Công văn 602 nhắc đến Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ về việc “ban hành chính sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà, đất cho thuê ở các đô thị của các tỉnh phía Nam”. Đây là quyết định quan trọng trong việc tịch thu nhà đất ở miền Nam trước, trong và sau các cuộc đánh tư sản làm lụn bại kinh tế miền Nam kể từ 1975.
Việc dẫn chiếu Quyết định số 111 nhằm mục đích biện giải rằng khu đất gọi là “vườn rau Lộc Hưng” là đất thuộc quyền quản lý và sử dụng của Nha Giám đốc Viễn thông của chế độ cũ thời Pháp thuộc, nên căn cứ Khoản 2, Mục IV của Quyết định số 111 đã biến thành “tài sản công cộng, do nhà nước trực tiếp quản lý” (!).
Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình quên mất rằng đất đai nào trên lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam ngày nay mà chẳng thuộc quyền quản lý của nhà nước, căn cứ quy định của Hiến pháp về quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai? Dù đất đai nói chung thuộc sở hữu toàn dân và do nhà nước đại diện quản lý, nhưng người dân vẫn có quyền sử dụng đất, và nhà nước phải tôn trọng quyền sử dụng đất hiến định đó.
Việc cấp hay không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chỉ là vấn đề về thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước hữu quan. Sự thiếu sót cấp GCNQSDĐ không đương nhiên tước đoạt quyền sử dụng đất hợp pháp của người dân đang sinh sống trên khu đất và đã sử dụng ổn định khu đất đó trước thời điểm Luật Đất đai 1993 có hiệu lực thi hành vào ngày 15/10/1993.
Vì vậy, khi viện dẫn Quyết định số 111, Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình cố tình đánh lận con đen, rằng khu đất vườn rau Lộc Hưng đã thuộc quyền quản lý của nhà nước từ 1975, nên cư dân ở đó đã và đang sử dụng đất bất hợp pháp mà thôi. Xin thưa, quản lý đất đai là chuyện của nhà nước, trong mọi trường hợp người dân vẫn có quyền sử dụng đất hợp hiến và hợp pháp. Đừng bịp bợm dư luận!