ẤU TRĨ VÀ NGU DỐT-CHUYỆN 36 NĂM TRƯỚC…

0
335
Bui Chat Họa sỹ, nhà thơ Bùi Chát trong triển lãm Improvisation tại Alpha Art Station

Hoàng Tuấn Công

Tôi đã đôi lần chia sẻ câu chuyện này cùng các bạn. Không ít ý kiến bình luận cho rằng, đó là “một thời ấu trĩ, ngu dốt”. 

Thế nhưng thực tế cho thấy, sau hơn 36 năm, cái sự “ấu trĩ, ngu dốt” ấy không những không hề mất đi, mà ngược lại, nó vẫn tồn tại.  Và hơn thế nữa, nó còn lớn lên từng ngày: Vẫn ẤU và TRĨ, vẫn NGU và DỐT tới mức không tưởng tượng nổi!

Sự kiện chính quyền TPHCM buộc tiêu hủy 29 bức tranh của Họa sĩ Bùi Chát là một ví dụ.

Sau đây xin trích một đoạn trong bài phát biểu của Tiên nghiêm tôi – Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ – một nạn nhân của kiểm duyệt tác phẩm 36 năm trước:

“…Ông Vương Anh nói thêm với tôi và một số anh em văn nghệ như Trọng Miễn, Đào Phụng, Xuân Quảng, Nguyễn Ngọc Quế và nhiều chị em khác rằng: trong cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy triệu tập lãnh đạo Hội văn nghệ để bàn xét về vấn đề thơ chống Đảng, ông Vương Anh liếc nhìn vào sổ tay ông Lê Xuân Sang (Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy) và ông Quách Lê Thanh (Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy) đều thấy cùng ghi một dòng chữ: “Hoàng Tuấn Phổ chống Đảng”. Điều này không biết có thực hay không, nhưng chẳng riêng gì tôi mà các anh em khác cũng đều hết sức hoang mang lo sợ. Mặc dù vậy, tôi vẫn không thể làm vừa lòng Ban thường trực Hội nói chung và ông Phạm Trung Thực nói riêng vì không hề nhận ra mình đã mắc những sai phạm chính trị trong bài thơ họa ký tên Cao Đăng. Sau những cuộc kiểm điểm liên miên ngày này qua tháng khác, Ban thường trực Hội kết luận tôi là “thái độ kiểm điểm không thành khẩn kéo dài” (9 tháng).

Cũng trong thời gian này, anh Minh Hiệu (Nhà thơ) có 8 bài thơ, Ban thường trực Hội coi như là “8 phát súng đại bác” nã vào Tỉnh ủy. Ông Vương Anh nói: trong khi ông Minh Hiệu tấn công trực diện vào Đảng thì Hoàng Tuấn Phổ gián tiếp đả kích những cán bộ lãnh đạo của Đảng. 

Anh Xuân Hùng vẽ bức tranh “Chuẩn bị thóc nhập kho”, vì góc bức tranh có vẽ một cây rơm, chung quanh có mấy em bé đang đùa chơi, ông Mai Bình và Ban thường trực Hội bảo là “cây rơm to hơn đống thóc tức là mất mùa thì lấy thóc đâu nhập kho? Phải chăng tác giả ẩn ý rằng thành tích nông nghiệp của ta chỉ là giả tạo ?” (Trong thực tế, dù được mùa lớn, rơm vẫn nhiều hơn thóc!).

 Bức tranh vẽ một đàn ngựa của anh Đỗ Chung, bị ông Mai Bình lộn ngược dưới lên để xem và nhận xét là tác giả vẽ toàn là các bộ phận kín của phụ nữ! Cũng một bức tranh khác của Đỗ Chung, ông Vương Anh bảo: “Cái mặt trời tím mọc trên cánh đồng lúa là con số không, ý tác giả muốn nói “nền nông nghiệp nước ta chỉ là con số không!”. Còn nhiều trường hợp nữa tôi không tiện dẫn hết ra đây.

Cứ cái kiểu suy diễn, phán xét nguy hiểm đó, trong công việc đọc duyệt tác phẩm, các ông Mai  Bình, Hà Khang, Vương Anh đã dần dần hệ thống hóa các tác phẩm, quy tụ các hiện tượng để tiến tới khẳng định ở Thanh Hóa có một tổ chức văn nghệ sĩ chống Đảng…”

(Trích Bài phát biểu của Hoàng Tuấn Phổ đã trình bày tại Đại hội văn học nghệ thuật Thanh Hoá lần thứ III vào lúc 2 giờ chiều ngày khai mạc 22/5/1989 tại hội trường tỉnh 25B)

632040cookie-checkẤU TRĨ VÀ NGU DỐT-CHUYỆN 36 NĂM TRƯỚC…