Từ Vườn rau Lộc Hưng: Bất chấp qui định Luật đất đai 1987 và nguyên tắc về tài sản, Thành phố vẫn xác lập đất trên giấy cho Bưu điện năm 1991 !!!
Căn cứ mà mấy ngày nay UBND quận Tân Bình đưa ra với nhiều nhà báo trong nước là khu đất Vườn rau Lộc Hưng đã được thành phố ra Quyết định số 07/QĐ-ĐĐ giao quyền sử dụng đất cho Bưu điện Thành phố vào ngày 12.10.1991 nên khu đất là tài sản công do đó các hộ dân lấn chiếm trái pháp luật.
Quyết định số 07/QĐ-ĐĐ được chính quyền địa phương sử dụng như một “bảo bối hiếm có” nhằm biện minh rằng các hộ dân lấn chiếm đất công. Đây thực sự là mấu chốt vấn đề và cũng là điểm mốc mà thành phố sử dụng trong các báo cáo của thành phố lên cấp Trung ương.
Thế nhưng ít ai ngờ rằng Quyết định số 07/QĐ-ĐĐ giao quyền sử dụng đất cho Bưu điện Thành phố được “bí mật trên giấy” cho đến sau này mới đưa ra, khi nhìn lại thì nó là một QĐ trái với hàng loạt qui định pháp luật thời điểm đó.
Quyết định số 07/QĐ-ĐĐ do Ban Quản lý ruộng đất Thành phố ký ban hành ngày 12.10.1991 công nhận quyền sử dụng đất và khu nhà điều hành cho Bưu điện Thành phố với diện tích 4ha089. Quyết định trái luật như sau đây.
Thứ nhất, Điều 13 Luật đất đai 1987 qui định tại Khoản 3 chỉ cho phép UBND cấp tỉnh giao đất (không phải đất hoang đồi núi) chỉ diện tích từ 3 ha trở xuống. Trong khi QĐ số 07 giao cho Bưu điện hơn 4 ha. Như vậy QĐ giao đất trái với qui định về hạn mức được giao thuộc thẩm quyền cấp tỉnh.
——-
Trích Khoản 3 Điều 13 Luật Đất Đai 1987
—–
“3- Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính tương đương quyết định:
a) Giao đất cho các tổ chức kinh tế quốc doanh để sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp;
b) Giao đất để sử dụng vào mục đích khác không phải sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp trong phạm vi sau đây:
Từ 1 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, đất có rừng, đất khu dân cư và từ 2 ha trở xuống đối với đất hoang, đồi núi cho mỗi công trình không theo tuyến.
Từ 3 ha trở xuống đối với đất nông nghiệp, đất có rừng, đất khu dân cư và từ 5 ha trở xuống đối với đất hoang, đồi núi cho mỗi công trình theo tuyến.”
————
Thứ hai, nguyên tắc giao tài sản cho một chủ thể thì tài sản đó đang không phải do chủ thể khác đang sở hữu trên thực tế. Việc xác lập quyền cho bưu điện khi khu đất đang có nhiều người sử dụng là trái với nguyên tắc xác lập quyền tài sản mà bất kỳ một nền pháp luật nào cũng tuân thủ. Ngay từ Bộ luật dân sự 1995 tại Điều 2 cũng đã ghi nhận
—-
“Việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.”.
—
Ngoài ra, Luật đất đai 1987 và Nghị định 30-HĐBT ngày 23.3.1989 qui định UBND các cấp mới có thẩm quyền giao đất, công nhận đất và không có bất kỳ điều khoản nào cho phép Ban Quản lý ruộng đất ban hành QĐ giao đất, công nhận đất. Nên việc UBND Thành phố là tổ chức chính quyền chứ không phải chủ thể thông thương mà ủy quyền liệu có hợp pháp? Do đó QĐ số 07 cần phải xem lại về thẩm quyền ban hành và giá trị vì không phải do UBND TP Hồ Chí Minh ban hành.
Như vậy, với hai vấn đề trái pháp luật gồm cấp thành phố không có quyền giao đất lên tới 4 ha cho Bưu điện và giao đất khi có nhiều chủ thể đang sử dụng, là hoàn toàn trái qui định pháp luật, không có giá trị pháp lý để bắt buộc người dân hay bất cứ cá nhân, tổ chức nào thi hành Quyết định số 07/QĐ-ĐĐ do Ban Quản lý ruộng đất Thành phố ký ban hành ngày 12.10.1991.
Ngoài ra, có một vấn đề là số đất từ ban đầu của khu Lộc Hưng đã “thất thoát” đi đâu mà bây giờ còn lại phần các hộ dân sử dụng chỉ có gần 180 hộ (180 nền nhà). Phải chăng số đất đó đang nằm dưới các căn nhà khác? (Tôi sẽ trình bày vấn đề này tại Văn bản khác).
Nguồn: Trần Đình Dũng