Thursday, January 2, 2025
HomeBình Luận-Quan ĐiểmBầu Cử Và Quyền Chọn Lựa Của Người Dân

Bầu Cử Và Quyền Chọn Lựa Của Người Dân

Tổng Thống thứ 16 của Hoa Kỳ Abraham Lincoln (1809-1865) đã từng nói rằng, “Bầu cử (sự chọn lựa) thuộc về người dân. Đó là quyết định của họ. Nếu họ quyết định đưa lưng về phía lửa và đốt cháy lưng của mình, thì họ sẽ phải ngồi trên vết phỏng đó.”

 Theo lẽ thường ở đời thì không ai muốn tự đốt lưng mình để phải ngồi trên vết bỏng! Đó là lý do tại sao nhân loại đã không ngừng tranh đấu để có được các chế độ biết lắng nghe và tôn trọng các quyền và nguyện vọng của người dân, biết thương và lo cho dân. Đó là chế độ tự do dân chủ. Trong chế độ dân chủ thật sự, lá phiếu tượng trưng cho quyền lực tối hậu của người dân. Người dân sử dụng lá phiếu để chọn lựa ai là người có đủ tư cách để lãnh đạo đất nước.

Nhưng nói đến người dân là nói đến một tập họp quần chúng đa dạng, với sự khác biệt về văn hóa, tôn giáo, học thức, tình cảm cá nhân, lập trường chính trị, hoàn cảnh kinh tế, bối cảnh gia đình và xã hội, v.v… Vì vậy, cách chọn lựa người lãnh đạo của mỗi người, mỗi nhóm người cũng khác nhau. Điều nguy hiểm cho chế độ dân chủ là khi những dị biệt này, vốn là chuyện bình thường và tốt đẹp trong sinh hoạt tự do dân chủ, bị cực đoan hóa thì lá phiếu của người dân sẽ bị biến thành vũ khí cho các chính trị gia cực đoan để họ thỏa mãn cuồng vọng cá nhân của họ.

Tuy nhiên, để có được cái quyền bầu cử như ngày nay thì người dân Mỹ cũng phải đấu tranh liên tục chứ không phải tự nhiên mà có. Để hiểu rõ quá trình tranh đấu cam go cho quyền bầu cử, chúng ta nên tìm hiểu sơ qua các sự kiện quan trọng trong lịch sử Hoa Kỳ.

Bầu cử là quyền của người dân Mỹ để chọn nhà lãnh đạo xứng đáng của họ.(Photo: istockphoto.com)

Quyền bầu cử ở Mỹ

Hiến Pháp năm 1776 của tiểu bang New Jersey là văn bản pháp quy đầu tiên của nước Mỹ cho phép tất cả cư dân, gồm phụ nữ được quyền bầu cử, theo tài liệu từ Thư Viện Pence Law Library của Đại Học American University tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.

Trong cuộc bầu cử Tổng Thống Đầu Tiên vào năm 1789, đòi hỏi cử tri phải là điền chủ đàn ông da trắng từ 21 tuổi trở lên. Nhiều tiểu bang được trao quyền ra luật bỏ phiếu của riêng họ và tại một số tiểu bang, tín đồ Thiên Chúa Giáo La Mã, Do Thái Giáo và các hội viên Hội Bằng Hữu Tôn Giáo (Quakers) bị cấm bỏ phiếu.

Năm 1790, Luật Nhập Quốc Tịch được thông qua, nhưng chỉ cho phép các di dân da trắng tự do trở thành công dân.

Năm 1792, tiểu bang New Hampshire dẫn đầu toàn quốc về việc xóa bỏ đòi hỏi cử tri phải là điển chủ. Ngược lại, năm 1807, tiểu bang New Jersey đã thông qua luật cấm phụ nữ đi bầu cử. Năm 1821, New York tu chính hiến pháp của tiểu bang yêu cầu cử tri da đen phải có trị giá tài sản cao mới được bỏ phiếu nhằm mục đích ngăn cản họ bầu cử.

Năm 1868, Tu Chính Án thứ 14 được thông qua mà trong đó các cựu nô lệ được trở thành Công Dân Mỹ chính thức.

Năm 1870, Tu Chính Án thứ 15 được thông qua bảo đảm quyền bầu cử cho tất cả đàn ông, không luận chủng tộc, màu da, hay tình trạng nô lệ trước đó. Tuy nhiên, nhiều tiểu bang đã bắt đầu ra luật đánh thuế bầu cử và trắc nghiệm đọc viết để hạn chế người Mỹ gốc Phi Châu không cho họ bỏ phiếu. Vào tháng 3 năm này, Thomas Mundy Peterson trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương.

Năm 1872 lãnh đạo phong trào đòi Quyền Bầu Cử của Phụ Nữ Susan B. Anthony cố gắng đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử và bị bắt. Sojourner Truth, cựu nô lệ và nhà hoạt động nữ quyền và bài nô cũng đã yêu cầu được bỏ phiếu nhưng bị từ chối.

Năm 1876, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ phán quyết rằng người Mỹ Bản Xứ không phải là công dân và không được bầu cử. Nhưng đến năm 1887, Đạo Luật Daws được thông qua để trao quyền công dân cho người Mỹ Bản Xứ với điều kiện họ phải từ bỏ tư cách bộ lạc của họ.

Năm 1882, Đạo Luật Loại Trừ Người Trung Quốc đã được thông qua và do đó các di dân Trung Quốc không được trở thành công dân và không được bỏ phiếu.

Năm 1890, tiểu bang Wyoming hợp pháp hóa quyền bầu cử cho phụ nữ trong hiến pháp của tiểu bang. Đạo Luật Nhập Quốc Tịch Cho Người Mỹ Bản Xứ cũng được thông qua và cấp quyền công dân cho người Mỹ Bản Xứ nào nạp đơn xin và được chấp thuận.

Năm 1908, lần đầu tiên cuộc biểu tình cho quyền bầu cử của phụ nữ đã được diễn ra tại Thành Phố New York. Đến năm 1913, một cuộc diễn hành đòi quyền bầu cử cho phụ nữ có tổ chức quy mô lần đầu tiên bởi Hội Quyền Bầu Cử Của Phụ Nữ Mỹ Toàn Quốc (National American Woman Suffrage Association) được diễn ra tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn.

Năm 1920, Tu Chính Án thứ 19 được thông qua mà qua đó trao cho phụ nữ quyền bầu cử, nhưng quyền này vẫn còn dành ưu tiên cho phụ nữ da trắng.

Năm 1922, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ra phán quyết rằng những người gốc Nhật không đủ tư cách để trở thành công dân có quốc tịch Mỹ.

Năm 1923, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ lại ra phán quyết rằng người Thổ Dân gốc Á không đủ tư cách để trở thành công dân có quốc tịch Mỹ.

Năm 1924, Đạo Luật Quốc Tịch Người Bản Xứ trao quyền công dân cho người Mỹ Bản Xứ. Trong khi đó nhiều tiểu bang thông qua luật và các chính sách cầm người Mỹ Bản Xứ bỏ phiếu.

Năm 1925, những người Phi Luật Tân bị cấm không cho nhập tịch Mỹ trừ khi họ phục vụ trong Hải Quân 3 năm.

Năm 1940, chỉ 3% người Mỹ gốc Phi Châu tại miền Nam có đủ điều kiện để ghi danh bầu cử. Các điều luật Jim Crow gồm các khảo sát việc đọc viết và thuế bầu cử để không cho người Mỹ gốc Phi Châu bỏ phiếu, theo tài liệu “Voting Rights Act: Major Dates in History” được đăng trên trang web www.aclu.org.

Đạo Luật McCarran-Walter được thông qua vào năm 1952 cho phép tất cả những người gốc Á Châu đến Mỹ trước đây được nhập quốc tịch Hoa Kỳ và có quyền bầu cử.

Năm 1961, Tu Chính Án thứ 23 được thông qua mà trong đó cho phép các cư dân tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn được quyền bầu Tổng Thống Hoa Kỳ.

Năm 1964, có phán quyết rằng quyền bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang sẽ không bị bác bỏ vì không đóng thuế.

Năm 1965, hơn 500 người biểu tình bất bạo động đòi quyền dân sự bị cảnh sát tấn công trong khi cố gắng tuần hành từ Selma tới Montgomery của tiểu bang Alabama để đòi hỏi quyền bỏ phiếu cho người Mỹ gốc Phi Châu. Sau nhiều cuộc biểu tình dưới sự lãnh đạo của Mục Sư Martin Luther King, Jr., ngày 6 tháng 8 năm 1965, Tổng Thống Lyndon B. Johnson đã ký ban hành Đạo Luật Quyền Bỏ Phiếu được thông qua, mà qua đó cấm các tiểu bang không được đưa ra các hạn chế kỳ thị người có thể bỏ phiếu. Vào cuối năm này, có 250,000 cử tri da đen mới được ghi danh bầu cử. Nhưng Đạo Luật Quyền Bỏ Phiếu này không phải có hiệu lực vĩnh viễn mà phải được gia hạn. Năm 1970, Tổng Thống Richard Nixon ký gia hạn Đạo Luật Quyền Bỏ Phiếu. Năm 1975, Tổng Thống Gerald Ford lại ký gia hạn Đạo Luật Quyền Bỏ Phiếu. Năm 1982, Tổng Thống Ronald Reagan ký gia hạn 25 năm Đạo Luật Quyền Bỏ Phiếu. Năm 2006, gia hạn Phần 5 của Đạo Luật Quyền Bỏ Phiếu thêm 25 năm.

Năm 1971, Tu Chính Án thứ 26 được thông qua mà trong đó hạ tuổi được quyền bầu cử xuống còn 18.

Năm 1975, lần đầu tiên các văn bản bầu cử được dịch sang các ngôn ngữ khác cho những người không đọc được tiếng Anh.

Năm 2010, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ đã có 18 phản đối Phần 5 của luật bỏ phiếu tại Texas, South Carolina, Georgia, North Carolina, Mississippi và Louisiana.

Năm 2011, nhiều giới hạn việc bỏ phiếu được thông qua tại South Carolina, Texas, và Florida được tìm thấy có tác động không tương xứng với các cử tri thiểu số.

Năm 2013, American Civil Liberties Union (ACLU) đại diện cho chi nhánh Alabama của National Association for the Advancement of Colored People (NAACP) trong vụ Shelby kiện Holder. Trong phán quyết, Tòa Tối Cao đã hủy bỏ một trong những sự bảo vệ hiệu quả nhất đối với quyền bỏ phiếu bằng cách vô hiệu hóa yêu cầu rằng một số khu vực pháp lý có lịch sử kỳ thị việc bỏ phiếu phải được sự chấp thuận trước đối với những thay đổi bầu cử. Nhiều tiểu bang đã tức khắc ban hành các luật có tiềm năng phân biệt, gồm Texas, Mississippi, North Carolina, Florida, Virginia, South Dakota, Iowa, và Indiana.

Dù hiện nay quyền bầu cử của người dân Mỹ đã được luật pháp bảo đảm nhưng không phải là không có những cách thức để ngăn chận hoặc giảm thiểu số lượng cử tri mà một đảng chính trị cảm thấy sẽ gây bất lợi cho mục đích thắng cử của họ. Chẳng hạn, việc phân chia lại các khu vực bầu cử ở địa phương để gia tăng cơ hội cho đảng mình giành thắng lợi các ghế dân cử tiểu bang và liên bang, hay việc hạn chế bầu cử sớm qua thư để làm giảm lượng cử tri có khuynh hướng bỏ phiếu khiếm diện qua thư vì không có thì giờ để xếp hàng chờ đợi tại các khu vực thùng phiếu đông đảo trong ngày bầu cử.

Ngoài ra, một vấn đề khá quan trọng khác liên quan đến bầu cử là làm sao một cử tri có thể chọn lựa người đại diện xứng đáng của họ vào chức vụ lãnh đạo quốc gia.

Chọn ứng cử viên

Trong tài liệu “How to Pick a Candidate” của The League of Women Voters được đăng trên trang web https://lwvnewton.org, hướng dẫn cho các cử tri cách để chọn ứng cử viên. Trong đó gồm một số điều cần làm như sau.

1/ Nghiên cứu cuộc vận động tranh cử: Phần này bao gồm 2 điều cần lưu ý:

a-     Tiêu chuẩn để đánh giá một ứng cử viên: Ứng cử viên có thể được đánh giá qua 2 cách: các lập trường của ứng cử viên đối với những vấn đề và phẩm chất và kinh nghiệm lãnh đạo mà họ đã có. Bước đầu tiên của bạn là quyết định xem những vấn đề nào mà bạn quan tâm và phẩm chất nào mà bạn muốn một nhà lãnh đạo cần có. Khi quan tâm đến các vấn đề, bạn hãy nghĩ về cộng đồng, các vấn đề của tiểu bang và toàn quốc mà bạn muốn nhà lãnh đạo phải giải quyết. Khi quan tâm đến các phẩm chất lãnh đạo, hãy suy nghĩ về các phẩm chất mà bạn tin là một nhà lãnh đạo hiệu quả cần có. Chẳng hạn như sự thông minh, thành thật, khả năng giao thiệp của ứng cử viên.

b-    Nhìn qua hình ảnh: Các khẩu hiệu, nhận diện tên tuổi và cá tính là tất cả những gì thường xuất hiện trong các tài liệu vận động: các thông điệp truyền thông dài từ 30 tới 90 giây, “các trường hợp được chụp hình” trên các chương trình tin tức, các tờ rơi chính trị và thư gửi hàng loạt.

2/ Tìm hiểu thông tin cuộc vận động tranh cử: Có nhiều nguồn thông tin khác nhau mà bạn có thể tìm hiểu về cuộc vận động tranh cử của một ứng cử viên, gồm các trang mạng tranh cử, truyền thông xã hội, tài liệu vận động, các lá thư vận động gửi thẳng tới cử tri kêu gọi ủng hộ, các thông cáo báo chí, các quảng cáo phát thanh và truyền hình, các cuộc nói chuyện của ứng cử viên, các cuộc tranh luận của ứng cử viên. Trong thời đại truyền thông xã hội bị nhiễu loạn như hiện nay, cử tri cần đề cao cảnh giác những thông tin giả bằng cách phối kiểm các thông tin từ nhiều cơ quan truyền thông báo chí khác nhau để đối chiếu và giúp soi sáng những thông tin sai lạc.

3/ Hiểu các vấn đề: Khảo sát các vấn đề là quan trọng đối với cử tri. Quyết định xem những thay đổi nào làm bạn cảm thấy rằng cộng đồng, tiểu bang và đất nước của bạn cần nhất. Điều gì bạn muốn tiếp tục duy trì. Bạn thấy có lợi ích gì được thực hiện bởi các chương trình mà ứng cử viên đưa ra. Khi bạn suy nghĩ hãy cân nhắc những điều có thể thay thế. Lắng nghe người ở cả hai bên của cùng vấn đề. Nhìn vào nguyên nhân và hậu quả. Cân nhắc điều bạn phải đánh đổi để có thứ gì đó mà bạn muốn. Xem xét cách các ứng cử viên đưa ra giải pháp cho các vấn đề mà bạn quan tâm rằng họ có chỉ ra được nguyên nhân, hậu quả và cách giải quyết cụ thể và chi tiết vấn đề đó không. Những ứng cử viên chỉ nói suông rồi bỏ lửng vấn đề ở đó là vì họ không có kế hoạch cụ thể hay không biết cách giải quyết vấn đề đó.

4/ Đánh giá ửng cử viên: Đánh giá lập trường của ứng cử viên đối với các vấn đề và đánh giá khả năng lãnh đạo của ứng cử viên. Khi đọc các tài liệu mà bạn thu thập được, hãy ghi lại các lập trường của ứng cử viên đối với những vấn đề mà bạn ưu tiên. Xem xét các tài liệu này có gây ấn tượng cho bạn đối với ứng cử viên không. Những kết luận nào cụ thể mà bạn có thể đưa ra được từ các lập trường của ứng cử viên đối với các vấn đề ấy.

Quyết định xem ứng cử viên nào sẽ là nhà lãnh đạo tốt là khó khăn. Làm sao bạn có thể biết ứng cử viên nào sẽ thành thật, cởi mở và có khả năng hành động dưới áp lực nếu họ được bầu vào chức vụ lãnh đạo? Tìm hiểu bối cảnh và kinh nghiệm của ứng cử viên xem họ đã có được chuẩn bị để lãnh đạo chưa. Họ có chấp nhận tham gia các cuộc tranh luận trước nhiều nhóm đa dạng, ngay cả những nhóm người có thể không đồng tình với họ? Tìm hiểu quan điểm của những người khác trong cộng đồng xem họ nghĩ gì về phẩm chất, lập trường và khả năng của ứng cử viên. Tìm hiểu những người tuyên bố ủng hộ ứng cử viên. Tìm hiểu xem ứng cử viên nhận tài trợ từ đâu cho cuộc vận động tranh cử. Theo dõi các cuộc thăm dò để đánh giá sự ủng hộ của quần chúng đối với các ứng cử viên.

5/ Cho điểm tranh luận: Hãy theo dõi các cuộc tranh luận của các ứng cử viên trên truyền hình để bạn có thể hiểu được các câu hỏi và trả lời và để đánh giá việc thực hiện tranh luận của ứng cử viên có tốt hay không. Chẳng hạn, trước câu hỏi của người điều hợp cuộc tranh luận, ứng cử viên có trả lời một cách thực tế hay chỉ là lời hứa suông trong lúc vận động tranh cử.

6/ Chọn lọc lại: Xem xét thông tin mà bạn đã thu thập được và tự hỏi mình những câu hỏi như sau: Quan điểm về vấn đề nào của ứng cử viên mà bạn đồng ý nhất? Ai có cuộc vận động tranh cử công bằng nhất? Ứng cử viên nào cho thấy có kiến thức và cách giải quyết cụ thể nhất đối với các vấn đề mà bạn quan tâm? Ứng cử viên nào có phẩm chất lãnh đạo mà bạn đang tìm kiếm?

Làm sao để biết ứng cử viên nào xứng đáng?

Để trả lời cho những câu hỏi trên thì không dễ dàng chút nào cả, bởi vì các ứng cử viên luôn luôn bắt mạch được tâm lý và những mong đợi từ cử tri để họ có thể đưa ra những cam kết, những khẩu hiệu, những lời tuyên bố làm hài lòng thành phần cử tri mà họ muốn kiếm phiếu. Do đó, nếu cử tri tự đặt mình vào trong quỹ đạo ảnh hưởng của ứng cử viên nào đó thì các cử tri đó sẽ khó có sự nhận định khách quan đối với những gì ứng cử viên của họ tuyên bố và làm.

Một cách tương đối điều đó có nghĩa là bạn chỉ tin vào những gì ứng cử viên của bạn nói và làm. Gọi là tương đối bởi vì có rất nhiều người dù cùng một đảng chính trị với ứng cử viên nhưng không phải lúc nào cũng tin điều ứng cử viên cùng đảng tuyên bố mà giữ được sự hiểu biết khách quan và tinh thần độc lập để bảo vệ sự thật, bảo vệ nền dân chủ. Chẳng hạn, trong cuộc bầu cử tổng thống 2024 hiện nay, hàng trăm đảng viên Cộng Hòa đã không những không bỏ phiếu cho ứng cử Tổng Thống của Đảng Cộng Hòa mà còn kêu gọi cử tri Cộng Hòa dồn phiếu cho ứng cử viên Tổng Thống của Đảng Dân Chủ.

Như vậy, câu hỏi được đặt ra là làm sao để cử tri biết ứng cử viên nào xứng đáng?

Cần nói ngay là chữ xứng đáng dùng ở đây chỉ có ý nghĩa tương đối. Tại sao? Bởi vì, đối với người này thì ứng cử viên này là xứng đáng, nhưng đối với người khác thì là không.

Nếu nói như vậy thì trên đời này không còn có tiêu chuẩn xứng đáng phổ quát nào để mọi người có thể dựa vào đó mà đánh giá và chọn ứng cử viên hay sao?

Câu trả lời tất nhiên là có. Thí dụ, nếu một ứng cử viên nào đó tự cho mình là tín đồ Thiên Chúa Giáo, thì bạn có thể đem “Mười điều răn” của Chúa ra để đánh giá họ. Trong Mười Điều Răn của Chúa thì điều thứ bảy nói là “Chớ lấy của người,” và điều thứ tám nói rằng “Chớ làm chứng dối.” Nếu một ứng cử viên tham nhũng bằng cách gian dối hồ sơ tài chánh để trốn thuế thì đã phạm vào 2 tội “trộm cắp” và “nói dối.” Tương tự, một tín đồ Phật Giáo cũng có thể lấy Mười Điều Thiện, mà trong đó có điều “không trộm cắp” và “không nói dối,” để đánh giá một ứng cử viên.

Ngoài các tín điều tôn giáo đó ra, trên thế gian này còn có những giá trị đạo đức phổ quát mà nhân loại đều biết và tôn trọng từ xưa tới nay như thành thật, lương thiện, ngay thẳng, bình đẳng, khoan dung, v.v… Nếu một ứng cử viên nào đó sống trái ngược với những giá trị đạo đức phổ quát này thì bạn có thể biết ứng cử viên đó không xứng đáng để được bầu vào các chức vụ lãnh đạo đất nước.

Có người sẽ cho rằng những thị phi mà ứng cử viên của họ gánh chịu có thể chỉ là chiêu thức chính trị của đảng đối lập tạo ra. Vậy còn những phán quyết của quan tòa, những buộc tội của bồi thẩm đoàn đối với ứng cử viên của họ thì sao?  Chẳng lẽ họ cũng cho là ngành tư pháp Mỹ bị mua chuộc không còn đáng tin cậy nữa sao? Nếu thế tại sao những phán quyết của quan tòa cũng nằm trong ngành tư pháp Mỹ có lợi cho ứng cử viên của họ thì họ lại tin tuyệt đối?

Nói đến điều trên, chúng ta liên tưởng đến thể thức sinh hoạt dân chủ, hay nói một cách bình dân đó là trò chơi dân chủ.

Tôi rất thích câu nói của Tổng Thống Joe Biden rằng, “Bạn không thể nói bạn yêu đất nước chỉ khi nào bạn thắng.” Câu nói này tất nhiên dành cho người tiền nhiệm của ông. Nhưng, ngoài ra câu nói đó còn cho chúng ta thấy một trong những luật quan trọng của trò chơi dân chủ rằng là thiểu số phải phục tùng đa số, thiểu số phải chấp nhận kết quả chung cuộc khi đa số thắng cuộc. Đây cũng là tính cách cạnh tranh lành mạnh trong sinh hoạt dân chủ. Nếu bạn muốn thắng thì bạn phải nỗ lực cạnh tranh một cách công bằng và minh bạch nhiều hơn nữa để chinh phục quần chúng và lôi kéo cử tri về phía bạn. Không thể như trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, khi ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden thắng ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump cả phiếu phổ thông và Cử Tri Đoàn (Biden có 306 phiếu Cử Tri Đoàn toàn quốc với 81,282,916 phiếu, trong khi Trump có 232 phiếu Cử Tri Đoàn toàn quốc với 74,223,369 phiếu), nhưng tới giờ này Trump vẫn cho rằng ông thua vì cuộc bầu cử đó bị đánh cắp. Bạn không thể nói mình thắng vì có hơn 74 triệu cử tri bầu cho mình. Đây chỉ là cách nói của một người hoặc là không biết luật của trò chơi dân chủ, hoặc là biết mà cố tình bác bỏ luật chơi đó. Nếu điều sau là đúng thì bạn quả thực là đang chơi trò độc tài chứ không phải dân chủ!

Để kết thúc bài này, xin trích câu nói đầy ý nghĩa của nhà lãnh đạo phong trào đấu tranh bất bạo động cho dân quyền và nhân quyền cho người Mỹ da đen Martin Luther King, Jr. rằng, “Cuộc sống của chúng ta bắt đầu chấm dứt vào ngày mà chúng ta im lặng đối với những điều quan trọng.”

Điều quan trọng mà Mục Sư King nói đến chính là quyền công dân và quyền làm người của người Mỹ da đen phải được tôn trọng. Quyền công dân và quyền làm người một khi không được tôn trọng thì con người sống trong đất nước, trong xã hội đó sẽ không được đối xử như một con người, hay sẽ bị đối xử không hơn không kém con vật. Đó chính là sự chấm dứt cuộc sống như con người!

Biểu tượng của quyền công dân chính là quyền bầu cử. Biểu tượng của quyền làm người chính là quyền không bị kỳ thị, không bị khinh rẻ, không bị bạo lực. Muốn bảo vệ quyền làm người thì hãy lên tiếng bằng cách sử dụng quyền công dân qua lá phiếu. Vì vậy, đi bầu, qua thư hay đến thùng phiếu, là việc làm rất cần thiết và quan trọng mà người dân có thể làm cho chính họ, cho tương lai con cháu và đất nước của họ.

Quang Huỳnh

RELATED ARTICLES

3 COMMENTS

  1. Hey there You have done a fantastic job I will certainly digg it and personally recommend to my friends Im confident theyll be benefited from this site

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular