Hòa Ái, RFA
2019-04-23
Chính trường Việt Nam những ngày qua được giới quan sát cho là “nóng lên” liên quan những đồn đoán về tình trạng sức khỏe của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Đài RFA có cuộc trao đổi với nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng để tìm hiểu về sự chuyển giao quyền lực ở Việt Nam sẽ ra sao trong bối cảnh sắp diễn ra Đại hội Trung ương 10 và Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) XIII vào năm 2021 ?
Trước hết, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định về thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn “Vành đai-Con đường” lần thứ 2 tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ ngày 25 đến ngày 27 tháng 4 vừa được Bộ Ngoại Giao Việt Nam thông báo vào ngày 22 tháng 4:
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Việc cử Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi dự Diễn đàn “Vành đai-Con đường” ở Trung Quốc thì đã vô hình trung gián tiếp xác nhận những thông tin đồn đoán trước đó, nhưng có cơ sở về chuyện trước khi đi Mỹ thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ đi Trung Quốc và dự diễn đàn này. Và việc cử ông Nguyễn Xuân Phúc đi Trung Quốc cũng là một dấu chỉ gián tiếp xác nhận về tình trạng ông Nguyễn Phú Trọng có vấn đề về sức khỏe, theo rất nhiều những đồn đoán trong những ngày vừa qua. Đồng thời, cũng cho thấy đây chính là thêm một dấu hiệu chuyển giao quyền lực nữa từ Nguyễn Phú Trọng sang những quan chức cấp thấp hơn, chẳng hạn như ông Nguyễn Xuân Phúc, tức là phải ủy quyền cho một quan chức nằm trong “tam trụ” đi dự Diễn đàn “Vành đai-Con đường”.
Trước đó đã có một chỉ dấu về chuyện chuyển giao quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng cho những quan chức khác trong việc tiếp đón khách nước ngoài là tiếp một đoàn khách quan trọng của Thượng Nghị viện Mỹ, do Thượng Nghị sĩ Leahy dẫn đầu đến Việt Nam làm việc. Và, người tiếp ông Leahy và đoàn Thượng Nghị sĩ Mỹ không phải là ông Nguyễn Phú Trọng mà là Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.
Do đó có thể nói toàn bộ những dấu chỉ đó cho thấy quả thực ông Nguyễn Phú Trọng có vấn đề về sức khỏe, thậm chí là không nhẹ nhàng một chút nào đối với vấn đề sức khỏe của ông Trọng.
RFA: Sắp tới đây, Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị Trung ương 10. Trong tình huống ông Nguyễn Phú Trọng có vấn đề về sức khỏe và Hội nghị Trung ương 10 tiến hành không có sự tham dự của ông Nguyễn Phú Trọng thì sẽ thế nào?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Hội nghị Trung ương 10 là hội nghị thường niên tiếp theo Hội nghị Trung ương 9, được tổ chức vào cuối tháng 12/2018. Hiện nay chỉ biết Hội nghị Trung ương 10 theo truyền thống sẽ diễn ra trước kỳ họp Quốc Hội giữa năm, bắt đầu từ ngày 20/05/2019 cho nên chưa biết nội dung của nghị trình Hội nghị Trung ương 10 gồm những gì. Nhưng chắc chắn sẽ có những nội dung quan trọng, trong đó sẽ bàn tới vấn đề như cơ cấu cán bộ cấp chiến lược để chuẩn bị cho Đại hội Đảng CSVN XIII, diễn ra trong năm 2021.
Tuy nhiên trong tình hình ông Trọng bệnh tật thì có khả năng Hội nghị Trung ương 10 nếu có diễn ra theo lịch trình thì cũng sẽ không tập trung một cách đầy đủ vào những nội dung cần có của nó, chẳng hạn như vấn đề cơ cấu cán bộ cấp chiến lược hay công việc “đót lò” (chống tham nhũng).
Và ngay trước Hội nghị Trung ương 10 thì thân phận của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ phải đối mặt với một thách thức rất lớn, là cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh vừa từ trần và theo nguyên tắc của Đảng thì ông Nguyễn Phú Trọng sẽ làm Trưởng ban Lễ tang trong đám tang của cựu Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Bây giờ người ta đang trông chờ xem quốc tang của ông Lê Đức Anh sẽ được chủ trì bởi trưởng ban lễ tang nào, là ông Nguyễn Phú Trọng hay là một người khác? Và nếu không phải là ông Nguyễn Phú Trọng thì lại thêm một chỉ dấu nữa, thêm một bằng chứng nữa cho thấy quả thực vấn đề sức khỏe của ông Trọng đang rất lớn. Nhiều thông tin còn cho rằng ông Trọng đang nằm trong chỗ được gọi là Khoa Tích cực Điều trị, số hiệu là A11 của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ở Hà Nội.
RFA: Giả sử có hai tình huống sẽ xảy ra trong Đại hội Đảng CSVN XIII diễn ra trong năm 2021. Trong tình huống thứ nhất, sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng được hồi phục, khỏe mạnh và thời điểm đó ông 77 tuổi. Có khả năng nào ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được tín nhiệm và được tiếp tục bầu chọn cho vị trí đương nhiệm hiện giờ hay không?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Có hai khả năng và đều tùy thuộc vào những văn bản do bên phía ông Trọng, cụ thể là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, một trong những người được coi là thân tín của ông Trọng soạn thảo ra. Một là, nếu trong Điều lệ Đảng tiếp tục ghi “theo quy định có những trường hợp đặc biệt”, nhưng lại không giải thích trường các hợp đặc biệt đó là như thế nào. Những trường hợp đặc biệt như vậy sẽ được coi là trường hợp được đặc cách về mặt tuổi tác, về mặt sức khỏe hay ví dụ như có khái niệm mà ông Trọng đã sáng tác ra trước đây là “không tham vọng quyền lực” hay bảo đảm những yếu tố “người Bắc có lí luận”…Những trường hợp đặc biệt như thế là hoàn toàn có thể sửa đổi Điều lệ Đảng, sửa đổi những quy định dưới Điều lệ Đảng liên quan đến việc bầu cử tại các Đại hội Đảng cao cấp để cho ông Trọng có thể “ngồi” tiếp và “ngồi” mãi. Đây là một cơ sở có thể thay đổi.
Nếu không bị thách thức bởi vấn đề sức khỏe thì nhiều khả năng, người ta đang thấy ông Trọng không những giữ chức vụ tới cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng CSVN XII, mà còn tiếp tục “ngồi” ở Đại hội Đảng CSVN XIII và có thể tiếp tục sau đó nữa như một dạng “Hoàng đế Tập Cận Bình” ở Trung Quốc
-TS. Phạm Chí Dũng
Cơ sở thứ hai là làm theo cách của Tập Cận Bình, ở Trung Quốc: Sửa đổi Hiến Pháp. Hồi năm 2018, ông Tập Cận Bình có lẽ có những tác động đủ mạnh mẽ và đủ ma mãnh tới toàn bộ Quốc Hội của Trung Quốc để khiến cho toàn bộ Quốc Hội Trung Quốc đã phải gật đầu với một quy định chưa có tiền lệ là bỏ Quy định giới hạn 2 nhiệm kỳ đối với vai trò Chủ tịch nước. Do vậy, vô hình trung cho thấy ông Tập Cận Bình nếu muốn thì có thể ngồi tại ghế Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư suốt đời và trở thành “Hoàng đế Tập Cận Bình”.
Ông Nguyễn Phú Trọng, ở Việt Nam cũng có thể giống như vậy. Và nếu không bị thách thức bởi vấn đề sức khỏe thì nhiều khả năng, người ta đang thấy ông Trọng không những giữ chức vụ tới cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng CSVN XII, mà còn tiếp tục “ngồi” ở Đại hội Đảng CSVN XIII và có thể tiếp tục sau đó nữa như một dạng “Hoàng đế Tập Cận Bình” ở Trung Quốc.
RFA: Như vậy trong tình huống thứ hai ngược lại, tại thời điểm đó mà sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng không thể đảm đương chức vụ được nữa thì chuyện gì sẽ xảy ra và khi đó các ứng cử viên sáng giá nào có thể thay thế nắm giữ hai chức vụ quan trọng Tổng Bí thư và Chủ tịch nước?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Cho đến Đại hội Đảng CSVN XIII, nếu tình hình lúc đó ông Nguyễn Phú Trọng không thể bảo đảm sức khỏe để cống hiến lâu dài cho Đảng và cho dân tộc thì chắc chắn ông Trọng phải buông rời quyền lực và trở thành một “Thái Thượng hoàng”, một dạng cố vấn hay lui về hoàn toàn để cố gắng làm “người tử tế” giống ông Nguyễn Tấn Dũng. Và lúc đó sẽ xuất hiện một số khuôn mặt mới. Cho tới nay đang xuất hiện cho cương vị Tổng Bí thư tại Đại hội Đảng CSVN XIII bao gồm:
Người sáng giá nhất được cho là ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, người được cho là tin cậy và thân tín của ông Nguyễn Phú Trọng.
Thứ hai là Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, cũng là người được ông Trọng đưa lên giữ vị trí Thứ trưởng Bộ Công An và Bí thư tỉnh Quảng Ninh.
Thứ ba là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, có lẽ là một trường hợp đặc biệt vì ông Phúc nắm khối Hành pháp và hiện nay ông Phúc về mặt thực lực, quyền bính cũng như được coi là mạnh mẽ về kinh tài thì Nguyễn Xuân Phúc là người nổi bật hơn cả. Thế nhưng, về mặt nội bộ thì lại có những thông tin cho rằng ông Nguyễn Xuân Phúc không được lòng ông Nguyễn Phú Trọng bằng như hai ông Trần Quốc Vượng và Phạm Minh Chính.
Còn một nhân vật khác phải kể đến, dù chỉ là một nhân vật trung dung nhưng đang giữ chức vụ mà ông Nguyễn Phú Trọng đã từng đảm nhiệm là Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Mặc dù, bà Kim Ngân được coi là nhân vật yếu thế nhất trong số những gương mặt ứng cử viên cho Tổng Bí thư ở Đại hội Đảng CSVN XIII hiện nay.
Thế nhưng thật ra sau biến cố xảy ra đối với ông Nguyễn Phú Trọng tại Kiên Giang thì tình hình chuyển giao quyền lực, đột biến quyền lực và khoảng trống quyền lực đã xuất hiện. Khoảng trống quyền lực này là rất lớn. Hai “cái ghế” vừa Tổng Bí thư vừa Chủ tịch nước do Nguyễn Phú Trọng đang để lộ ra, nếu không muốn nói là để lại. Như chúng ta biết theo quy luật vật lý “nước chảy chỗ trũng” thì khoảng trống quyền lực càng lớn, có nghĩa là chỗ trũng sẽ càng lớn và nước chảy càng mạnh. Do đó ngay bây giờ, tôi tin rằng đã bắt đầu một cuộc đua rất mạnh mẽ, rất sôi nổi, rất quyết thắng và có lẽ không kém cạnh gì về các thủ thuật chính trị để tranh giành những vị trí và khoảng trống quyền lưc do ông Nguyễn Phú Trọng để lại ngay tại thời điểm này, chứ không còn chờ cho đến Đại hội Đảng CSVN XIII nữa.
RFA: Một số những nhân sĩ trí thức kêu gọi cảnh giác yếu tố Trung Quốc vì họ lo ngại trong tình huống sức khỏe của ông Trọng không tốt, có thể có bàn tay của Trung Quốc nhúng vào trong cuộc đua thay thế cho vị trí của ông Trọng. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nghĩ sao?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Chắc chắn là sẽ có bàn tay của Trung Quốc. Không chỉ ở Đại hội Đảng CSVN XIII mà đã có tiền lệ từ nhiều Đại hội trước đó. Đã có những thông tin rằng thậm chí Trung Quốc có thể can thiệp nhân sự cấp Bộ Chính trị ở Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có những bằng chứng có thể kiểm chứng được vấn đề này. Và rất nhiều dư luận đã bức bối về chuyện Bộ Chính trị Việt Nam khá là thiếu bản lĩnh để cho Trung Quốc can thiệp sâu vào công tác nhân sự.
Tại Đại hội Đảng CSVN XIII có lẽ trong tình cảnh rối ren về mặt nhân sự ở Việt Nam và ngay lúc này đây, tôi nghĩ rằng Trung Quốc đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe của Nguyễn Phú Trọng và quan tâm tới tương lai hậu Nguyễn Phú Trọng sẽ như thế nào đối với Bộ Chính trị Việt Nam và đặc biết đối với vấn đề “tam trụ” hoặc “tứ trụ” của Việt Nam tại Đại hội Đảng CSVN XIII.
Chắc chắn là Trung Quốc sẽ có những sự can thiệp tác động nhất định và cũng không loại trừ có những tác động theo dạng răn đe, khủng bố tinh thần và tâm lý, và đe dọa quân sự giống như vụ Giàn khoan Hải Dương 981 đưa vào Biển Đông hồi tháng 5 năm 2014, hoặc là việc điều động một số binh đoàn, sư đoàn, quân đoàn tập trung ở biên giới phía Bắc vào những năm đó. Thế thì chắc chắn sẽ có những tác động và những tác động đó sẽ diễn ra trên nhiều mặt bao gồm ngoại giao, chính trị và cả kinh tế nữa.
RFA: Trong thời gian gần đây, với những kêu gọi Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa trong cải cách thể chế để tiến bộ và phát triển nhanh hơn và tại Đại hội Đảng CSVN XIII cho dù ông Trọng hay những nhân vật khác nắm giữ chức vụ cao nhất là Tổng Bí thư và Chủ tịch nước thì có hy vọng nào cho Việt Nam sẽ thay đổi với tam quyền phân lập được rõ ràng hơn kể từ sau Đại hội Đảng năm 2021?
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng: Thực ra hy vọng để Việt Nam cải cách thể chế, trong đó có cải cách thể chế theo yêu cầu của phương Tây đang xuất hiện trong năm 2019 này, phụ thuộc vào các hiệp định thương mại quốc tế mà Việt Nam đang đuổi.
Một là Hiệp định Đối tác Tòa diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà đã ký kết và đang triển khai vào đầu năm 2019. Đây là hiệp định đặt nặng về quyền lợi của người lao động và công đoàn độc lập mà Việt Nam phải bảo đảm.
Hiệp định thứ hai là Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và nếu như Việt Nam chịu cam kết cải thiện một số điều kiện nhân quyền theo gói yêu cầu cải thiện nhân quyền mà Nghị viện Châu Âu đã ban hành vào tháng 11/2018 thì có nhiều khả năng Hiệp định khung về EVFTA sẽ được Nghị viện mới của Châu Âu chấp thuận cho kết và phê chuẩn trong mùa hè này. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh dù cho ký kết Hiệp định khung EVFTA thì cũng chỉ là hiệp định khung về pháp lý thôi. Còn sau đó, hiệp định được coi là có lợi ích thương mại trực tiếp đối với Việt Nam là Hiệp định Bảo hộ Đấu tư Thương mại Châu Âu-Việt Nam (EVIBA) mới là quan trọng nhất. Cả hai Hiệp định EVFTA và EVIBA đều đề cập tới những vấn đề cải thiện nhân quyền mật thiết tới Việt Nam như là việc ký 3 Công ước Quốc tế còn lại về lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế, việc Việt Nam phải ban hành Luật về Hội một cách thực chất và bảo đảm việc thừa nhận, công nhận môi trường cho các tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam hoạt động, việc Việt Nam phải ban hành Luật Biểu tình và đồng thời phải trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm cũng như phải tôn trọng tự do báo chí và tôn trọng chính sách tham vấn các tổ chức xã hội dân sự cho các chính sách phát triển EVFTA…Nếu như Việt Nam cải thiện vấn đề này thì có hy vọng sẽ có một không gian mở hơn cho dân chủ ở Việt Nam.
Tôi cho là đa số tập thể Bộ Chính trị hiện nay vì quyền lợi và sinh mạng chính trị của họ và kể cả những tài sản thuộc thân nhân của họ chủ yếu nằm ở phương Tây thì họ sẽ dễ thỏa hiệp hơn với phương Tây về vấn đề cải cách thể chế và cải thiện dân chủ nhân quyền. Và do đó sẽ là cơ hội mở để cho dân chủ nhân quyền và vấn đề tam quyền phân lập, cũng như nhà nước pháp quyền mới của việt Nam chứ không phải nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa được hình thành, ra đời trong khoảng sau năm 2020
-TS. Phạm Chí Dũng
Và nếu như trong thời gian tới mà ông Nguyễn Phú Trọng hồi phục sức khỏe hoặc cho dù ông Trọng không hồi phục sức khỏe nhưng vẫn nhận được lời mời của Tổng thống Donald Trump thăm Hoa Kỳ trong năm 2019 đối với một quan chức khác được Nguyễn Phú Trọng cho đầy đủ thẩm quyền để có thể bàn bạc với ông Trump về thương mại và quân sự thì có thể không gian dân chủ ở Việt Nam sẽ còn được mở rộng hơn nữa. Tại vì những yêu cầu của ông Trump không nhấn mạnh về vấn đề nhân quyền nhưng đặc biệt nhấn mạnh vào vấn đề kinh tế thị trường, mà theo đúng nghĩa đen của kinh tế thị trường là một trong những yếu tố hiện nay, những nhu cầu cao nhất mà Việt Nam đang theo đuổi do có kinh tế thị trường thì Việt Nam tiếp cận được những nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi và thời gian ân hạn từ các tổ chức tài chính tín dụng có tiếng của quốc tế như Quỹ IMF, Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển Á Châu và một số tổ chức tín dụng tài trợ khác.
Tôi nghĩ rằng đây là một năm có thể thay đổi ở Việt Nam về vấn đề dân chủ và thậm chí đặt ra những tiền đề về cải cách thể chế. Và kịch bản đến năm 2020 và năm 2021sẽ tùy thuộc phần lớn vào sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng. Nếu trường hợp ông Trọng hồi phục được sức khỏe thì ông sẽ tiếp tục “ngồi” đến cuối năm 2020 để chuẩn bị cho Đại hội Đảng CSVN XIII. Lúc đó tôi cho là độ mở của dân chủ và vấn đề cải cách thể chế tương đối hạn hẹp, không lớn lắm so với một não trạng bảo thủ như của ông Trong. Nhưng trong trường hợp ông Trong không đủ duy trì sức khỏe để “ngồi” tiếp và phải chuyển giao quyền lực cho những nhân vật khác thì tôi tin rằng các nhân vật còn lại trong Bộ Chính trị hiện nay đều mang khuynh hướng rất thực dụng và cũng dễ tránh xa những cạm bẫy của Trung Quốc.
Tôi cho là đa số tập thể Bộ Chính trị hiện nay vì quyền lợi và sinh mạng chính trị của họ và kể cả những tài sản thuộc thân nhân của họ chủ yếu nằm ở phương Tây thì họ sẽ dễ thỏa hiệp hơn với phương Tây về vấn đề cải cách thể chế và cải thiện dân chủ nhân quyền. Và do đó sẽ là cơ hội mở để cho dân chủ nhân quyền và vấn đề tam quyền phân lập, cũng như nhà nước pháp quyền mới của việt Nam chứ không phải nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa được hình thành, ra đời trong khoảng sau năm 2020.
RFA: Chân thành cảm ơn Tiến sĩ Phạm Chí Dũng dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này với Đài RFA.