Tuesday, January 14, 2025
HomeKINH TẾThị trường vàng Việt Nam: độc quyền, giá leo thang, buôn lậu...

Thị trường vàng Việt Nam: độc quyền, giá leo thang, buôn lậu vượt kiểm soát

BBC

9 tháng 4 2024, 17:00 +07

Thị trường vàng miếng Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng giá kỷ lục.

Chỉ trong sáng 9/4, vàng miếng SJC đã tăng lên hơn nửa triệu đồng mỗi lượng, lập kỷ lục mới ở mức 83 triệu đồng VN. Đây được coi là mức giá cao nhất của vàng miếng SJC từ trước tới nay.

Cũng trong sáng cùng ngày, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC đã liên tục tăng giá vàng miếng tới bốn lần, tổng cộng tăng 600.000 đồng.

Các công ty khác như Phú Quý SJC, Doji, Bảo Tín Minh Châu đều cho tăng giá vàng miếng trong sáng 9/4.

Không chỉ vàng miếng, vàng nhẫn cũng lập kỷ lục mới khi lên 75,6 triệu đồng/lượng.

Getty Images
Giáng vàng Việt Nam đang cao hơn giá thế giới rất nhiều

Giá cao hơn quốc tế và nạn buôn lậu vàng

Giá vàng miếng SJC Việt Nam cao hơn giá quốc tế 12 triệu đồng, giá vàng nhẫn Việt Nam cao hơn giá quốc tế từ 3,7-4,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng tại Việt Nam là 3.263,26 USD/lượng tính đến chiều thứ Sáu (5/4), tương đương khoảng 2.719 USD/ounce.

Giá vàng Việt Nam leo thang có thể là nguyên nhân khiến buôn lậu vàng vào nước này được cho là đang diễn ra mất kiểm soát.

Điển hình của tình trạng này là vụ án buôn lậu 6.150kg vàng 999 trị giá hơn 8.400 tỷ đồng từ Campuchia về Việt Nam của một đường dây do hai phụ nữ Việt Nam là Nguyễn Thị Minh Phụng và Nguyễn Thị Kim Phượng cầm đầu.

Cơ quan chức năng Việt Nam nhận định rằng đây là vụ án nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự quản lý kinh tế của nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh vàng.

Ổn định thị trường vàng là một vấn đề cấp bách đối với chính phủ Việt Nam khi những kẻ buôn lậu lợi dụng giá trong nước cao hơn để nhập lậu vàng vào Việt Nam, dẫn đến biến động tỷ giá và làm suy yếu tiền đồng, gây tổn hại cho nền kinh tế, theo SCMP.

Vào giữa tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện chỉ đạo “đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua; không để tình trạng ‘vàng hóa’ nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối…”

Năm ngoái, Việt Nam nhập khẩu khoảng 55,5 tấn vàng, trong khi năm 2020 chỉ 39,8 tấn, theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới.

Việc gia tăng buôn lậu vàng có nguyên nhân từ việc thiếu vàng từ các kênh chính thống trong nước và nhu cầu có một nguồn đầu tư/tích trữ an toàn trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Tình trạng này gây áp lực lên tiền đồng do những kẻ buôn lậu cần mua USD tại chợ đen để mua vàng, gây khó khăn cho ngân hàng trung ương trong việc kiềm chế lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu.

Độc quyền vàng miếng

 

Getty Images
Chính sách độc quyền vàng miếng đã dẫn tới nhiều hệ lụy cho thị trường vàng và cho nền kinh tế.

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, mức chênh lệch trong nước so với tỷ giá quốc tế đã lên tới 15 triệu đồng (600 USD) mỗi lượng trong những tháng gần đây, so với mức 2 đến 3 triệu đồng khoảng một thập kỷ trước sau khi thực hiện độc quyền, báo South China Morning Post trích lời ông.

Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính và Tiền tệ Quốc gia tháng trước đã đề xuất chấm dứt sự độc quyền của nhà nước trong nhập khẩu vàng và sản xuất vàng thỏi.

Hội đồng cho biết quy định 12 năm tuổi này “đã đạt được thành công và hoàn thành sứ mệnh của mình”.

Ông Khánh nói: “Nếu tình trạng độc quyền không được chấm dứt, giá vàng nội địa chắc chắn sẽ tiếp tục tăng và nó sẽ có tác động rất tiêu cực đến tiền đồng và nền kinh tế.”

Ông Khánh dự báo khoảng cách có thể nới rộng lên 25 đến 30 triệu đồng vào cuối năm nay nếu duy trì thế độc quyền.

Hồi năm 2022, trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về thực trạng độc quyền kinh doanh vàng tại Việt Nam, chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nói:

“Tất cả mọi thứ khi có độc quyền là sẽ dẫn đến tham nhũng, anh có quyền cho người ta độc quyền nhập vàng về bán thì người ta sẽ nâng giá vàng lên kiếm lời để ăn chênh lệch. Rồi người ta có lời rồi thì người ta nộp lại cho anh.”

“Khi nào có power (quyền lực) thì khi đó có vấn đề tha hóa quyền lực. Cái độc quyền này nó dẫn tới tới thực trạng tham nhũng, không chỉ có vàng mà còn rất nhiều thứ khác nữa, như đất đai chẳng hạn. Điều này tôi đã nói với với BBC gần đây,” ông Thành nói từ Hội An qua điện thoại.

Quan điểm này cũng được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ.

Bà Lan mô tả rằng “đương nhiên khi đã được trao sự độc quyền thì người ta không dại gì mà không giành lấy lợi ích rất lớn cho mình”.

Nguồn : https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjq529lyjq7o

RELATED ARTICLES

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Most Popular