Monday, December 23, 2024
HomeBLOGCần chế tài nghiêm khắc 3 công ước quốc tế về lao...

Cần chế tài nghiêm khắc 3 công ước quốc tế về lao động

VOA 19/04/2019

Phạm Chí Dũng

Ảnh: Rất có thể là vào kỳ họp tháng 5 năm 2019, Quốc hội Việt Nam sẽ đưa vấn đề 3 công ước quốc tế để bỏ phiếu thông qua.

Dấu hiệu nhượng bộ thứ hai

“Nhận thức về một số vấn đề về lao động giữa hai Bên có thể còn có những khác biệt nhất định, nhưng Quốc hội Việt Nam sẽ nghiêm túc, xem xét kỹ lưỡng các quy định có liên quan đến 3 Công ước của Tổ chức ILO theo khuyến nghị của EU, EP. Hiện nay, việc sửa đổi Bộ luật Lao động cũng đã được khởi động và theo lịch trình, tại kỳ họp tháng 5 tới, Quốc hội Việt Nam sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi này” là dấu hiệu nhượng bộ thứ hai, được phát ra bởi Đài Tiếng nói Việt Nam về chuyến đi châu Âu vào cuối tháng 3 năm 2019 của Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội Việt Nam, khi bà Ngân gặp Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Liên minh châu Âu (EU) là Bernd Lange – một cơ quan tham mưu rất quan trọng về các hiệp định thương mại quốc tế và có vai trò quan trong không kém Hội đồng châu Âu.

Rất có thể là vào kỳ họp tháng 5 năm 2019, Quốc hội Việt Nam sẽ đưa vấn đề 3 công ước quốc tế này để bỏ phiếu thông qua.

Dấu hiệu xuống thang đầu tiên của ‘đảng và nhà nước ta’ trước EU là thông tin chính phủ giao “Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu tình” ló ra vào tháng 3 năm 2019, sau khi Hội đồng châu Âu đã thẳng tay quyết định hoãn vô thời hạn việc phê chuẩn EVFTA (Hiệp- định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) vào tháng 2 năm 2019, với nguồn cơn thực chất là tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam quá trầm trọng và chẳng có gì được cải thiện, khiến chính quyền Việt Nam ‘mất ăn’ khi tưởng như đã nuốt trôi mọi thứ.

Toàn ‘hứa suông’ và ‘hứa cuội’

Một trong những bằng chứng rõ ràng nhất về quan điểm đánh bài lờ về các điều kiện nhân quyền của chính thể độc đảng ở Việt Nam là từ sau cuộc điều trần về chủ đề EVFTA – nhân quyền do Ủy ban Thương mại quốc tế châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels, Bỉ, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa chịu ký 3 công ước quốc tế của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể và việc bãi bỏ lao động cưỡng bức, dù chính thể này đã cam kết ‘sẽ ký’ tại cuộc điều trần đó.

Tại cuộc điều trần trên, các nghị sỹ muốn biết là Việt Nam sẽ làm gì để cải thiện nhân quyền; kế hoạch cụ thể để cải thiện nhân quyền là gì; Việt Nam cần thể hiện bằng hành động để chứng minh sẽ và có thể thực hiện các cam kết. Ngoài ra cũng yêu cầu rằng 3 công ước còn lại của ILO cần phải được Việt Nam ký chính thức trước khi EU bỏ phiếu chấp thuận EVFTA.

3 công ước còn lại của Công ước Quốc tế về Quyền lao động nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam một khi có công đoàn độc lập.

Bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể.

Còn bà Maria Arena thuộc đảng Xã Hội của Vương quốc Bỉ, là thành viên của Nghị Viện Liên Âu cho biết không thấy nhiều tiến triển về phía Việt Nam: “từ năm 2012-2018 chúng tôi nhận thấy các tiêu chí về quyền Nghiệp đoàn và nhân Quyền của Việt Nam vẫn chưa tiến bộ một cách đầy đủ. Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể chờ thêm 6 tháng nữa để Việt Nam thực hiện lời hứa. Nhưng không chỉ là lời hứa mà là sự đảm bảo, ngay cả trước khi Nghị Viện Liên Âu phê chuẩn hiệp định này. Nghị viện Liên Âu cần Việt Nam có những chỉ dấu tích cực chứ không chỉ là lời hứa. Chúng tôi có thể cho thêm thời gian, nhưng thời gian đó phải được Việt Nam sử dụng để có những hành động cho thấy được sự nổ lực của họ”.

Bản nghị quyết về nhân quyền của Nghị viện châu Âu được ban hành vào giữa tháng 11 năm 2108 cũng đề cập đến việc Việt Nam phải ký 3 công ước quốc tế về lao động.

Khỏi phải nói là 3 công ước lao động còn lại thể hiện mối ‘an nguy’ đến thế nào đối với chế độ cầm quyền ở Việt Nam, vì những công ước này, đặc biệt là công ước về quyền tự do lập hội, liên quan mật thiết đến công đoàn độc lập – một định chế mà từ lâu chính quyền Việt Nam đã luôn gán ghép nó với tổ chức Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ XX, để từ đó quy kết cho công đoàn độc lập là nhằm thu hút, tập hợp số đông công nhân để lật đổ chính quyền.

Chiến thuật ‘câu giờ’ của chính quyền Việt Nam liên quan đến việc ký 3 công ước quốc tế về lao động là rất rõ. Hứa hẹn ‘sẽ ký’ từ trước cuộc điều trần ở Bỉ cho tới nay vẫn chỉ là một lời hứa chẳng có giá trị gì. Trong khi đó, Việt Nam vừa âm thầm vừa công khai vận động một số nước châu Âu nhằm tác động đến Nghị viện châu Âu để sớm thông qua EVFTA, với toan tính rằng nếu việc thông qua này diễn ra sớm trong nửa đầu năm 2019 thì Việt Nam sẽ có luôn EVFTA trong tay mà chẳng phải ký thêm bất kỳ một công ước quốc tế lao động nào.

EU cần chế tài cụ thể và nghiêm khắc

John Sifton, Giám đốc Vận động, Ban Á châu của Human Rights Watch, đã hoàn toàn đúng khi nhận định: “Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn. Làm như vậy là tưởng thưởng cho Việt Nam trong khi nước này chẳng làm gì cả, thông qua EVFTA là đánh đi một thông điệp tệ hại cho thấy những cam kết mà Liên minh châu Âu đã đưa ra trước đây là dùng thương mại như một công cụ để quảng bá nhân quyền trên toàn cầu không còn đáng tin.”

“Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu cần gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng không thể phê chuẩn hiệp định EVFTA cho tới khi nào nhà nước Việt Nam có thái độ nghiêm túc muốn giải quyết những lo ngại về nhân quyền,” ông Sifton nói. “Việt Nam nên hiểu rằng nếu châu Âu trì hoãn hiệp định này thì đó là do lỗi của Hà Nội, chứ không phải của Brussels.”

Sự lên tiếng của John Sifton xuất hiện trong bối cảnh do áp lực của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, một số thành viên trong Nghị viện châu Âu đang tìm cách đẩy nhanh việc phê chuẩn EVFTA bất chấp Việt Nam đã lờ đi những lời kêu gọi liên tiếp đòi Hà Nội cải thiện hồ sơ nhân quyền.

Một trong những điều khoản của Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU – được Ủy ban châu Âu thông qua tại Brussels, đưa ra yêu cầu về thúc đẩy dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Điều 6 của hiệp định này nhấn mạnh: “Có một sự liên kết thể chế và pháp lý giữa Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Đối tác và Hợp tác EU-Việt Nam. Liên kết này cho phép các biện pháp được coi là phù hợp trong trường hợp vi phạm nhân quyền, bao gồm cả biện pháp đình chỉ Hiệp định Thương mại.”

Đã từ quá lâu, chẳng có gì bảo chứng cho lời cam kết ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ của chính thể độc đảng ở Việt Nam. Bằng chứng về thái độ hai mặt đó đã tích tụ quá nhiều kể từ năm 2013 khi Việt Nam được chấp nhận là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc: nhà cầm quyền Việt Nam vẫn liên tiếp truy bắt, bỏ tù hàng trăm nhà hoạt động nhân quyền bằng những điều luật cực kỳ mơ hồ và ngụy tạo.

Chính quyền Việt Nam còn thoải mái ký kết Công ước quốc tế về chống tra tấn, để ngay sau đó hàng năm cứ liên tiếp xảy ra quá nhiều cảnh công an đánh đập dã man người hoạt động nhân quyền và người dân biểu tình, quá nhiều cảnh công dân phải ‘tự chết’ trong đồn công an, trong đó số trường hợp các nhân viên công an bị phát hiện đã tra tấn đến chết người dân lại quá hiếm hoi…

Về thực chất, đằng sau động thái chính phủ giao Bộ Công an nghiên cứu xây dựng Luật Biểu tình chỉ là sự tiếp nối của một chuỗi động tác đối phó và ma mị nhằm đạt được mục tiêu ký kết và phê chuẩn EVFTA ngay trong năm 2019. Còn Bộ Công an lại được biệt danh là ‘bộ đàn áp nhân quyền’, quá tai tiếng về đàn áp biểu tình và vô số vấn nạn tra tấn người dân. Việc giao cho bộ này làm Luật Biểu tình, trong khi đúng ra phải giao cho những cơ quan chuyên môn là Bộ Nội vụ hoặc Bộ Tư pháp, là chẳng khác nào ‘giao trứng cho ác’ và tiếp thêm một mồi lửa thách thức EU và các chính phủ tiến bộ trên thế giới.

EVFTA cũng thế. Nếu không có những quy định chế tài hết sức cụ thể và nghiêm khắc trong Hiệp định EVFTA, khả năng chính thể Việt Nam nuốt lời và không làm gì cả cho dù có chịu ký 3 công ước quốc tế về lao động, là rất lớn.

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular