Người phụ nữ hẹn gặp tôi ở trong ngôi chùa tại Berlin. Chị thắp hương cắm vòng quanh mấy ban thờ Phật, tôi cũng làm theo. Khi chị khấn, tôi lùi ra xa vì không muốn nghe chị khấn gì.
Tuổi 60, chị vẫn còn vóc dáng và nét đẹp của thời con gái.
– Buông bỏ đi em à, à mà mấy ngày nữa là rằm tháng bảy rồi em nhỉ ?
Tôi ra chiếc ghế ngoài sân chùa châm thuốc hút, chị đến ngồi cạnh. Tôi hỏi.
– Chị à, sao không bao giờ người ta khuyên kẻ mạnh buông bỏ chị nhỉ ? Em thấy người ta toàn khuyên kẻ yếu buông bỏ cái này , cái kia, bỏ thù, bỏ oán. Trong khi kẻ mạnh đang hại người, thì họ chẳng những không khuyên mà còn tự hào được kẻ mạnh đến thăm gặp. Có những kẻ bị oan khuất, họ theo đuổi kiện cáo. Em hỏi sao không khuyên những kẻ làm điều oan kia đừng cố chấp nữa, buông bỏ nhận sai để cứu mạng người tử tù trong tù, nhưng chị biết người ta bảo em thế nào không ?
Tôi ngừng lát và nói tiếp.
-Họ bảo em là đấy là do cái nghiệp của người tử tù bị oan gây từ kiếp trước. Có học thuyết tôn giáo nào mà lại đi bao che cho những kẻ quyền thế gây ác theo cái kiểu lấy kiếp trước ra để áp đặt cho nạn nhân không ?
Người phụ nữ thở dài, chị nói.
– Nhà Phật có thuyết nhân quả mà em.
Tôi cãi.
– Thuyết nhân quả sinh ra là để nhằm mục đích khuyên dạy con người làm điều thiện ngay ở cái kiếp mình đang sống, đó là một thuyết lý rất tốt đẹp con người nên làm, em không phản đối và thậm chí em còn luôn học theo. Nhưng người ta lợi dụng nó để biện hộ cho kẻ ác làm điều ác với nạn nhân, quy cho nạn nhân kiếp trước làm ác nên kiếp này mới bị. Một thuyết lý tốt đẹp bị bẻ cong biến thành công cụ bào chữa cho bọn cường quyền. Nhà Phật tạo ra thuyết nhân quả để mong con người làm việc tốt ngay từ kiếp họ đang sống cơ mà.
Người phụ nữ nhìn xa xa rồi thẫn thờ nói.
– Chị muốn Hồng được thanh thản thôi, em làm thế khuấy động người đã mất. Em biết không, Hồng mất đau đớn khủng khiếp lắm em à.
Tôi nói.
– Chị em mình tìm chỗ khác ngồi nói chuyện, câu chuyện tiếp theo em không muốn làm khuấy động nhà chùa.
Chúng tôi ra xe, tôi mở cửa cho chị lên xe, chị hỏi.
– Nhưng sao em lại biết câu chuyện này, đã 40 năm rồi.
Tôi đóng cửa khi thấy chị đã ngồi sâu bên trong, vòng lên ghế lái, nổ máy và nói.
– Nếu 40 năm rồi mà em còn biết, chị nghĩ đó có phải là nhân quả cho ai đó không ?
– Chị lạ gì, Fan của em đông, có người kể lại cho em thì em biết thôi.
– Dù thế vẫn là nhân quả chị à, nhân quả làm em biết. Nếu em không làm gì thì đâu có Fan, nếu em và ông Hiền không có gì, người ta đâu kể lại cho em.
Tôi đậu xe ở ven hồ, chúng tôi chọn quán vắng ven hồ và gọi đồ uống. Người phụ nữ nhìn mặt nước hồ hỏi.
– Có thật em mơ gặp Hồng không ?
– Vâng em có mơ gặp, nhưng là khi em nghe người ta kể lại câu chuyện đó, rồi hai đêm sau em mới mơ, vài hôm sau em mới quyết định viết chị ạ. Như em cũng viết, giấc mơ chẳng qua là do cái gì mình đọc, mình thấy, mình nghĩ nên đêm những thứ đó trở lại trong vô thức, thành giấc mơ.
-Hồng thiêng lắm, nhiều lần về báo mộng cho bọn chị. Thôi chị phải đi rồi, em đưa chị lại chùa, tí có người qua đón chị.
Tôi đưa chị trở lại chùa, câu chuyện mà tôi không muốn kể ở sân chùa vẫn chưa được nói ra.
Lúc tạm biệt , tôi bảo.
– À mà Nguyễn Nam Sơn giờ thành Thích Minh Hiền, sinh ở Hà Nội rồi chị ạ. Chả biết sao ông lấy được pháp danh để làm tên thật trên hộ chiếu, lại còn thay cả nơi sinh nữa. Chắc ông nghĩ làm thế thì những gì xảy ra ở Nam Định năm xưa không còn theo đuổi ông ấy nữa.
– Thay đổi được như thế á, sao mà làm được?
– Chị đừng ngạc nhiên, ông ấy là người của chính quyền, làm gì chẳng được.
Tôi rời đi, trời đã nhập nhoạng, tôi nhìn thấy dáng chị nhoà thành hai người, chẳng biết mắt tôi bị nhoà hay do có người phụ nữ nào vừa đứng cạnh bên chị.