Khi đội U23 Việt Nam gây bất ngờ ở Trung Quốc vào năm 2018, ai cũng nghĩ rằng bóng đá nước nhà đã bỏ lại nỗi ám ảnh cũ và viết lên trang sử mới. Dù chỉ là Á Quân sau một trận chung kết đầy bi kịch nhưng cũng để lại dấu ấn trong lòng mọi người.
Trong giải Asian Cup 2019 cũng vậy, đội bóng như được lột xác và lần đầu tiên lọt vào tứ kết trước khi rời giải với thất bại 1-0 trước Nhật Bản. Đến giải vô địch Đông Nam Á rồi SEA Games, Việt Nam đã lấy lại những gì thuộc về mình trong khu vực sau 60 năm chờ đời. Mọi người đều tự hào rằng Việt Nam đã lên một đẳng cấp khác.
Họ có tất cả lý do để tin vào điều đó. Một huấn luyện viên tài ba dù chưa nổi tiếng của Hàn Quốc, một đội bóng đầy cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản và một nền bóng đá chuyên nghiệp hơn so với thế hệ trước.
Nhưng phong độ nhất thời đó không tồn tại quá lâu. Trong giải U23 Châu Á 2020 thì vì top 3 đội sẽ được thi đấu ở Olympic 2020 nên các nước cử cầu thủ chất lượng đến tham gia. Vì vậy Việt Nam không thể lặp lại kỳ thích như ở Thường Châu năm 2018 được.
Trong cả ba trận với UAE, Jordan và Triều Tiên thì đội Việt Nam không để lại ấn tượng gì và cho thấy nhiều hạn chế. Kết quả thất bại 1-2 cũng không có gì bất ngờ và bị loại ở vòng bảng là điều hiển nhiên.
Đây là điều cần thiết để chúng ta bớt ảo tưởng và thực tế hơn về bản thân.
Việt Nam không hề và không thể là một cường quốc bóng đá được. Vì chúng ta chỉ đầu tư phần ngọn chứ không có một hệ thống thể dục thể thao chuyên nghiệp như các nước khác. Các quyết định và tổ chức đều phải do nhà nước thực hiện. Đây là thất bại của hệ thống tập trung. Nó không thể nào sản sinh ra thế hệ tài năng được mà chỉ là phong độ tạm thời.
Như nền kinh tế Việt Nam, bóng đá đất nước này như một bong bóng. Nó được thổi phồng lên để phục vụ cho mục đích tuyên truyền. Nó đã bị chính trị hoá để làm công cụ mị dân. Không cần phát triển, chỉ cần thắng vài trận là “Đặt cả Châu Á dưới chân.” Không cần đầu tư hệ thống và cơ sở hạ tầng, chỉ cần đánh nhanh rút gọn và tự gọi mình là nhà vô địch.
Chẳng ai làm bóng đá như vậy cũng như không có quốc gia nào phát triển đất nước bằng cách tập trung cho bề ngoài còn bên trong thì trống rỗng. Đến một lúc nào đó thì bong bóng phải xì và đổ vỡ vì chẳng có lý do nào để nó lớn mãi cả. Sự phồn vinh giả tạo của đất nước này không thể tiếp tục duy trì, cũng như sự tiến bộ nhất thời của đội bóng không thể được coi là đẳng cấp mới.
Muốn phát triển đất nước cũng như bóng đá thì hãy bắt đầu với giáo dục, cạnh tranh, tự do, xây dựng hệ thống và minh bạch chính sách. Nếu không thì một ngàn Bầu Đức cũng vô nghĩa. Park Hang Seo hay José Mourinho cũng bất lực vì vấn đề nằm ở cách vận hành của đất nước CNXH.
Hãy coi thất bại này là bài học để cải thiện. Ngừng chính trị hoá bóng đá, ngừng kiêu ngạo và ngừng ảo tưởng. Đã đến lúc nhìn nhận hạn chế để trưởng thành. [16.1.2020]
Ku Búa @ Cafe Ku Búa