Hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thường tự quảng cáo về “tâm” và “tầm” nhưng hiện trạng kinh tế – xã hội cho thấy cả hai thứ nay đều là “xa xỉ phẩm” mà các viên chức hữu trách từ trung ương đến địa phương hoặc không muốn sắm, hoặc không có khả năng để sắm cả hai! Đó là lý do ngạn ngữ “mười voi không được bát nước xáo” luôn luôn đúng đến đau lòng, đặc biệt là khi xảy ra thiên tai, thảm nạn.
Ngày 20/8/2024, hệ thống truyền thông chính thức đồng loạt tuyên truyền về “Hội thao tìm kiếm, cứu hộ – cứu nạn đường không năm 2024” do quân chủng Phòng không – Không quân (PKKQ) tổ chức tại sân bay Hòa Lạc (Hà Nội) nhằm “kiểm tra trình độ, năng lực của phi công và lực lượng tìm kiếm, cứu hộ – cứu nạn đường không của các đơn vị trực thăng” [1].
Giống như các đợt “diễn tập thực binh” được tổ chức rầm rộ hàng năm từ xã, huyện, tỉnh/thành phố đến quân đoàn/quân khu, hội thao vừa đề cập cũng có sự góp mặt của tất cả các nhân vật “tai to, mặt lớn” đại diện chính phủ (Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn – UBQG ƯPSCTT TKCN), đại diện quân đội chễm chệ ngồi nghe báo cáo, hứa hẹn quyết tâm, sau đó tuyên bố về thành công, tiến bộ…
Nếu các đợt “diễn tập thực binh” thường niên góp phần tạo ra một hệ thống khi hữu sự không biết làm gì với các phương tiện đường thủy lừng lững xuyên biên giới Việt Trung, dễ dàng vượt qua các tỉnh phía thượng lưu để xuống hạ lưu sông Hồng, có nguy cơ va vào các cây cầu trọng yếu [2] thì kết quả của “Hội thao tìm kiếm, cứu hộ – cứu nạn đường không năm 2024” cũng vậy!
Khoảng ba tuần sau hội thao, khi bão Yagi vừa quét qua khu vực Đông Bắc và để lại đổ nát, sạt lở khắp nơi, tạo ra vô số nạn dân kiệt sức vì đói khát, ướt át, lạnh lẽo, kêu cứu do bị cô lập ở những vị trí hiểm trở, bất chấp đề nghị nên sử dụng trực thăng cứu nạn của dân chúng, trực thăng của quân chủng PKKQ Việt Nam và công an nhân dân Việt Nam vẫn “án binh bất động”.
Đó cũng là lý do dư luận dậy lên thành bão bởi một tuần sau khi “trời yên, gió lặng”, trực thăng của quân chủng PKKQ mới xuất hiện ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng để dân chúng, trẻ con quàng khăn đỏ đổ đến xem “bộ đội cụ Hồ” dỡ khoảng trăm thùng mì gói, nước uống đóng chai từ trực thăng, xếp thành đống phía sau tấm bạt kẻ vẽ cẩn thận nhằm giới thiệu vật phẩm cứu trợ đã được mang đến bằng phương tiện cứu nạn hiện đại để chụp ảnh, quay phim phục vụ… công tác tuyên truyền [3]!
Chuyện sử dụng trực thăng cứu hộ – cứu nạn đã được nêu ra từ lâu, đặc biệt là khi xảy ra thiên tai, thảm nạn (bão lụt, cháy rừng,…) nhưng dường như hy vọng, sự mong đợi của công chúng chỉ tạo điều kiện cho quân đội nhân dân phóng tay tổ chức thêm các “hội thao tìm kiếm, cứu hộ – cứu nạn đường không” và công an nhân dân củng cố lập luận cần phải được đầu tư để thành lập trung đoàn trực thăng riêng!
Muốn đánh giá “tâm” và “tầm” của các viên chức lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nói chung và lực lượng vũ trang nói riêng, nên dành chút thời gian xem kỹ thông tin, hình ảnh về “hội thao” liên quan đến “tìm kiếm – cứu nạn đường không” diễn ra hồi tháng 8/2024. Làm sao hoạt động tìm kiếm – cứu nạn có thể có hiệu quả khi chỉ chú trọng đầu tư vào vài “đội tuyển” tập trung thi “lý thuyết, thao diễn chào mừng hội thao”, phần “thực hành tìm kiếm – cứu nạn” chỉ có vài “vận động viên” níu dây tuột từ trực thăng xuống sông? Khi nào thì tính mạng, tài sản của công dân Cộng hòa XHCN Việt Nam quan trọng hơn những chuyện như “bay biểu diễn kéo cờ đảng, quốc kỳ” để “kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ” và quân đội nhân dân Việt Nam cũng tích cực điều động tới 11 trực thăng tham gia tập luyện, thực hiện một phi vụ [4]?
***
Hình ảnh, thông tin về tình trạng thiếu thốn đủ thứ từ trang bị cá nhân cho những người tham gia tìm kiếm cứu nạn tới phương tiện tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng trong ứng phó thiên tai, thảm họa khiến kẻ viết bài này nhớ đến một đề nghị của quân đội Mỹ hồi giữa thập niên 2010. Sau khi quân đội Mỹ công bố ý định xây dựng hệ thống kho dự trữ quân cụ, quân nhu để có thể triển khai nhanh các chiến dịch nhân đạo, giúp giải quyết hậu quả thiên tai tại khu vực Đông Nam Á nhờ các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng… một số quốc gia Đông Nam Á đã chủ động đề nghị quân đội Mỹ đặt hệ thống kho vừa đề cập trên lãnh thổ của họ. Tuy nhiên tướng Dennis Via, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tiếp vận của Lục quân Mỹ vào thời điểm đó (2016) cho biết, quân đội Mỹ muốn xây dựng hệ thống kho này tại 2 quốc gia, trong đó có Việt Nam [5].
Khi ấy, một số nguồn thạo tin còn đề cập đến khả năng, nếu Việt Nam đồng ý, quân đội Mỹ sẽ thiết lập hệ thống kho tiếp liệu, dự trữ quân cụ, quân nhu cho các chiến dịch nhân đạo tại khu vực Đông Nam Á ở miền Trung Việt Nam. Sau tướng Via, tướng Robert Brown (Tư lệnh Lục quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương từ 2016 đến 2019) tiếp tục lập lại ý định về việc thiết lập hệ thống kho dùng vào việc hỗ trợ nhân đạo song ông nói thêm rằng ngoài Việt Nam, có thể quân đội Mỹ sẽ xem xét thêm đề nghị xây dựng hệ thống này ở Malaysia, Bangladesh, hoặc Cambodia,… Giống như tướng Via, tướng Brown giải thích tại sao quân đội Mỹ bận tâm về chuyện này: Đó là khu vực chắc chắn sẽ xảy ra những thảm họa. Kế hoạch này nhằm tư vấn, hỗ trợ cứu được nhiều mạng người nhất trong toàn khu vực [6]!
Tại sao quân đôi Mỹ đã xác định Việt Nam là địa điểm lý tưởng để xây dựng hệ thống cất trữ phương tiện, vật dụng dành riêng cho các chiến dịch nhân đạo và hợp tác Mỹ – Việt có vẻ càng ngày càng chặt chẽ nhưng ý tưởng vừa kể dường như chẳng đến đâu? Câu trả lời nằm ở chỗ Việt Nam vẫn luôn phải “nhìn trước, ngó sau” và vẫn khăng khăng sẽ kiên định với “chính sách ba không” (Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác), rồi tăng thêm một “không” (không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế) thành “chính sách bốn không”, lúc phải đối đầu với thiên tai, thảm họa thì phát sinh thêm một “không” nữa là… “không có gì hết”!
Chú thích
[3] https://www.facebook.com/ludoanphaobinh675/videos/1492151288330923