Bản tin sáng 8-1-2018

0
972
TIẾNG DÂN

Tin trong nước

Tin Biển Đông

Về chuyện các ngư dân hành nghề ở phía nam Biển Đông bị Indonesia bắt, nhiều ngư dân Việt Nam được Indonesia trao trả trước Tết Nguyên đán. Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cho biết, “đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Indonesia hoàn thành thủ tục để trao trả 71 ngư dân VN về nước”.

Bài viết đưa tin: “Từ đầu năm đến nay, đã có gần 1.300 ngư dân được đưa về nước. Đặc biệt, có hai đợt lớn nhất với sự phối hợp cùng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đưa tổng số 934 ngư dân về nước qua đường biển”.

Các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia nói chuyện với ngư dân tại sân bay. Ảnh: TTXVN.

Chuyện buồn của người ngư dân Việt Nam: Ngư dân hành nghề trong các ngư trường truyền thống thường phải đối mặt rủi ro bị tàu lạ đâm chìm thuyền. Một số ngư dân đành phải di chuyển xuống phía nam Biển Đông, tiếp tục gặp phải nguy cơ bị lực lượng chức năng Indonesia bắt.

Một thuyền trưởng bị phía Indonesia giam hơn 7 tháng, kể rằng: “Ông bị 4 người Indonesia dùng vũ khí áp sát và buộc lái tàu hết tốc lực về phía biển Indonesia, trong khi các tàu chấp pháp Việt Nam yêu cầu dừng lại”. Nghĩa là, lực lượng chức năng phía Việt Nam chỉ dám dùng “võ mồm” và hy vọng phía Indonesia dừng lại.

Mời đọc lại: Bộ Ngoại giao nói về việc xét xử 2 thuyền trưởng Việt bị Indonesia bắt (VOV). –  4 thuyền trưởng ở Indonesia quyết tuyệt thực, phản đối tới cùng — Làm rõ vùng biển chồng lấn Việt Nam – Indonesia(TT). – Việt Nam đề nghị Indonesia thả ngư dân nếu không có bằng chứng kết tội (VNE).

Luật lệ trời ơi

Hiện tượng lạ trong chuyện làm luật ở Việt Nam: Quy định xa vời, luật có như không! Tác giả ghi nhận: “Nhiều quy định pháp luật được ban hành nhưng người dân không biết, không quan tâm”, đến khi truyền thông đưa tin thì người dân phản đối. Hai trường hợp điển hình: Quy định “xử phạt người đi bộ không đúng nơi quy định” và quy định xử phạt xe máy không chính chủ “đã gây tranh cãi một thời gian rất dài”.

Chuyện ban hành một số “quy định trên trời” như, “viếng đám ma không quá 7 vòng hoa, không được để ô kính trên nắp quan tài, cấm bán bia vỉa hè, kinh doanh bia phải có nhiệt độ dưới 30 độ C”… chính là kết quả của quá trình làm luật xa rời thực tiễn, xa rời người dân. Vậy nên, người dân sẽ còn phải đối mặt với “luật trời ơi” như: Đi bộ sai luật có thể bị phạt tù 15 năm.

Báo quốc doanh vs Mạng xã hội

Cạnh tranh công bằng không được, đành phải bôi nhọ đối phương: Đấu tranh với thông tin xấu độc trên mạng xã hội. VTV viết: “Các đối tượng trong và ngoài nước, lợi dụng không gian mạng để truyền bá những thông tin xấu, độc… hướng tới mục đích đả kích chế độ, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc, xúc phạm nhân phẩm, danh dự cá nhân, bôi xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước”.

Biểu hiện chung trong cách tuyên truyền từ ban tuyên giáo tới các tờ báo bên dưới là, không giải thích được thế nào là thông tin xấu, độc, nhưng một mực cho rằng thông tin mạng xã hội là xấu, là độc. Cơ quan tuyên truyền nhà nước cho rằng, “môi trường mạng đã trở thành một không gian để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá chính quyền”, nhưng không nói gì về chuyện truyền thông phía Đảng chuyên bưng bít thông tin, qua nhiều vụ, trong đó có vụ Trịnh Xuân Thanh trước đây và Vũ “nhôm” gần đây.

Trong khi người Việt Nam biểu tình chống bá quyền Trung Quốc bị an ninh hành hung, không thấy người lính nào đứng ra bảo vệ, thì họ vẫn tuyên truyền: Bảo vệ nhân dân – sứ mệnh của quân đội và công an nhân dân. Một thanh niên chấp nhận thực hiện nghĩa vụ quân sự thì bị đánh đến “trơ xương bất động”. Tin về những người dân bị công an đánh đến chết thì liên tục xuất hiện.

Mời đọc thêm: “Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe” — Học kỹ năng vận động, thuyết phục từ cán bộ(QĐND). – Tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ (SGGP).

Phiên xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm

Trang Zing đưa tin: Sáng nay ông Đinh La Thăng và 21 bị cáo hầu tòa. Tiến độ “thần tốc” của vụ án: Đúng một tháng sau ngày ông Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam, các thành viên hội đồng xét xử đã có thể xử lý xong “lượng hồ sơ lên tới 10.000 bút lục” trong vụ án chính trị – kinh tế ở PVN, mà thực chất là để hoàn tất một giai đoạn thanh trừng nội bộ theo đúng lệnh của bác Tổng.

Thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó chánh tòa Hình sự TAND Hà Nội, cho biết: “Phiên xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm là một trong những phiên tòa đầu tiên được áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự mới (có hiệu lực từ 1/1/2018)”. Theo ông Toàn, luật mới có thể “đảm bảo tối đa quyền tranh tụng của những người tham gia tố tụng”.

Trịnh Xuân Thanh (trái) và Đinh La Thăng ra hầu tòa hôm nay. Ảnh: VNE

VnExpress có bài: Luật sư: Trịnh Xuân Thanh nếu trả lại tài sản tham ô có thể sẽ thoát án tử. LS Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của BLHS năm 2015, “người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô… thì không thi hành án tử hìnhvới họ“.

Trường hợp Trịnh Xuân Thanh, “nếu ông Thanh cùng 9 người trong nhóm tội Tham ô nộp khắc phục hậu quả ít nhất ba phần tư tài sản tham ô thì hình phạt tử hình có thể được chuyển thành tù chung thân“. Mới đây, gia đình Trịnh Xuân Thanh nộp 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Số tiền này chẳng là bao so với con số 3.200 tỷ mà ông và đồng phạm bị cáo buộc gây thất thoát, thua lỗ ở PVC.

Về chuyện lạ nhưng “đúng quy trình” trước ngày xét xử: Vì sao 2 luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh rút lui trước phiên xử? Trao đổi với BBC, LS Nguyễn Thị Huyền Trang thừa nhận: “Cáo trạng và kết luận điều tra vụ án có từ ngày 25/12/1017 nhưng luật sư không được tiếp xúc ngay mà phải mất mấy ngày sau đó khi chuyển sang tòa”.

TS Chu Mộng Long đặt câu hỏi: Thế nào là tội “Cố tình làm trái…”? Về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” được bác Tổng tận dụng để thanh trừng nội bộ, tác giả chia sẻ: “Riêng tôi rất băn khoăn về tội danh này… nếu hồn nhiên, vô tư thì chỉ có thể là ‘vô tình làm trái’ chứ ạ?”.

BBC: Bà Schlagenhauf: “Không hy vọng phiên toà xử ông Thanh đúng luật”. LS của Trịnh Xuân Thanh, bà Schlagenhauf bị ngăn cản không cho vào VN, nên bà không hy vọng phiên tòa xử thân chủ của mình “được tiến hành theo đúng luật và tôn trọng pháp quyền”.

Lý do bà Schlagenhauf bị ngăn không cho vào VN, theo GS Nguyễn Mạnh Hùng, là “vì họ sợ bà sang sẽ làm ồn ào; bà có thể làm rùm beng lên, làm cho người ta khó xử“. Còn theo TS Hà Hoàng Hợp thì, luật sư người Đức không được phép nhập cảnh vào Việt Nam là vì Việt Nam chưa cho phép luật sư người nước ngoài tham gia quá trình tố tụng ở nưới này.

Ông Hợp nói: “Cho đến hiện nay người ta không cho phép một pháp nhân nước ngoài tham gia vào quá trình tố tụng ở Việt Nam. Nói nôm na là không có chuyện thầy cãi nước ngoài được cho vào Việt Nam để cãi cho thân chủ người Việt Nam được. Thậm chí vào Việt Nam để cãi cho công dân của họ ở Việt Nam cũng không được“.

Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin: “Tại Berlin rất đông các hãng thông tấn, báo chí vài ngày trước cũng đã nhận được giấy mời của Bộ Ngoại Giao Đức tham dự cuộc họp v/v các vấn đề phía sau vụ xét xử Trịnh Xuân Thanh, vào sáng nay đầu tuần”.

Mời đọc thêm: Hôm nay ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng hầu tòa (DT). – Ngày 8-1, phiên xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm có nhiều khác biệt (SGGP). – Luật sư của ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh nói gì trước ngày xét xử? (VTC). – Ngoài Trịnh Xuân Thanh, các “quan” PVC đã tham ô tài sản thế nào? (KT). – 3 vụ án trong ngành dầu khí thời ông Đinh La Thăng làm chủ tịch (Zing). – Không phải chính phủ, mà đảng ‘ôm’ Petro Vietnam! (NV). – Cục trưởng Cục Hàng hải khai man những gì?! (TD).

Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Xét xử Trầm Bê, Phạm Công Danh và 44 đồng phạm. Ngày 8/1/2018, TAND TPHCM cho biết sẽ tiến hành xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với 2 bị cáo chính là Phạm Công Danh và Trầm Bê. Vụ án này liên quan đến Ngân hàng VNCB, nay là Ngân hàng CBBank, Ngân hàng Sacombank, Ngân hàng TPBank, Ngân hàng BIDV. Phiên tòa dự kiến “kéo dài đến ngày 9/2”.

Thêm tình tiết trong vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê: Ông Trần Bắc Hà liên quan đến đại án Phạm Công Danh như thế nào. Trần Bắc Hà là cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, cùng một số cá nhân khác ở BIDV, là những người “trực tiếp tham gia, xử lý hồ sơ cho 12 công ty của ông Danh vay 4.700 tỷ đồng”.

Trách nhiệm của Ngân hàng BIDV: Một số lãnh đạo BIDV “đã cố ý làm trái quy định, giúp sức cho ông Danh trong việc giải ngân khoản vay 430 tỷ đồng”. Cơ quan điều tra xác định ông Trần Bắc Hà đã đồng ý cho 12 công ty vay vốn “theo giới thiệu của VNCB, chứ không cho Phạm Công Danh vay, và không biết các công ty này do Danh thành lập”.

Mời đọc thêm: Ngày mai, 2 đại gia ngân hàng Phạm Công Danh, Trầm Bê hầu tòa (VTC). – Xử vụ Trầm Bê: Tòa triệu tập đại gia Trần Bắc Hà (NLĐ). – Vì sao đại gia Trầm Bê ‘ngã ngựa’? (VNN).

CSGT vác súng đi giải quyết chuyện riêng

Trung úy CSGT Nguyễn Tấn Phước, thuộc PC67, Công an tỉnh Đồng Nai mang súng đi giải quyết chuyện cá nhân. Tối 6/1, Trung úy Phước mang súng tới phòng trọ của anh Bùi Viết Hải, ở phường Trung Dũng, TP Biên Hòa để giải quyết mâu thuẫn. Kết quả là, anh Hải bị Phước bắn tử vong, nhưng Phước nói rằng chỉ rút súng đánh vào đầu Hải, nhưng Hải chết là do “súng bị cướp cò“.

VietNamNet cho biết, nguyên nhân Trung úy CSGT nổ súng làm chết người, đó là: Bạn gái của Trung úy Phước có cô con gái cặp bồ với anh Bùi Viết Hải. Do Hải có gia đình, nên người mẹ ngăn cản. Giữa người mẹ và Hải xảy ra mâu thuẫn, nên Trung úy Phước vác súng đi giải quyết mâu thuẫn giúp bạn gái của mình, bắn chết một người không hề có mâu thuẫn với anh ta.

Mời đọc thêm: Tạm giữ nghi can cảnh sát giao thông nổ súng giết người ở nhà trọ (TT). – Trung úy CSGT gây nổ súng chết người vì giải quyết mâu thuẫn cho bạn gái (VNE). – Hung thủ bắn chết người trong đêm ở Đồng Nai ra đầu thú (SGGP).

Tiếp tục chuyện xăng E5 và RON95

Về chuyện lãnh đạo kêu gọi dân dùng xăng E5, sử dụng cả biện pháp tuyên truyền và điều chỉnh giá, báo Thanh Niên bình luận: Tự làm khó mình. Quan chức tuyên truyền một đằng, “làm giá” một nẻo: “Văn bản của liên bộ Công thương – Tài chính chỉ nêu giá xăng E5 và các loại dầu mà không đề cập gì đến xăng RON 95… Thế là các báo đều chạy hàng tít Giá xăng giữ nguyên, tăng giá dầu… Nhưng ngay sau đó, giá xăng RON 95 được các doanh nghiệp điều chỉnh tăng 810 đồng/lít”.

Hành động của lãnh đạo liên bộ CT – TC đã đẩy dân vào cảnh phải dùng xăng E5, dù đây là loại xăng có thành phần được pha theo công nghệ Trung Quốc, có thể gây hại máy xe. “Chúng ta đều biết, xăng sinh học trước đây đã từng dính nghi án là nguyên nhân gây ra một số vụ cháy xe”.

Blogger Phương Thơ bình luận: “Kế hoạch giải cứu xăng E5 của Bộ Công thương VN này mang tính thời vụ ngắn hạn, vì Bộ Công thương này ôm hết nghiệp vụ quản lý rất nguy hiểm, họ cứ nghĩ là họ quản lý quả đấm thép Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, và cái tỉnh Quảng Ngãi có cái nhà máy lọc dầu Dung Quất tốn kém lạc hậu kia”.

Mời đọc thêm: Giá xăng A95 “âm thầm” tăng, người dân chịu thiệt (VNN). – Tăng giá xăng A95 để khuyến khích người dân sử dụng xăng E5 (TGTT).

Người dân tiếp tục phản đối BOT

Báo Pháp Luật TP HCM có bài tổng hợp: Tháo gỡ những ‘điểm nóng’ BOT thế nào? Hiện tượng “bất tuân dân sự” phản đối BOT liên tục diễn ra trong tuần đầu tiên năm 2018: “Tình hình tài xế phản đối việc thu phí qua trạm BOT những ngày qua đã xuất hiện ở Cần Thơ, Sóc Trăng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam”. Tác giả thừa nhận phong trào này “đang có xu hướng lan rộng nếu phía cơ quan quản lý, chính quyền các địa phương và nhà đầu tư trạm BOT không kịp thời có giải pháp tháo gỡ”.

Từ một “điểm nóng” BOT Cai Lậy, giờ các tài xế đã tự tin hơn và mở rộng phạm vi đấu tranh. “Trước phản ứng của tài xế tại các trạm BOT, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương, chủ đầu tư lắng nghe, giải quyết những kiến nghị của người dân”. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt, lãnh đạo ngành giao thông đang tính đường thu phí tự động tại tất cả các trạm BOT.

Mời đọc thêm: Phản đối BOT Sóc Trăng, tài xế xe biển xanh bị kiểm điểm(TP). – BOT Sóc Trăng xả trạm lần 2 (MTG). – Hội Chữ thập đỏ Cà Mau lên tiếng vụ tài xế phản ứng BOT (PLTP). – Hai lần căng thẳng khiến BOT Sóc Trăng xả trạm (Zing).

Thêm một số tin trong nước: Tuyên bố về bản án tử hình ông Đặng Văn Hiến của các cá nhân và tổ chức XHDS (TD). – Vũ Nhôm đã bị Singapore “bán đứng” như thế nào? (DLB/ TD). – Ông Vũ ‘nhôm’ có thể bị khởi tố thêm tội danh khác? (VTC). – Đường vòng, đường xiên của ‘quà Tết khủng’ biếu lãnh đạo (VNN). – Chính phủ quyết liệt từ ngày đầu tiên năm 2018(KTĐT). – HĐND Quốc Oai họp bất thường, kiện toàn nhân sự chủ chốt(Infonet).

Tin quốc tế

Chính trường Mỹ

Vụ bê bối Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016, con gái Trump, cô Ivanka bị công tố viên chú ý vì chào hỏi luật sư Nga, bài trên VnExpress. Dẫn nguồn từ báo Los Angeles Times, cho biết, công tố viên đặc biệt Robert Mueller đang chú ý tới mối quan hệ giữa luật sư Nga, Natalia Veselnitskaya và nhà vận động hành lang Rinat Akhmetshin, với các thành viên gia đình ông Trump, trong đó có cô con gái Ivanka.

Cũng chuyện Trump – Nga, trong một lần nhậu nhẹt với cựu Ngoại trưởng Úc Alexander Downer, cựu cố vấn chính sách ngoại giao của Trump, ông George Papadopoulos đã phun ra chuyện nhóm tranh cử của Trump thông đồng với Nga, để cho Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Liên quan tới cuộc gặp gỡ của con trai ông Trump là Trump Jr và những người thân cận của Tổng thống Mỹ với LS người Nga hè 2016 tại Trump Tower, Steve Bannon nói con trai ông Trump là “không yêu nước” và “phản quốc”. Bị Trump đe dọa, Bannon đã tìm cách làm nhẹ vấn đề.

VOA đưa tin: Vấp cơn thịnh nộ, cựu trợ lý ngợi ca con trai ông Trump. Hãng tin Reuters dẫn lời ông Bannon, nói: “Donald Trump Jr. không những yêu nước mà còn là một người tốt. Ông ấy đã không ngừng ủng hộ cha mình cũng như nghị trình giúp xoay chuyển đất nước chúng ta”.

Mời đọc thêm: Ông Bannon đính chính về cuốn sách gây tranh cãi ‘Fire and Fury’ (TT). – Máy bay Mỹ chuyển hướng vì một thanh niên Việt (VOA). – Chương trình nghị sự táo bạo của Mỹ (NL Đ).Rào cản lớn của ông Trump trước lúc gặp Chủ tịch Trung Quốc (VNN).

Tình hình Trung Quốc

Báo Tiền Phong có bài: Trung Quốc khuyến khích đội quân ‘chỉnh’ dư luận. Đây là bài viết khá chi tiết và đầy đủ nhất về lực lượng định hướng dư luận có lợi cho ĐCS Trung Quốc. Lực lượng này ở Việt Nam thường được gọi là “dư luận viên“, còn ở Trung Quốc, lực lượng này mang tên “đội 50 xu”.

Theo bài viết, ngoài đội quân “chính quy” được nhà nước nuôi dưỡng, hiện nay các đội quân tự phát khác, cũng được nhà nước khuyến khích tham gia “chỉnh huấn” dư luận bằng nhiều cách. Đó là mô hình các “đội cờ đỏ” mới nổi gần đây ở Việt Nam: Ngu dốt, cuồng tín, và khá độc ác.

Với các đội quân, cả chính quy và không chính quy này, ĐCS Trung Quốc hy vọng có thể “lan truyền thông điệp tích cực về Trung Quốc” trên internet. Khác với “dư luận viên” ở Việt Nam, các “dư luận viên” Trung Quốc còn có tinh thần dân tộc cực đoan. Do đó họ tấn công không chỉ trong nước mà cả các diễn đàn, mạng xã hội quốc tế.

Liên quan đến chuyện xử Chu Vĩnh Khang, Soha có bài, Ủy viên Bộ Chính trị phạm 3 trọng tội “được” xử kín, người Trung Quốc ngỡ ngàng. Chu Vĩnh Khang từng là Bộ trưởng Bộ công an Trung Quốc, cựu UVBCT ĐCS Trung Quốc, đã bị tòa án nước này “xử kín”, với lý do: Liên quan đến bí mật quốc gia.

Tình hình Trung Đông

Báo Sài Gòn Giải Phóng đưa tin: Khủng hoảng Iran leo thang nghiêm trọng. Trong bối cảnh có tin cựu TT Iran Ahmadinejad bị bắt, ngày 7/1 các cuộc biểu tình chống chính phủ vẫn diễn ra ở nhiều địa phương.

Bộ trưởng Tình báo Iran Mahmoud Alavi cho rằng, những diễn biến gần đây ở Iran là kế hoạch “nội công, ngoại kích” nhằm chống lại quốc gia này. Ông Mahmoud Alavi nhấn mạnh, “lớp trẻ Iran sẽ đánh bại những âm mưu của thế lực thù địch từ Mỹ, Israel và Saudi Arabia. Lực lượng an ninh Iran sẽ không để kẻ thù làm tổn hại tới an ninh quốc gia“.

Ngày 7/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi đóng cửa cơ quan của LHQ về người tị nạn PalestineCơ quan Liên Hiệp quốc về Cứu trợ và việc làm cho người tị nạn Palestine (UNRWA) được ông Netanyahu cho rằng, đó “là tổ chức có thành kiến với nước này (Israel)“.

Thủ tướng Netanyahu cũng đồng ý với lời chỉ trích mới đây của TT Mỹ Donald Trump dành cho UNRWA. Và ông ủng hộ lời đe dọa cắt viện trợ cho Palestine, mới được phía Mỹ đưa ra.

Mời đọc thêm: Các nước Arab hỗ trợ thành lập nhà nước Palestine năm 1967 (VOV). – Syria: Nổ bom ở thành phố Idlib, ít nhất 18 người thiệt mạng – Lo Mỹ tạo sự chia rẽ, Iran kêu gọi các nước Hồi giáo hợp tác (TTXVN).

Bắc Triều Tiên

Theo dự tính, ngày 9/1 tới Nam – Bắc Triều Tiên sẽ tiến hành các cuộc đàm phán liên Triều. Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã gửi danh sách phái đoàn của nước này tham dự cuộc đàm phán hiếm hoi này. Đoàn Bắc Hàn sẽ có 5 thành viên, do ông Ri Son-Gwon, Chủ tịch Ủy ban hòa bình tái thống nhất Triều Tiên, dẫn đầu.

Mời đọc thêm: Nhật Bản hoan nghênh đối thoại liên Triều (VTV). – Liên Triều sắp ‘đối thoại lịch sử’, Trung Quốc siết chặt giao thương (VNFinance). – Giám đốc CIA: Mỹ muốn giải pháp ngoại giao cho vấn đề Triều Tiên (TTXVN).

Về người thiểu số Rohingya

Tình hình Myanmar đã có dấu hiệu căng thẳng khi ngày 7/1, phiến quân Rohingya tấn công quân đội Miến ĐiệnTheo RFI, lực lượng phiến quân Rohingya khẳng định họ “không có lựa chọn nào khác là phải chiến đấu”. Phiến quân Rohingya tuyên bố đã tiến hành cuộc phục kích quân đội Miến Điện vào ngày 5/1. Các chi tiết về thương vong, thiệt hại chưa được công bố.

Lý do được đưa ra cho cuộc tấn công này, được Quân đội Cứu nguy người Rohingya ở bang Rakhine giải thích “quân đội Miến Điện tiếp tục đàn áp thiểu số người Hồi Giáo Rohingya. Vẫn còn những vụ hãm hiếp, những làng mạc bị đốt sạch, những người chết vì đói”. 

Một số tin quốc tế khác: Đức bắt đầu các đàm phán lập chính phủ liên minh mới (VOV). – Quốc hội Nam Phi tìm cách phế truất Tổng thống Jacob Zuma – Tổng thống Venezuela Maduro công nhận tân Chủ tịch Quốc hội (TTXVN).

237140cookie-checkBản tin sáng 8-1-2018