CHÚNG TA ĐÃ LÀM GÌ TÂY NGUYÊN

0
357
Ảnh: Biểu diễn bài "Suối đàn t'rưng".

Nguyễn Hoàng Việt 

13.6.2023 

Tây Nguyên vốn là 2 nước Thuỷ Xá, Hoả Xá có quan hệ với triều Nguyễn. Khi Pháp xâm lược và thành lập ra Liên bang Đông Dương thì ban đầu Tây Nguyên được giao phân về cho Lào do nhận thấy Lào về mặt chủng tộc khá gần với dân ở đây. Đến năm 1904 Pháp mới giao về cho triều đình Huế quản lý, khi đó Tây Nguyên mới thuộc về Việt Nam.

Công sứ Pháp đầu tiên là Sabatier có chủ trương bảo tồn văn hoá Tây Nguyên, đấu tranh quyết liệt ngăn không cho người Việt, người Hoa và người Pháp xâm nhập. Tuy nhiên ông bị nhiều đơn tố cáo về các tội lỗi của ông ở Tây Nguyên nên bị triệu hồi về nước. Và ngay sau đó, những người Pháp đã nhanh chóng thiết lập các đồn điền đề trồng cao su và cà phê. Tranh chấp về quyền lợi đất đai ở Tây Nguyên đã có ngay từ đầu thế kỷ thứ 20.

Nhà văn Nguyên Ngọc – một nhà Tây Nguyên học đã chia rừng ở Tây Nguyên thành 5 loại. Đất và rừng với người Tây Nguyên là vô cùng thiêng liêng do Thần linh (Yang) giao cho từng làng từ xa xưa. Và không hiểu vì lí do gì mà có một quan niệm phổ biến về người Tây Nguyên là du canh, du cư, đốt rừng làm rẫy, đây không chỉ là quan niệm mà điều này còn được đưa vào Sách giáo khoa và trên truyền thông. Khi đất và rừng là nơi thiêng liêng được thần giao như thế thì người Tây Nguyên rất tôn thờ và không chuyển đi nơi khác trừ khi có thiên tai, dịch bệnh. Hãy cùng nhìn vào nhà rông của người Tây Nguyên cao vài chục mét, dài khoảng 200 mét, cột to hai người ôm và xây bằng gỗ nguyên khối. Kiến trúc nhà cửa kiên cố đồ sộ như vậy không phải là của một tộc người lang thang, tạm bợ. Người Tây Nguyên đốt một khoảnh rừng để làm rẫy, đất ở đó cho chất mùn từ lá cây vốn màu mỡ, canh tác khoảng vài năm thì bạc màu, người  chuyển sang đối một khoảnh rừng khác, khoảng đất cũ người Tây Nguyên gọi là rẫy dế, còn thuật ngữ nông nghiệp thì chính là hưu canh (cho đất nghỉ để tạo dưỡng chất). Kỹ thuật chặt và đốt rừng làm rẫy đã có từ nghìn năm, không hề để xảy ra cháy rừng. Sau khoảng hơn chục rẫy như vậy thì dân lại quay về rẫy đầu tiên, khi đó đã được vài chục năm là thời gian cho khoảnh rừng tái sinh. Đây là 1 hình thức luân canh, và theo tiêu chuẩn hiện nay thì đây là cách trồng trọt khá là organic.

Về địa chính trị, đây là ở vị trí ngã 3 Đông Dương. Ai làm chủ được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ cả miền nam Đông Dương, và trong kháng chiến chống Pháp chính các dân tộc vùng Tây Nguyên đã hợp tác chặt chẽ với quân đội VN, trở thành địa bàn thuận lợi cho các chiến dịch lớn để giải phóng đất nước. 

Vậy chúng ta đã làm gì với vùng Tây Nguyên?

Chủ trương của nhà nước sau năm 1975 với vùng Tây Nguyên là xây dựng Tây Nguyên là trọng điểm về kinh tế và là địa bàn chiến lược về an ninh quốc phòng. Cách thực hiện là tiến hành một cuộc đại di dân và xây dựng các vùng kinh tế mới.

Kết quả là người bản địa từ việc chiếm 95% đến hiện nay nhiều vùng người bản địa chỉ còn 15% và trở thành dân tộc thiểu số tại quê hương của mình. Các khu rừng nguyên sinh bị thay thế bằng cây cà phê, cao su và khai thác gỗ đã làm biến mất rừng nguyên sinh và nhiệt đới, thay đổi toàn bộ hệ sinh thái. Đấy là chưa nói đến những dự án năng lượng điện thiếu quy hoạch đã làm hỏng môi trường và sinh kế của người dân. Người Kinh đã tàn phá rừng 1 cách tàn bạo hơn nhiều so với người bản địa trong khi gán cho người dân bản địa tội phá rừng làm rẫy. Trong khi bản chất của việc làm rẫy là mượn tạm thiên nhiên và trả lại, vừa sống cùng rừng vừa canh giữ rừng. Jacques Dournes đã gọi làm rẫy là lối canh tác sang trọng (de luxe).

Chính sách nghiêm trọng nhất là việc coi toàn bộ vùng Tây Nguyên là vô chủ và quốc hữu hoá toàn bộ đất đai ở đây, trong khi ngàn đời nay nó là của Trời giao cho làng. Việc vi phạm văn hoá lâu đời này sinh ra nhiều hệ luỵ về sau. 

Văn hoá Tây Nguyên hiện đại là văn hoá được xây dựng để diễn cho khách du lịch xem. Tại sao UNESCO lại công nhận “Không gian văn hoá cồng chiêng” mà không phải là “văn hoá cồng chiêng”, cái không gian đấy bây giờ đang ở đâu? Những gì chúng ta thấy ở Tây Nguyên hiện nay là những màn biểu diễn và mô phỏng để phục vụ nhu cầu cho khách du lịch

Cách người Kinh đối xử với người dân tộc Tây Nguyên không khác nhiều so với những gì người dân Châu Âu đối xử với người Châu Mỹ bản địa. Tất cả những việc làm đó là mầm mống cho việc tạo nên nhà nước Degar và FULRO với mục đích ly khai vùng Tây Nguyên. Tất cả những ẩn ức trong tiềm thức của một dân tộc với văn hoá đặc trưng đã bị lợi dụng để kích động, tạo nên nhiều xung đột đẫm máu không đáng có.

Liệu có còn cơ hội nào để giữ được văn hoá của vùng đại ngàn?

Ảnh: Biểu diễn bài “Suối đàn t’rưng”.

727500cookie-checkCHÚNG TA ĐÃ LÀM GÌ TÂY NGUYÊN