Thủ tướng Albanie Edi Rama cáo buộc Tiktok là « côn đồ » chuyên phao « những điểu bẩn thỉu », khác với « TikTok ở Trung Quốc hướng dẫn học cho sinh viên hoặc làm thế nào để bảo vệ thiên nhiên, truyền thống ». Quyết định trừng trị thẳng tay mạng xã hội của tập đoàn Trung Quốc ByteDance được đưa ra một tháng sau vụ một học sinh 14 tuổi thiệt mạng vì đánh nhau gần một trường học ở Tirana do cãi nhau trên mạng xã hội. Song song với lệnh cấm TikTok trong vòng 1 năm, chính phủ Albanie còn tổ chức những chương trình « giáo dục học sinh và hỗ trợ phụ huynh theo dõi hành trình của con em ».
Theo AFP, không chỉ Albanie, các nước láng giềng Kosovo, Bắc Macedonia và Serbia cũng chỉ trích ảnh hưởng tiêu cực của TikTok đến thanh thiếu niên. Ví dụ ít nhất 22 trường hợp học sinh nữ tự làm hại bản thân ở thành phố Gjakova, tây nam Kosovo, cách đây hai tháng, do làm theo một thử thách nguy hiểm trên TikTok, hoặc vài chục thiếu niên nhập viện cùng lúc ở Bắc Macedonia cách đây hai tuần do thử thách « siêu nhân » – để cho các bạn ném lên trời – cũng trên TikTok…
Có hơn 1 tỉ người sử dụng trên thế giới, đặc biệt thu hút giới trẻ vì những đoạn video cực ngắn xuất hiện liên tục nhưng TikTok bị cáo buộc hướng người sử dụng vào kho nội dung thông qua một thuật toán không rõ ràng, thúc đẩy phổ biến thông tin sai lệch và nội dung bất hợp pháp, bạo lực hoặc tục tĩu, đặc biệt là trong giới trẻ. Theo báo cáo của tổ chức We Are Social, năm 2024, người sử dụng hệ điều hành Android truy cập TikTok trung bình 34 tiếng mỗi tháng.
Úc là nước có biện pháp triệt để hơn cả khi cấm mạng xã hội đối với người dưới 16 tuổi. Ấn Độ cấm TikTok từ năm 2020 sau khi xảy ra các cuộc xung đột chết người ở biên giới với Trung Quốc. TikTok bị Ủy Ban Châu Âu điều tra sau khi có những nghi ngờ can thiệp nước ngoài vào cuộc bầu cử tổng thống ở Rumani.