Phiên giao dịch ngày 21/10 của thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sắc đỏ trên khắp các sàn giao dịch, với chỉ số VN-Index giảm tới 4,9% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021, khiến Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất thế giới.
Theo Bloomberg và Reuters, chứng khoán Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm vì làn sóng ‘bán tháo’ ra thị trường giữa bối cảnh lo ngại về lãi suất tăng.
Trong số hơn 880 mã rớt giá, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam và Công ty Cổ phần Khí Việt Nam nằm trong số những cổ phiếu rớt mạnh nhất.
Hàng loạt các cổ phiếu có vốn hoá lớn khác cũng đang bị nhà đầu tư bán ra như VHM (Vinhomes), MSN (Masan), VIC (Vingroup), HPG (Tập đoàn Hòa Phát), và cổ phiếu các ngân hàng như TCB (Techcombank), CTG (Vietinbank), MBB (MBBank)… cũng bị bán ra mạnh, khiến thị trường giảm càng sâu hơn, báo Tuổi Trẻ cho biết thêm.
Tình trạng “bán tháo” xảy ra đối với cổ phiếu Việt Nam sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất thêm một điểm phần trăm vào tháng trước để kiềm chế lạm phát. Mặt khác, các nhà đầu tư cũng lo lắng sau khi tiền đồng của Việt Nam tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay trong bối cảnh đồng đô la tiếp tục mạnh lên.
“Áp lực lệnh dừng ký quỹ đã buộc các nhà đầu tư phải bán tháo trong thời gian gần đây và tâm lý hoang mang trong giới đầu tư vẫn chưa kết thúc. Những ngày này, hầu hết các loại lãi suất quan trọng như lãi suất liên ngân hàng đều đang tăng lên rất nhiều”, Bloomberg dẫn lời ông Phùng Trung Kiên, người sáng lập công ty quản lý tài sản Vietnam Holdings, cho biết.
Dòng tiền ra cũng đang chịu áp lực, sau khi các nhà đầu tư nước ngoài bán cổ phiếu Việt Nam trong bảy tuần liên tiếp để đưa số tiền rút từ đầu năm đến nay lên tới 95 triệu USD.
“Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang rất hoảng loạn và họ tìm cách thoát ra mà không quan tâm đến việc họ đang bán cổ phiếu nào”, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán Khách hàng Tổ chức tại Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI, nói với Bloomberg.