Thursday, December 26, 2024
HomeGiáo DụcBả chuột – một thảm họa nghiêm trọng

Bả chuột – một thảm họa nghiêm trọng

Thái Hạo

Nếu chỉ là các loại bả được kẻ xấu chế ra để phục vụ cho hành vi xấu, như đánh chó, đánh mèo để đem bán thì đã đành là một chuyện khác; nhưng ở đây tôi đang nói đến các “chủ trương”, các kế hoạch và cách thức “diệt chuột bảo vệ mùa màng” do chính chính quyền phát động và triển khai.

Hiện nay, cứ vào mùa là loa thôn, loa xã lại phát đi thông báo về việc mua thuốc/ bả để diệt chuột. Không phải chỉ một lần, mà từ trước khi gieo trồng cho đến suốt các thời kỳ sinh trưởng của cây cối, các loại thuốc này luôn được duy trì. Các kế hoạch này còn được triển khai ở cả đô thị, vì tình trạng chuột phát triển mạnh, quấy phá nhà cửa của người dân. Có nhiều nơi, thuốc được nhân viên chính quyền mang phát đến tận tay người dân với các mức giá khác nhau; thuốc được bày bán tràn lan trong các cửa hàng; thuốc được mua và rải  khắp đồng ruộng, vườn tược, nhà cửa…

Chuột phá hoại, đó là một thực tế; vì thế, diệt chuột cũng trở thành một việc làm chính đáng. Thoạt nhìn, “công cuộc diệt chuột” theo cách này có vẻ hợp lý và không có gì phải bàn cãi cả. Nhưng không, hậu quả mà nó đang gây ra là quá lớn, và đáng báo động khẩn cấp.

Mô hình “Quản lý chuột hại bằng bả trộn sẵn Hicate 0.08AB trên ruộng lúa vụ xuân năm 2024” tại xã Yên Thọ (Như Thanh).

Thuốc diệt chuột trên thị trường có nhiều loại: thuốc khô, thuốc nước, thuốc chết ngay, thuốc chết từ từ, thuốc chết một đời, thuốc chết ba đời…

Như chúng ta đã biết, chuột hay bất kỳ một loài động vật hoang dã nào đều thuộc vào chuỗi thức ăn trong thế giới tự nhiên. Con chuột là thức ăn của cầy (chồn), rắn, đại bàng, diều hâu, chim cú, bìm bịp…, và cả chó mèo nữa.

Các loại thuốc diệt chuột trên thị trường có độc tính rất cao, có những loại “chết ba đời”. Ví dụ, chuột ăn vào và bị chết; đến con chồn ăn con chuột chết ấy cũng bị chết theo; rồi một con rắn nuốt phải con chồn này, lúc nó đang ngắc ngoải, rắn cũng sẽ mất mạng.

Diệt một con chuột, nhưng đến mấy loài bị họa lây. Ngoài nạn săn bắt trái phép, từ ngày có bả chuột, ở quê tôi các giống cầy, diều hâu, cú mèo… gần như bị tuyệt diệt.

Cách đây vài chục năm, cứ chiều lại là từ trong núi, những loài chim săn mồi bay ra, lượn khắp bầu trời. Chúng tôi khi đó luôn có thể tình cờ bắt gặp một cái hang cú mèo hay một tổ diều hâu trên núi cao, bìm bịp thì nhiều vô kể. Nay thì vắng bóng, muốn nghe một tiếng chim nhỏ trong vườn cũng khó.

Những con chuột bị trúng bả, đang chạy loạng quạng, và một con chim cú từ trong bóng tối lao ra, tưởng sẽ có một bữa ăn ngon lành, ai ngờ mất mạng. Cứ thế, các loài chim, thú, rắn bị diệt cùng với những con chuột.

Một cửa hàng ở Q.Phú Nhuận bán thuốc diệt chuột dạng viên kẹo và dạng cốm – Ảnh: Ngọc Loan

Oái oăm thay, chuột, vì sức sinh sản lớn, nên dù bị diệt bởi thuốc/ bả nhưng cứ sau vài tháng là lại đông đúc trở lại. Nhưng còn các loài thiên địch của chúng thì cứ thưa dần, cho đến khi gần như bị tiệt nòi. Lúc này, do không còn kẻ thù, nên chuột lại càng được đà sinh sôi, lùng sục khắp nơi, phá tan mùa màng. Và thế là lại tuyên truyền, lại “phát động”, lại “thưa bà con”… Thuốc chuột lại được rải đầy đồng.

Ở khắp mọi nơi, sau khi chim thú là thiên địch của chuột đã bị diệt sạch, thì chó mèo, đặc biệt là mèo, cũng đang trở thành nạn nhân. Ở một ngôi làng bất kỳ, dường như hiếm có ngày nào không có tin chó mèo của gia đình nào đó bị chết vì bả chuột. Ở các đô thị, tình trạng cũng thê thảm không kém.

Khi còn chim thú thì chúng trở thành vật hiến tế cho thần chết; nay hết rồi, thì đến lượt chó mèo. Chó mèo, đặc biệt là ở nông thôn, chết oan vì bả chuột không sao kể xiết. Nay, ở những nơi thôn cùng xóm vắng, nuôi một con mèo mà nếu không nhốt lại vĩnh viễn trong nhà, thì chắc chắn sẽ chết. Bả phải thơm ngon, như cá rán, thịt nướng, thì mới dụ được chuột. Mà khốn nỗi, những con chó lại có cái mũi thính nhạy, chuột chưa ăn nhưng chó đã xơi rồi. Còn mèo thì đêm đi bắt chuột, trông thấy một chú đang run rẩy, liền vồ lấy, và thế là đành phải nhận cái chết tức tửi.

Những chủ trương và kế hoạch diệt chuột như đang thực hiện chính là cách lấy đá tự ghè chân mình. Con người tự tay diệt hết thiên địch của chuột, rồi sau đó “đâm lao phải theo lao”, cứ thế mà đổ thuốc chuột khắp mặt đất. Đó là cách phá hoại môi sinh không gì hiệu quả bằng. Tạo ra một sự mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, gián tiếp hủy diệt các loài động vật từ hoang dã đến thú nuôi. Đây là một việc làm phản khoa học và đang để lại những tác hại ghê gớm và lâu dài, không thể không chấm dứt.

Con người phải chuộc lỗi với tự nhiên, phục hồi lại hệ sinh thái bằng cách đoạn tuyệt với bả chuột. Chỉ cần ít năm thôi, khi bả chuột không được sử dụng nữa, các loài sẽ dần hồi sinh, thiên nhiên được cân bằng trở lại.

Bắt chuột đồng trong mùa gặt lúa – Ảnh: C.HẠNH

Trong giai đoạn trung gian chuyển tiếp ấy thì hãy dùng bẫy và các biện pháp cơ học khác để ngăn và diệt chuột. Kiên nhẫn vài năm, khi các loài thiên địch của chuột đã phát triển trở lại, thì với sự kỳ diệu của mình, thiên nhiên sẽ tự “phân bố dân cư” để bảo đảm cho một môi trường hài hòa mà ở đó không loài nào trở thành phá hoại nữa.

Chưa cần nói đến các loài thiên địch tự nhiên, chỉ riêng mèo thôi, nếu không bị gián tiếp giết chết một cách tàn bạo bằng bả chuột, thì rất nhanh, chúng sẽ “chiếm được địa bàn” và diệt chuột hiệu quả hơn bất cứ loại thuốc độc nào.

Một khía cạnh khác, là tinh thần nhân văn và đạo đức xã hội. Bây giờ, không còn nhiều người coi chó mèo chỉ là những con vật chỉ nuôi để bắt chuột và giữ nhà nữa; với chiều hướng văn minh trong nhận thức và cư xử ở con người, chúng đang dần trở thành những thành viên trong mỗi gia đình, được yêu thương, chăm sóc, và gắn bó sâu sắc về tình cảm với người chủ. Vì thế, mỗi cái chết oan ức của chó mèo vì bả chuột, đã gây nên những vết thương sâu trong lòng người. Nó đang để lại những di chứng trong tâm lý, tình cảm; và âm thầm phá hủy cả các giá trị nhân bản khi các “thành viên” ấy trong gia đình đang bị giết chết mỗi ngày. Một xã hội văn minh và tiến bộ, chắc chắn không bao giờ chấp nhận và nuôi dưỡng điều xấu ác ấy.

Kêu gọi ý thức người dân chỉ là một phần, quan trọng hơn là nhà nước phải nhìn nhận sâu sắc về vấn đề nghiêm trọng này, từ đó có các chính sách hiệu quả, nghiêm cấm sản xuất, nhập khẩu và sử dụng các loại bả chuột độc hại. Đây là việc làm không thể trì hoãn và chậm trễ nữa.

Thái Hạo

RELATED ARTICLES

1 COMMENT

  1. I loved as much as you’ll receive carried out right here. The sketch is attractive, your authored material stylish. nonetheless, you command get bought an impatience over that you wish be delivering the following. unwell unquestionably come more formerly again as exactly the same nearly a lot often inside case you shield this increase.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular