Thursday, October 10, 2024
HomeDU LỊCHBLOGBAUXITEVN Phỏng Vấn TS CÙ HUY HÀ VŨ về vụ nhà báo...

BAUXITEVN Phỏng Vấn TS CÙ HUY HÀ VŨ về vụ nhà báo ĐOAN TRANG BỊ BẮT

Bauxite Việt Nam (BVN)
Như Bauxite Việt Nam (BVN) đã đưa tin, nhà báo Phạm Đoan Trang, phóng viên và biên tập viên chuyên trang Tuần Việt Nam – Viet namnet đã bị cơ quan công an bắt giam vào thứ sáu, 28/8/2009, nhưng lý do của việc bắt giam này không thật rõ ràng. BVN có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ (CHHV) về sự kiện truyền thông – pháp luật nổi cộm này.

BVN: Trả lời các hãng tin quốc tế, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Vietnamnet của Bộ Thông tin và Truyền thông, nói rằng cơ quan công an thông báo cho ông biết là nhà báo Phạm Đoan Trang đã bị bắt vào thứ sáu vừa qua vì “xâm phạm an ninh quốc gia” nhưng không cho biết nữ nhà báo này bị bắt ở đâu và hiện bị giam ở đâu. Vậy thưa Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, việc bắt giam này có đúng pháp luật không?
CHHV: Trước hết tôi phải nói rằng Phạm Đoan Trang là một nhà báo có chính kiến, có cá tính mạnh. Đầu tháng 7 vừa qua, Phạm Đoan Trang đã phỏng vấn tôi về vụ tôi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra Tòa do Thủ tướng đã ra Quyết định số 167/2007/QĐ–TTg cho phép khai thác bauxite tại Tây Nguyên trái Hiến pháp và pháp luật và sau đó bài phỏng vấn này đã được đăng trên Nhịp cầu thế giới – Tạp chí điện tử tin tức và văn hóa Việt Nam ở Hungari với đầu đề “Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ tin mình sẽ thắng kiện” [*].
Trong bài phỏng vấn đó, nữ nhà báo Vietnamnet này đã hỏi thẳng tôi: “Ông có nghĩ tới một khả năng nào gọi là xấu nhất, cho chính ông không?” thì tôi trả lời: “Khi xác định đi kiện Thủ tướng là tôi đã biết sẽ phải “đấu trí” rồi. Tôi kiện Thủ tướng là trên cơ sở luật pháp và vì vậy luật pháp sẽ bảo vệ tôi”. Vậy mà giờ đây “khả năng gọi là xấu nhất” lại xảy ra với chính người đã lo nghĩ cho tôi.
Tuy nhiên, cần phải rạch ròi giữa thiện cảm cá nhân và pháp luật. Để nói, bây giờ tôi chỉ căn cứ các quy định pháp luật để đánh giá vụ việc tư pháp này. Với những thông tin mà BVN đã nêu, tôi khẳng định có dấu hiệu cơ quan công an bắt giam nhà báo Phạm Đoan Trang trái pháp luật!

BVN: Bắt giam trái pháp luật cụ thể thế nào, thưa Tiến sĩ?
CHHV: Bộ Luật tố tụng hình sự quy định việc bắt người chỉ có thể thực hiện trong những trường hợp sau đây:
Một là, bắt người trong trường hợp khẩn cấp khi có căn cứ cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc cần ngăn chặn người đó bỏ trốn;
Hai là, bắt người phạm tội quả tang hoặc đang bị truy nã;
Ba là, bắt bị can, bị cáo để tạm giam.
Điều 85 Bộ luật tố tụng hình sự quy định người ra lệnh bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho gia đình người bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó cư trú hoặc làm việc biết và nêu rõ lý do bắt. Mà pháp luật là phải chính xác, cơ quan bắt người phải nêu rõ người bị bắt phạm tội gì quy định trong Bộ Luật hình sự và bị bắt ở đâu vì trong mọi trường hợp việc bắt người phải được lập biên bản trong đó ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản, những việc đã làm, tình hình diễn biến khi thi hành lệnh bắt, người chứng kiến… Chẳng hạn, cơ quan công an bắt nhà báo Phạm Đoan Trang không thể thông báo chung chung là nhà báo này “xâm phạm an ninh quốc gia” mà phải nói thật rõ nữ phóng viên này đã phạm tội gì trong 14 tội quy định tại Chương XI – Các tội xâm phạm an ninh quốc gia bởi không thể có chuyện cùng lúc phạm cả 14 tội được! Vậy mà theo lời ông Nguyễn Anh Tuấn, thủ trưởng của nhà báo Phạm Đoan Trang thì cơ quan công an đã không cho biết địa điểm bắt và nhất là không cho biết tội danh cụ thể được quy cho nhà báo này! Chính sự khuất tất đó là dấu hiệu cho thấy cơ quan công an bắt giam nhà báo Phạm Đoan Trang trái pháp luật!
Tóm lại, trừ trường hợp bắt khẩn cấp hoặc bắt quả tang như đã nêu, luật pháp nghiêm cấm bắt bừa, tức bắt rồi mới tiến hành điều tra, thu thập hay củng cố chứng cứ để khép tội, theo kiểu “không tội này thì tội khác” đã trở thành thuộc tính của không ít “công sai” thời hiện đại. Như vậy, Tổng biên tập Vietnamnet và gia đình nhà báo Phạm Đoan Trang cần nhanh chóng yêu cầu cơ quan công an thông báo về tội danh cụ thể và các chi tiết khác có liên quan đến việc bắt giam cô. Nếu cơ quan công an không làm được như vậy thì phải trả tự do ngay lập tức và không điều kiện cho nhà báo Phạm Đoan Trang!

BVN: Mặc dù Tổng biên tập Vietnamnet Nguyễn Anh Tuấn phủ nhận, dư luận trong nước và quốc tế vẫn cho rằng sở dĩ nhà báo Phạm Đoan Trang bị bắt giam vì nhà báo này đã viết bài phản ánh mạnh mẽ quan điểm chống khai thác bauxite tại Tây Nguyên và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chúng tôi không dám khẳng định điều này nhưng đã là dư luận thì phải cố tìm cách làm sáng tỏ. Phải chăng chống khai thác bauxite tại Tây Nguyên và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ Việt Nam trên biển Đông là xâm phạm an ninh quốc gia, thưa Tiến sĩ?
CHHV: Ngược lại là đằng khác, chống khai thác bauxite tại Tây Nguyên vào thời điểm hiện nay, khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ Việt Nam trên biển Đông chính là nhằm bảo vệ an ninh quốc gia. Quốc phòng thì rõ rồi, bảo vệ văn hóa, bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ an ninh quốc gia vì cả chúng ta và thế giới đều biết, sở dĩ dân tộc Việt Nam trường tồn, không bị đồng hóa dù bị ngoại bang đô hộ cả ngàn năm là vì đã giữ vững được bản sắc văn hóa của chính mình, vẫn trụ vững trên mảnh đất quê hương là vì quyết không để môi trường sống bị hủy diệt bởi ngược lại là chỉ có tha phương! Các “tâm thư” của Khai Quốc Công thần – Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, Thiếu tướng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Trọng Vĩnh, cuộc vận động xuyên Việt và liên Việt (người Việt trong và ngoài nước) ký “Kiến nghị” – phong trào yêu nước và dân chủ rầm rộ chưa từng thấy kể từ khi chính thể Dân chủ Cộng hòa ra đời vào 2/9/1945 – do GS Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Phạm Toàn và GS TS Nguyễn Thế Hùng khởi xuớng và việc công dân Cù Huy Hà Vũ khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng không nằm ngoài mục đích cao cả này!

BVN: Thưa Tiến sĩ, thế thì tại sao nhà báo Phạm Đoan Trang và một số nhà báo và “blogger” có cùng quan điểm như Người buôn gió – Bùi Thanh Hiếu ở Hà Nội, Mẹ Nấm – Quỳnh Như ở Nha Trang, Osin Huy Đức ở thành phố Hồ Chí Minh… lại bị công an bắt giam hoặc bị cơ quan báo chí buộc thôi việc trong những ngày qua?
CHHV: Vietnamnet bây giờ là cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin và Truyền thông (nên đổi thành Bộ Tuyên truyền và Truyền thông mà vẫn giữ được “thương hiệu” Bộ 4T) mà Bộ trưởng là Ủy viên Trung ương Đảng Lê Doãn Hợp, nguyên Phó Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng Tô Huy Rứa đứng đầu) và vì vậy là một trong những tiếng nói chính thống của Chính phủ nên những bài của nhà báo Đoan Trang đăng trên Vietnamnet về vấn đề khai thác bauxite tại Tây Nguyên và chủ quyền Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và lãnh hải trên biển Đông, có thể nói đã có sự bảo lĩnh của Chính phủ. Tất nhiên trong nội bộ Chính phủ cũng như bất cứ tổ chức nào khác hay giữa Chính phủ và Ban Tuyên giáo trung ương không phải lúc nào cũng có sự đồng thuận tuyệt đối về các vấn đề trên nên không loại trừ khả năng nhà báo Phạm Đoan Trang và một số nhà báo chính thống và phi chính thống khác mà ta gọi là “blogger” có cùng quan điểm bị cơ quan công an bắt giam – nếu không phải có những hành vi rõ rệt chống lại Hiến pháp, thực sự xâm phạm an ninh quốc gia – hoặc bị buộc thôi việc, là nạn nhân tình thế của “ai thắng ai” trong Chính phủ nói riêng, trong ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam nói chung. Việc thủ trưởng của Phạm Đoan Trang, Tổng biên tập Vietnamnet Nguyễn Anh Tuấn đã từng bị đe cách chức sau khi tờ báo điện tử này đăng bài “Sức mạnh đồng thuận Việt Nam: Nhìn từ Hoàng Sa – Trường Sa”, căng tới mức ông Tuấn đã phải chủ động đệ đơn xin nghỉ việc với “lý do cá nhân” nhưng rồi lại trụ được há chẳng phải là bằng chứng sinh động và thuyết phục cho khả năng trên đó sao?!

BVN: Được biết mới đây, ngày 31/8 Tiến sĩ đã bảo vệ thành công quyền lợi của thân chủ tại Tòa phúc thẩm – Tòa tối cao cho dù ngay trước đó ông đã công kích mạnh mẽ Chánh án Tòa tối cao Trương Hòa Bình, khẳng định vị này đã vi phạm luật tố tụng khi không hồi âm Đơn của ông khởi kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Điều này thực tình làm một số người ngạc nhiên, vui thích nữa, vì họ cứ ngỡ rằng ông sẽ bị “trả đũa” trong những vụ kiện khác…
CHHV: Nếu hiểu như vậy thì thế là tích cực, vì Tòa án đã “vượt qua được chính mình”. Bất luận thế nào, Tổ quốc và lợi ích của mọi nhà đều nằm trong việc thực thi một cách công khai, chính xác và đầy đủ Hiến pháp và Pháp luật. Vì vậy, từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ cho đến người dân Việt Nam, tất thảy phải luôn tâm niệm: “Đúng Hiến pháp và Pháp luật thì làm, không đúng Hiến pháp và Pháp luật thì kiên quyết không làm, tức phụng sự Tổ Quốc và Nhân dân vậy!”.

BVN: Xin cảm ơn Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đã một lần nữa khẳng định “Tổ quốc – Hiến pháp và Pháp luật trên hết”!

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular