Trung Khang, RFA
2019-01-23
Phát biểu tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2018 vào ngày 28 tháng 12 vừa qua, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng thừa nhận báo chí Nhà Nước đi sau mạng xã hội và kêu gọi cải tổ để cạnh tranh. Nguyên nhân của việc thua kém này là gì và liệu việc cải tổ có hiệu quả hay không khi báo chí vẫn do Ban Tuyên Giáo chỉ đạo?
Cụ thể ông Võ Văn Thưởng nêu vấn đề phải chăng, trong mọi trường hợp, báo chí đều đi sau mạng xã hội? Theo ông Thưởng nhiều trường hợp, báo chí chính thống có trước thông tin, nhưng chính sự chậm trễ của báo chí đã “trao tặng” lợi thế cho mạng xã hội trong thông tin.
Tuy nhiên vị Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương lại không nói rõ nguyên nhân của sự chậm trễ này?
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 23 tháng 1 năm 2019, nhà báo Lê Anh Hoài, hiện đang sống và làm việc tại Việt Nam, cho biết:
“Cái này tôi nghĩ thực tế nó đã có ở khắp nơi rồi, Việt Nam chỉ là chậm hơn thôi. Chuyện này cũng là hiển nhiên, vì báo chí không còn sự độc quyền của nó nữa, nó theo kỳ của nó, theo sự nặng nề của bộ máy… của bản thân tờ báo đó. Còn mạng xã hội là báo chí công dân nên đương nhiên nó rất là mạnh, từng người một thì sức mạnh nó cũng vừa phải, nhưng sau đó nó tổng hợp thành sức mạnh của toàn xã hội, thì đương nhiên nó sẽ rất nhiều thông tin, rất là nhanh, nó bỏ qua tất cả yếu tố truyền thống của báo chí thì sức mạnh của nó là chỗ đó.”
Mà chế độ nguy hiểm nhất là họ tự kiểm duyệt bằng nỗi sợ hãi, vì chuyện mất nghề, chuyện kỷ luật, chuyện bắt bớ… rất nhiều chuyện hệ lụy đến họ, thì không bao giờ báo chí đáp ứng được các yêu cầu xã hội như mục đích đặt ra.
-JB. Nguyễn Hữu Vinh
Tuy nhiên khi trao đổi với chúng tôi hôm 23 tháng 1 năm 2019, nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng, chính việc tất cả các tờ báo ở Việt Nam đều nằm dưới sự quản lý của ban tuyên giáo, đều bị định hướng, nên việc truyền tải thông tin không hiệu quả như mạng xã hội:
“Chúng ta đều biết rằng báo chí chính thống, báo chí của nhà nước Việt Nam có hơn 700 tờ báo nhưng đều nằm dưới sự quản lý của Ban Tuyên giáo, thành ra có những cái như người ta thường nói là bị định hướng. Do đó trong thời buổi công nghệ, người ta đòi hỏi tin tức phải nhanh chóng, với công nghệ mạnh xã hội như facebook, dứt khoát báo chí chính thống dần dần phải lùi bước trước sự nhanh nhẹn và công nghệ của mạng xã hội thì cũng là đương nhiên.”
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có khoảng 838 cơ quan báo chí, 67 đài phát thanh truyền hình với đội ngũ nhà báo lên tới khoảng 40.000 người. Tất cả các cơ quan báo chí này đều phải chịu sự kiểm soát thông tin của nhà nước mà cụ thể là theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương.
Không chỉ bị kiểm soát trực tiếp từ Ban Tuyên giáo Trung ương đến Ban Tuyên giáo địa phương và các Sở Thông tin- Truyền thông ở các tỉnh thành. Các tờ báo còn bị kiểm duyệt thông qua việc bố trí nhân sự trong các cơ quan báo chí như bí thư chi bộ, đảng bộ của các nơi này.
Liên quan vấn đề này, nhà báo Lê Anh Hoài kể lại kinh nghiệm và nhận định của bản thân trong lĩnh vực này:
“Cái này trong phạm vi tôi làm việc thì tôi cũng không được tiếp cận nhiều, vì trong báo thì tôi cũng là người cấp thấp thôi. Nhưng mà cái việc hướng dẫn dư luận, hướng dẫn thông tin thì tôi nghĩ nếu nói khách quan thì xã hội nào cũng có thôi. Nếu tư bản thì có vị trùm nào đó, một thế lực nhất định. Tuy nhiên họ có truyền thống về báo chí, về tự do ngôn luận, nó dày dạn hơn, nó từng trải qua sự ngây thơ, sự xung đột đã được giải quyết lâu rồi. Còn ở xã hội Việt Nam thì còn nhiều cái nó chưa giải quyết được.”
Theo nhà báo Lê Anh Hoài, việc hướng dẫn dư luận ở một số trường hợp nhất định cũng có cái tốt, bởi vì theo ông, ở Việt Nam nhiều cái còn mông muội. Nhưng về lâu về dài theo ông là không nên, cần phải theo một hướng tự do hóa hơn và để tự một xã hội dân sự kết hợp với việc thực thi đúng pháp luật. Như vậy theo ông sẽ có một nền báo chí tốt hơn, thông tin sẽ được sàn lọc tốt hơn.
Còn nhà báo tự do JB. Nguyễn Hữu Vinh thì cho rằng, việc kiểm duyệt quá nhiều của ban tuyên giáo còn gây nên nỗi sợ hãi đối với các phóng viên:
“Ngoài hiện tượng những tờ báo bị Ban Tuyên giáo kiểm duyệt, rồi lại phải rút xuống, phải xuyên tạc… Tất cả những điều đó làm cho các phóng viên, những người viết báo phải tự kiểm duyệt mình… Mà chế độ nguy hiểm nhất là họ tự kiểm duyệt bằng nỗi sợ hãi, vì chuyện mất nghề, chuyện kỷ luật, chuyện bắt bớ… rất nhiều chuyện hệ lụy đến họ, thì không bao giờ báo chí đáp ứng được các yêu cầu xã hội như mục đích đặt ra.”
Cũng tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng kêu gọi đổi mới toàn diện công tác báo chí theo phương châm chủ động, nhạy bén, kịp thời, hiệu quả. Tuy nhiên với thể chế độc đảng, không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí như hiện nay, liệu báo chí chính thống có thể đổi mới như mong muốn của ông Thưởng?
Liên quan vấn đề này, nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định:
“Không riêng gì báo chí Việt Nam, những nền báo chí mà muốn được nhiều người đọc thì đều phải nhạy bén, kịp thời, hiệu quả. Nhưng với tình hình chưa được tự do báo chí, tự do ngôn luận như ở Việt Nam thì những lời nói như của ông Thưởng thì mãi mãi nó cũng là lời nói thôi. Tôi nghĩ là nó sẽ không thực hiện được.”
Nhà báo Lê Anh Hoài thì cho rằng, đổi mới thì lúc nào cũng phải cần, chứ không phải là ông nào nói hay ai nói, vì đó là sự sống còn. Ông nói tiếp:
Chẳng hạn như tôi làm nghề báo, nếu không đổi mới thì cũng chết thôi. Chết thì đầu tiên ảnh hưởng đế nghề của mình, thu nhập của mình, nhưng mà đổi mới sao cho thực sự tiến bộ, để cung cấp thông tin cho cộng đồng thì đó mới quan trọng.
-Nhà báo Lê Anh Hoài
“Chẳng hạn như tôi làm nghề báo, nếu không đổi mới thì cũng chết thôi. Chết thì đầu tiên ảnh hưởng đế nghề của mình, thu nhập của mình, nhưng mà đổi mới sao cho thực sự tiến bộ, để cung cấp thông tin cho cộng đồng thì đó mới quan trọng.”
Còn nhà báo JB. Nguyễn Hữu Vinh thì yêu cầu phải trả cho báo chí đúng chức năng, nhiệm vụ, ý nghĩa của báo chí trong xã hội. Phải có báo chí tư nhân và phải có hệ thống báo chí độc lập với hệ thống chính trị hiện nay. Để nhà báo có thể nói và họ chịu trách nhiệm về thông tin họ đưa ra trước pháp luật. Ông đưa ra ví dụ:
“Có những vụ việc rất hệ trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, như vụ vườn rau Lộc Hưng vừa qua, khi mạng xã hội đưa tin về những hành động cướp đất hết sức tàn bạo đối với người dân như vậy thì hệ thống báo chí nhà nước im lặng hoàn toàn cho đến lúc có định hướng rồi lúc đó mới đưa tin những bài vu cáo… thì rõ ràng hệ thống báo chí như thế không đáp ứng được nhu cầu xã hội. Điều đó đã làm mất lòng tin của người dân đối với hệ thống báo chí Việt Nam.”
Ông Ngô Nhật Đăng còn cho biết, thể chế đóng góp một phần rất quan trọng, chính vì thế, ở một thể chế chưa có tự do ngôn luận, mà nếu có một tờ báo tư nhân, sẽ thúc đẩy quá trình dân chủ hóa bằng tự do ngôn luận. Và theo ông, tờ báo tư nhân ấy sẽ phản ánh đúng nguyện vọng của người dân. Ông nói thêm, nếu chưa có sự thay đổi về thể chế, thì ít nhất nếu có một tờ báo tư nhân, sẽ thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đất nước.