Thursday, December 26, 2024
HomeBLOGChủ toạ Giám đốc thẩm Hồ Duy Hải: 3 mà là 1!

Chủ toạ Giám đốc thẩm Hồ Duy Hải: 3 mà là 1!

Cao Nguyên / RFA

Phiên xử vụ án tử tù Hồ Duy Hải theo thủ tục Giám đốc thẩm kết thúc hôm 8 tháng 5 sau ba ngày làm việc. Nhưng kết quả của phiên toà này lại mở ra cuộc tranh cãi, phản đối mạnh mẽ từ giới luật sư, cũng như những người quan tâm đến vụ án.

Nhiều ý kiến cho rằng bản án không công tâm, khách quan bởi chủ tọa phiên tòa này giữ cả 3 vai trò tố tụng trong vụ án này.

Chủ toạ Nguyễn Hoà Bình vi phạm nguyên tắc tố tụng

Ông Nguyễn Hoà Bình, hiện là Chánh án TAND tối cao, vào thời điểm xảy ra vụ án là phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, đến thời điểm ra quyết định không kháng nghị vụ án thì ông là Viện trưởng Viện KSND tối cao và khi xét xử Giám đốc thẩm ông lại ngồi ghế chủ tọa.

Vì vậy, ngay khi phiên toà kết thúc, Đại biểu Quốc hội, ông Lưu Bình Nhưỡng trả lời báo chí trong một video clip rằng người dân hoàn toàn có lý khi nghi ngờ về tính công minh, vô tư của ông Chánh án Toà án Nhân dân (TAND) Tối cao Nguyễn Hoà Bình:

“Khi đồng chí Chánh án tối cao từng là Viện trưởng Viện kiểm sát (VKS) tối cao, là người trực tiếp không kháng nghị vụ việc này. Bây giờ, lại ngồi để xét xử thì liệu có hay không có mang cái định kiến tư pháp này vào ghế chủ tọa. Đương nhiên, xã hội, nhân dân và cử tri người ta có quyền nghi ngờ cái tính công minh, nghi ngờ cái không thiên vị, nghi ngờ cái tính vô tư của một Chánh án TAND tối cao. Trước phiên xử, người ta đã đặt câu hỏi rồi, liệu Chánh án Nguyễn Hòa Bình có vượt qua được chính bản thân mình hay không.”

Phân tích dưới khía cạnh pháp lý, luật sư Trần Đình Dũng từ Sài Gòn nói với RFA rằng việc ông Nguyễn Hoà Bình từng kinh qua 3 vị trí trong cùng một vụ án là vi phạm nguyên tắc tố tụng:

“Trong tố tụng hình sự, năm 2011, ông Nguyễn Hòa Bình đã có hành vi tố tụng hình sự trong vụ án Hồ Duy Hải là ra một văn bản xác định không có căn cứ kháng nghị đối với vụ án.

Cho đến ngày 6/5 vừa rồi, ông tham gia trong hội đồng của phiên Tòa giám đốc thẩm. Như thế là không đảm bảo nguyên tắc khách quan trong khi tiến hành tố tụng của vụ án hình sự. Nguyên tắc này được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự của nhà nước Việt Nam.”

Đồng quan điểm, luật gia Phạm Lê Vương Các viện dẫn điều 53, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để chứng minh kết quả phiên Giám đốc thẩm vừa rồi là không đủ công tâm.

Điều 53 về vấn đề thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm: Khoản c) Đã tham gia xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án:

“Ở trong bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định rằng trong trường hợp này, thẩm phán sẽ phải từ chối tham gia xét xử, hoặc là phải để cho một thẩm phán khác đứng ra xét xử nếu như người thẩm phán này đã từng tham gia vào vụ án này trước đây.

Như vậy, trường hợp của ông Nguyễn Hòa Bình, làm Chánh án của phiên xử Hồ Duy Hải và trước đây ông cũng đã từng tham gia vào quá trình tố tụng trong tư cách là Viện trưởng VKS, đã bác kháng nghị, nếu đối chiếu vào bộ luật trong trường hợp này, đó rõ ràng là phán quyết của ông ấy sẽ không khách quan, không công  tâm.”

“Kết quả phiên Giám đốc thẩm không có giá trị”

Theo luật sư Trần Đình Dũng, một khi đã vi phạm các nguyên tắc tố tụng thì kết quả Giám đốc thẩm phải bị huỷ bỏ:

“Khi mà đã vi phạm các nguyên tắc về tố tụng hình sự thì kết quả của việc của quyết định Giám đốc thẩm là không có giá trị theo luật pháp tố tụng hình sự Việt Nam.

Thủ tục Giám đốc thẩm không phải như một phiên tòa bình thường. Do đó cái tuyên bố đó không phải là một bản án mà nó chỉ là một cái quyết định mà thôi. Nếu như nó là một bản án thì bản án đó sẽ bị cấp trên tuyên hủy.”

Tuy nhiên, trong trường hợp này, điều khó khăn là Hội đồng thẩm phán của TAND Tối cao ra phán quyết. Đây là cấp toà cao nhất ở Việt Nam nên sẽ không có cấp toà nào cao hơn để xét lại quyết định Giám đốc thẩm vừa qua. Luật gia Phạm Lê Vương Các nói:

“Trong trường hợp này, cơ quan ra phán quyết là Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Đây là cơ quan xét xử cao nhất ở Việt Nam rồi, nên không có một cơ quan xét xử nào để mà xem xét lại bản án này được.

Chỉ có một số cơ quan bên Quốc hội đề nghị xem xét lại vụ án thì khi đó Hội đồng Thẩm phán mới mở cuộc họp để xem xét lại chính cái phán quyết trước đây mà họ đã ban hành.”

Luật sư Dũng cho biết theo điều 404 bộ luật tố tụng hình sự, nếu có một trong các điều kiện sau: Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKS nhân dân tối cao kiến nghị, Chánh án TAND tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó. Như vậy, bây giờ vẫn còn nhiều cơ quan có thể yêu cầu xem xét lại vụ án:

“Ở Việt Nam chưa từng có tiền lệ lập một hội đồng thủ tục đặc biệt để xem xét các quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao. Nhưng tôi nghĩ lần này, với nhiều đại biểu Quốc hội ý kiến, thì chắc cũng có khả năng sắp tới đây sẽ có một thủ tục đặc biệt theo bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 là xem lại quyết định của Hội đồng thẩm phán.”

Bất kỳ ai cũng có quyền yêu cầu xem xét lại vụ án

Như vậy, phải làm sao để các quan chức Quốc hội gởi kiến nghị xem xét lại vụ án này? Luật gia Phạm Lê Vương Các cho rằng bất kỳ ai là người Việt Nam, nếu quan tâm và nhận thấy kết quả bản án là chưa thuyết phục, đều có thể gởi đơn yêu cầu Quốc hội phải kiến nghị với TAND Tối cao:

“Cụ thể là trong trường hợp của Hồ Duy Hải, những người thân trong gia đình của Hồ Duy Hải, luật sư như hoặc bất kỳ một người nào quan tâm mà phát hiện việc ra các phán quyết của TAND tối cao là sai thì đều có thể gửi đơn tới các cơ quan Quốc hội yêu cầu xem xét.

Sau đó, người ta sẽ trả lời là có đồng ý chuyển kiến nghị tới Hội đồng Thẩm phán tòa án tối cao để xem xét lại hay không.”

Theo luật sư Trần Đình Dũng, không chỉ riêng vụ án này, người dân có quyền gởi kiến nghị tới Quốc hội về bất cứ vấn đề nào của đất nước, Quốc hội có nhiệm vụ phải lắng nghe, và tạo điều kiện cho người dân trình bày ý kiến:

“Bất kỳ công dân nào cũng đều có quyền gửi văn bản kiến nghị đối với Quốc hội về bất kỳ một vấn đề gì tư pháp, hành pháp, lập pháp hoặc bất kỳ vấn đề gì của đất nước. Tôi cũng thấy có một số người họ đã gửi kiến nghị.

Điều 28 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị tới các cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở ở địa phương và cả nước. Nhà nước phải tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước, xã hội công khai minh bạch, tiếp nhận mọi kiến nghị của công dân.”

Một bản kiến nghị kêu gọi mọi người ký tên đòi công lý cho Hồ Duy Hải được đăng tải trên mạng xã hội từ ngày 13/5. Đến tối ngày 15/5, đã có gần 3000 người tham gia ký tên ủng hộ.

Bản kiến nghị này sẽ được gởi đến 4 người lãnh đạo chủ chốt, một số Đại biểu Quốc hội quan tâm đến vụ án này cùng các Đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam.

Ngoài ra, ngày 15/5, thêm một bản kiến nghị khác của một số luật sư yêu cầu xem xét lại quyết định Giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular