CHÍNH PHỦ KIẾN TẠO, NGƯỜI XÂY KẺ PHÁ.

0
490

Hôm nay, toà tuyên án vụ hãng taxi Vinasun kiện đòi Grab bồi thường 41 tỉ đồng. Tôi đang chờ xem trí tuệ của hệ thống tư pháp Việt Nam đang ở cấp độ nào – văn minh hay hủ hoá, tư duy của họ được khai sáng đến đâu – ở mức 4.0 hay là 0,4.

Tôi biết rằng, những phản ứng của dư luận về hành vi có thể ví von là “cưỡng hiếp văn minh” của Vinasun, của Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã được các cơ quan cấp cao hơn ở ngành tư pháp và cả các bộ ngành ở Chính phủ tỏ tường.

Có vị lãnh đạo cơ quan quản lý ngành nhắn cho tôi, vẻ vẫn muốn siết cổ Grab – một đại diện cho những gì nảy nở sinh sôi trên nền tảng công nghệ mà lẽ ra cần phải thúc đẩy thay vì muốn gô cổ nó lại, lôi nó về với cái đám già nua cũ kĩ kia. Tôi không tranh luận riêng vì thấy cần thiết phải bàn vấn đề này trước công luận.

“Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt, không thua kém với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới”.

Lời phát biểu ấy của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh VN ngày 13-9 đã khơi gợi trong tôi rất nhiều xúc cảm. Đó là khát vọng về một đất nước Việt Nam giàu mạnh, một Việt Nam tự cường, thịnh vượng, một Việt Nam dần dần thoát khỏi đầm lầy để chạy trên con đường cao tốc, sớm trở thành hổ thành rồng như ước nguyện bấy lâu.

Nhưng, nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể trở thành một con hổ mới của khu vực khi nó đi từ kinh tế gia công, lạc hậu, lấy công làm lãi, đào xới khoáng sản lên bán lấy tiền tiêu xài, hút dầu lên bán đổi lấy tăng trưởng, dần được chuyển sang một nền kinh tế chủ động trong sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng và nắm giữ được giá trị thặng dư, có tích luỹ tư bản. Đó là phải là một nền kinh tế tri thức, trên nền tảng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Công nghệ đã thay đổi thế giới và công nghệ sẽ thay đổi lịch sử loài người. Vậy thì không có lý do gì mà công nghệ không thay đổi được số phận của một dân tộc. Không có lý do gì công nghệ không thể mang đến một tương lai khác, một tương lai xứng đáng cho đất nước đã có quá nhiều khốn khổ này.

Trừ một lý do, đó là con người. Nếu con người đóng khung tư duy, không cởi mở đầu óc, tiếp nhận cái mới, cổ vũ sáng tạo, phát minh phát kiến, thì cuối cùng sẽ chẳng có văn minh hay thịnh vượng nào hiện hữu. Nếu con người móc ngoặc với nhau làm điều bất minh, nếu những bàn chân quen thói đi đêm lại cùng dừng bước ở nơi thực thi công lý, để cho lợi ích chi phối, bảo vệ tàn tích của sự trì trệ và lạc hậu, thì thứ hiện hữu trên đất nước này sẽ là sự hủ bại, là những tiền đồ của chị Dậu, là những con đường quanh co không lối thoát, là bước chân vĩnh viễn không thể rút ra khỏi đầm lầy u tối và nhầy nhụa. Bánh xe lịch sử sẽ ngày càng lao dốc, một lịch sử đi lùi.

Nếu ở nơi thực thi công lý, những cái đầu 0.4 cố kiết bảo vệ cho sự vô lý và ngược ngạo của Vinasun, thì những lý thuyết trên sẽ là nỗi ám ảnh của hiện tại. Bởi vì rất có thể, đó sẽ là tương lai của đất nước này.

Grab là một điển hình về một sự sáng tạo trên nền tảng của công nghệ. Grab không trực tiếp sở hữu xe. Người sở hữu xe mới là người kinh doanh vận tải. Grab cung cấp một dịch vụ kết nối giữa những người có nhu cầu đi xe và người chủ xe đang cần khách. Nói một cách nôm na, Grab giống như một trung tâm môi giới khách hàng cho những người kinh doanh. Và rõ ràng, dựa trên công nghệ, Grab đã thay đổi phương thức vận tải.

Đó, cõ thể nói là một sự tiến hoá của hoạt động kinh tế – ra đời nền kinh tế chia sẻ.

Vinasun là một điển hình của những thành công trong quá khứ nhưng đến bây giờ sắp rơi vào cảnh chỉ còn là thứ vang bóng một thời. Thay vì chuyển động cùng thời đại, thay đổi bản thân, làm mới phương thức, bắt kịp xu hướng kinh tế chia sẻ, cạnh tranh công bằng và sòng phẳng, lại trở thành một người gia với tính cách của đứa trẻ lên ba, mè nheo, bắt đền, dựa trên những thứ vô cùng vô lý.

Thật tiếc là trên đất nước Việt Nam hôm nay, có quá nhiều thứ vô lý đang được tồn tại, quá nhiều sự trì trệ đang được bao bọc. Thế nên, Vinasun giống như một cơ thể già yếu, moi những đồng tiền tích luỹ trong quá khứ ra để mua lấy lon nước tăng lực chứa toàn đường hoá học, uống ừng ực vào, hòng có được một chút năng lượng ngoại thân để tổng lực tấn công vào những điều mới mẻ, cấp tiến.

Thế nhưng, năng lượng từ lon nước tăng lực mua bằng tiền không thể thắng thế mãi. Năng lượng tự thân, dựa vào sức mạnh của bản thân, sức mạnh của quy luật phát triển, mới là thực sự mạnh. Cuối cùng, không gì có thể cản nổi sự thắng thế của những điều mới mẻ. Bởi vì đó là quy luật của sự vận động và phát triển. Một quy luật không bàn tay nào có thể đảo ngược.

Thế nhưng, không vì quy luật như thế mà mà Chính phủ im lặng trước những vô lý đang diễn ra ở căn phòng công lý. Bởi vì, một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, vì kém cỏi mà sa sút, lại dám cả gan vác mặt đi đòi một doanh nghiệp dịch vụ trung gian không trực tiếp kinh doanh vận tải, phải nôn tiền ra cho mình, với sự đồng hành của Viện kiểm sát, thật sự không khác gì hành vi phỉ báng kiến tạo. Và bởi vì, nếu toà án ném ra phán quyết Grab phải chạy lùi về thành Vinasun, thì chẳng khác nào cái tát vào những nỗ lực kiến tạo.

Nếu họ dám ra một phán quyết như thế, rõ ràng đó là những kẻ phá hoại. Chính phủ cố gắng kiến tạo, hô hào cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng các cơ quan thừa hành lại đi ngược về 0.4 thì cuối cùng, những chủ trương đúng, sẽ chỉ nằm trên những nghị quyết, hay cùng lắm là lồ hô hào, kêu gọi mà thôi.

Tại sao môi trường kinh doanh liên tiếp tăng bậc mà vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam lại giảm?

Câu trả lời nằm ở phiên toà của Vinasun và Grab.

Ông Nguyễn Xuân Phúc và bộ máy giúp việc của mình cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách hành chính để môi trường kinh doanh được cải thiện vac nâng hạng.

Nhưng, những phiên toà như Vinasun sẽ phá huỷ những nỗ lực ấy.

362460cookie-checkCHÍNH PHỦ KIẾN TẠO, NGƯỜI XÂY KẺ PHÁ.