cấp này.  Do đó, việc được cấp nhà và tem phiếu không phải là bổng lộc mà là phần của mỗi cán bộ công nhân viên được hưởng trong chính sách bao cấp.  “Bổng lộc của chế độ” theo tôi thiết nghĩ, chỉ dành cho những quan tham theo ý nghĩa tiêu cực thì đúng hơn.

Thành ra tôi chắc chắn căn nhà 24 Điện Biên Phủ là dạng nhà trong chính sách bao cấp mà nhà thơ Xuân Diệu và nhà thơ Cù Huy Cận được cấp.  Trên thực tế, hầu hết các căn nhà được cấp trong chính sách bao cấp được nhiều thế hệ ở trong suốt hơn 50 năm qua.  Dù có hợp thức hóa hay chưa, tính thừa kế vẫn hiện hữu trong những căn nhà loại này. Có thể có những dạng nhà vẫn bị nhà nước quản lý, nhưng không vì như vậy mà những người được cấp không được quyền chuyển cho con cháu mình. Phần còn lại là hợp thức hóa nếu có khả năng.

Nếu đúng ông CHHV là người thừa kế duy nhất của nhà thơ Xuân Diệu và đồng thời là một trong những người con của ông Cù Huy Cận thì việc gia đình ông CHHV sử dụng nhiều diện tích hơn là chuyện bình thường, còn chi tiết sử dụng ra sao thì tùy theo nội bộ đồng thuận hoặc theo thực trạng sử dụng gốc.  Trên thực tế hơn 50m2 đất mặt tiền đã bị cắt giao riêng cho bên bà Thu, quả phụ của ông Cù Huy Cận vào năm 2014 và đã được xây dựng nhà 8 tầng.

Việc phủ định quyền thừa kế trên căn nhà này đối với ông CHHV cũng có nghĩa là phủ định quyền thừa kế của những người khác trong gia đình ông Cù Huy Cận, trong đó có bà quả phụ của ông Cù Huy Cận dù tình trạng của căn nhà này ra sao.

Và vì hiện tại đang có rất nhiều căn nhà chưa được hợp thức hóa ở Việt Nam nên nếu việc phủ định quyền thừa kế này cũng xảy ra với tất cả các căn nhà loại này thì đây sẽ là một họa lớn cho người dân vì chính quyền cộng sản có thể lấy lý do này để tịch thu của hàng triệu người khác.

Hiện tại, những vụ cướp đất và cướp nhà đang xảy ra tràn lan, từ Bắc vào Nam, từ Dương Nội cho đến gần đây là Vườn Rau Lộc Hưng, chính quyền đang sử dụng chiêu bài này.  Đặc biệt, chính quyền tìm đủ mọi cách để đánh vào những người đấu tranh dân chủ để tìm cách đẩy họ ra đường, cô lập họ hay gia đình của họ và triệt đường sống của con cái họ mà tôi nghĩ con trai của ông CHHV cũng là nạn nhân vì theo tôi hiểu đó là lý do bà Vân đã giúp mở quán cà phê cho con ông CHHV tìm cách sinh sống.

Những người đấu tranh dân chủ đã xả thân mình cho lý tưởng dân chủ và nhân quyền. Họ bỏ hết quyền lợi cá nhân, an toàn bản thân và gia đình, họ chấp nhận nguy hiểm và đối đầu với tù tội. Họ nói hộ chúng ta và hành động dùm chúng ta – những người yêu nước thầm lặng.  Họ làm được những việc mà chúng ta không thể làm.  Chúng ta tung hô họ khi họ lao lên như những con thiêu thân vào ánh lửa dân chủ dù biết rằng họ sẽ bị thiêu đốt. Chúng ta cùng đau khổ khi họ bị cầm tù, chúng ta cùng tiếp bước với gia đình họ với tất cả tấm lòng.  Rồi khi họ thoát khỏi được nhà tù bằng cách này hay cách khác, chúng ta một số người thì hạnh phúc sẻ chia, nhưng số khác thì khích bác. Kẻ thì bảo đấu tranh giả tạo để được đi Mỹ.  Kẻ thì bảo thất vọng vì nhận tiền nước ngoài.  Kẻ thì tấn công cá nhân và kẻ thì muốn họ chết rục trong tù thì mới đúng với ý họ.  Chúng ta – những người yêu nước thầm lặng – cần phải thay đổi tư duy.

Để cùng nhìn về một hướng, thiết nghĩ trong khi phong trào dân chủ đang bị đàn áp khốc liệt, chúng ta hãy dùng năng lượng để ủng hộ họ thay vì làm suy yếu phong trào bằng những suy nghĩ tiêu cực cá nhân.

Xin gởi lòng tri ân đến mọi  người.

Tâm Anh.

 

Đường dẫn bài Báo Tiếng Dân

https://baotiengdan.com/2019/01/10/mot-so-y-kien-ve-biet-thu-24-duong-dien-bien-phu/

 

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular