Monday, January 13, 2025
HomeBình Luận-Quan ĐiểmĐÃ CÓ HAI TÔ LÂM?

ĐÃ CÓ HAI TÔ LÂM?

Ông Tô Lâm vừa trải qua 100 ngày đầu trong cương vị Tổng Bí Thư, người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam nắm quyền sinh sát đối với vận mệnh của cả một dân tộc.
Ngay sau khi nắm chức vụ Tổng Bí Thư vào thượng tuần Tháng Tám 2024, thay thế người tiền nhiệm là ông Nguyễn Phú Trọng đầy bảo thủ và giáo điều, ông Tô Lâm liên tiếp đưa ra nhiều tuyên bố tích cực, hợp lòng dân trong các bài báo, diễn văn, họp báo từ trong và ngoài nước, như:
– Về cam kết chống tham nhũng: “Sẽ tiếp tục công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Phát biểu trong buổi họp báo ngày 03 Tháng Tám 2024 sau lễ nhậm chức Tổng Bí Thư;
– Về nhận thức cải cách: “Từ bỏ tư duy không quản được thì cấm”. Phát biểu tại Quốc Hội sáng ngày 21 Tháng Mười 2024 và tại Bộ Tư Pháp ngày 7 Tháng Mười một 2024;
– Về tư tưởng pháp trị: “xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”. Trích bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;
– Về hoạch định chính sách: Xác định các điểm nghẽn “Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”. Phát biểu tại Quốc Hội sáng ngày 21 Tháng Mười 2024;
– Về cải cách giáo dục: “Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân”. Phát biểu tại Trường Đại học Kinh tế Hà Nội ngày 18 Tháng Mười Một 2024;
– Về hứa hẹn dân túy: “nhất định Việt Nam sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Phát biểu tại Nhà hát Hồ Gươm Hà Nội ngày 29 Tháng Tám kỷ niệm ngày Quốc Khánh;
Ông chủ trì một cuộc họp tại trung ương về chống lãng phí, tiêu cực. Ông tiếp tục cho khởi tố hình sự nhiều vụ án tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Ông cho thực hiện kỷ luật nhiều cựu lãnh đạo cao cấp như Võ Văn Thưởng – cựu Chủ Tịch nước, Vương Đình Huệ – cựu Chủ Tịch Quốc Hội, Nguyễn Văn Thể – cựu Bộ Trưởng Bộ Giao thông Vận Tải, cùng nhiều quan chức khác là cựu Bí Thư tỉnh ủy, Chủ Tịch UBND tỉnh…
Không chỉ thế, ngay trước chuyến công du Hoa Kỳ tham dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thường niên vào hạ tuần Tháng 9 2024, ông cho thả trước thời hạn 3 tù nhân chính trị và nhà hoạt động môi trường, gồm các ông bà Trần Huỳnh Duy Thức, Hoàng Ngọc Giao và Hoàng Minh Hồng như một thiện chí.
Với nhiều người ngây thơ về chính trị, đã như người nhìn thấy ánh sáng le lói từ cuối đường hầm tăm tối. Vì lẽ, họ chợt nhận ra ở ông như một nhà lý luận, một nhà tư tưởng, một nhà hoạch định chính sách, một nhà cải cách, một chính trị gia dân túy, một nhà báo thâm trầm, thậm chí, một nhà đạo đức học…
Xem ra, chức vụ Tổng Bí thư đã giúp hoàn toàn lột xác ông Tô Lâm trở thành một con người khác hẳn.
Thế nhưng, sau 50 năm sống dưới chế độ Cộng Sản và sau 20 năm chứng kiến hành xử của ông Tô Lâm trong các cương vị đứng đầu ngành công an, thì số người ngây thơ về chính trị hoặc hiểu nhầm về ông Tô Lâm không còn nhiều. Bản thân chế độ này và cả ông Tô Lâm đã giúp làm “sáng mắt, sáng lòng” cho hầu hết người dân xứ này về bản chất của họ.
Khi vừa nhậm chức Tổng Bí Thư, ông cam kết: “Sẽ tiếp tục công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Thế nhưng, ngay trong thông báo gần đây về việc kỷ luật các cựu quan chức cao cấp trong chính quyền, công chúng đọc mãi thông báo vẫn không hiểu các ông Võ Văn Thưởng, Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể. Hoặc trước đó, các ông bà Nguyễn Xuân Phúc, Trương Thị Mai, Phạm Bình Minh, Trần Tuấn Anh, Vũ Đức Đam, Đinh Tiến Dũng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình, Lê Thanh Hải, Lê Hoàng Quân, Nguyễn Thị Kim Tiến… Cụ thể, họ đã vi phạm những gì? Vì ngoài những ngôn từ chung chung, mơ hồ hay không đầu, không đuôi như trách nhiệm người đứng đầu, thì Đảng đã ém nhẹm mọi thông tin về các vi phạm của các quan chức cao cấp một cách cố ý, kém minh bạch trước nhân dân.
Như thế, tuyên bố cam kết của ông Tô Lâm gồm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” chỉ là lời nói suông vui tai mà thôi. Đồng thời, qua hành xử như thế, chế độ đã gởi một thông điệp không gì rõ ràng hơn: Nếu là đảng viên cao cấp vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý nhưng sẽ không bị công khai vi phạm là gì cho công chúng biết.
Nếu so sánh, chế độ Cộng Sản trong nước ngày nay không quá khác biệt thời phong kiến từ hàng nghìn năm trước, khi mà “Hình bất thướng đại phu” (hiểu nôm na “Hình phạt không lên đến đại phu (Lễ Ký).
Tương tự, ông phát biểu về nhận thức cải cách, theo đó: “Từ bỏ tư duy không quản được thì cấm” và viết về tư tưởng pháp trị: “xây dựng Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”.
Thực tế, dưới thời ông Tô Lâm làm Bộ Trưởng Bộ Công An, công an mới là lực lượng đi đầu của “tư duy không quản được thì cấm” trong việc ngăn trở, cấm đoán, đàn áp người dân thực hiện các quyền tự do do Hiến pháp quy định.
Được Quốc Hội giao trách nhiệm soạn thảo các dự án luật biểu tình, luật lập hội… ít nhất từ năm 2013 sau khi Hiến pháp được tu chính. Thế nhưng, Bộ Công An liên tục trì hoãn việc soạn thảo, trình các dự án luật này ra Quốc Hội.
Đến thượng tuần Tháng Mười 2024, sau 11 năm trì hoãn, Bộ Công An mới ban hành Nghị định số 126 về Lập Hội. Trong đó, họ “cài cắm” các rào cản pháp lý, đến mức Nghị định Lập Hội trông chẳng khác nào là Nghị định cấm Lập Hội.
Song song đó, Bộ Công An dưới quyền ông Tô Lâm tăng cường đàn áp, bắt bớ công dân thực hiện các quyền tự do căn bản theo Hiến pháp như quyền tự do ngôn luận, báo chí, biểu tình, lập hội, tôn giáo… một cách khốc liệt chưa từng có.
Hiện nay, hàng trăm tù nhân chính trị, gồm những ký giả tự do, các nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền, môi trường… đang bị cầm tù đều là nạn nhân của “tư duy không quản được thì cấm” và sự áp dụng pháp luật tùy tiện, bừa bãi, trái với tư tưởng “Nhà nước Pháp quyền” của lực lượng công an dưới quyền Bộ Trưởng Tô Lâm.
Chưa kể đến sự kiện đàn áp đẫm máu do chính ông Tô Lâm phát lệnh tấn công vào dân lành tại thôn Hoành, Đồng Tâm ngay trong thời bình. Khi ấy, một lực lượng hỗn hợp hơn 3 nghìn công an, trang bị vũ khí tối tân đến tận răng, cả chó nghiệp vụ được huy động để mở cuộc tấn công vào nhà dân vào giấc rạng sáng, trước tết nguyên đán năm 2020 chỉ vài ngày. Tại đó, thượng tá Đặng Việt Quảng, tay thiện xạ đã bắn thẳng tay vào ngực ông cụ 84 tuổi trong cự ly không quá 1m.
Cũng thế, công chúng tự hỏi, một “Nhà nước Pháp quyền Xã Hội Chủ Nghĩa” mà ông Tô Lâm đang kêu gọi xây dựng, ngoài tấn công vào nhân dân như vụ Đồng Tâm, có bao hàm việc đích thân Bộ Trưởng Bộ Công An đưa lực lượng an ninh nhập cảnh vào các quốc gia khác để bắt cóc người đưa về Việt Nam hay không? Những Trịnh Xuân Thanh, bị bắt cóc ở Đức, Trương Duy Nhất, Đường Văn Thái, bị bắt cóc ở Thái Lan…
Mới đây, nhân dịp ngày 20 Tháng Mười Một, trước mặt các nhà giáo Việt Nam, ông Tô Lâm lại có lời phát biểu những điều tốt đẹp về giáo dục: “Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân” như một nhà đạo đức học, một chính trị gia dân túy vì phát biểu những điều công chúng muốn nghe… khiến công chúng cũng đâm ra nghi ngờ về tính thực hư câu chuyện vô đạo đức của lãnh đạo cao cấp đã sống xa hoa, thưởng thức bò dát vàng ngày nào mà thế giới bên ngoài “đồn đãi”.
Vào một ngày thượng tuần Tháng Mười Một 2021, trên mạng xã hội Tiktok, “Thánh rắc muối – Salt Bae”, đầu bếp và là ông chủ của chuỗi nhà hàng sang trọng vốn rất nổi tiếng về món ăn bò dát vàng cho đăng tải đoạn video dài 41 giây, cho thấy Salt Bae đã tự tay chế biến và phục vụ món bò dát vàng. Trong video, Salt Bae cắt miếng thịt bò dát vàng và đút ăn tận miệng cho Bộ trưởng Tô Lâm.
Rất có thể ông Tô Lâm là khách được mời bữa ăn xa hoa đó. Hoặc giả, lương của một đại tướng công an có thể thừa khả năng để thanh toán bữa ăn có giá trị tương đương bằng 80 tấn lúa tại Việt Nam. Thế nhưng, vào thời điểm đất nước chỉ vừa thoát khỏi cơn đại dịch Covid gây thiệt hại vô cùng lớn về nhân mạng lẫn tiền của, thì việc một quan chức cao cấp ăn uống, sống xa hoa một cách công khai như thế là không phù hợp và đúng đắn về phương diện đạo đức xã hội, nhất khi mình là một công bộc của dân.
Ông Tô Lâm Tổng Bí Thư ngày nay đã nghĩ gì về hình ảnh ông Tô Lâm Bộ trưởng thưởng thức bò dát vàng năm ấy? Và bài học đạo đức loại nào trong hình ảnh đó sẽ là tấm gương cho các nhà giáo Việt Nam cùng hàng triệu học sinh của họ trong ngày Hiến chương Nhà Giáo?
Chưa kể đến hàng loạt bê bối khác của ông Tô Lâm, như ký văn bản mật để bảo vệ cho thương vụ bê bối AVG, lũng đoạn Quốc Hội để: Thay đổi căn cước nhiều lần; Gia tăng lực lượng công an; Chiếm đoạt nguồn tiền phạt vi phạm giao thông; Chiếm dụng ngân sách vô tội vạ nhân danh an ninh quốc gia; Xây dựng Nhà hát Hồ Gươm (Nhà hát Công an) xa hoa, lãng phí…
Sau cùng, công chúng mơ hồ chẳng rõ ông Tổng Bí Thư Tô Lâm có phép thần thông, hoặc tài năng gì hơn hàng loạt Tổng Bí Thư tiền nhiệm để có thể đưa Việt Nam “tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”? Nhưng có một điều rất rõ, hành trang riêng của ông ấy, một cựu Bộ Trưởng Bộ Công An đang dày đặc nợ máu nhân dân, món nợ chưa từng trả!
DC, ngày 23 Tháng Mười Một 2024.
Đặng Đình Mạnh
RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular