Trung Nguyễn
27-10-2018
Hai “giáo sư, tiến sỹ” ở hai khía cạnh trái ngược
Chỉ trong một thời gian ngắn, dân tình Việt Nam xôn xao bàn tán về hai “giáo sư, tiến sỹ” có tên tuổi. Người thứ nhất là Nguyễn Phú Trọng, còn người thứ hai là Chu Hảo.
Người thứ nhất đã lên ngôi “Hoàng đế đỏ” nắm quyền sinh sát với cả dân tộc, còn người thứ hai thì vừa bị “Hoàng đế đỏ” kỷ luật với cái cớ là đã viết bài, phát ngôn, in sách có nội dung trái với cương lĩnh đảng [cộng sản]. Dù vậy, cái con người thứ nhất đầy quyền uy đó không hề dám công khai cho toàn dân biết những bài viết, lời nói hay sách báo nào của giáo sư Chu Hảo đã trái ý của giới cầm quyền cộng sản để toàn dân nhận xét.
Thực ra thì cái thế lực phi nghĩa là giới lãnh đạo cộng sản làm sao dám công khai đối thoại với giáo sư Chu Hảo. Lý do là họ thừa biết họ là thế lực “chuyên quyền, phản dân hại nước” như lời phán xét của nhà văn Nguyên Ngọc dành cho họ trong tuyên bố ra khỏi đảng cộng sản. Có kẻ độc tài nào lại không biết hắn là kẻ độc tài? Có kẻ cướp nào lại không biết chúng chính là kẻ cướp?
Tôi chỉ ở tuổi con cháu của hai vị “giáo sư, tiến sỹ” ở trên. Phần đầu cuộc đời tôi bị ảnh hưởng nặng nề (nghĩa là bị “nhồi sọ”) bởi những người như “hoàng đế đỏ”, và phần đời sau này của tôi thì ngược lại, được khai sáng bởi những người như giáo sư Chu Hảo.
GS Chu Hảo đưa internet vào VN để “khai dân trí”
Đối với tôi, công lao lớn nhất của giáo sư Chu Hảo chính là góp phần đem internet vào Việt Nam. Thực vậy, thế giới mạng đã giúp bao thế hệ sinh viên, thanh niên có thêm nhiều thông tin để đọc, để thức tỉnh.
Nhiều bạn sinh viên từng nói với tôi là trong chương trình học, nhất là trong phần giáo dục quốc phòng – an ninh, họ được học về các vụ án chính trị như vụ án về nhóm Trần Huỳnh Duy Thức. Các thầy giáo cấm họ đọc những bài viết của những nhân vật “phản động” như vậy. Tuy nhiên, càng cấm thì các bạn sinh viên càng tò mò. Và qua internet, các bạn ấy dễ dàng tìm cách vượt tường lửa để vào tìm đọc bài viết của những nhân vật như Trần Huỳnh Duy Thức. Kết quả là các bạn sinh viên cũng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” để trở thành những người ủng hộ chế độ dân chủ pháp quyền.
Kể ra như vậy để thấy công lao đưa internet vào Việt Nam của giáo sư Chu Hảo vô cùng lớn. Và tôi tin rằng ảnh hưởng của internet ở Việt Nam đối với tiến trình dân chủ còn lớn hơn nhiều so với các đầu sách mà nhà xuất bản Tri Thức đã xuất bản. Internet đã khiến tiến trình dân chủ hóa Việt Nam không thể đảo ngược được nữa.
Báo đảng của “hoàng đế đỏ” chỉ để gói xôi
Ở khía cạnh ngược lại, tờ báo mà “hoàng đế đỏ” Nguyễn Phú Trọng từng công tác như Tạp chí Cộng sản thì có mấy người đọc và có thể gây ảnh hưởng tích cực gì tới xã hội? Tôi tin là không hề có.
Tôi từng chứng kiến những cơ quan quân đội, công an được phát không những tờ báo của đảng cộng sản như Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, mà các sỹ quan công an còn không thèm đọc, chạy ra ngoài mua báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên để đọc, thế thì đủ thấy những tờ báo của đảng cộng sản chỉ là những cỗ máy ăn hại, tiêu xài phung phí tiền thuế của dân.
“Đối thoại” bằng “búa”, “liềm” và còng số 8
Ngoài những tờ báo đảng [cộng sản] ăn hại, “giáo sư, tiến sỹ”, “hoàng đế” Nguyễn Phú Trọng còn là người chịu trách nhiệm chính về luật An ninh mạng, một bộ luật được soạn thảo để bưng bít thông tin và đe dọa, bịt miệng, đàn áp, bỏ tù những người dân dám nói lên chính kiến khác với giới lãnh đạo cộng sản. Bịt miệng người khác bằng bạo lực là hành vi tồi tệ đối với một người được giới bút nô xưng tụng là “kẻ sỹ Bắc Hà”. Một trí thức chân chính phải biết cách trao đổi, tranh luận thẳng thắn và cởi mở với những người khác, chứ không phải giơ búa, liềm, hay còng số 8 ra.
Từ đó có thể thấy, giáo sư Chu Hảo đã đóng góp rất tích cực và hiệu quả vào tiến trình dân chủ hóa đất nước, khác hẳn với “giáo sư, tiến sỹ” Nguyễn Phú Trọng chỉ gây hại, tốn tiền thuế của dân và toan tính giật lùi tư duy người dân về thời phong kiến. Ví dụ rõ nhất là những kẻ bồi bút đi nịnh bợ, ca ngợi ông Trọng như một “minh quân” thời phong kiến mà không hề thấy xấu hổ.
Những kẻ đạo đức giả lại có quyền đi phán xét?
Về mặt chính trị – xã hội thì như vậy, còn về mặt “đạo đức, lối sống” thì giáo sư Chu Hảo cũng bị Ủy ban kiểm tra của giới cầm quyền cho là “suy thoái”.
Tiệm vàng Thảo Lực ở Cần Thơ bị sung công quỹ 20 viên kim cương gần đây với lý do “không rõ nguồn gốc”. Trong khi báo chí “cách mạng” trong nước từng chỉ ra rất nhiều biệt phủ, đất đai của giới lãnh đạo cộng sản được giải trình bằng những lý do ngô nghê như “chạy xe ôm”, “buôn chổi đót”,… thì được cho qua. Bản thân “hoàng đế đỏ” Nguyễn Phú Trọng cũng từ chối chuyện công khai tài sản quan chức cao cấp với lý do “nhạy cảm”, vi phạm “quyền đời tư”...
Kể ra chỉ một ví dụ như trên để thấy rõ giới lãnh đạo cộng sản đạo đức giả và là những kẻ cướp ngày như thế nào. Cần khẳng định “giáo sư, tiến sỹ” Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu trong số những kẻ đạo đức giả đó. Những kẻ đạo đức giả, trơ tráo đó lại tự cho họ có quyền phán xét “đạo đức, lối sống” của người khác. Còn gì trơ trẽn hơn nữa?
“Hoàng đế đỏ” Nguyễn Phú Trọng mới lên ngôi mà đã dằn mặt, đe dọa giới trí thức trong đảng cộng sản. Điều đó cũng cho thấy rất có thể đã có sự đố kị của “trí thức dỏm” Nguyễn Phú Trọng bị dân oán, đối với “trí thức chân chính” Chu Hảo được dân yêu mến. Ở đây, đối với người dân chỉ thấy một sự nhỏ mọn đáng khinh của ông Trọng.
Cần dứt khoát từ bỏ đảng cộng sản
Do đó, tôi rất mong các trí thức chân chính còn lại trong đảng cộng sản cần quyết liệt phản đối nhà cầm quyền cộng sản “chuyên quyền, phản dân hại nước” bằng cách tuyên bố công khai từ bỏ đảng cộng sản để trở về với dân tộc.
Các vị hãy thử hình dung cảnh những người chỉ đáng tuổi em, thậm chí con cháu mình, đi kỷ luật mình, xỉ vả mình, dạy dỗ mình về “đạo đức, lối sống”.
Đừng để lâm vào tình cảnh như vậy! Đừng để bản thân mình phải sống hèn, sống tủi thêm một phút giây nào nữa. Hãy hành động như nhà văn Nguyên Ngọc hay giáo sư Mạc Văn Trang và các đảng viên khác đã và đang từ bỏ đảng!
© Copyright Tiếng Dân