Những người vợ, người mẹ, người tù khổ sai của một thời…
Trước khi lụm cụm chui vào mùng, bà cụ Hàn hỏi con dâu: Thế thằng Cừ nó nói gì với cô?
Đó là lần thứ mười bà già lập lại câu hỏi. Yến trả lời, lần thứ mười:
– Thì anh ấy bảo Tết này, thế nào nhà con cũng được thả về.
– Nó có chắc không, hay lại…
– Chắc. Thì anh ấy với nhà con ngày xưa cùng ở một đơn vị, cùng bị đưa đi một ngày. Nay anh ấy được thả về…
– Thế sao nó được về trước?
– Họ thả mỗi đợt mười người. Anh Cừ thuộc đợt trước, nhà con đợt sau.
*
Bà cụ leo lên giường. Cái giường cũ rên ọp ẹp. Cái chiếu rách tả tơi, thâm sì, Yến muốn mua cái mới, bà già nhất định không chịu. “Cô hoang phí nó vừa vừa chứ…” Bà già không vứt đi cái gì, từ chiếc áo cũ đã vá chằng chịt, đến những chai lọ, hộp giấy, hộp thiếc nhặt ở ngoài đường, chất lỉnh kỉnh dưới gậm giường.
Mấy con muỗi láu cá lẻn sau lưng bà cụ già, len vào mùng, bay vo vo, nhặng xị.
Bà già đưa tay run rẩy đập muỗi. Những con muỗi nhanh nhẹn tránh né, kêu vo vo, trêu cợt.
Yến bỏ cái áo đang vá, chui vào mùng, đập muỗi cho mẹ chồng.
Bà già nghiêng mình, nằm nghiêng. Không dám nằm ngửa: cái lưng của bà đau buốt, chịu không nổi cái thân nặng không đầy 40 kí lô.
– Mẹ muốn uống thuốc ngủ không?
Bà già không cần thuốc ngủ. Từ hôm tin con sắp về, bà già ngủ ngon lành. Ăn ngon lành. Ông Thìn hàng xóm nói: “Bà cụ trẻ hẳn ra!”
*
Trẻ ra hay không, không biết, Yến thấy bà tươi hẳn ra. Như cái cây đang rũ xuống được tưới nước. Yến cũng tươi hẳn ra. Đêm qua, khi cả nhà ngủ, nàng lục cái va-ly cũ dưới gậm giường. Cái va-ly buộc chặt, nằm yên dưới gậm giường. Trong rương lỉnh kỉnh một thỏi son, một lọ nước hoa của Tây, một chiếc gương nhỏ, bên cạnh cái áo dài xanh da trời. Đó là những gì nàng giữ lại từ ngày cưới. Bao nhiêu áo dài ngày xưa, nàng dần dần mang ra, cắt may áo cho con. Chỉ còn chiếc áo dài xanh, mỗi lần cầm kéo định cắt, lại tần ngần, gấp áo lại. Yến tô son lên môi. Thỏi son để lâu ngày, khô cứng. Nàng mặc chiếc áo dài. Chiếc áo hơi rộng; nàng gầy đi vì lo nghĩ, ăn uống bữa đực bữa cái. Nàng soi gương, ngắm đi ngắm lại và nhận ra những nét nhăn ở đuôi mắt.
*
Bà cụ Hàn:
– Ngày mai, nhớ dặn bác Thu để dành cho mình một ít lá chuối. Tết này gói ít bánh chưng.
– Còn ba tuần nữa mới Tết, mẹ cứ…
– Không dặn trước, họ bán hết, Tết lại trơ mắt ra.
Yến không hỏi lấy tiền đâu mua gạo, thịt gói bánh. Nàng không muốn làm nguội cái vui của bà cụ già.
Thảo và Hiếu, hai đứa nhỏ nằm trên giường bên cạnh, trong cái mùng vàng úa, vá chằng chịt, tưởng đã ngủ yên, vội nhỏm dậy. Con Thảo nhanh miệng hơn em:
– Tết gói bánh thật hở mẹ?
Từ bảy năm nay, từ cái ngày bố chúng nó bị đưa đi, Tết nhất buồn thiu. Sang lắm là một buổi cơm với gà luộc, thứ gà kỹ nghệ, rẻ tiền, bở như bột gạo.
Bà cụ Hàn:
– Bố mày gói bánh chưng không ai bằng. Ngày xưa, Tết nào nó cũng gói cho cả xóm. Bánh họ cho, ăn cũng không hết.
Rồi nói, như nói một mình:
– Cái thằng khéo tay lạ. Gói cái bánh cứ vuông như đúc. Lại buộc lạt đỏ tươi, đẹp hơn cả bánh ngoài tiệm. Đầu tháng Chạp là cả xóm đến đặt bánh. Đến ông Chiểu ở tận dưới Mỹ Tho cũng lội lên nhờ gói.
Thằng Hiếu dụ:
– Tết, nhà mình đốt pháo hả bà?
Con chị mắng: Cái thằng ngu như bò. Người ta cấm đốt pháo. Mày muốn đi tù hả?
Anh cu Hiếu nín khe. Đi tù là một chuyện rất nên tránh. Bố đi tù, Hiếu thấy bà nội khóc hoài. Nhiều đêm chợt thức dậy vì đái dầm trôi cả giường, Hiếu thấy bà ngồi trong mùng, khóc một mình giữa đêm tối. Con trai bà Hựu đi tù, bà Hựu khóc suốt ngày. Chồng chị Bích đi tù, chị Bích nổi khùng chửi bới tùm lum, tóc tai bờm xờm như con mẹ điên.
Bà cụ Hàn:
– Pháo phiếc gì chẳng biết, nhưng cũng phải may cho mỗi đứa một bộ quần áo mới. Tết nhất để nó rách rưới quá không được. Mà thế nào bố nó cũng đưa con đi sửa lại mộ cho ông cụ.
Con Thảo nghe may quần áo mới, mừng rỡ:
– May áo ở tiệm hả bà? Tiệm chị Vượng. Chị Vượng nói nếu có vải, chị ấy may không công cho cháu.
Câu hỏi lại lởn vởn trong đầu Yến: lấy tiền đâu ra mua vải, thuê xe lên nghĩa trang. Hôm qua bà già còn bàn cả chuyện đưa cả nhà đi chùa, tạ ơn Trời Phật.
Bà già như đoán ra cái lo ngại của con dâu:
– Con heo nhà mình mập căng ra, Tết thế nào cũng được giá.
Bán heo là điều không bao giờ Yến nghĩ đến. Con heo nái là cả mối kỳ vọng của bà cụ Hàn. Bà cụ chăm con heo như người ta chăm con đẻ. Mỗi lần con heo bỏ ăn, bà già bỏ ăn, ngồi trong chuồng heo vỗ về con vật, đưa cám lên tận miệng, dỗ dành gần như năn nỉ. Con heo đau, bà già lội bộ hơn hai chục cây số, lên Bà Chiểu kiếm thuốc.
Bà cụ đã được ông Hựu hứa sẽ cho heo đực của ông đến nhẩy, chỉ lấy tiền khi bà già bán được heo con. Ông Hựu vốn tính keo kiệt, một xu là một xu, tiền trao cháo múc. Con heo đực lại là cái cần câu cơm của gia đình ông. Nhưng từ khi con ông Hựu bị đưa đi, ông Hựu thấy gần gũi với bà cụ Hàn, thỉnh thoảng ghé qua uống nước, trò chuyện cho đỡ buồn và sẵn sàng giúp bà cụ.
Yến nhìn mẹ chồng dò hỏi. Bà già chép miệng:
– Bán con này rồi nuôi con khác. Thằng kia nó về, lo gì. Nó mát tay lắm. Nuôi heo, heo cứ lớn như thổi. Nuôi gà, gà hàng xóm phải gió, lăn ra chết cả chuồng, gà nhà mình chẳng mất con nào.
*
Thằng Hiếu không biết mặt bố, nhưng thấy từ hôm có tin bố về, đời sống như mở ra, tươi hẳn lên. Bánh chưng Tết, quần áo mới, đi chùa, đi nghĩa trang thăm mộ ông nội. Ông bố ở đâu hiện ra, như một phép lạ. Cu Hiếu không biết mặt bố vì khi bố bị đưa đi, nó chưa đầy một tuổi. Không có cả một tấm hình trong nhà. Sau ngày 30 tháng 4, bà cụ đem con xuống trốn trong một ngôi chùa ở ngoại ô, rồi về nhà, có cái hình nào của con, nhất là hình con mặc quần áo lính, bà già đem ra đốt sạch.
Cu Hiếu hỏi:
– Bố cháu đẹp trai lắm hả bà?
Con Thảo:
– Không đẹp trai mà lấy được mẹ. Mẹ ngày xưa cũng là hoa khôi chứ bộ.
Suýt nữa cu Hiếu buộc miệng hỏi hoa khôi là gì, nhưng không dám, sợ bị con chị mắng là ngu như bò:
– Sao chị biết?
– Thì chú Tấn nói, dì Phúc nói, chị Vượng nói. Ai cũng biết cả, chỉ có mày ngu như con bò…
*
Yến ngồi vá áo, nghĩ đến ngày cưới, mặc áo dài xanh, má hồng. Các bà, các cô ai cũng trầm trồ. Cái ngày ấy vừa xa như một ngàn năm, vừa gần như hôm qua.
Lần cuối cùng Yến gặp chồng cách đây ba năm. Nàng cùng một người em họ lặn lội cả tháng từ Nam ra Bắc, leo núi, vượt núi mới tới được cái trại tù cải tạo ở một vùng khỉ ho cò gáy gần biên giới Việt Hoa. Lọ thịt bông và gói thuốc lá đã mốc meo. Người ta cho họ gặp nhau hai giờ. Nếu người đàn bà ở lại với chồng thêm 15 phút, chắc chắn nền an ninh quốc gia sẽ bị đe dọa.Người đàn ông đứng trân nhìn vợ, không biết nói gì, nước mắt chảy dài trên má. Người đàn ông hốc hác, tiều tụy đến nỗi mấy phút đầu, Yến không nhận ra. Trước khi chia tay, người đàn ông cởi nút áo, khoe vợ: một con én mầu xanh đậm, xâm trên ngực. Con én dang cánh bay, vẫy vùng, tự do. Đó là tác phẩm của một người bạn tù. Người chồng hỏi: Em hiểu tại sao con én? Nàng hiểu. Én là Yến. Và đến lượt nàng khóc. Nước mắt ở đâu nó cứ tràn ra, tràn ra, giữ không được.
Cu Hiếu ráng thức để nghe nói chuyện về bố, nhưng mắt nó cứ nặng dần, nặng dần. Trong cơn mơ, cu Hiếu thấy bố cưỡi ngựa về, hàng xóm láng giềng đứng hai bên đường chiêm ngưỡng. Bố đeo trên vai một cái túi đầy kẹo, bánh. Thèm chất ngọt từ lâu ngày, thiên đường, với anh cu Hiếu, là mấy gói kẹo.
*
Cơn mưa rả rích không ngớt. Gió lạnh xé thịt. Hai người tù run rẩy đào huyệt. Nước bùn lạnh tê chân khiến họ vừa hì hục đào vừa co chân nhẩy. Người cán bộ đứng co ro dưới một gốc cây, ra lệnh, răng đánh bần bật:
– Thôi, đủ sâu rồi. Nấp đất nại đi, rồi còn về. Sắp giao thừa, còn hì hục giữa đồng.
Hai người tù một già, một trẻ khênh cái xác, đặt xuống huyệt. Cái xác nhẹ như xác con nít, gầy trơ những chiếc xương sườn. Người tù trẻ:
– Nghe người ta nói da bọc xương, bây giờ mới thấy.
Chiếc áo rách bươm không che nổi cái xác gầy. Trên ngực xác chết, một hình xâm, mầu xanh đậm, không rõ hình thù dưới làn da nhăn nhúm.
Người tù trẻ tò mò, lấy hai ngón tay, căng làn da ngực người chết, nhận ra một con én tung cánh bay.
Trời tối đen. Ngọn đèn bập bùng chỉ dọa tắt. Có tiếng pháo lẻ lẹt đẹt vọng về từ một xóm xa, lẫn với tiếng chó sủa ăng ẳng. Người cán bộ hỏi, sốt ruột: “Xong chưa?”
Người tù già:
– Xin phép cán bộ cho kiếm một viên đá, đánh dấu nấm mộ. Sau này, nếu người nhà anh ấy có đến tìm xác. Nghĩa tử là nghĩa tận.
Ông cán bộ không nói gì, không la hét, nguyền rủa, dọa nạt. Tết nhất, ông ta hiền hẳn ra.
(Trần Công Sung)